Thiên hữu nguyễn thành thống nghiên cứu văn hóa chàm năm 2024

Bài viết này sẽ điểm lại những quan điểm liên quan đến vấn đề họ và tên của người Chăm của một số nhà nghiên cứu. Từ đó, rút ra những nhận xét, đánh giá các về các khiếm khuyết còn tồn tại và bổ sung thêm nhiều tư liệu để làm rõ vấn đề họ và tên của người Chăm. Với bài viết này, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp thêm những quan điểm, những cứ liệu nhằm đưa ra một luận điểm khác với các kết quả nghiên cứu đi trước. Đây là một vấn đề còn tồn tại nhiều tranh luận học thuật trong thời gian qua.Đặc biệt hơn chúng tôi tiếp tục khẳng định việc người Chăm không có họ như một cách để gợi mở nhằm hướng đến sự tranh luận sâu sắc hơn về vấn đề xác định tên họ người Chăm.

Đặt vấn đề

Họ và tên của người Chăm ở miền Trung Việt Nam là một đối tượng nghiêncứu quan trọng của dân tộc học và một số ngành khác, thế nhưng dường như chủ đề này vẫn chưa dành được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, ngoài một số nhànghiên cứu đãđề cập sơ lượcvề chủ đề nàynhư Nguyễn Khắc Ngữ (1967), Nguyễn Văn Luận (1974), Po Dharma (2013),... Bên cạnh đó là những bài viết khái lược vàgợi mởcủa Chế Vỷ Tân (2004), Inrasara (2005), Sakaya (2010)... và gần đây là của Shine Toshihiko(2013). Chính từ những nghiên cứu ít ỏi và tản mạn trên, vấn đề họ và tên của người Chăm vẫn chưa được làm sáng tỏ và nhất là câu hỏi liệu người Chăm cổ có họ hay không vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng?Bên cạnh đó, là câu hỏi người Chăm mang họ và tên Hán - Việt từ khi nào? Cho đến nayvấn đề này vẫn chưa thống nhất, thậm chí còn nhiều tranh luận trái chiều.

Từ đódẫn đến nhiều ngộ nhận về nguồn gốc họ, tên của người Chăm. Điều nàykhông chỉ diễn ra trong quan niệm của các tộc người khác mà ngay cả trong chính cộng đồngngười Chăm. Đó cũng là lý do mà chúng tôi phải đặt lại vấn đề họ và tên của người Chăm như một vấn đề khoa học nghiêmtúc. Với bài viết này, chúng tôi sẽ tổng hợp, phân tích và tiếp thu những tư liệu trước đó, đặc biệt là các bài viết của Po Dharma và Sakaya, để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và cung cấp thêm nhiều thông tin, dữ kiện và nguồn tư liệu mới nhằm làm sáng tỏ chủ đề họ và tên của người Chăm từ quá khứ đến hiện nay.

Họ và tên gốc Chăm

Trong quá khứ người Chăm có họ hay không?Chúng tôi xin điểm qua quan điểm của một vài tác giả. Chế Vỷ Tân cho rằng trước đây người Chăm không có họ chỉ có vua hoặc những người hoàng tộc mới có họ như Ôn, Ma, Trà, Chế.... Cho đến thời Minh Mạng thì người Chăm mới có các họ như ngày nay (Chế Vỷ Tân, 2004, tr. 109). Trong khi đó, Inrasara cho rằng người Chăm xưa có họ, vua thì mang họ Indra, Jaya, Sri…, được phiên âm ra tiếng Việt là Ôn, Ma, Trà, Chế,…, trong khi thứ dân thì có họ chung là Ja (cho Nam) và Mư (cho nữ) (Inrasara, 2005, tr. 122 - 123).

Sau đó, Sakaya đã dùng nhiều nguồn tư liệu từ bia ký đến các văn bản cổ Chăm, nhất là các tư liệu hoàng gia để đánh giá lại các quan điểm này.Theo Sakaya,cả vua chúa và thường dân Chăm đều không có tên họ, các thuật ngữ Sri, Jaya, Indra,… gắn liền với các vị vua chỉ là niên hiệu được lấy sau khi lên ngôi. Đối với dân thường, tên gọi chỉ phân biệt theo giới, nữ gắn liền với từ Muk trước tên gọi như Muk Ni Koak, Muk Bait, Muk Gin,… nam thì thường có chữ Ja trước tên như Ja Tih Koak, Ja Boak Wa, Ja Tala Akoak (Sakaya, 2010, tr. 79 - 86)...

