Vì sao cách mạng Tháng 8 là cách mạng vô sản

Vấn đề này là một phần quan trọng liên quan đến việc xử lý mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp của Đảng. Vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã căn cứ vào tình hình trong nước và quốc tế qua các thời kỳ, các giai đoạn cách mạng khác nhau, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, xác định đường lối cách mạng, hoạch định, chỉ đạo chiến lược cách mạng một cách sáng tạo. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết quan hệ dân tộc và giai cấp.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăngghen đều khẳng định mục tiêu chung của những người cộng sản là xóa bỏ chế độ tư hữu, kêu gọi giai cấp vô sản toàn thế giới đoàn kết lại, nhưng hai nhà kinh điển sáng lập chủ nghĩa mác xít, đặc biệt là C. Mác, vẫn cho rằng ban đầu hình thức và địa bàn đấu tranh của giai cấp vô sản chính là dân tộc:” Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Đương nhiên là trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán xong giai cấp vô sản ở nước mình trước đã”1. Từ đó, C. Mác và Ph. Ăngghen khái quát thành luận điểm nổi tiếng:” Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”2. Như vậy, C. Mác và Ph. Ăngghen nghiên cứu sự hình thành, phát triển của các dân tộc tư sản phương Tây gắn với sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản trong việc thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. Do đó, hai ông đã gắn vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, đặt vấn đề dân tộc phụ thuộc và vấn đề giai cấp.

V.I. Lênin sống trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, việc chiếm thuộc địa và phân chia lại thuộc địa của các cường quốc tư bản chủ nghĩa trở nên gay gắt. Lênin nhận định rằng, thời đại ông đang sống là thời đại đang bùng lên những cơn bão táp, mà những cơn bão táp ấy dội ngược lại châu Âu. Vì vậy, Lênin đã nêu vấn đề dân tộc thành vấn đề quốc tế và hết sức ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc bằng khẩu hiệu nổi tiếng: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”. Nhưng do hạn chế lịch sử, Lênin chưa có điều kiện thâm nhập thực tiễn các nước phương Đông, do đó chưa đánh giá hết sức mạnh và khả năng cách mạng của các dân tộc thuộc địa phương Đông. Từ đó, tuy chưa nhấn mạnh quan hệ dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, cách mạng vô sản chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa, nhưng vẫn trên cơ sở đặt vấn đề dân tộc phụ thuộc vào vấn đề giai cấp, cách mạng giải phóng dân tộc phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc và chỉ thành công khi cách mạng chính quốc thành công.

Hồ Chí Minh đã tiếp thu sâu sắc quan điểm của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời vận dụng thế giới quan và phương pháp luận biện chứng mác xít phân tích tình hình cụ thể của Việt Nam và thế giới. Từ năm 1924, Người đã phân tích khoa học, chính xác sự phát triển của các nước tư bản, mâu thuẫn, âm mưu, tham vọng của chúng trong bài Đông Dương và Thái Bình Dương, Người tiên đoán “Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương, tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh… Những hành động đế quốc chủ nghĩa ấy không những chỉ nguy cho riêng vận mệnh của giai cấp vô sản Đông Dương và Thái Bình Dương, nó còn nguy cho cả vận mệnh của giai cấp vô sản quốc tế nữa”1. Với Việt Nam, Người khẳng định giải phóng dân tộc tạo điều kiện để giải phóng giai cấp. Đây là một sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh, người dựa trên ba cơ sở chính sau đây: 1] Những đặc điểm cơ bản của Việt Nam mà đặc biệt là trở lực lực lượng sản xuất lạc hậu, chủ nghĩa tư bản chưa phát triển, sự phân hóa trong nội bộ dân tộc chưa sâu sắc như ở phương Tây, mâu thuẫn cơ bản của xã hội không phải là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản mà là mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam [đại bộ phận là nông dân] với đế quốc Pháp và bọn địa chủ phong kiến tay sai. Từ đó, Hồ Chí Minh khẳng định, đối với Việt Nam và các nước thuộc địa khác, cách mạng thuộc địa hay cách mạng giải phóng dân tộc, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải giải quyết mâu thuẫn dân tộc, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Đó là nhiệm vụ cơ bản, trước mắt và chỉ có thể là nhiệm vụ của giai cấp vô sản và cách mạng vô sản. 2] Căn cứ vào tình trạng phân hóa xã hội Việt Nam, đấu tranh giai cấp “không diễn ra giống như phương Tây”, Người nói:”nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình để làm thế nào cho đúng”2. 3] Hồ Chí Minh khai thác triệt để nhân tố trong cách mạng giải phóng dân tộc, coi đó là “động lực lớn của đất nước”.

