Liên hệ với bản thân trong học tập và làm theo phong cách lãnh đạo làm việc của Hồ Chí Minh

“Ta bên Người - Người tỏa sáng trong ta”

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng, “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”1, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kết hợp giữa đức trị và pháp trị và “soi sáng chính trị từ bên trong”, thể hiện rõ trong tư duy và hành động; luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, giản dị mà trí tuệ trong cuộc sống đời thường, cũng như khi đang tranh đấu; khiêm nhường và sẵn sàng quên mình cho hết thảy, đã làm lấp lánh hơn tư tưởng, đạo đức và phong cách của bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”.

Kế thừa và phát triển những tinh hoa trong Nho học, Phật giáo, đạo Lão, Thiên chúa giáo, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn,... nhất là học thuyết cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư duy khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng tới cái mới, tiến bộ và mở rộng tầm nhìn ra thế giới để suy nghĩ và hành động. Với tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo, không lệ thuộc, không giáo điều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về Đảng Cộng sản để sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam [3/2/1930] phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam; đã hoạch định chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc năm 1945; lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh là chú trọng nguyên tắc tập trung và dân chủ, luôn gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, nhưng cũng luôn trân trọng ý kiến của mỗi người. Mỗi khi quyết định một vấn đề trọng đại, như: Viết Tuyên ngôn Độc lập [năm 1945], ký Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp [năm 1946], viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến [19/12/1946],... Người đều tranh thủ ý kiến của tập thể. Với những bài viết trước khi công bố, Người thường chuyển cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đọc và góp ý trước khi đăng. Để có một quyết định chính xác, khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: Cán bộ, đảng viên phải đi sâu, đi sát, điều tra, nghiên cứu nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể; làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung; chương trình, kế hoạch đặt ra phải phù hợp với điều kiện thực tế. Trong công tác, người cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng; lãnh đạo phải toàn diện và cụ thể, kịp thời và thiết thực, có trọng tâm và trọng điểm, nhất là phải nắm được gương điển hình; phải thường xuyên rút kinh nghiệm, cả kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công; phải thường xuyên tổng kết thực tiễn để nâng thành lý luận; luôn thực hành sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn... Đó còn là phong cách quần chúng, thể hiện nhất quán nguyên tắc: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”2 và “cách làm việc, cách tổ chức... của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”3. Trong lãnh đạo và chỉ đạo, điều hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên hướng về cơ sở, gần gũi với quần chúng, nắm tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; đồng thời, phải tin yêu, tôn trọng quần chúng, lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình xây dựng của quần chúng, “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”. Người cũng nhiều lần nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải phê phán và đấu tranh để khắc phục cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh, mà “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”4.

Để lãnh đạo đúng và trúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các đồng chí lãnh đạo, người phụ trách ở các bộ, ban, ngành và Trung ương và địa phương phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại cơ sở, chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, gây lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân. Đồng thời, Người cũng yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên lãnh đạo cấp cơ sở phải luôn “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, luôn sâu sát cơ sở, gắn bó với quần chúng, qua đó “hỏi dân, học dân và hiểu dân”, để vừa kiểm nghiệm được sự sát đúng của các chủ trương, chính sách vừa phát hiện những nhân tố mới, các gương điển hình tiên tiến, kịp thời bồi dưỡng và nhân rộng. Luôn sâu sát nhân dân, có lòng tin và tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe và giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân,... Chủ tịch Hồ Chí Minh có phong cách làm việc của “một vị lãnh tụ thực sự liên hệ sâu sắc với quần chúng, mà nói như vậy cũng không đủ, phải nói là một vị lãnh tụ kiệt xuất đã hòa sâu trong nhân dân Việt Nam, thực sự trở thành một thể thống nhất với nhân dân Việt Nam”5.

Không chỉ là nhà cách mạng vĩ đại, Hồ Chí Minh còn là nhà văn hóa kiệt xuất được UNESCO vinh danh. Những ai đã từng một lần được gặp Người hoặc nghe và đọc những tác phẩm của Người đều nhận thấy: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng 4 vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau khi diễn đạt, đó là: Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào? Phong cách diễn đạt của Người thể hiện sự chắt chiu, kết hợp hài hòa chất dân gian với bác học, cổ điển với hiện đại, phương Đông với phương Tây, nhằm cung cấp cho người nghe lượng thông tin chân thật, ngắn gọn và chính xác. Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên mỗi khi nói và viết phải chú ý: Điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, không nên nói ẩu; và khi viết phải đúng sự thật, không được bịa, nhất là khi chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì chớ nói, chớ viết. Phong cách và nguyên tắc của Người khi diễn đạt bao giờ cũng ngắn gọn, có đầu có đuôi, có nội dung, thiết thực, thấm thía, chắc chắn, giản dị, trong sáng, dễ hiểu theo cách nói của dân chúng…

Điểm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: cao mà không xa, sáng mà không chói, chính là phong cách ứng xử văn hóa đạt đến tầm nghệ thuật, thể hiện ở ngôn từ, cử chỉ thích hợp, đúng đối tượng giao tiếp. Phong cách ứng xử của Người với nhân dân, anh em, bạn bè, đồng chí luôn tự nhiên và cởi mở, vừa ân cần vừa bình dị, khiêm nhường chứa đựng những giá trị nhân bản, yêu thương, trân trọng con người; hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Khi cần nhắc nhở, Người ân cần, chỉ bảo tận tình; khi cần phê bình, Người nghiêm khắc, nhưng độ lượng, bao dung, không hạ thấp, vùi dập người mắc lỗi. Với kẻ thù của cách mạng, Hồ Chí Minh luôn ứng xử tự chủ và lịch lãm, bình tĩnh và đĩnh đạc, chủ động và khôn khéo, mềm dẻo và linh hoạt giữ vững nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trên tinh thần biết mình, biết người, biết thời thế để đạt được mục tiêu cao nhất.

