Tại sao Mỹ tuyên chiến với Đức

Hội nghị Yalta họp trên bán đảo Crimê, khi ấy thuộc Liên Xô, đã để lại một di sản dài lâu, đến nay vẫn còn chưa chấm dứt cho toàn châu Âu.

Khi ba nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô họp ở Yalta từ ngày 4 đến ngày 11 tháng Hai năm 1945 để quyết định các vùng ảnh hưởng của họ sau Thế Chiến Hai, Stalin là người ở vị trí mạnh nhất.

Hồng Quân Liên Xô lúc ấy đã phá tan hệ thống phòng thủ của nước Đức phát-xít ở phía Đông và sắp vào đến sào huyệt của Hitler ở Berlin.

Số phận châu Âu

Mục tiêu của Stalin ngay từ trước hội nghị là mở rộng vùng ảnh hưởng của Liên Xô sang càng gần Tây Âu bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Điều đó sẽ có nghĩa là nước Balan sau Thế Chiến sẽ không chỉ mất đất đai mà còn bị kẹt cứng trong khu vực Matxcơva kiểm soát.

Nhưng lãnh thổ và biên giới Balan không phải mà điều Stalin muốn duy nhất. Khi đồng ý tuyên chiến với Nhật Bản, chiếm các đảo Kurile và đồng ý thành lập Liên Hiệp Quốc, Stalin đã ‘ra giá’ là Liên Xô phải được ghế thành viên thường trực với quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an LHQ.

Lâu đài Livadiyskiy là nơi diễn ra hội nghị Yalta


Hoa Kỳ và Liên Xô đã gặp nhau ở điểm này. Tổng thống Roosevelt chịu bay chuyến bay dài đến tận Yalta dù sức khoẻ rất yếu kém là để được nghe sự đồng ý của Stalin cho hai điều: thành lập LHQ và yêu cầu Nga tham chiến đánh Nhật.

Roosevelt không lo nhiều về số phận các nước châu Âu. Nhưng đó lại lại mối lo âu chính của Churchill bởi vị thủ tướng quý tộc này hiểu rõ rằng sau Thế Chiến, nước Anh không còn vị trí như trước ở các thuộc địa sẽ dần độc lập, mà phải cố giành lấy càng nhiều càng tốt một vai trò tại châu Âu.

Churchill tìm mọi cách để trừng phạt Đức nhưng phục hồi Pháp sao cho thật mạnh ở lục địa để làm chỗ dựa cho Anh. Churchill cho rằng Roosevelt quá ngây thơ về các ý định của Stalin và cố gắng thúc đẩy nghị trình vì châu Âu của mình.

Thủ tướng Anh cũng không muốn người Nga làm chủ Balan. Vì chẳng phải cuộc xâm lược Balan của quân Đức đã buộc Anh và Pháp tuyên chiến với Hitler đó sao?

Lại chuyện Balan

Nhưng bản đồ châu Âu sau Thế Chiến lại được quyết định bởi mâu thuẫn quanh số phận của Balan, nước lớn nhất vùng Trung Âu.

Dù Churchill cố lên tiếng vì một Balan độc lập với Liên Xô nhưng nước Anh chẳng có gì để gây sức ép. Trái lại, Stalin có tất cả: một đội quân hùng hậu, trên đà chiến thắng đã làm chủ toàn bộ lãnh thổ Balan, một chính phủ lâm thời do những người cộng sản Balan được Liên Xô giúp đỡ lập nên ở phía Đông Balan.

Thủ tướng Anh Winston Churchill đã đến hội nghị Yalta tháng Hai 1945 ở thế yếu


Stalin ra lệnh cho Hồng Quân và quân đội cộng sản Balan không được cứu cuộc khởi nghĩa Warszawa năm 1944 do những người cộng hòa chủ xướng.

Quân cộng sản Liên Xô và Balan đứng ngay bên bờ sông Wisla nhìn quân Đức đốt phá thành phố và tàn sát hàng vạn người khởi nghĩa. Một số lớn người Balan ưu tú không theo cộng sản bị tiêu diệt trong cuộc khởi nghĩa đẫm máu đó.

Stalin cũng quyết định cắt gần một phần ba lãnh thổ Balan ở phía Đông để sát nhập vào Liên Xô. Đổi lại, Balan được một phần lớn đất của Đức và thành phố Gdansk, trước Thế Chiến là Danzig. Đây là thành phố từng có số dân Đức khá đông và do tranh cãi giữa Balan với phát-xít Đức nên được hưởng quy chế ‘thành phố tự do thuộc Hội Quốc Liên’. Nay thì nó hoàn toàn thuộc về Balan.

Chính phủ liên hiệp

Nhưng còn số phận chính phủ Balan và hàng vạn lính cộng hòa Balan chiến đấu ở mặt trận phía Tây cùng quân đồng minh Anh, Mỹ và Pháp?

Sau khi Warszawa thất thủ năm 1939, chính phủ nước này chạy sang Rumani rồi tập hợp lại ở Anh. Họ là một phần của Đồng minh đánh phát-xít với nhiều quân đoàn đóng góp xương máu cho cuộc chiến.

Ba lãnh tụ Anh, Mỹ và Liên Xô chỉ đồng ý được với nhau ở Yalta trong một tuyên bố chung là ‘chính phủ lâm thời Balan’-tức chính phủ Balan cộng sản do Liên Xô dựng lên, sẽ ‘mở rộng thành phần, gồm cả người Balan ở hải ngoại’.