Chính cương vắt tắt, Sách lược vắt tắt và Điều lệ tóm tắt do Hồ Chí Minh soạn thảo khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là cương lĩnh đúng đắn nhất thể hiện những nguyện vọng bức thiết của dân tộc, phản ánh quy luật vận động của xã hội Việt Nam, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc, giai cấp; quốc gia với quốc tế:”Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”1. Nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và bọn phong kiến “làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập” nhân dân được tự do, tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc làm của công chia cho nông dân nghèo, quốc hữu hóa toàn bộ xí nghiệp của tư bản đế quốc, lập chính phủ công- nông- binh và quân đội công nông.... Các nhiệm vụ nêu ra bao gồm cả nội dung dân tộc và dân chủ, dân tộc và giai cấp vừa chống đế quốc vừa chống phong kiến, vừa nêu nhiệm vụ chủ yếu trước mắt vừa nêu định hướng lâu dài mà nổi bật lên hàng đầu và cấp bách là chống đế quốc Pháp và tay sai, giành độc lập.

Thực tế phong trào cách mạng Việt Nam từ năm 1930-1931 cho đến nay, có lúc, có nơi đã quá nhấn mạnh giai cấp và đấu tranh giai cấp, chưa nhận thức đầy đủ yếu tố dân tộc nên đã có ảnh hưởng đến sự phát triển nhiệm vụ giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam. Đồng chí Lê Duẩn đã nhận xét trong phong trào 1930-1931, Mặt trận phản đế nặng về giai cấp hơn dân tộc, làm cho phong trào có phần cô độc; phong trào 1936-1939 mặt trận có tính chất dân chủ chung hơn là dân tộc. Những quan điểm trên đây có phần chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của Quốc tế Cộng sản. Phải đến năm 1941, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, hình thức mặt trận mới trở lại ý nghĩa dân tộc rõ ràng, đó là mặt trận Việt Minh. Về chiến lược, Hồ Chí Minh đặt công cuộc giải phóng dân tộc trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, nhưng trong chỉ đạo cụ thể Người không bao giờ coi nhẹ nhiệm vụ dân tộc và đề cao một cách không thực tế nhiệm vụ giai cấp. Tuy nhiên, khi đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, Người nhắc nhở không bao giờ Đảng lại hy sinh quyền lợi của giai cấp công nhân và nông dân cho một giai cấp khác. Hơn nữa, Hồ Chí Minh luôn khẳng định: tập trung giải quyết nhiệm vụ giải phóng dân tộc cũng nhằm mục đích góp phần giải quyết nhiệm vụ giai cấp. Thắng lợi của Cách mạng Tháng tám năm 1945 và toàn bộ cách mạng Việt Nam sau này, chứng minh Đảng ta, nhân dân ta đã thực hiện những tư tưởng và đường lối có nghĩa quyết định đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã minh chứng cho tư tưởng “giải phóng dân tộc là điều cốt yếu để giải phóng giai cấp” của Hồ Chí Minh.

Trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ viết năm 1924, Người viết:”... nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có tài sản gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột là bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc; người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có tơ rớt. Người thì cam chịu số phận của mình, kẻ thì vừa hải trong sự tham lam của mình. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu”1. Như vậy, giữa địa chủ và nông dân, chủ và thợ [tư sản và công nhân] ở các nước thuộc địa đều chịu chung số phận là người nô lệ và mất nước. Nên, đấu tranh giải phóng dân tộc mới là vấn đề gay gắt và nóng bỏng đối với cách mạng Việt Nam. Bởi, mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội lúc này là mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân Việt Nam thực dân, phát xít.

