Ông công và ông táo là ai

Tết ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, người Việt lại sắp mâm lễ vật tiễn Táo quân cưỡi cá chép về trời để báo cáo tình hình hạ giới trong năm qua với Ngọc Hoàng. Vậy ông Công và ông Táo là “hai” ông hay “một” ông? Hãy cùng Khacnhaugiua.vn đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây!

1. Sự tích về ông Công – ông Táo

Theo sự tích của dân gian, Trọng Cao và Thị Nhi là hai vợ chồng. Chung sống với nhau đã lâu mà không con, nên hai người sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau.

Trong một lần cãi vã, Trọng Cao giận quá đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại thấy bản thân mình có lỗi nên đi tìm vợ. Trong quá trình đi tìm vợ, tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Tình cờ Trọng Cao ghé vào nhà Thị Nhi để xin ăn. Hai người nhận ra nhau. Thị Nhi mời Trọng Cao vào nhà uống nước, hàn huyên chuyện cũ. Thị Nhi lúc này vô cùng hối hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Ông Công ông Táo được bắt nguồn từ sự tích dân gian

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì sẽ hiểu lầm nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Sau khi chết, ba vị được đưa đến gặp Thượng Đế. Thượng Đế nhận thấy ba người đều có nghĩa nên sắc phong cho làm Táo Công, tên gọi chung là Định Phúc Táo Quân. Mỗi người đều có nhiệm vụ riêng. Cụ thể, Phạm Lang được phân làm Thổ Công, trong coi không gian xung quanh gia đình, một số nơi còn cho là coi việc bếp núc. 

Trọng Cao được phong làm Thổ Địa, trông coi nhà cửa đất đai. Thị Nhi làm Thổ Kỳ, phụ trách việc trồng trọt, chăn nuôi và chợ búa của một gia đình. 

2. Ông Công và Ông Táo là hai người khác nhau?

Từ Sự tích của dân gian có thể thấy, ông Công và ông Táo là khác nhau hoàn toàn. Ông Thổ Công được cho là một trong ba vị Táo quân. 

Tuy nhiên, ở nhiều nơi, người ta vẫn coi Thổ công là Thổ công, Táo quân là Táo quân, không lẫn lộn. Dường như vấn đề này trở nên phức tạp hơn bao giờ hết khi những khái niệm và ý kiến càng trở nên rắc rối với các tên gọi Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ xuất hiện trong những bộ phim dân gian về Táo quân của Trung Quốc. 

Trong văn học dân gian Việt Nam, người ta cũng không đề cập đến việc Thổ Công [Thổ Địa, Thổ thần] có liên quan đến Táo quân và cũng không tách bạch 3 Táo quân với tên gọi cụ thể như văn hoá Trung Quốc. Trường hợp coi Thổ công là một trong 3 vị Táo quân thì sẽ giải thích ra sao khi người ta cúng Thổ công trước khi khởi công xây dựng công trình ở những chỗ hoàn toàn không có người ở trước đó, mà 3 vị Táo quân thì luôn luôn phải đi cùng với nhau và chỉ liên quan đến việc bếp núc.

Lễ cúng ông Táo được làm ở dưới bếp

Ngay như trên bàn thờ tổ tiên theo tín ngưỡng của người Việt, thì Thổ công được thờ ở bên trái nhưng không thấy gia đình nào thờ Táo quân trên nhà cả. Từ đây có thể thấy, việc cho Thổ công là một trong ba Táo quân thiếu luận cứ vững chắc.

Đến đây, lại có ý kiến cho rằng Thổ công là một vị thần cai quản đất đai, thường là nam giới, hiện diện trên mặt đất theo tưởng tượng của đa số người dân.  

Trong khi đó thì Ông Táo hay còn được gọi là Táo quân, Vua bếp, hay Ông đầu rau là một bộ chư thần gồm ba thần hai nam và một nữ trông coi việc bếp núc gia đình và những vị thần này theo quan niệm chỉ hiện diện trong bếp mà thôi.