Nhà lãnh đạo Balan từ Luân Đôn, ông Stanislaw Mikolajczyk về nước tham gia chính phủ liên hiệp và giữ chức phó thủ tướng.

Năm 1948, tổng thống Tiệp Khắc Edvard Benes thuộc phe dân chủ đã từ chức trước sức ép của cộng sản


Một mô hình tương tự được áp dụng cho Tiệp Khắc, nơi các chính trị gia từ chính phủ kháng chiến ở hải ngoại về tham gia chính quyền với những người cộng sản do Liên Xô ủng hộ.

Nhưng Stalin đã có các biện pháp cụ thể khiến mô hình ‘chính thể liên hiệp’ phải chấm dứt.

Năm 1947, nhà nước Balan cáo buộc phó thủ tướng Stanislaw Mikolajczyk là ‘gián điệp’ và buộc ông phải rời Balan.Sau khi 16 nhà lãnh đạo phe kháng chiến Balan đến gặp Hồng Quân Liên Xô rồi bị tuyên bố là ‘mất tích’, Churchill viết thư hỏi Stalin nhưng chẳng có kết quả gì.

Stalin còn cho thủ tiêu dần những lãnh đạo Balan cộng sản nhưng không theo đường lối Matxcơva. Chính phủ liên hiệp ở Tiệp Khắc cũng kết thúc tương tự. Năm 1948, tổng thống dân chủ Edvard Benes, người lãnh đạo lực lượng kháng chiến Tiệp ở Phương Tây về nước tham chính sau 1945, đã từ chức trước sức ép của phe cộng sản.

Thảm kịch cho hàng triệu người

Cuộc chia cắt lại lãnh thổ châu Âu sau Thế Chiến đã kéo theo những hậu quả khủng khiếp cho hàng triệu dân Đông Âu. Người Balan ở vùng bị cắt cho Liên Xô bị tống lên xe và tàu để về vùng Tây Balan, nơi chính quyền Balan trục xuất hàng vạn người Đức, buộc họ về nước Đức bại trận.

Nhiều nghìn người thuộc đủ các dân tộc đã bị chết trên đường di dân cưỡng bức. Hàng nghìn người Ukraina cũng chịu số phận mất nhà cửa tương tự. Nước Rumani cũng bị chia cắt để lấy một phần lãnh thổ nhập vào Liên Xô. Biên giới Hungary cũng bị sửa lại.

Sau chiến tranh, hàng nghìn người Cô-dắc chiến đấu trong các binh đoàn phát-xít Đức lập ra để đánh quân Đồng minh được hội nghị Yalta đồng ý là sẽ trở về Liên Xô bình thường vì họ là công dân Xô-Viết. Roosevelt và Churchill đồng ý với điều đó dù ai cũng biết án tử hình đợi những người Cô-dắc ở Liên Xô.

Nước Anh cũng đồng ý để các binh sĩ Nam Tư, Balan trở về nước sau Thế Chiến. Họ thường bị các chính quyền cộng sản mới thành lập bắt tù và hãm hại. Sự hình thành nước Nam Tư với chính sách 'đông lạnh' các xung đột sắc tộc, tôn giáo dưới thời Tito là một phần gây ra cuộc bùng nổ bạo lực sau Chiến Tranh Lạnh.

 Khi đó, các đồng minh Tây Âu chỉ biết trông cậy vào lòng tốt của Stalin

Sử gia A J P Taylor


Ngày nay, có nhiều ý kiến phê bình hai nhà lãnh đạo Anh và Mỹ đã chịu sức ép nhiều từ Stalin và vì quyền lợi của các đại cường mà không tính đến các hậu quả lâu dài cho châu Âu.

Nhưng sử gia A J P Taylor, trong cuốn Oxford English History 1914-1945, có cái nhìn thông cảm hơn với hai vị này. Ông cho rằng khi ấy:

‘Quân Liên Xô làm chủ gần hết vùng Đông Âu và các đồng minh Tây Âu chỉ biết trông cậy vào lòng tốt của Stalin mà thôi, trừ khi họ muốn đảo ngược hiệp ước đồng minh với Stalin để ký kết với Hitler. Và tất nhiên chẳng ai nghĩ như vậy cả’.

Di sản của Yalta mãi đến gần đây mới chấm dứt dù chưa toàn vẹn, sau khi Balan và một loạt nước Đông Âu gia nhập EU. Trên thực tế, theo một số ý kiến, họ không gia nhập một tổ chức mới mà chỉ trở lại chỗ đứng trước Thế Chiến Hai của họ.

Trước Thế Chiến Hai, Balan, Tiệp và đa số các nước Đông Âu đã có chế độ dân chủ đại nghị và là đồng minh của Anh, Pháp và Mỹ.

Nhiều người cho rằng Liên Hiệp Châu Âu có trách nhiệm đạo đức phải mở rộng vòng tay với các dân tộc Trung và Đông Âu. Nay EU đã làm được rất nhiều để sửa lại những bất công do hiệp ước Yalta gây ra, nhưng sự thống nhất lục địa vẫn còn chưa hoàn tất, và di sản Yalta vẫn còn phủ bóng ở nhiều vùng châu Âu.

Video liên quan

Chủ Đề