Để biết người Chăm xưa có họ hay không, chúng tôi tiến hành tham chiếu các nguồn thư tịch của triều Nguyễn và các văn bản hoàng gia Champa. Chẳng hạn, Đại Nam thực lục có đoạn chép về họ tên của các quan võ người Chăm phục vụ dưới quyền của Nguyễn Ánh trong lúc đang đối đầu với Tây Sơn như sau: “…Lấy Nguyễn Văn Chiêu làm Khâm sai chưởng cơ, quản mọi việc quan và dân Phiên [tức là quân và dân người Chăm]… Lại lấy quan Phiên là Nguyễn Văn Chấn làm Khâm sai thống binh cai cơ (Chiêu, Chấn, Hào đều là tên vua cho. Chiêu nguyên tên là Môn Lai Phù Tử, Chấn là Bôn Cà Đáo, Hào là Thôn Bà Hú)…”(Quốc Sử Quán triều Nguyễn, 2002a, tr. 264).

Như vậy, ta thấy ngay cả các quan Phiên người Chăm cũng chỉ có các tên như Môn Lai Phù Tử, Bôn Cà Đáo, Thôn Bà Hú… Những tên gọi này do người Việt phiên âm từ tên tiếng Chăm gốc, do đó những tên này không cho thấy người Chăm có họ hay không. Ngược lại, khi làm việc với các văn bản hoàng gia Champa (có niên đại khoảng thế kỷ XVIII – XIX) chúng tôi nhận thấy xuất hiện những tên chỉ người nhưPo Sun Maha Raya thuộc trang 12 mang ký hiệu P. 8 (3a), Ja Ndâk, Ja Thang, Ja Duen thuộc trang 405 mang ký hiệu 7a, Mu Dreh Ai, Mu Tikuh thuộc trang 394 có ký hiệu 106 -1a ,trong đó những tên có chữ Po đứng đầu giành cho vua, quan hoặc quý tộc, tên có chũJa phía trước là chỉ người Nam, Mu chỉ phụ nữ…

Vậy thì người Chăm vốn không có họ gốc Chăm, các danh xưng của vua Champa như Rudravarrman, Indravaman, Jaya Sinmhavarman chỉ là danh xưng Phạn Ngữ của vua sau khi lên ngôi, trước đó họ có những tên khác.Chẳng hạn như Jaya Indravarman II (trị vì từ năm 1080 - 1081) trước khi lên ngôi có tên là Vak, trong khi Jaya Simhavarman III (Chế Mân) trước khi lên ngôi có tên là Harijit (G.Maspero, 1928, tr. 147, 188) . Từ sau thế kỷ XV, các vua, quan của vương quốc Champa vẫn mang các biệt hiệu Po (ngài) như Po Kloang Garai, Po Rome,… thực ra chỉ là các biệt hiệu chứ không phải họ. Tương tự vậy, dân chúng chỉ có tên mà không có họ, trước tên gọi thì người nam thường có chữ Ja, lớn hơn thì gọi cei, lúc già gọi ong, đối với phụ nữ thì gọi nai, già thì gọi mukhay Mu, đây không phải là các họ mà chỉ là các biệt hiệu đặc biệt.

Ngoài ra, trong các thư tịch cổ của Việt Nam, người ta còn thấycác họ của vua Champa như Phạm (Phạm Hùng, Phạm Văn, Phạm Dương Mại), Ôn, Ma (Ma Ha Quý Lai, Ma Ha Qúy Do), Trà (Trà Toàn, Trà Hoa Bồ Đề), Chế (Chế Củ, Chế Mân, Chế Bồng Nga)…Chính vì vậy, mà một số nhà nghiên cứu cho rằng chữ Chế là phiên âm từ chữ Cri, hay Cei của Chăm;chữ Trà bắt nguồn từ Jaya (G. Maspero, 1928,tr. 188; Nguyễn Văn Luận, 1974, tr. 116; Inrasara, 2005, tr. 123; Trà Thị Doãn Dung, 2014, tr. 21) thường xuất hiện trong tên gốc Phạn các vua chúa Chăm. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là những giả thuyết, chưa hề có một nguồn tư liệu nào chứng minh tính khoa học của nó.

Thực ra, đây chỉ là những họ và tên do các nhà viết sử phiên âm từgốc Phạn - Chăm sang Hán - Việt, chẳng hạn Rudravarman III (1061 - 1074) thì họ gọi là Chế Củ hay Đệ Củ, Jaya Simhavarman III (? - 1307) thì họ gọi là Chế Mân, Po Nraop (1652 - 1653) thì gọi là Bà Tấm, Po Saktiraydapatih (1694 - 1727) thì gọi là Kế Bà Tử… ( Maspero, 1928, tr. 142, 188; Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002, tr. 62, 107; Nhiều tác giả, 2009, tr. 197, 341; Lafont, 2011, tr. 171, 192, 197). Cho đến nay chúng ta chưa biết những cách phiên âm này dựa trên cơ sở nào hay đó chỉ là cách đặt tên gọi theo từ Hán - Việt cho người Chăm chứ không hẳn là tên gọi thực tế của họ. Do vậy, điều này không thể làm cơ sở để chứng minh rằng người Chăm cổ có các họ như trên.