Giữa thực tiễn phong phú và sinh động, giữa rất nhiều học thuyết quan điểm chính trị khác nhau, Hồ Chí Minh đã đến được với một học thuyết “chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”1 – chủ nghĩa Mác- Lênin. Sự kiện lịch sử trọng đại này đã đưa cách mạng Việt Nam thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng về đường lối, soi sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng thuộc địa, gắn phong trào cách mạng thuộc địa với phong trào phong trào vô sản chính quốc, với phong trào cộng sản thế giới, mở đường cho chủ nghĩa Mác- Lênin thâm nhập vào phong trào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam, dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03-02-1930. Sau khi Đảng Công sản Việt nam ra đời, được tập dượt và rèn luyện qua hai cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, đến những năm 1939-1945, Hồ Chí Minh đã chủ động đề ra đường lối kết hợp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, đề ra sách lược phù hợp với từng giai đoạn... cùng trung ương Đảng chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng, gấp rút đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng các tổ chức chính trị quần chúng, lập ra các đội du kích vũ trang... nhằm chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng.

Cuối năm 1944, khi nghiên cứu về thời cuộc, Hồ Chí Minh đã dự đoán rằng cơ hội để dân tộc ta “tự giải phóng” sẽ đến trong vòng một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Và tháng 7-1945, khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai gần kết thúc, khi phát xít Đức, Ý đã bại trận và phát xít Nhật ngày càng nguy khốn, Hồ Chí Minh khẳng định: “lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù có hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”2. Ngày 16-8-1945, Người kêu gọi “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”3. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên địa vị người chủ, đưa đất nước ta từ một nước thuộc địa thành một nước độc lập có chủ quyền, chứng minh ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan điểm cách mạng của Hồ Chí Minh:” Tổ quốc độc lập, thì ai cũng được tự do. Nếu mất nước, thì ai cũng phải làm nô lệ”1.

Việt Nam trong điều kiện là một nước phong kiến lạc hậu, là thuộc địa của thực dân Pháp, muốn giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột, bất công, không thể không xuất phát từ việc giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc, thực dân. Độc lập dân tộc là mục tiêu trước mắt và cũng là khát vọng lướn lao nhất của dân tộc Việt Nam. Quan hệ lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp đã được nhìn nhận, giải quyết khoa học, biện chứng và đúng với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của một xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Đó chính là nét độc đáo, sáng tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về việc giải quyết đúng đắn quan hệ giwuax dân tộc và giai cấp trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại bài học về phương pháp cách mạng, về tập hợp sức mạnh của toàn dân.

Khi đã xác định con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, xác định đúng đắn mục tiêu cụ thể của mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cách mạng, Hồ Chí Minh đã đề ra những nội dung, nguyên tắc cơ bản cho việc xác định phương pháp cách mạng của Người. Về vấn đề này, Cố Tổng Bí thư Trường- Chinh đã chỉ rõ:”Hồ Chí Minh đã hiểu được đúng quy luật phát triển của xã hội và nắm được những điều kiện cụ thể của nước mình, do đó mà nhận thức rõ phải làm gì và làm thế nào để thay đổi những điều kiện ấy cho phù hợp với những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, đặng mang lại độc lập cho dân tộc và hạnh phúc tự do cho nhân dân”2.

