Ưu thán là gì

Ưu thán là gì

Gây mê là phương pháp vô cảm nhằm mục đích làm mất tạm thời ý thức, cảm giác, các phản xạ, bằng các thuốc mê tác động trên thần kinh trung ương. Quá trình gây mê diễn ra qua các bước: khởi mê, duy trì mê, thoát mê, gia đoạn sau mổ. Trong từng gia đoạn đền có thể xảy ra các biễn chứng, phiền nạn. Người gây mê phải thăm khám bệnh nhân trước mổ, đánh giá, tiên lượng, và có kế hoạch lựa chọn gây mê cho bệnh nhân nhằm hạn chế những tai biến tốt nhất. Các biến chứng trong gây mê bao gồm: Biến chứng về hô hấp, Biến chứng về tuần hoàn và Các biến chứng khác. Vậy các biến chứng về hô hấp trong gây mê là gì?

1. Các tai biến do thao tác thông khí

Tai biến do đặt ống nội khí quản

Thất bại không đặt được ống

Xử lý đặt nội khí quản khó theo phác đồ điều trị hoặc chuyển phương pháp vô cảm khác.

Dự phòng: cần khám người bệnh trước phẫu thuật để đánh giá và tiên lượng đặt nội khí quản.

Chấn thương khi đặt ống

Chảy máu, gãy răng, tổn thương dây thanh âm, rơi dị vật vào đường thở…

Xử trí tùy theo tổn thương: hút máu chảy, chèn gạc, …, khi có dị vật hay răng gãy cần phải lấy ra ngay.

Dự phòng khi đặt ống nội khí quản cần nhẹ nhàng, thuần thục kỹ thuật

Đặt nhầm vào thực quản

Nghe phổi không có rì rào phế nang, không đo được EtCO2.

Xử trí: đặt lại ống nội khí quản.

Đặt ống nội khí quản quá sâu

Ngực bên trái di đông lên xuống theo nhịp bóp kém hơn bên phải, tiếng rì rào bên trái mờ hơn bện phải, áp lực đường thở trên màn hình máy thở tăng cao

Xử trí: hút cuff, kéo ống ra ngoài từ 0,5-1 cm, rồi bơm lại cuff, kiểm tra lại độ sâu của ống đã hợp lý chưa.

Đặt ống nội khí quản quá nông

Thể tích thông khí qua phổi trên màn hình máy thở không đạt yêu cầu, lồng xép máy thở có xu hướng tụt xuống, ống có xu hướng tuột ra ngoài.

Xử trí: hút cuff, đẩy ống sâu vào trong từ 0,5-1 cm, rồi bơm lại cuff, kiểm tra lại độ sâu của ống phù hợp như thế nào.

Tai biến do đặt các dụng cụ thông khí khác

Ví dụ như mask thanh quản

Thất bại không đặt được dụng cụ

Chuyển sang đặt ống nội khí quản hay phương pháp vô cảm khác.

Chấn thương khi đặt dụng cụ

Tương tự như đặt ốngNKQ, Xử trí tùy theo tổn thương.

Đặt dụng cụ chưa đúng vị trí

Cần theo dõi sát cá thống số Et CO2, áp lực đường thở, thể tích lưu thông, các dấu hiệu hô hấp khác để phát hiện và xử trí kịp thời

2. Tắc nghẽn đường thở

Nguyên nhân

Chảy máu, đờm rãi, chất tiết, dị vật vào đường thở

Tụ máu vết mổ, tụt lưỡi gây chèn ép

Co thắt thanh quản, phù nề thanh quản và dưới thanh quản , co thắt phế quản

Dấu hiệu tắc nghẽn đường thở nói chung

Trên lâm sàng

Bệnh nhân khó thở, thở nhanh ( nếu tỉnh )

Tiếng thở khò khè, thở rít hoặc tiếng thở câm.