Ngày nay, ta cũng bắt gặp những họ như Ôn, Ma, Trà, Chế,… xuất hiện trong họ tên của một số người tự nhận là người Kinh, vậy những họ này có nguồn gốc từ đâu? Và liên quan thế nào đến họ tên người Chăm? Trên cơ sở tham khảo các giả thuyết của các nhà nghiên cứu khác, chúng tôi nhận thấy đây có thể là dấu vết còn sót lại của quá trình cộng cư lâu dài của hai dân tộc Kinh – Chăm trên cùng một vùng đất. Thực tế lịch sử cho thấy, cứ mỗi lần chính quyền Đại Việt sáp nhập phần đất nào của người Chăm thì họ lại đưa lưu dân Việt đến đấy định cư, bên cạnh một số người Chăm bỏ đi nơi khác, một số khác còn ở lại và sau này phần lớn bị Việt hóa (Hồ Trung Tú, 2012, tr. 69 - 76). Như một số nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra, trong điều kiện phải sinh sống trên vùng đất dưới sự quản lý của người Việt (Kinh) với một chính quyền mới, khi người Chăm ghi danh vào sổ thống kê của nhà nước để lấy sổ đinh, nộp thuế hay trong các cuộc điều tra dân số…, họ không thể tiếp tục sử dụngnhững họ, tên cũ, mà bị buộc phải lấy những họ, tên bằng chữ Hán - Việt (Sakaya, 2010,tr. 86 - 87; Chế Thị Hồng Hoa, 2014, tr. 14 - 16; Trà Thị Doãn Dung, 2014, tr. 21) theo cách mà người Việt (Kinh) phiên âm tên gốc Chăm như Ôn, Ma, Trà, Chế để phân biệt với các họ người Việt (Kinh) như họ Lý, Trần, Lê… Những trường hợp này cũng diễn ra tương tự với người Chăm ở vùng cực Nam Trung bộ, vào thời Nguyễn, như ta sẽ thấy.

Họ và tên Hán - Việt của người Chăm

Người Chăm xưa không có họ, nhưng hôm nay họ có họ và tên theo âm Hán - Việt như Thành, Đạo, Phú, Bá, Hán, Châu, Đổng, Dụng, Đắc… Những họ này chỉ bắt đầu xuất hiện từ thời Minh Mạng, sau khi vị vua này đã bình định và sáp nhập vùng tự trị cuối cùng của vương quốc Champa (trấn Thuận Thành) vào lãnh thổ nước Đại Nam (1832). Hầu hết các nhà nghiên cứu đều có chung quan điểm cho rằng người Chăm mang họ, tên Hán -Việt dưới triều Minh Mạng, nhưng niên đaiị chính xác mà người Chăm có những họ, tên Hán - Việt thì không có sự thống nhất trong các học giả.

Cụ thể, Nguyễn Khắc Ngữ ghi nhận: “… Đến năm vua Minh Mạng thập thất ra lệnh xích hóa (1837), cải tổ đề huề mới đặt ra họ như Lưu, Hàn, Đàng, Nguyễn, Trương, Châu, Phú, Dương… Lúc bấy giờ đàn ông thì mang họ cha để đứng bộ đinh theo tổ quán cha, đàn bà thời mang họ mẹ để đứng bộ điền - thổ theo chánh quán mẹ, rồi lưu truyền đến nay…” (Nguyễn Khắc Ngữ, 1967, tr. 125). Trong khi đó, Nguyễn Văn Luận cho rằng: “… Vào năm Minh Mạng thứ 14[1833], triều đình Huế bắt người Chàm theo phong tục Việt Nam. Họ phải chọn lấy một trrong những tên họ đọc theo ngôn ngữ Việt Nam, gồm có: Bá, Đàng, Hứa, Lưu, Lựu, Hán, Lộ, Mã, Châu, Ngụy,…” (Nguyễn Văn Luận, 1974,tr. 116 - 117).