Trong đời thường, phong cách sinh hoạt của Người luôn giữ đúng nguyên tắc, lấy khiêm tốn, giản dị làm nền; lấy chừng mực, điều độ làm chuẩn; lấy trong sạch, thanh cao làm vui; lấy gắn bó với con người, với thiên nhiên làm niềm say mê vô tận và chính sự khiêm nhường ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “sự cao đẹp về mặt tư tưởng và sự rèn luyện vững chắc trong hành động của Người đã làm cho Người trở thành một nhân vật lịch sử đặc biệt”6.

“Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”

Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách người lãnh đạo luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân của Người vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng để mỗi người “không yếu đuối trong đấu tranh giành lấy tương lai, để không dừng lại ở điều đạt được mà luôn luôn tiến lên phía trước”7.

Những năm gần đây, việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; nhất là hiện nay gắn “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, coi đây là giải pháp đột phá để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đang được triển khai sâu rộng trong thực tiễn. Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân này nhằm góp phần xây dựng và chỉnh đống Đảng, khắc phục “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước” và vấn nạn “nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái”8… làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trong đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo” đã trở thành công việc thường xuyên, tự giác của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao tinh thần trong thực thi nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng. Trong thực tiễn, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình tiên tiến, mô hình sáng tạo, thiết thực trong học và làm theo Bác trên các lĩnh vực. Nhiều cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên gương mẫu đã đổi mới tác phong công tác; đã hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, vì dân, “nói đi đôi với làm”, “nói ít, làm nhiều”, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm việc khoa học, hợp lý hợp tình,... được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, vẫn còn những cấp ủy, những cán bộ, đảng viên nói chung, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng chưa nhận thức sâu sắc sự cần thiết, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là yêu cầu cấp bách trước mắt, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong phòng và chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh là tấm gương, là bài học quý báu đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Để nâng cao chất lượng học tập phong cách lãnh đạo của Người - một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cấp ủy các cấp cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp nói riêng về gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng. Xây dựng chương trình, kế hoạch học tập và làm theo Bác theo chủ đề toàn khóa, từng năm gắn với 27 biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Theo đó, lấy chi bộ là cơ sở để tổ chức học tập; xây dựng kế hoạch học tập và làm theo các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành chuyên đề sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng quý…

Hai là, chú trọng thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xây dựng Đảng: Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thực hiện dân chủ trong Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chú trọng tự phê bình và phê bình trên cơ sở của tình đồng chí thương yêu lẫn nhau; thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng, Điều lệ Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm; xây dựng và củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân; phòng và chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... Thực hiện nghiêm chế độ lãnh đạo, kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm, vi phạm kỷ luật trong công tác lãnh đạo, điều hành; ngăn chặn, khắc phục các khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4 khóa XII.

Ba là, tiếp tục phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong công tác và trong sinh hoạt đời thường. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải không ngừng nỗ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, tư duy khoa học trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị trên tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khắc phục tình trạng dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể hoặc độc đoán, chuyên quyền khi quyết định những vấn đề quan trọng. Đặc biệt, mỗi cán bộ lãnh đạo: “1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. 2. Tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. 3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng cũng phải có quần chúng giúp mới được”9.

Bốn là, kịp thời lựa chọn, bồi dưỡng và nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo sự lan tỏa trong địa phương, cơ quan, đơn vị và cộng đồng. Tập trung làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đúng kế hoạch toàn khóa và hằng năm đã được xây dựng; coi kết quả việc học và làm theo Bác gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là tiêu chí để bình xét thi đua hằng năm, là thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp nói riêng.

Để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng; xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng cần thấu triệt học tập và làm theo phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh thành nhu cầu tự thân; coi đó là công việc thường xuyên, hằng ngày, được thực hiện gương mẫu từ chính bản thân mình, là bổn phận, danh dự của chính mình, thiết thực góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp vừa hồng, vừa chuyên, gắn bó mật thiết với nhân dân, tận tâm tận lực với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Văn Thị Thanh Mai

Tiến sĩ, Ban Tuyên giáo Trung ương

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.1, tr.94.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.246.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.248.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.108.

5. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, t.3, tr.217.

6. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, t.3, tr.133.

7. Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.54.

8. Bộ Chính trị khóa XII: Nghị quyết Trung ương 4 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, ngày 30/10/2016.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.285-286.

Video liên quan

Chủ Đề