Trước đây, người ta sử dụng nhiều bếp củi, bếp rơm rạ nên có 3 cục đầu rau nặn bằng đất sét. Có lẽ từ hình ảnh này, câu chuyện ông Táo cảm động được tạo ra. Và Lễ cúng ông Táo đúng vào ngày 23 tháng Chạp -ngày theo quan niệm dân gian là ngày tiễn chung Ông Công hay Thổ Công và ông Táo về chầu trời. Trong ngày này, người ta sẽ cúng ông Táo dưới bếp và ông Công – Thổ Công được cúng ở ban thờ chính trên nhà cùng gia tiên.

Trên đây là những thông tin được Khacnhaugiua.vn tổng hợp lại được nhằm giải đáp cho độc giả thắc mắc: Ông Công và ông Táo khác nhau hay là “một”? Cuối cùng, dù có ủng hộ lý lẽ nào được chúng tôi đưa ra thì ông Công và ông Táo vẫn là hai người hoàn toàn khác nhau. Hy vọng qua bài viết này, các bạn độc giả đã có được những thông tin cần thiết, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đang tới rất gần như hiện nay.

Bài này viết về một truyền thuyết thờ cúng. Đối với một chương trình truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam có tên tương tự, xem Gặp nhau cuối năm.

Đối với các định nghĩa khác, xem Táo.

Táo Quân [Chữ Hán: 灶君]; Táo Vương [灶王] hay Ông Táo [翁灶] trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam và Trung Hoa được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà; Táo [灶] có nghĩa là bếp. Việt Nam và Trung Hoa có những truyền thuyết về Táo Quân khác nhau.

 

Táo Quân Trung Hoa

Táo quân là một vị thần có lịch sử lâu đời và lai lịch hiển hách trong văn hóa tín ngưỡng truyền thống Trung Quốc. Trong lịch sử Trung Quốc, từ thời Tiên Tần đến thời Minh Thanh, việc cúng tế thần Táo quân được coi là một lễ tế quan trọng của triều đình phong kiến. Các thư tịch cổ của Trung Quốc có nhiều ghi chép về phong tục tế thần Táo quân.

Ghi chép

  • Theo Lã Thị Xuân Thu: Chúc Dung là thần quản lý lửa do Viêm Đế mang tới, khi chết người dân thờ làm thần lửa
  • Theo Ngũ Kinh Di Nghĩa: Táo Quân tên Tô Cát Lợi, vợ là Vương Thị
  • Theo Dũ Dương Tạp Trở: thần lửa trông như một cô gái đẹp, tên là Ổi hay Trương Đan, tên chữ là Tử Quách, những ngày không trăng thường lên trời tâu về việc người nào có lỗi...
  • Theo Hoài Nam Tử: Viêm Đế [tức Thần Nông] mang lửa đến cho dân nên khi chết được thờ làm thần bếp

Về giới tính, người dân Phúc Kiến, Giang Tây cho rằng Táo là nữ thần, gọi là "Táo Quân Lão mẫu" hoặc "Táo Quân Thái thái". Theo Thái Bình Ngũ Lãm trích từ Ngũ Kinh dĩ nghĩa, Trịnh Huyền cho Táo Thần là "lão phụ" tức một người đàn bà. Hứa Thận, nhà ngôn ngữ đời Đông Hán, thì cho rằng: "Táo Thần họ Tô tên Cát Lợi, phu nhân của Táo Thần họ Vương tên Bác Giáp" và hình tượng Táo Thần là người đàn ông. Nhưng người vùng Ninh Hóa và một số vùng khác thì vẫn tôn thờ nữ thần, có thể do họ chịu ảnh hưởng của Trịnh Huyền hoặc cho Táo Thần chuyên lo việc bếp núc, điều tra tội nhỏ, là việc của nữ giới[1].

Truyền thuyết

Truyền thuyết phổ biến nhất trong dân gian Trung Hoa là chuyện Trương Táo Vương phát tích từ vùng Sơn Đông như sau: trước kia, một gia đình họ Trương có hai vợ chồng già sống cùng con trai tên là Trương Lang và con dâu tên là Quách Đinh Hương.[2] Trương Lang không thích làm ruộng, bỏ ra ngoài đi buôn. Đinh Hương ở nhà một mình trồng cấy, gánh vác công việc nhà chồng và chăm sóc cha mẹ chồng. Cuộc sống của nàng vô cùng vất vả. Sau 5 năm biền biệt bặt vô âm tín, vừa về đến nhà, Trương Lang đuổi Đinh Hương và lấy Lý Hải Đường về làm vợ. Đinh Hương không nơi nương tựa được một bà lão đưa về nuôi, về sau trở thành con dâu của bà và có cuộc sống viên mãn.