Ngược lại, Po Dharma cho rằng vào năm 1832, vua Minh Mạng đã cử một vị Tuần phủ đến Bình Thuận để thiết lập nền hành chính của triều đình với người Chăm, theo đó ông: “…buộc người Chăm phải lấy tên họ theo người Hoa như Quảng, Hứa, Đàng, Lâm, Châu, Thành… nhưng cấm người Chăm lấy các họ người Kinh như Trần, Lê, Nguyễn…” (Po Dharma, 2013, tr. 127). Cùng quan điểm này, Shine Toshihiko cho rằng vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832) người Chăm đã được ban họ, nhưng những họ này là Đào, Mai, Trúc, Tùng,… mà ngày nay không còn, ông đặt nghi vấn có thể năm 1836 vua Minh Mạng đã ban chiếu đặt lại họ như ngày nay (Shine Toshihiko, 2013,tr. 48 - 49).

Khi tham chiếu trong các sử liệu của nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục, Minh Mạng chínhyếu đều không thấy ghi nhận vào năm 1833, 1836 hay 1837 vua Minh Mạng ra chiếu ban họ cho người Chăm,mà thời điểm thay đổi họ được chỉ rõ vào năm 1832. Sách Đại Nam thực lục chép rằng:

“…Vua cho Tả thị lang bộ Lễ là Lê Nguyên Trung... đi hội đồng với quan trấn bàn tính công việc… Trung bèn nghĩ cách đặt phủ, huyện người Kinh, người Thổ khác nhau… lập thêm phủ Ninh Thuận, đặt thêm hai huyện Tuy Định, Tuy Phong… Rồi lấy hai huyện An Phúc, Tuy Phong lệ vào phủ Ninh Thuận, huyện Hòa Đa Tuy Định lệ vào phủ Hàm Thuận… Sự ăn mặc, tang tế cũng vẫn cho theo thổ tục… ban cho họ như Đào, Mai, Trúc, Tùng… để tỏ rõ tộc loại…” (Quốc Sử Quán triều Nguyễn, 2002b, tr. 303 - 304; Quốc Sử Quán triều Nguyễn, 2010, tr. 1699 - 1700).

Như vậy, nếu căn cứ theo Đại Nam thực lục thì người Chăm đã có họ theo từ Hán - Việt bắt đầu từ năm 1832, chứ không phải như năm 1833, 1836 hay 1837. Mặt khác, khi đưa ra các niên đại sau này, các tác giả trên hầu như không chỉ ranguồn tư liệu tham khảo.Bên cạnh đó,chúng tôi cũng không tìm thấytài liệu nào chứng minhtrong ba thời điểm nêu trên nhà Nguyễn ban họ cho người Chăm, thậm chí các thời điểm đó cũng không xuất hiện trong các văn bản chính thống của nhà Nguyễn. Bên cạnh đó nếu lấy năm 1836 hay 1837 thì lại càng không đúng vì những nghiên cứu về địa bạ triều Nguyễn được thống kênăm 1836 cho thấycác hộ điền chủ người Chăm đã mang các họ Hán - Việt trước khi hình thành địa bạ (Nguyễn Đình Đầu, 1996, tr. 102 - 103, 107).

Bên cạnh đó, dù người Chăm chỉ có họ từ năm 1832, nhưng trước đó không phải không có những ngoại lệ. Từ trước đó, một số Phiên vương, Phiên quan trấn Thuận Thành (người Chăm) đã theo Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn, sau này được vua Nguyễn ban cho họ Nguyễn như Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Văn Hào, Nguyễn Văn Chấn (Quốc Sử Quán triều Nguyễn, 2002a, tr. 264; Quốc Sử Quán triều Nguyễn, 2006, tr. 692). Từ đó, các hậu duệ của hoàng tộc hay quý tộc trước đây của người Chăm đều có họ Nguyễn, như tộc họ bà Nguyễn Thị Thềm, Nguyễn Thị Đào ở Phan Rí ngày nay.

Cũng cần nói thêm, ngày nay, các họ Hán - Việt của người Chăm được truyền theo dòng nam, tức là con theo họ của cha (như người Việt), nhưng người Chăm lại theo chế độ mẫu hệ, vậy nghịch lý này phải giải thích thế nào? Như đã nói người Chăm xưa vốn không có họ, và chỉ bị bắt buộc phải có họ và tên Hán – Việt để ghi vào hộ khẩu của nhà Nguyễn để thuận lợi cho việc ghi sổ đinh, điển cũng như đểtiện cho các công việc hành chính thường ngày. Ngược lại, trong quan hệ gia đình, tộc họ người Chăm vẫn duy trì các đặc tính mẫu hệ,

như con cái theo huyết thống mẹ, tài sản được truyền cho con gái, con trai khi cưới vợ phải ở rể... Điều này không có hàm ý cho rằng họ được truyền theo dòng mẹ, nếu là mẫu hệ hay theo dòng cha, nếu là phụ hệ. Quan điểm của chúng tôi là người Chăm không có họ và việc họ truyền theo dòng cha chỉ là để hợp thức hóavới chính sách hộ khẩu của nhà nước, đó chỉ là tấm “căn cước” của người Chăm khi đối diện với xã hội.