Rút lõm lồng ngực (rút lõm các hố thượng đòn, hố ức ); thở nghịch đảo ( rút lõm ngực, phồng căng bụng khi thở, bình thường cả bụng và ngực phồng lên khi hít vào )

Trên máy thở

Thể tích lưu thông không đủ

Áp lực đường thở tăng cao

Biểu hiện trên EtCO2

Xử trí tắc nghẽn đường thở

Tùy từng nguyên nhân để xử trí như nghiêng đầu, hút sạch máu, đờm rãi, chất tiết, lấy hết dị vật, đặt canuyn tránh tụt lưỡi, kéo hàm, cho bệnh nhân thở oxy 100%, điều trị co thắt, phù nề,….vv

3. Co thắt thanh quản

Co thắt thanh quản là sự co thắt mạnh ngoài ý muốn các cơ thanh quản gây ra do kích thích cảm giác dây thần kinh thanh quản trên. Co thắt thanh quản thường xảy ra ở trẻ em hơn người lớn. Co thắt thanh quản hay xảy ra ở giai đoạn khởi mê và giai đoạn hồi tỉnh ngay sau rút ống 1 – 2 phút.

Nguyên nhân

Co thắt thanh quản thường gây ra khi đường thở bị kích thích mà mê còn nông:

Dịch tiết, dịch nôn, máu trong họng, thanh, khí quản

Cannuyn hầu họng.

Soi thanh quản.

Đặt các dụng cụ đường thở khi mê nông

Rút ống nội khí quản sớm hoặc quá muộn.

Kích thích phẫu thuật mà bệnh nhân mê nông: phẫu thuật hậu môn, cổ tử cung, ngực, phẫu thuật có co kéo phúc mac, cử động đầu cổ.

Co thắt thanh quản cũng có thể do các thuốc gây giải phóng histamine:

Morphin, mivacurium, d-tubocurarin, attracurium

Biểu hiện co thắt thanh quản

Khi co thắt thanh quản sẽ kèm theo phản xạ đóng dây thanh âm hoàn toàn hoặc bán phần và sẽ có biểu hiện của tắc nghẽn đường thở nói chung với các dấu hiệu trên lâm sàng và trên máy thở (Xem thêm phần 2)

Tắc nghẽn bán phần sẽ có tiếng thở khò khè hoặc thở rít cả 2 thì.

Tắc nghẽn hoàn toàn sẽ có tiếng thở câm, biểu hiện thở nghịch đảo, không thể hô hấp bằng mask cho bệnh nhân

Hậu quả co thắt thanh quản gây thiếu oxy, thừa CO2 , toan hô hấp; huyết áp tăng cao, mạch nhanh rồi sau đó chuyển sang giai đoạn tụt huyết áp, mạch chậm và ngừng tim nếu không cấp cứu kịp thời.

Xử trí co thắt thanh quản

Dừng mọi kích thích, cho ngủ sâu bằng đường tĩnh mạch.

Nâng hàm, bóp bóng oxy 100%, thở áp lực dương liên tục ( CPAP ) qua mask úp mặt

Tùy trường hợp có thể sử dụng Corticoid, giảm đau, an thần.

Nếu co thắt dai dẳng, không hiệu quả có thể cho giãn cơ succinylcholine, rồi đặt lại ống nội khí quản.

Các biện pháp thông khí thất bại có thể chọc kim qua màng nhẫn giáp hoặc mở khí quản.

Nếu có ngừng tuần hoàn thì cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Dự phòng

Khi khởi mê cần dự trữ oxy tốt giúp có thời gian dài để bảo vệ não và cơ tim không bị thiếu oxy khi có biến chứng, cho bệnh nhân ngủ đủ sâu, nên xịt tê trước khi đặt ống, thủ thuật nhẹ nhàng.

Khi thoát mê cũng cần dự trữ oxy tốt, hút đờm rãi cùng các chất khác trên đường thở tránh yếu tố kích thích, không rút ống quá sớm cũng như quá muộn, sau rút cần theo dõi bệnh nhân sát.

4. Phù nề thanh quản và dưới thanh quản

Phù nề thanh quản và dưới thanh quản thường xảy ra trong mổ và thoát mê

Nguyên nhân

Do sự tiếp xúc chà xát nhiều của ống nội khí quản hay các dụng cụ đường thở khác vào niêm mạc vùng thanh quản, dưới thanh quản

Phản ứng dị ứng của cơ thể với các thuốc, hóa chất đưa vào trong quá trình gây mê và phẫu thuật.

