Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam

THÁI BÌNH - Trước nay, danh tiếng của Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân, người châu Á đầu tiên và cũng là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ vốn đã được rất nhiều người biết đến, nể phục. Một ngày cuối tuần đầu tháng 3.2022, PV Lao Động có dịp được về thăm mái nhà xưa - nơi "chôn nhau cắt rốn" của vị tướng ba lần được phong danh hiệu Anh hùng. 

Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân (bên trái) và nhà du hành vũ trụ Xô viết - Viktor Vasilyevich Gorbatko trong chuyến bay vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 vào ngày 23.7.1980, trở về Trái Đất ngày 31.7.1980 trên tàu Soyuz 36. Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với hai nhà du hành vũ trụ Xô viết khác. Ảnh: NVCC
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Tháng 9.2020, trong cuộc trò chuyện với PV Lao Động, Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân nói rằng: “Tôi đã hàng trăm, hàng nghìn lần ngắm nhìn đất trời của Tổ quốc từ trên khoang lái của máy bay, bây giờ ngắm nhìn nó từ độ cao vũ trụ, lòng tôi thấy rộn lên niềm vui pha lẫn chút nghẹn ngào: Quê hương đất nước đã nâng cánh cho mình bay!“. Ảnh: Tô Thế
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Trước nay, người viết chỉ biết rằng Trung tướng Phạm Tuân quê ở Thái Bình, một vùng đất vốn thuần nông, nghèo khó, được biết đến là vựa lúa của miền Bắc. Hỏi kỹ mới hay, Phạm Tuân sinh năm 1947 tại làng Đắc Chúng (thường gọi làng Đắc) thuộc tổng Đồng Sâm, phủ Kiến Xương cũ, nay là thôn Đắc Chúng Trung (xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Ảnh: T.D
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Căn nhà gỗ cổ kính có tuổi đời hàng trăm năm này nằm khiêm tốn trong làng Đẳng cũ, chính là nơi bố mẹ đã sinh ra Anh hùng Phạm Tuân, vị tướng được cả thế giới biết tên. Hiện nay, ngôi nhà này trở thành báu vật đầy ắp kỷ niệm về thời nghèo khó của chàng trai Phạm Tuân thuở thiếu thời. Đây cũng là nơi thờ cúng tổ tiên, các cụ thân sinh của ông. Ảnh: T.D
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Ông Phạm Đình Niết (70 tuổi, em trai ruột Trung tướng Phạm Tuân) là người sinh sống hàng ngày, chăm lo hương khói và giữ gìn ngôi nhà, mảnh đất cha sinh mẹ đẻ. Ảnh: T.D
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
“Hôm nay 6.3 (ngày 4.2 Âm lịch) đúng ngày giỗ của cụ là mẹ thân sinh ra anh Tuân và tôi, nhưng do dịch bệnh căng thẳng quá nên anh ấy và các con, cháu của cụ không về được. Tôi cũng không tổ chức gì, đang bảo chiều nay hai vợ chồng làm mâm cơm cúng mẹ“. Ảnh: T.D
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Bố mẹ thân sinh ra Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân bên ngôi nhà cổ xưa gắn liền bao kỷ niệm của phi hành gia. Theo ông Niết kể lại, bố ông lên 8 tuổi đã mồ côi cả bố lẫn mẹ, ông cụ được chị gái dẫn theo làm người ăn, kẻ ở cho bên nhà chồng có điều kiện khá. Tiền công được bao nhiêu, bác gái của tướng Tuân giữ và tích cóp hộ. “Sau này khi thành thanh niên, ông cụ nhà tôi đem vốn liếng tích cóp được đi lập nghiệp riêng, buôn trâu bò thế nên cũng có khá hơn và lấy mẹ tôi, mua được ngôi nhà này rồi sinh ra anh chị em tôi“, ông Niết nhớ lại. Ảnh: NVCC
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Em trai ruột Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân, ông Phạm Đình Niết trò chuyện với PV Lao Động. Ông Niết kể, bố mẹ ông sinh được bốn người con, anh trai cả của gia đình chiến đấu, hi sinh năm 1952 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phạm Tuân là con trai thứ 2, sau đó là người chị gái sinh năm 1950 rồi cuối cùng sinh ông là con út. Ảnh: T.C
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Khoảng ao rộng trước nhà là nơi mỗi lần về thăm quê, Trung tướng Phạm Tuân vẫn hay ngồi ngắm hoa, câu cá. Ảnh: T.D  