Một năm nọ, gia đình Trương Lang gặp phải đám cháy lớn, tài sản bị thiêu rụi, người vợ sau cũng bị thiêu chết. Trương Lang bị thiêu mù đôi mắt, không còn cách nào đành lưu lạc xin ăn ngoài đường. Một hôm, Trương Lang đến nhà Đinh Hương xin ăn. Nàng không chỉ mang cơm ngon canh ngọt ra mời, mà còn tặng thêm vàng bạc cho chồng cũ. Về sau, Trương Lang biết được người phụ nữ hảo tâm chính là vợ cũ của mình, trong lòng hối hận, xấu hổ vô cùng, bèn đâm đầu vào bếp lửa và bị chết cháy trong đó. Vì Trương Lang cùng họ với Ngọc Hoàng Thượng đế, nên được Ngọc Hoàng phong cho làm Táo vương.[3]

Vùng Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến lại lưu truyền câu chuyện về một người tên là Trương Định Phúc, gia cảnh bần hàn, nhưng lại lười biếng, ham mê cờ bạc đến mức khuynh gia bại sản, phải bán cả vợ. Người vợ vẫn thương xót chồng, thường giấu giếm cho ăn. Về sau, Trương Định Phúc xấu hổ vô cùng, đâm đầu vào bếp lò chết. Sau khi chết, Ngọc Hoàng Thượng đế cho anh ta làm Táo thần. Cư dân hai bên bờ sông Trường Giang cũng lưu truyền câu chuyện về vị Táo vương bạc tình như sau: Ngày trước, có một chàng trai con phú gia tên là Lý Hồi Tâm. Vợ anh ta tên là Vương Huệ Mẫn, vốn là con gái một gia đình làm ruộng.

Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có con, có bà mối gần nhà đã làm mối cho Lý Hồi Tâm lấy cháu gái mình làm vợ lẽ. Không lâu sau, Lý Hồi Tâm nghe lời xúi giục của vợ bé đuổi Vương Huệ Mẫn ra khỏi nhà. Vương Huệ Mẫn vô cùng đau khổ, bỏ đến một nơi hoang vắng, tự khai hoang lập ấp. Nàng còn chiêu mộ, giúp đỡ thêm nhiều người dân nghèo lang thang cơ nhỡ đến an cư lạc nghiệp ở đó. Mọi người đồng cam cộng khổ, chăm chỉ lao động, xây dựng vùng đất hoang vu ngày nào thành một trang ấp trù mật, giàu có. Mọi người trong ấp đều nhất trí tôn Vương Huệ Mẫn làm thủ lĩnh.

Còn về Lý Hồi Tâm, từ khi đuổi vợ cả đi, hằng ngày ăn uống chơi bời với vợ lẽ. Vài năm sau, gia sản ông cha để lại đã bị tiêu tán hết. Người vợ kế vốn lười làm ham chơi, thấy chồng trở nên nghèo khó, đã vội vã đi lấy người khác. Lý Hồi Tâm đành phải đi xin ăn để duy trì cuộc sống. Một hôm, anh ta đến xin ăn đúng nhà Vương Huệ Mẫn. Mọi người trong nhà tiếp đón anh ta ân cần tử tế. Về sau, nhận ra chủ nhà chính là người vợ cũ đã bị mình đuổi đi, anh ta xấu hổ và hối hận vô cùng, bèn đâm đầu vào bếp lò chết cháy. Vương Huệ Mẫn cũng qua đời ít lâu sau đó vì quá thương xót chồng. Ngọc Hoàng Thượng đế cho rằng Lý Hồi Tâm dũng cảm nhận sai, bèn phong làm Táo thần; Vương Huệ Mẫn thông minh hiền thục được phong làm Táo Vương Bà Bà.