Kết luận

Tóm lại, trong thời cổ xưa, người Chăm vốn không có họ, cả vua, chúa cho đến dân thường.Các danh xưng Jaya, Cri, Maha,… xuất hiện trên các bia ký Champa chỉ là tên hiệu của vua hay thần, còn các họ Ôn, Ma, Trà, Chế… chỉ là các họ mà người Việt (Kinh) viết sử phiên âm lại, mà chúng tôi chưa thể xác định cách thức phiên âm cụ thể. Các họ này vẫn còn truyền lại đến ngày nay và tồn tại chủ yếu trong cộng đồng người Kinh.Phải chăng điều này gợi mở ý tưởng rằng họ là những hậu duệ của người Chăm trước đây?Thiết nghĩ vấn đề này phải được khảo cứu sâu hơn và phải đặt thành một vấn đề nghiên cứu nghiên túc.

Mãi đến thời Minh Mạng, năm 1832, đại bộ phận người Chăm mới theo họ Hán – Việt như Nguyễn, Thành, Đạo, Phú, Bá, Hán, Châu, Đổng, Dụng, Đắc… mà chúng ta thấy ngày nay. Khác với người Raglai, Jarai dù cùng theo truyền thống mẫu hệ, nhưng người Chăm khi sinh ra mang họ cha, chứ không phải truyền theo dòng mẹ, điều này cho thấy họ và tên trong khai sinh của người Chăm chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý và giao tiếp xã hội, chứ không có nghĩa về huyết thống và truyền thừa. Đây cũng là một nét đặc thù của người Chăm so với nhiều tộcngười khác ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

  1. Chế Thị Hồng Hoa (2014), “ Họ Chế ở Thừa Thiên Huế”, Nghiên cứu văn hóa Chăm, số 3, NxbTri thức, Hà Nội,.
  2. Chế Vỹ Tân (2004), “Tìm hiểu về họ của người Chăm”, Tạp san Tagalau 4, NxbVăn nghệ, Tp. HCM.
  3. Hồ Trung Tú (2012), Có 500 năm như thế, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
  4. Inrasara (2005) , “Bàn thêm về Họ của người Chăm”, tạp san Tagalau 6, Nxb. Văn nghệ, Tp. HCM.
  5. Maspero,G., Le Royaume de Champa, G. Van Oest,
  6. Nguyễn Đình Đầu (1996), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Bình Thuận, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Nguyễn Khắc Ngữ (1967), Mẫu hệ Chàm, NxbTrình bày, Saigon.
  8. Nguyễn Văn Luận (1974), Người Chàm Hồi giáo miền Tây Nam phần Việt Nam, NxbGiáo dục và Thanh niên, Saigon.
  9. Nhiều tác giả (2009), Đại Việt sử ký toàn thư, NxbVăn học, Hà Nội.
  10. Po Dharma (2013), Vương quốc Champa: lịch sử 33 năm cuối cùng, Champaka 12, IOC – Champa, San Jose.
  11. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002a), Đại Nam thực Lục, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  12. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002b), Đại Nam thực Lục, tập 3, NxbGiáo dục, Hà Nội.
  13. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  14. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2010), Minh Mạng chính yếu, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  15. Sakaya (2010) “Vấn đề tên dân tộc, tên họ và địa danh của người Chăm và người Raglai”, trong sách: Văn hóa Chăm: nghiên cứu và phê bình, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
  16. Shine Toshihiko (2013), “Họ và tên mới của người Chăm trong chế độ hộ khẩu và quản lý đất đai của các làng Chăm thời Minh Mạng”, Tập nghiên cứu văn hóa Chăm số 2, NxbTri thức, Hà Nội.
  17. Trà Thị Doãn Dung (2014), “« Họ Trà tại Việt Nam” », Nghiên cứu văn hóa Chăm, số 3, NxbTri thức, Hà Nội.

Nguồn: Tác giả


Tư liệu hoàng gia Champa bao gồm hàng ngàn trang mà nội dung là các văn thư hành chính của triều đình và dân chúng Champa được phát hiện năm 1902 và hiện được lưu trữ tại các thư viện của Viện Viễn Đông bác cổ ở Mã Lai và Pháp.