Tuân thủ nghiêm khắc quá trình nhận thức này, từ việc khẳng định tính chủ động sáng tạo của cách mạng thuộc địa, Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định sứ mệnh lịch sử và vai trò cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây là một nhận thức hết sức quan trọng của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh nếu chúng ta biết rằng nước ta là một nước thuần nông, trên 90% dân số là nông dân, so với tổng số dân Việt Nam, giai cấp công nhân chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Cho đến năm 1929, nước ta có khoảng 22 vạn công nhân- tức là chỉ khoảng gần 2% dân số. Người còn nhận định, với điều kiện của những năm 20 không chờ đợi một quốc gia, một dân tộc phải có coogn nghiệp lớn, công nhân đông, tư bản chủ nghĩa phát triển, để vận động cách mạng theo hướng Mác-Lênin, theo hướng xã hội chủ nghĩa mà các tầng lớp nhân dân lao động bao gồm cả nông dân và trí thức vẫn có thể trở thành những chiến sĩ của chủ nghĩa cộng sản... Như vậy, cùng với việc khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, Hồ Chí Minh cũng tìm thấy con đường giải phóng đúng đắn cho dân tộc: con đường cách mạng vô sản, tiến lên xã hội chủ nghĩa. Phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh cũng nhằm xây dựng lực lượng cách mạng dựa vào quần chúng, phát huy nhiệt tình cách mạng, ý chí quyết chiến quyết thắng, trí thông minh và tài năng sáng tạo của nhân dân.

Cách mạng là việc chung của toàn thể nhân dân. Sự nghiệp chống đế quốc, tay sai giành độc lập, tự do là nhiệm vụ của toàn dân tộc. Chuẩn bị lực lượng và lực lượng vũ trang, đặc biệt là đội quân chính trị quần chúng có ý nghĩa rất cơ bản. Nhiệm vụ đánh Pháp- Nhật không phải là nhiệm vụ riêng của thợ thuyền và dân cày, mà là nhiệm vụ chung của cả dân tộc không phân biệt giai cấp. Ngày 06-6-1941, Hồ Chí Minh đã trân trọng gửi thư kêu gọi các bậc phụ huynh, các hiền nhân chí sĩ, các bậc phú hào yêu nước, các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương- hãy đoàn kết lại để đánh đổ bọn đế quốc và tay sai: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng.

Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm ...”1. Từ tư duy ấy, Hồ Chí Minh đã cùng Đảng ta thành lập Mặt trận Việt Minh để tổ chức các giai cấp, các tầng lớp nhân dân vào các hội cứu quốc. Đối với các bậc kỳ hào, địa chủ, tư sản, Hồ Chí Minh cũng có sự đánh giá khách quan về năng lực phản đế, tinh thần dân tộc của họ để tập hợp trong một tổ chức cùng nhau cứu nước. Nhờ có sự đổi mới về tư duy, chính trị, tổ chức mà đến giữa tháng 8-1945, cao trào kháng Nhật dưới ngọn cờ của Hồ Chí Minh, Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã tạo dựng được quân đội chính trị quần chúng hùng hậu, có tính chất dân tộc rộng rãi, sẵn sàng và quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Vì vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám có ưu điểm lớn so với cách mạng nhiều nước trên thế giới. Đó là cuộc cách mạng tập hợp được tuyệt đại bộ phận nhân dân cả nước, diễn ra nhanh chóng và ít đổ máu.

Tuyên ngôn Độc lập được đọc vào ngày 02-9-1945, một lần nữa, Hồ Chí Minh nhấn mạnh thắng lợi trong việc giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong Cách mạng Tháng Tám: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa...”2

Từ đó đến nay, mặc dù thế giới đã đổi thay, hoàn cảnh trong nước và quốc tế đã khác trước nhưng sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa đương đại của chúng ta, việc thấm nhuần quan điểm của Đảng gắn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đổi mới toàn diện trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở lập trường của giai cấp công nhân chính là theo tinh thần độc lập, sáng tạo, tự chủ, tự lực, tự cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mục đích cuối cùng và cao cả nhất chính là giũ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện đúng tinh thần và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng và Nhà nước đã và đang vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước nhằm thực hiện bằng được mong muốn của Người: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của thế giới.

ThS. Nguyễn Thị Bình
Hướng dẫn viên Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phủ Chủ tịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch


Video liên quan

Chủ Đề