Bệnh nhân có viêm thanh quản cấp từ trước

Phù nề đường thở sẽ nguy hiểm hơn ở trẻ em do tiết diện đường thở bé nên mặc dù cùng một mức độ phù nề nhưng sẽ gây hẹp đường thở nhiều hơn là ở người lớn

Biểu hiện

Phù nề thanh thanh quản và dưới thanh quản cũng có các biểu hiện của tắc nghẽn đường thở nói chung với các dấu hiệu trên lâm sàng và trên máy thở (Xem thêm phần 2)

Xử trí phù nề thanh quản và dưới thanh quản

Thở oxy được làm ẩm qua mask.

Khí dung bằng Adrenalin, nhắc lại sau mỗi 20 phút nếu các triệu chứng không giảm

Tùy trường hợp có thể sử dụng Corticoid đường tĩnh mạch

Cân nhắc đặt lại ống nội khí quản với kích thước nhỏ hơn nếu cần thiết

Dự phòng

Sàng lọc các bệnh nhân viêm thanh quản cấp trước mổ

Cần cố định ống nội khí quản hay các dụng cụ đường thở khác tốt, tránh di lệch, cọ sát trong quá trình phẫu thuật

5. Co thắt phế quản

Co thắt phế quản có thể xảy ra ở giai đoạn khởi mê, trong mổ và thoát mê.

Nguyên nhân

Có nguồn gốc trung ương

Bệnh nhân có bệnh hen từ trước

Co thắt phế quản thường xảy ra khi đường thở bị kích thích mà mê còn nông:

Dịch tiết, dịch nôn, máu trong họng, thanh, khí quản

Cannuyn hầu họng.

Soi thanh quản.

Đặt các dụng cụ đường thở khi mê nông

Rút ống nội khí quản sớm hoặc quá muộn.

Kích thích phẫu thuật mà bệnh nhân mê nông: phẫu thuật hậu môn, cổ tử cung, ngực, phẫu thuật có co kéo phúc mac, cử động đầu cổ

Co thắt phế quản cũng có thể do các thuốc gây giải phóng histamine:

Morphin, mivacurium, d-tubocurarin, attracurium), sốc phản vệ thuốc , phản ứng truyền máu.

Yếu tố thuận lợi

Những người hút thuốc lâu năm và những người viêm phế quản mãn tính.

Biểu hiện

Có thắt phế quản cũng có các biểu hiện của tắc nghẽn đường thở nói chung với các dấu hiệu trên lâm sàng và trên máy thở (Xem thêm phần 2)

Trên bệnh nhân tỉnh sẽ thấy: Thở khò khè, thở rít ở thì thở ra

Trên bệnh nhân mê sẽ thấy: Giãn nở lồng ngực kém.

Hậu quả nếu nặng có thể gây ra tình trạng bẫy khí (khí vào nhưng không ra được gây tăng áp lực lồng ngực) dẫn đến giảm cung lượng tim.

Xử trí co thắt phế quản

Dừng mọi kích thích, cho ngủ sâu bằng thuốc mê hô hấp, cũng có thể dùng thuốc mê tĩnh mạch nếu hô hấp nhân tạo khó khăn, nên dùng Ketamin hoặc Propofol.

Tăng nồng độ oxy thở vào

Sử dụng các thuốc giãn phế quản:

  • Qua đường hô hấp: Salbutamol
  • Qua đường tĩnh mạch: Aminophylin

Tùy trường hợp có thể sử dụng Corticoid, Adrenalin

Dự phòng

Cần tiền mê tốt, lựa chọn phương pháp gây mê phù  hợp cho những đối tượng có yếu tố nguy cơ như hen, hút thuốc lâu năm, COPD

Khi khởi mê cần dự trữ oxy tốt, cho bệnh nhân ngủ đủ sâu, nên xịt tê trước khi đặt ống, thủ thuật nhẹ nhàng.

6. Giảm thông khí, suy thở, ngừng thở

Giảm thông khí, suy thở và ngừng thở có thể xảy ra trong giai đoạn tiền mê cho đến lúc hồi tỉnh.

