Văn minh asean được các nhà nghiên cứu thừa nhận là

QPTD -Thứ Ba, 04/12/2012, 01:27 (GMT+7)

Những ý kiến thiếu thiện chí đối với Tuyên bố nhân quyền ASEAN

Ngày 18-11, tại Hội nghị cấp cao các nước ASEAN họp tại Phnôm Pênh - Cam-pu-chia, lãnh đạo các nước đã nhất trí thông qua Tuyên bố nhân quyền ASEAN - văn kiện chính trị đầu tiên phác thảo khuôn khổ tăng cường hợp tác, bảo vệ nhân quyền của các nước ASEAN. Nhưng đáng tiếc, trước và sau khi Tuyên bố nhân quyền ASEAN được công bố, một số chính phủ, tổ chức, cá nhân và cơ quan truyền thông trên thế giới đã lên tiếng phê phán nội dung văn kiện này. Dường như đối với họ, nỗ lực phấn đấu vì nhân quyền của ASEAN phải hướng theo sự áp đặt từ bên ngoài, chứ không phải từ nhận thức và tự thân của các nước ASEAN trong quá trình hội nhập và phát triển?

Tháng 9-2009, tại Hội nghị cấp cao các nước ASEAN lần thứ 15 họp tại Cha Am (Thailand), lãnh đạo các nước ASEAN đã nhất trí thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHAR) - cơ quan có trách nhiệm thúc đẩy, bảo vệ những quyền cơ bản của gần 600 triệu người dân trong ASEAN. Sự kiện này là bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng ASEAN, đồng thời xác định thời điểm để các nước ASEAN cùng nghiên cứu và thảo luận nhằm xây dựng Tuyên bố nhân quyền ASEAN. Và ngày 18-11-2012, tại Hội nghị cấp cao các nước ASEAN lần thứ 21 họp tại Phnôm Pênh - Cam-pu-chia, lãnh đạo các nước đã nhất trí thông qua Tuyên bố nhân quyền ASEAN (AHRD). Ðánh giá về AHRD, ông Surin Pitsuwan - Tổng Thư ký ASEAN, coi đây là "một diễn biến trọng đại", Bộ trưởng ngoại giao Philippines - Albert del Rosario, cho rằng:

"Ðây là một di sản để lại cho con cháu chúng ta", Bộ trưởng Ngoại giao Mianma - Wunna Maung Lwin, thì nhận xét: "Ðây là một bước đi rất quan trọng của ASEAN"...

Thế nhưng, sự ra đời của AHRD lại gặp phải phản ứng tiêu cực của một số chính phủ, tổ chức, cá nhân ở ngoài ASEAN. Với sự trợ giúp của BBC, RFA, RFI, VOA,... họ thi nhau đưa ra các đánh giá phi lý, thậm chí đề nghị "chưa nên thông qua AHRD". Họ cho rằng: "một số điều khoản trong Tuyên bố nói nhân quyền có thể bị hạn chế vì lý do an ninh, trật tự công cộng hoặc đạo đức,... các điều khoản như vậy có thể bị lạm dụng để bào chữa cho sự vi phạm nhân quyền", "dự thảo tuyên bố nhân quyền của ASEAN không phù hợp với các chuẩn mực hiện hành về nhân quyền. Thậm chí, văn bản này có thể làm tăng thêm quyền lực cho một số nhà nước trong ASEAN vi phạm nhân quyền, thay vì tạo ra các cơ chế mới giúp bảo vệ người dân tránh được những hành động bạo lực". Phil Robertson - Phó Giám đốc châu Á của HRW (Tổ chức theo dõi nhân quyền), thì tuyên bố hàm hồ: "Ðây chỉ là trò đánh bóng mặt mũi... Cuối cùng ASEAN cũng chạm đến được vạch về đích với một tuyên bố khiếm khuyết không đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế".

Từ góc nhìn của lương tri, vì sự phát triển của nhân quyền, lẽ ra một số chính phủ, tổ chức, cá nhân và cơ quan truyền thông quan tâm đến vấn đề cần cổ vũ, khuyến khích tính tích cực xã hội trong nhận thức và hành động của các nước ASEAN khi khẳng định và bảo vệ nhân quyền, thì rất tiếc, họ cố săm soi AHRD, lấy quan điểm của mình làm thước đo, để đưa ra các đòi hỏi vô lý. Thật ra, vấn đề họ quan tâm không phải là việc qua AHRD, các nước ASEAN tái khẳng định sự tuân thủ đối với những mục tiêu, nguyên tắc của Hiến chương ASEAN, tái khẳng định cam kết đối với Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền cùng các văn kiện quốc tế về nhân quyền khác mà các nước thành viên ASEAN tham gia; đồng thời khẳng định mọi công dân trong ASEAN đều có những quyền cơ bản về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền phát triển, quyền hưởng hòa bình,... mà chủ yếu họ quan tâm tới nội dung Ðiều 7 và Ðiều 8 trong Nguyên tắc chung của AHRD.