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
"Hơn 40 năm trước, phương tiện thông tin đại chúng không được như bây giờ, tất cả thông tin đều rất hạn chế. Tôi nhớ như in đúng vào cái ngày anh Tuân bay vào vũ trụ từ bên Liên Xô thì cùng hôm đó ở nhà bão to lắm, mưa trắng trời, gió gào rú, cây cối hoa lá trong vườn đều đổ cả. Khi ấy, theo dõi thông tin bão trên Đài Tiếng nói Việt Nam gia đình tôi mới biết anh Tuân bắt đầu xuất phát bay vào vũ trụ", ông Niết hồi tưởng lại. Ảnh: T.D   
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Theo ông Niết, sau khoảng 3 ngày Trung tướng Phạm Tuân bay vào vũ trụ, cụ ông thân sinh ra anh em ông được mời vào đoàn đại biểu nhân dân Việt Nam bay sang Liên Xô để chúc mừng chuyến bay vào vũ trụ thành công. Cùng đi với bố Trung tướng Phạm Tuân còn có Trung tướng Nguyễn Đức Soát và mẹ của phi hành gia Bùi Thanh Liêm. Bức ảnh duy nhất của chuyến đi đó, bố Trung tướng Phạm Tuân chụp trước quảng trường Leningrad. Ảnh: NVCC
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Ông Vũ Đình Đước (76 tuổi) là hàng xóm sát vách và cũng là bạn thân đồng niên, nối khố của Trung tướng Phạm Tuân. Ảnh: T.D
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
“Thuở thiếu thời chúng tôi chăn trâu cắt cỏ, thả diều cùng nhau, một buổi đi học một buổi đi cày. Ai nghĩ và tưởng tượng được một ngày ông bạn nối khố của mình lại được chọn là người đầu tiên của châu lục, đầu tiên của Việt Nam bay vào khám phá vũ trụ, cảm xúc lúc đó rất vinh dự, tự hào như vui lây với niềm vui chung của Tổ quốc, dân tộc. Bạn bè chăn trâu thả diều với nhau thuở trẻ, sau anh Tuân đã được bay vào vũ trụ, tựa như cánh diều tuổi thơ tung bay trong gió, không gian“, ông Đước cười xúc động, nói. Ảnh: T.D
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
Theo ông Đước, ông Niết, dù từng ba lần được phong danh hiệu Anh hùng, nay cũng đã nghỉ hưu và sinh sống hàng ngày ở Hà Nội, thế nhưng Trung tướng Phạm Tuân vẫn luôn đau đáu về quê nhà, hễ có thời gian và điều kiện ông lại về quê vui thú ao vườn. Không nhà lầu, biệt thự, ông chỉ dựng một căn nhà nhỏ khiêm tốn nép bên chính ngôi nhà của bố mẹ để lại, để mỗi dịp về quê nghỉ ngơi, rồi lại đi. Ảnh: T.D
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
 Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân còn được biết đến là vị tướng có nhiều đóng góp, vận động, ủng hộ cho các phong trào xây dựng ở quê hương...
Người đầu tiên bay vào vũ trụ của Việt Nam
...từ trường học đến đường nông thôn, đường thôn xã ở Quốc Tuấn đều có dấu ấn của vị Anh hùng. Ảnh: T.D  

Trung tướng Phạm Tuân 3 lần được phong Anh hùng

- Trung tướng Phạm Tuân sinh ngày 14.2.1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

- Năm 1965, ông nhập ngũ vào Binh chủng Không quân

- Năm 1967, ông tốt nghiệp trường Phi công quân sự Liên Xô và được biên chế lái máy bay chiến đấu tại Trung đoàn Không quân Sao Đỏ

- Ngày 18.12.1972, Phạm Tuân bắn rơi máy bay B52 của địch, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn

- Năm 1973, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam

- Năm 1977, ông được đi học tại Học viện Không quân Gagarin

- Năm 1979, ông được chọn vào đội bay quốc tế Thứ Sáu

- Từ ngày 23 - 31.7.1980 ông thực hiện chuyến bay vào vũ trụ cùng đội bay quốc tế

- Năm 1980, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, cấp bậc Trung tá. Cùng năm này, ông được tặng Huân chương Lênin và Anh hùng Liên Xô

- Năm 1982, ông tốt nghiệp Học viện Không quân Gagarin

- Năm 1988, ông là Phó Tư lệnh Chính trị quân chủng Không quân

- Năm 1999, ông giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, được thăng quân hàm Trung tướng

- Năm 2008, Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân nghỉ hưu