Nguyên nhân

Các thuốc gây ức chế hoạt động hô hấp

Giai đoạn tiền mê dùng các thuốc giảm đau morphin, benzodiazepine gây ức chế trung tâm hô hấp ở hành não. Đặc biệt hay gặp hơn ở những người già yếu, suy dinh dưỡng, thiếu khối lượng tuần hoàn.

Trong khởi mê và gây mê tĩnh mach để bệnh nhân tự thở, tất cả các thuốc mê tĩnh mạch đều gây ức chế hô hấp và có thể gây ngừng thở.

Giai đoạn hồi tỉnh, việc tồn dư thuốc giảm đau morphin, thuốc giãn cơ là nguyên nhân gây suy thở, ngừng thở hay gặp nhất.

Tắc nghẽn hô hấp

Khi gây mê tự thở hay hô hấp bằng mask úp mặt nguy cơ tụt lưỡi gặp nhiều hơn

Hạ thân nhiệt
Tràn dịch, tràn khí màng phổi
Đột quỵ tim mạch
Yếu cơ
Đau
Giảm vận động cơ hoành
Giảm độ đàn hồi thành ngực

Như gù vẹo cột sống

Xử trí giảm thông khí, suy thở, ngừng thở

Xử trí tùy thuộc vào nguyên nhân gây giảm thông khí, suy thở, ngừng thở:

Do thuốc mê, thuốc giảm đau, giãn cơ gây suy thở, ngừng thở cần hỗ trợ hô hấp nhân tạo, dùng thuốc giải giảm đau, giải giãn cơ nếu cần.

Do tắc nghẽn đường thở cần khai thông đường thở.

Do hạ thân nhiệt cần ủ ấm, nâng thân nhiệt

Do tràn dịch, tràn khí màng phổi cần xem xét dẫn lưu màng phổi

Do đau cần giải quyết vấn đề đau…vv

Khi giảm thông khí một cách rõ rệt: Có thể cần thông khí có kiểm soát cho đến khi yếu tố nguyên nhân được xác định và điều trị.

Dự phòng

Dự phòng cũng tùy thuộc vào nguyên nhân gây giảm thông khí:

Khi tiền mê cần thận trọng dùng các thuốc giảm đau morphin, benzodiazepine ở những bệnh nhân già yếu, suy dinh dưỡng, thiếu khối lượng tuần hoàn.

Gây mê để bệnh nhân tự thở cần trú trọng đến liều lượng thuốc mê, tốc độ bơm để tránh ngừng thở.

Giai đoạn hồi tỉnh cân nhắc giải giảm đau, giải giãn cơ nếu cần.

Dự phòng tốt các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường thở

Bệnh nhân có nguy cơ hạ thân nhiệt cần ủ ấm tốt và làm các biện pháp chống hạ thân nhiệt…vv

7. Thiếu oxy máu

Thiếu oxy máu là khi PaO2 , 60 mmHg hoặc SaO2 < 90 %

Nguyên nhân

Do giảm nồng độ oxy trong khí thở vào ( FiO2)

Mất nguồn oxy: bình dự trữ oxy cạn, mất đường ống cung cấp khí chính

Lưu tốc kế oxy không được chuyển sang dòng đầy đủ

Hở hệ thống hô hấp

Máy thở hỏng hóc dừng hoạt động…

Tắc ống, gập ống, tuột ống nội khí quản, dụng cụ hô hấp hay dây máy thở

Ống nội khí quản, dụng cụ hô hấp sai vị trí.

Do giảm thông khí
Do thay đổi tỷ lệ hô hấp và tuần hoàn

Tại phổi: gặp trong xẹp phổi, viêm phổi, phù phổi, hít phải, tràn khí màng phổi, co thắt phế quản và các tình trạng bệnh lý nhu mô khác. Trong một số trường hợp, sự mất tương xứng này có thể được hiệu chỉnh bởi tăng áp lực trung bình đường khí đạo hoặc sử dụng PEEP

Tại tim: shunt phải sang trái ở tim, như trong tứ chứng fallot

Do giảm khả năng vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan

Sock do nhiêu nguyên nhân, hạ huyết áp, thiếu máu, nhiễm độc CO, methemoglobin máu và bệnh lý hemoglobin mặc dù độ bão hòa oxy bình thường

Do tăng sử dụng oxy tại tổ chức

Nhu cầu làm ấm cơ thể giai đoạn hồi tỉnh, bệnh nhân đau, co giật…vv

Biểu hiện thiếu oxy máu

Dấu hiệu sớm (kích thích giao cảm)

Mạch nhanh, huyết áp tăng, vã mồ hôi, loạn nhịp tim, môi đầu chi tím tái, SpO2 tụt.