Ðọc Ðiều 7 và Ðiều 8 của AHRD, không khó nhận ra đây là kết quả của một tiếp cận khách quan, toàn diện - lịch sử - cụ thể - phát triển với vấn đề nhân quyền, và với chính cộng đồng ASEAN. Nếu một mặt AHRD khẳng định sự bình đẳng về nhân quyền trong những mối liên hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội; thì mặt khác, AHRD cũng chỉ rõ đó không phải là nhân quyền của con người chung chung, mà là nhân quyền của con người cụ thể, trong tư cách là công dân ở các quốc gia có "hoàn cảnh khác nhau về chính trị, kinh tế, pháp lý, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo" - có thể coi đây là thể hiện thái độ tôn trọng nét riêng về truyền thống, và về sự lựa chọn đường hướng phát triển của mỗi quốc gia trong ASEAN. Không xem xét mối tương quan giữa nhân quyền với sự thụ hưởng nhân quyền của con người cụ thể đang sinh tồn giữa một xã hội có hệ thống luật pháp cụ thể, với quyền lợi và trách nhiệm xã hội cụ thể, trong hoàn cảnh lịch sử, đặc trưng văn hóa, tôn giáo riêng,... người ta sẽ dễ lợi dụng nhân quyền để tạo dựng một thứ chiêu bài phục vụ các mục đích ngoài nhân quyền. Ðây là thực tế mà những năm gần đây, các tổ chức như FIDH (Liên đoàn nhân quyền quốc tế), AI (Tổ chức ân xá quốc tế), HRW (Tổ chức theo dõi nhân quyền),... vẫn dựa vào việc khai thác thông tin một chiều, bất chấp quyền tự chủ về pháp luật của Việt Nam, để đưa ra một số phê phán hết sức phi lý trong vấn đề nhân quyền. Còn khi cho rằng: "Không hề có một thiết chế khu vực hay quốc tế nào áp dụng tính "cân bằng" giữa việc thụ hưởng các quyền và tự do với nhiệm vụ và trách nhiệm", phải chăng người ta muốn cổ vũ cho sự vô chính phủ, chỉ biết "thụ hưởng các quyền và tự do", không cần quan tâm tới nhiệm vụ và trách nhiệm đối với xã hội?

Cũng như mọi quốc gia văn minh trong thế giới hiện đại, các nước ASEAN hoàn toàn ý thức được rằng, ổn định là một trong những yếu tố đầu tiên tạo ra nền tảng cho phát triển. AHRD đã đưa ra các chế định cần thiết và cụ thể là: "Việc thực thi nhân quyền và các quyền tự do cơ bản sẽ chỉ được giới hạn theo quy định của luật pháp nhằm mục đích bảo đảm việc thừa nhận nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của những người khác, và để đáp ứng các yêu cầu chính đáng về an ninh quốc gia, trật tự công cộng, y tế công cộng, an toàn công cộng, đạo đức công cộng, cũng như phúc lợi chung của tất cả mọi người trong một xã hội dân chủ". Ðiều này là hiển nhiên, không có gì khác biệt so với Ðiều 29 trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (Tuyên ngôn) của Liên hợp quốc với các nội dung: "1. Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà ở đó có thể thực hiện được sự phát triển tự do và đầy đủ nhân cách của bản thân. 2. Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được các đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ...". Tương tự như thế, so sánh với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước) của Liên hợp quốc thì vấn đề còn cụ thể hơn: Nếu điểm 1 Ðiều 18 của Công ước khẳng định: "Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo" thì điểm 3 Ðiều 18 cũng viết rõ ràng: "Quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay những quyền tự do căn bản của người khác"; nếu điểm 1, điểm 2 Ðiều 19 của Công ước khẳng định: "1. Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia" thì điểm 3 Ðiều 19 cũng chỉ rõ: "3. Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nêu trên) đòi hỏi đương sự phải có các bổn phận, trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a. Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác - b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý". Vì thế, trước khi cho rằng: "một số điều khoản trong Tuyên bố nói nhân quyền có thể bị hạn chế vì lý do an ninh, trật tự công cộng hoặc đạo đức,... các điều khoản như vậy có thể bị lạm dụng để bào chữa cho sự vi phạm nhân quyền", thì lẽ ra những người phê phán AHRD cần đọc lại Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, và tự thân hai văn bản này sẽ bác bỏ các cáo buộc vô căn cứ, thiếu thiện chí của họ. Thực tế cho thấy, khi đề cập tới Tuyên ngôn và Công ước, một số các tổ chức và cá nhân chỉ khai thác các nội dung có lợi đối với mục đích của họ, và tảng lờ các nội dung có thể biến ý kiến của họ thành phi lý, lố bịch. Nói cách khác, từ hai văn bản của Liên hợp quốc, có thể thấy một số chính phủ, tổ chức, cá nhân và cơ quan truyền thông thường xem xét, đánh giá nhân quyền bằng các tiêu chí chủ quan, với thái độ áp đặt. Có lẽ họ chỉ sử dụng vấn đề nhân quyền làm công cụ để can thiệp vào công việc nội bộ của một số quốc gia, hơn là phối hợp để cùng nỗ lực phấn đấu vì một nền nhân quyền chân chính.

Với bảy phần, 40 điều cụ thể về nhân quyền, AHRD được khẳng định là "văn kiện chính trị đầu tiên phác thảo khuôn khổ tăng cường hợp tác, bảo vệ nhân quyền ở khu vực Ðông - Nam Á... Thể hiện nguyện vọng, quyết tâm và nỗ lực trong việc xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, đồng thời khẳng định cam kết của ASEAN tôn trọng, thúc đẩy, bảo vệ các quyền cơ bản của con người cũng như phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân khu vực", và "khẳng định lại các giá trị nhân quyền chung, đi đôi với coi trọng các giá trị và đặc thù của ASEAN cùng các quốc gia trong khu vực, quyền đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm trước cộng đồng, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực quyền con người". Hy vọng từ sự đồng thuận được thể hiện trong AHRD, các nước ASEAN sẽ tiếp tục phấn đấu trên lộ trình vì sự phát triển nhân quyền một cách toàn diện, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi công dân ở mỗi quốc gia, qua đó góp phần xây dựng ASEAN ngày càng phát triển.

TRẦN QUANG HÀ/ nhandan.com.vn