Thờ cúng

Người Trung Quốc cho rằng trước kia mỗi tháng vua bếp lên trời một lần vào ngày tối [ngày cuối tháng âm lịch] để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình nhưng sau này, mỗi năm vua chỉ lên trời một lần vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp. Vào ngày đó, người Trung Quốc bày bàn thờ gần bếp, cúng vua bếp bằng thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo. Ngoài ra còn có nước và cỏ khô cho ngựa của vua bếp "ăn" để bay và chở vua lên trời gọi là cò bay ngựa chạy[1].

 

Đồ mã cúng Táo Quân

Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc[4]. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất. Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết[5], nội dung chính được tóm tắt như sau:

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân [定福灶君], nhưng mỗi người giữ một việc:
  • Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
  • Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
  • Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần[6]

Thờ cúng

Bài chi tiết: Lễ cúng ông táo

 

Bộ đồ cúng Táo Quân

Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời nên có nơi gọi ngày này là "Tết ông Công", lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng, ông Táo cưỡi cá chép lên trời[7] [ngày nay nhiều người chuộng dòng cá chép đỏ].

Ngoài ra người Việt Nam còn quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng Thượng đế những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này có thể là do Văn hóa và thói quen từ xa xưa truyền lại.

Bài chi tiết: Gặp nhau cuối năm

Một chương trình truyền hình đặc sắc của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng vào 20h00 ngày 30 Tết hàng năm trên tất cả kênh truyền hình là Gặp nhau cuối năm hay còn gọi là Táo quân. Nội dung chương trình là các buổi chầu nơi các Táo báo cáo với Ngọc Hoàng những việc mình đã làm được trong suốt 1 năm qua

  1. ^ a b Xem bài Người Trung Quốc ăn Tết ra sao? Lưu trữ 2008-02-09 tại Wayback Machine
  2. ^ Tết ông Công ông Táo - Sự tích và nét văn hóa
  3. ^ Ngô Tử Tân [1957] “Lai lịch của thần Táo quân” [tiếng Trung], Tạp chí Văn học Dân gian, số 12.
  4. ^ Trần Quốc Vượng, Tr. 330.
  5. ^ Nhất Thanh [Đất Lề Quê Thói, Saigon 1970, tr. 320] chép huyền thoại này như sau: Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo đến nỗi phải bỏ nhau. Sau, người vợ lấy được người chồng khác giàu có. Một hôm cúng, đang đốt vàng mã ngoài sân, vô tình người chồng trước vào xin ăn, vợ nhận ra, động lòng thương cảm, đem cơm gạo tiền bạc ra cho. Người chồng sau biết chuyện, người vợ bèn lao đầu vào đống vàng cháy chết thiêu. Người chồng cũ cảm kích nhảy vào lửa chết theo. Chồng sau vì thương, nên cũng nhảy vào nốt. Cả ba đều chết cháy. Ngọc Hoàng thấy ba người có nghĩa, phong làm vua bếp."[1]
  6. ^ “Theo Cao Đài từ điển, mục từ Táo quân-Táo Vương”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2009.
  7. ^ Nguồn gốc và ý nghĩa những từ ngữ Tết Lưu trữ 2007-12-15 tại Wayback Machine

  • Cao Đài từ điển: Táo quân - Táo vương Lưu trữ 2007-12-12 tại Wayback Machine
  • Bài Nguồn gốc và ý nghĩa những từ ngữ Tết Lưu trữ 2007-12-15 tại Wayback Machine của tác giả Phong Hoá.
  • Bài Táo quân Việt Nam và táo quân Trung Quốc của tác giả Lê Anh Minh.
  • Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc [2000]
  • Gặp nhau cuối năm
  • Mâm cỗ truyền thống rước ông Táo về Trời Lưu trữ 2014-05-07 tại Wayback Machine
  • Thờ cúng Ông Táo ở các miền Việt Nam. Lưu trữ 2007-12-06 tại Wayback Machine
  • Sự tích Táo Quân

Lấy từ “//vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Táo_quân&oldid=68083438”

Video liên quan

Chủ Đề