Dấu hiệu muộn

Mạch chậm, tụt huyết áp, ngừng tim.

Xử trí thiếu oxy máu

Điều đầu tiên là phải đảm bảo ngay thông khí và cung cấp oxy đầy đủ bằng nhiều cách khác nhau

Kiểm tra tìm nguyên nhân, khắc phục tùy theo nguyên nhân gây thiếu oxy máu.

Dự phòng

Trước khi gây mê cần kiểm tra kỹ càng nguồn oxy, hệ thống máy mê, dụng cụ gây mê

Trong gây mê cần theo dõi sát các dấu hiệu máy thở: thông số EtCO2, SpO2, áp lực đường thở, thể tích lưu thông.., các dấu hiệu lâm sàng: mạch, huyết áp, da niêm mạc… phát hiện kịp thời nguyên nhân và biểu hiện thiếu oxy

8. Tăng CO2 máu (ưu thán)

Tăng CO2 máu (ưu thán) là khi PaCO2 hoặc EtCO2 > 40 mmHg

Nguyên nhân

Do tăng nồng độ CO2 trong khí thở vào ( FiCO2):

Vôi soda hết tác dụng, không hấp thu lại được CO2

Sử dụng hệ thống dây máy thở quá dài và lớn gây tăng khoảng chết khí.

Do giảm thông khí
Do tăng sản xuất CO2 tại mô

Tăng chuyển hóa: sốt cao ác tính

Rối loạn thăng bằng kiềm toan

Chuyển hóa yếm khí sau tháo garo, thông động mạch

Do hấp thụ CO2 ngoại sinh

Mổ nội soi bơm CO2 vào ổ bụng

Biểu hiệu tăng CO2 máu

Dấu hiệu sớm: Mạch nhanh, huyết áp tăng, loạn nhịp tim, EtCO2 tăng

Xử trí tăng CO2 máu

Cần tìm nguyên nhân và xử trí theo nguyên nhân gây tăng CO2

Có thể điều chỉnh tăng thông khí để tăng đào thải CO2

Dự phòng

Trước gây mê cần kiểm tra kỹ vôi soda, dây máy thở phù hợp.

Trong gây mê cần theo dõi sát các dấu hiệu máy thở: thông số EtCO2, SpO2, áp lực đường thở, thể tích lưu thông.., các dấu hiệu lâm sàng: mạch, huyết áp, da niêm mạc… phát hiện kịp thời nguyên nhân và biểu hiện tăng CO2 máu

9. Hít sặc dịch dạ dày vào phổi

Hít sặc là hít thở các chất vào đường thở ở dưới mức dây thanh môn. Trong gây mê hít sắc vào phổi hay xảy ra nhất ở lúc khởi mê và thoát mê.

Nguyên nhân

Gây mê toàn thân làm mất các phản xạ bảo vệ đường thở nên dễ bị trào ngược dịch dạ dày và đường thở

Tỷ lệ bị và mức độ nặng tăng lên khi mổ cấp cứu. Yếu tố thuận lợi: dạ dày đầy thức ăn, ứ đọng dịch do tắc ruột, hẹp môn vị, thoát vị hoành, bệnh nhân hôn mê, bệnh nhân có sock, phụ nữ có thai, người béo bệu…

Biểu hiện hít sặc dịch vào phổi

Kiểm tra có dịch tiêu hóa trong khoang miệng và đường thở. Một số dấu hiệu thay đổi phụ thuộc vào mức độ nặng: co thắt phế quản, thiếu oxy máu, xẹp phổi, thở nhanh, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp

Tiên lượng nặng nhẹ phụ thuộc vào thể tích hít và PH của dich hít, khi PH , 2,5 và thể tích hít > 0,4 ml/kg thì tiên lượng rất xấu.

Xử trí

Nếu bệnh nhân tỉnh, tự thở: hút miệng hầu, đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng.

Nếu bệnh nhân mê và tự thở: nên ấn sụn nhẫn, hút miệng hầu và đặt bệnh nhân ở tư thế đầu thấp nghiêng trái

Nếu bệnh nhân ngừng thở: tiến hành đặt nội khí quản ngay lập tức, hút sạch đường thở qua ống trước khi bắt đầu thông khí áp lực dương để tránh làm tổn thương thêm ( hóa học và cơ học) phần đường thở phía xa

Dùng oxy 100%, thuốc giãn phế quản, corticoid, kháng sinh

Nếu hít phải dịch vị đáng kể thì phải theo dõi chặt chẽ những ngày sau, bao gồm SpO2 và chụp lại XQ lồng ngực

Dự phòng

Bệnh nhân tiên lượng nguy cơ hít sặc có thể:

Dùng thuốc kháng H2 uống hoặc tiêm để ức chế tiết a xít dạ dày trước khi khởi mê ( đặc biệt là mổ cấp cứu, mổ đẻ )

Chuyển sang tê vùng hoặc lùi cuộc mổ khi cho phép

Khi phải gây mê thì cần đặt sonde dạ dày qua mũi hút sạch dịch ứ đọng, dữ trữ oxy tốt, khởi mê nhanh không bóp bóng và làm nghiệm pháp sellick từ lúc tiêm thuốc cho đến lúc đặt được ống nội khí quản bơm bóng chèn. Có thể đặt nội khí quản bằng tê tại chỗ ( lidocain qua màng nhẫn và phun hầu họng thanh môn ) khi bệnh nhân còn tỉnh

10. Tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi là sự tích lũy khí trong khoang màng phổi

Nguyên nhân

Vỡ bóng khí tự phát

Chấn thương hoặc vết thương ngực

Tổn thương khoang màng phổi trong phẫu thuật lồng ngực, bụng trên, sau phúc mạc, mở khí quản, phẫu thuật thành ngực hoặc cổ

Biến chứng của các thủ thuật như đặt catheter tĩnh mạch cảnh trong, dưới đòn, chọc ngực, chọc màng ngoài tim, phong bế thần kinh chi trên

Trong thông khí áp lực dương sử dụng áp lực và thể tích lớn gây chấn thương áp lực và vỡ phế nang. Bệnh nhân COPD có nguy cơ cao hơn cả.

Trục trặc trong dẫn lưu lồng ngực

Biểu hiện

Ảnh hưởng sinh lý của tràn khí màng phổi lệ thuộc thể tích khí và tốc độ giãn nở:

Tràn khí màng phổi ít có lẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tim phổi.

Tràn khí lớn hơn có thể dẫn đến xẹp phổi đáng kể và thiếu oxy máu. Tràn khí màng phổi dưới áp lực xảy ra khi chỉ có rò rỉ khí một chiều vào khoang màng phổi gây tăng đáng kể áp lực khoang màng phổi. Điều này có thể dẫn đến dịch chuyển trung thất và chèn ép tim với hậu quả hạ huyết áp và giảm cung lượng tim

Dấu hiệu tràn khí màng phổi:

Giảm rì rào phế nang, giảm độ đàn hồi phổi, tăng áp lực đỉnh hít vào, thiếu oxy máu. Hạ huyết áp phản ánh sự hiện diện của tràn khí màng phổi dưới áp lực. XQ lồng ngực thường khẳng định chẩn đoán nhưng không nên chậm trễ trong việc điều trị bệnh nhân không ổn định trong lúc chờ XQ lồng ngực.

Xử trí tràn khí màng phổi

Điều trị ngừng dùng nitrous oxide, thông khí 100% oxy cho bệnh nhân.

Tràn khí màng phổi dưới áp lực yêu cầu dẫn lưu khí ngay lập tức. Kim luồn nòng lớn (cỡ 14-16G) lắp bơm tiêm 10mL có thể được đặt vào khoang màng phổi ở khoang liên sườn 2 đường giữa đòn và hút khí. Ống dẫn lưu sau đó có thể được đặt ở khoang liên sườn 5 hoặc 6 đường nách giữa.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân, Số điện thoại /Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân