False alternatives là gì

False alternatives là gì

False alternatives là gì

Ngụy biện là từ Hán Việt. Nó kết hợp bởi hai chữ ngụy :di, giả, vàbiện :xét rõ để phân biệt; biện biệt; biện rõ. Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê) định nghĩa là “Cố ý dùng những lý lẽ bề ngoài có vẻ đúng nhưng thật ra là sai, để rút ra những kết luận không đúng sự thật”. Ngụy biện tiếng Anh là fallacy. Từ điển The Oxford Reference English Dictionary (1996) định nghĩa về mặt luận lý (logic) là “Sai lầm làm giảm giá trị của luận cứ“ (a flaw that vitiates an argument). Nó có gốc ngữ Latin là fallacia: nghĩa là lập luận gian dối, thủ đoạn đánh lừa.

Như thế, có thể hiểu ngụy biện là 1/ Sai lầm luận lý (logic); lập luận không đi theo các qui tắc suy luận hoặc vi phạm chúng; 2/ Một luận cứ làm cho lạc đường theo nghĩa nó không chính xác nhưng có thể hoặc được dùng để thuyết phục người khác rằng nó chính xác; 3/ Một luận cứ có khuyết điểm (giả tạo, không chính xác, sai lầm, có khuyết điểm) trong đó kết luận không được chứng minh bằng những phát biểu hỗ trợ nó.

Trong cuộc sống hằng ngày, bên cạnh những người có nghề nghiệp chuyên môn biện luận hay biện bác, người bình thường cũng nên có sự am hiểu thấu đáo và đầy đủ về ngụy biện, để trước hết, có khả năng tư duy hợp lý, tránh cho bản thân không bị sa vào sự vô tình ngụy biện của chính mình, và thứ đến, giữ tâm trí tỉnh táo, để không bị lừa bịp bởi sự cố tình ngụy biện của kẻ khác.

Có thể chia ngụy biện thành hai nhóm hay hai hạng mục: ngụy biện hình thức và ngụy biện không hình thức.

Ngụy biện hình thức (formal fallacies)

Đây là loại ngụy biện người ta phạm phải chỉ vì các luận cứ hay lập luận mang tính diễn dịch (deductivism), một phương pháp suy luận đi từ những nguyên lý chung đến những kết luận riêng; trái với qui nạp. Loại ngụy biện này mang một trong ba hình thức:

1. Một luận cứ vô giá trị; sai lầm trong luận lý suy diễn (lập luận) trong đó kết luận không đi theo tính tất yếu từ tiền đề.

2. Sự suy ra vô giá trị; sự suy ra sai hoặc hiểu sai hoặc giải thích sai, khiến nó có vẻ như theo qui tắc đúng của phép diễn dịch nhưng thật ra, không đúng, thí dụ phủ định tiền đề của phát biểu có điều kiện nhằm phủ định hệ quả của nó.

3. Sai lầm của hình thức luận lý, vi phạm nguyên tắc suy diễn hoặc nguyên tắc luận lý.

Ngụy biện không hình thức (informal fallacies)

Đây là loại ngụy biện thường gặp nhất. Người ta phạm phải bằng các luận cứ hoặc lập luận mang tính qui nạp (inductivism), một phương pháp suy luận đi từ các hiện tượng, sự kiện riêng đến các kết luận chung; trái với phép diễn dịch. Loại ngụy biện không hình thức này có một trong hai dạng:

1. Bất cứ sai lầm nào trong lập luận đưa tới các kết luận không đi theo cấu trúc hình thức và qui tắc về tính giá trị luận lý (logic).

2. Luận cứ mà kết luận không được chứng minh (hỗ trợ) một cách tương xứng, hoặc không có cái kết luận nhất thiết phải rút ra.

Có thể sắp xếp các ngụy biện không hình thức bằng nhiều cách khác nhau. Đại khái, có ba hạng mục tổng quát:

1. Các ngụy biện chất liệu(material fallacies).Chúng ứng xử với sự kiện (vấn đề, nội dung) của luận cứ trong câu hỏi (vấn nạn). Hai hạng mục phụ của ngụy biện chất liệu là a/ ngụy biện bằng cứ(fallacies of evidence) có ý nói các luận cứ không cung cấp sự hỗ trợ có tính sự kiện và bị đòi hỏi (cơ sở, bằng cứ) cho kết luận của chúng; b/ ngụy biện không thích đáng (fallacies of irrelevance) hoặc thích đáng(fallacies of relevance) có ý nói những luận cứ hỗ trợ lời phát biểu không thích đáng đối với kết luận được khẳng định, do đó không thể thiết lập chân lý/sự thật của kết luận đó.

2. Các ngụy biện ngôn ngữ(linguistic fallacies). Chúng ứng xử với những khuyết điểm trong luận cứ, thí dụ tối nghĩa (trong đó những chuyển đổi cẩu thả về ý nghĩa hoặc sự không chính xác về ngôn ngữ dẫn tới những kết luận sai lạc), mơ hồ, dùng chữ không chính xác, thiếu trong sáng, bất nhất về ngôn ngữ, và lẩn quẩn.

3. Các ngụy biện kêu cầu cảm xúc không thích đáng (fallacies of irrelevant emotional appeal). Chúng liên quan tới động thái xúc động (phản ứng, thái độ). Nghĩa là các luận cứ được trình bày theo cách kêu gọi tới, hoặc viện dẫn thành kiến, thiên kiến, lòng trung thành, sự tận hiến, sự sợ hãi, phạm tội, v.v. Chúng thuyết phục, tán tỉnh phỉnh phờ, hăm dọa hoặc gây hoang mang, nhằm sở đắc sự phê chuẩn luận cứ. Có ít nhất bốn chục kiểu ngụy biện không hình thức

Các kiểu ngụy biện không hình thức (types of informal fallacies)

Đôi khi chúng còn được gọi là các ngụy biện bán hình thức (semiformal fallacies), hoặc các ngụy biện gần như là hình thức (quasi-formal fallacies). Vì ngụy biện là mưu thuật được dùng bởi vô số hạng người, trong vô số thời đại và hoàn cảnh, ở vô số lĩnh vực công và tư, nên nó thiên hình vạn trạng và biến hóa khôn lường. Cho tới nay, chưa nỗ lực nào có khả năng gom hết tất cả chúng vào một hạng mục tổng quát để có một bảng liệt kê đầy đủ các ngụy biện không hình thức.

Vì vậy, danh sách 40 kiểu ngụy biện không hình thức dưới đây không ghi nhận hết mọi khía cạnh, mà chỉ có tính tiêu biểu. Người tham khảo có thể triển khai thêm thông qua các thuật ngữ ngụy biện hình thức lẫn không hình thức ghi bổ túc ở phần cuối của bài này, trong đó có nhiều thuật ngữ Latin.

1. Ngụy biện đen trắng (black-and-white fallacy). Lập luận bằng sự phân biệt sắc nét (đen với trắng) bất chấp sự hỗ trợ thực tế và thuần lý thuyết cho chúng, hoặc xếp loại bất cứ điểm giữa nào giữa hai cực điểm (đen và trắng) như là một trong các cực điểm. Thí dụ, “Nếu hắn không là người vô thần thì hắn là người chính trực”; “Hắn hoặc là bảo thủ hoặc là cấp tiến”; “Hắn không phải là người yêu hòa bình vì hắn từng đứng làm rào cản cho sứ quán Mỹ”.

2. Ngụy biện dựa vào bạo lực (fallacy of argumentum baculinum). Nó là lý lẽ theo cây gậy (argument according to the stick), hoặc lý lẽ bằng cây roi (argument by means of the rod). Lập luận với sự hỗ trợ việc chấp nhận luận cứ bằng hăm dọa hoặc dùng sức mạnh. Khi việc lập luận bị thay thế bằng sức mạnh, kết quả của nó là kết liễu sự cãi lý và gợi tới các loại động thái khác như sợ hãi, giận dữ, hoặc đôi bên dùng sức mạnh.

3. Ngụy biện bằng luận cứ công kích cá nhân (fallacy of argumentum ad hominem/argument against man). Lập luận chống con người, hoặc từ khước quan điểm của người khác (đối phương) bằng cách công kích hoặc sỉ nhục người khác về nhân cách, cá tính, động cơ, dự tính, phẩm chất, v.v.. Nó đối lập với việc cung cấp bằng cứ chứng minh tại sao người khác không đúng. Thí dụ: “Điều anh ta nói không đáng tin vì anh ta là cảm tình viên của đảng Quốc xã.”

4. Ngụy biện bằng lập luận lợi dụng sự ngu dốt (fallacy of argumentum ad ignoratian/argument to ignorance/argument from ignorance). Lập luận rằng cái đó đúng vì không ai chứng minh rằng nó sai; hoặc lập luận rằng cái đó sai vì không ai chứng minh rằng nó đúng. Thí dụ, “Quỉ thần có thật vì chưa từng có ai chứng minh rằng nó không có thật”, hoặc “Quỉ thần không có thật vì chưa từng có ai chứng minh rằng nó có thật”. Lối ngụy biện này còn gọi là viện cớ ngu dốt (appeal to ignorance), dùng sự thiếu bằng cứ để hỗ trợ cho việc chứng minh cái gì đó là đúng hoặc không đúng.

5.Ngụy biện bằng lập luận dựa vào sự thương xót (fallacy of argumentum ad misericordiam/ argument to pity), hoặc cầu viện lòng thương xót (appeal to pity). Lập luận bằng cách viện tới lòng thương xót để được chấp nhận quan điểm nào đó. Thí dụ, “Thưa thầy, em đáng được ít nhất điểm B cho môn này, vì nếu không, em không có cơ hội vào học trường y”.

6. Ngụy biện bằng cách dựa vào những sở thích riêng tư của người khác (fallacy of argumentum ad personam), những ưa thích, những định kiến, những thiên hướng, v.v. để cho luận cứ của mình được chấp nhận.

7. Ngụy biện bằng cách dựa vào dân chúng (fallacy of argumentum ad populum/argument to the people), còn gọi là dựa vào quần chúng yêu thích; dựa vào đa số; dựa vào cái có tính đại chúng; dựa vào tiên kiến của đại chúng; dựa vào vô số; và dựa vào bản năng quần chúng hỗn tạp. Lập luận nhằm làm phát sinh sự chấp nhận có tính xúc động của đại chúng một ý tưởng mà không trình bày sự chứng minh có tính luận lý (logic) ý tưởng đó.

8. Ngụy biện bằng lập luận dựa vào thẩm quyền (fallacy of argumentum ad verecundiam/argument to authority), hoặc vào sự đáng tôn kính (argument to veneration). Dựa vào thẩm quyền (gồm tập tục, truyền thống, các định chế, v.v.) nhằm sở đắc sự chấp nhận quan điểm về một vấn đề, hoặc dựa vào cảm xúc mang tính tôn kính hoặc sự tôn trọng mà chúng ta có đối với người có thẩm quyền hay bậc vị vọng. Thí dụ, “Tôi tin rằng lời phát biểu ‘Bạn không thể làm luật về đạo đức’ là đúng vì Tổng thống Dwight Eisenhower đã nói câu đó”.

9. Ngụy biện bằng cách nhấn giọng (fallacy of accent); đôi khi nó được xếp loại là sự nhập nhằng của nhấn giọng. Lập luận đưa tới các kết luận từ sự nhấn mạnh thái quá (giọng nói, cung điệu) những chữ hoặc những lời phát biểu nhất định. Được xếp loại là ngụy biện mang tính tối nghĩa/nhập nhằng (fallacy of ambiguity) khi nào sự nhấn mạnh tạo ra tính mơ hồ hoặc nước đôi trong các từ ngữ hoặc các lời phát biểu được dùng trong luận cứ. Thí dụ, “Nhà lãnh đạo ấy không thể chỉ được ca ngợi”.

10. Ngụy biện ngẫu nhiên (a dicto simpliciter at dictum secundum quid/fallacy of accident), có thể hiểu thoáng là đi từ chân lý/sự thật tổng quát tới trường hợp cá biệt bất chấp cái sau có đạt chuẩn hay không. Nó áp dụng qui tắc, hoặc nguyên tắc tổng quát, cho một trường hợp (hoặc thí dụ) cá biệt mà hoàn cảnh ngẫu nhiên không cho phép áp dụng cái tổng quát đó. Thí dụ, “Có sự thật tổng quát rằng người ta không nên nói dối, do đó, không người nào nên nói dối khi tên sát nhân chĩa mũi dao đòi hỏi bạn phải cung cấp tin tức bạn biết, dẫn tới một vụ giết người nữa”. Hoặc nó sai lầm trong lập luận về việc áp dụng lời phát biểu tổng quát vào một hoàn cảnh cá biệt trong đó không thể áp dụng và không nhất thiết dự tính áp dụng.

11. Ngụy biện tối nghĩa (fallacy of ambiguity). Luận cứ có ít nhất một từ ngữ hoặc lời phát biểu mập mờ mà từ đó dẫn tới sai lạc hoặc rút ra kết luận sai. Xem lại số 9. Ngụy biện bằng cách nhấn giọng.

12. Ngụy biện nước đôi (fallacy of amphiboly). Lập luận đưa tới kết luận từ lời phát biểu có tính nước đôi – mơ hồ vì cú pháp của nó (cấu trúc ngữ pháp).

13. Ngụy biện thỉnh cầu vấn đề (fallacy of begging question). a/ Nó đi tới kết luận bằng kết luận từ các lời phát biểu mà tự thân chúng đã có vấn đề và cần phải chứng minh nhưng lại được giả định là đúng. Thí dụ, “Vũ trụ có bắt đầu. Mọi sự có bắt đầu thì có kẻ bắt đầu. Do đó, vũ trụ có kẻ bắt đầu được gọi là Thượng đế”. Luận cứ này giả dụ (thỉnh cầu vấn đề) rằng vũ trụ quả thật có bắt đầu và cũng thế vạn vật có bắt đầu, đều có kẻ bắt đầu. b/ Nó giả định kết luận hoặc có phần của kết luận trong các tiền đề của luận cứ, đôi khi gọi là lý luận lẩn quẩn; ngụy biện loanh quanh sai lạc; hoặc ngụy biện lòng vòng sai lạc. Thí dụ, “Mọi cái đều có nguyên nhân. Vũ trụ là một cái. Do đó vũ trụ là cái có nguyên nhân”. c/ Nó lập luận trong vòng tròn – phát biểu này được sự hỗ trợ nhờ viện dẫn phát biểu khác mà tự thân cái thứ hai này lại được sự hỗ trợ của cái thứ nhất. Thí dụ, “Thể chế quí tộc trị là hình thức tốt nhất vì hình thức tốt nhất của chính quyền là có sự lãnh đạo mạnh mẽ của giới quí tộc”.

14. Ngụy biện bằng câu hỏi phức tạp, hoặc câu hỏi chất chứa sẵn (fallacy of complex question/fallacy of loaded question). a/ Đặt câu hỏi mà đáp có hoặc không đều đã bị buộc sẵn trong câu trả lời. Câu trả lời đúng như mong muốn đã được khéo giả định trong câu hỏi, và không thể nào trả lời khác. Thí dụ, “Bạn có từng gián đoạn việc dùng thuốc phiện không?” b/ Đặt câu hỏi dựa trên thái độ không nói rõ hoặc các giả định có vấn đề (hoặc không thể biện bạch). Những câu hỏi này thường được đặt ra một cách sáo rỗng, gợi tới câu trả lời nhất trí với thái độ hoặc các giả định của người khác. Thí dụ, “Bạn sẽ chịu đựng sự tàn bạo này bao lâu nữa?”

15. Ngụy biện về sự cấu thành (fallacy in composition). Lập luận rằng a/ Cái đúng trong mỗi phần của cái toàn bộ thì nhất thiết cũng đúng cho chính cái toàn bộ. Hoặc b/ Cái đúng cho một số phần của cái toàn bộ thì nhất thiết cũng đúng cho chính cái toàn bộ. Thí dụ, “Mỗi thành viên (hoặc một số thành viên) của đội đều lập gia đình, do đó, toàn đội cũng có (hoặc phải có) gia đình.” Việc suy ra một tập thể có các đặc tính nhất định mà chỉ đơn thuần dựa trên các thành phần của nó có chúng, đã tiến hành một cách sai lầm từ việc đánh giá tập thể ấy một cách phân bố tới việc đánh giá nó một cách tập thể.

16. Ngụy biện sự đồng thuận của các dân tộc (fallacy of consensus gentium/unanimity of the nations) hiểu thoáng là sự đồng ý rộng rãi. Lập luận rằng một ý tưởng là đúng trên căn bản a) đa số dân tộc tin nó; và/hoặc b) nó được cho là như thế một cách phổ quát bởi mọi dân tộc trong mọi thời đại. Thí dụ, “Thượng đế hiện hữu vì mọi nền văn hóa đều có khái niệm nào đó về Thượng đế”.

17. Ngụy biện ngẫu nhiên nghịch đảo (fallacy of converse accident); đôi khi được gọi là ngụy biện nghịch đảo ngẫu nhiên (converse fallacy of accident); tiếng Latin gọi là a dicto seculum quid ad dictum simpliciter, hiểu thoáng là từ chân lý/sự thật đặc thù làm như thể nó có giá trị tổng quát; nó làsự sai lầm của việc tổng quát hóa từ các trường hợp ngoại lệ phi kiểu mẫu. Thí dụ, “Uống rượu mạnh và ấm mỗi đêm giúp cho người lớn tuổi thư giản và ngủ ngon hơn. Người ta nói chung cần uống rượu mạnh và ấm để thư giản sự căng thẳng và ngủ ngon hơn”. Nó gần giống với số 10 Ngụy biện ngẫu nhiên ở trên.

18. Ngụy biện sự phân chia (fallacy of division). Lập luận rằng cái đúng của cái toàn bộ thì a) nhất thiết cũng đúng cho các phần của nó; và/hoặc b) cũng đúng cho một số phần của nó. Thí dụ, Cộng đồng Hoa Kỳ ven Thái bình dương đều giàu có cực kỳ, do đó mọi người sống ở đó đều (phải là) giàu có cực kỳ (hoặc do đó Adam, người đang sống ở đó, là (phải là) giàu có cực kỳ). Việc suy ra các thành phần của một tập thể có các đặc tính nhất định mà chỉ hoàn toàn dựa trên tập thể ấy có chúng, đã tiến hành một cách sai lầm từ việc đánh giá tập thể ấy một cách tập thể tới việc đánh giá nó một cách phân bố.

19. Ngụy biện lập lờ (fallacy of equivocation). Một lập luận trong đó một từ ngữ được dùng với ý nghĩa này ở phần này của luận cứ, và với ý nghĩa khác ở phần kia cũng trong luận cứ ấy. Thí dụ thông thường, “Cùng đích của vật là sự toàn hảo của nó; chết là cùng đích của cuộc đời; do đó, cái chết là sự toàn hảo của cuộc đời”.

20. Ngụy biện nguyên nhân sai (fallacy of non causa pro causa). Cũng có thể hiếu là không có nguyên nhân của loại được đưa ra như là nguyên nhân. Nó thể hiện ở a/ Tin rằng cái gì đó là nguyên nhân của một hiệu quả khi trong thực tại, nó không phải. Thí dụ, “Những câu thần chú của tôi khiến cho đổ mưa”; b/ Lập luận rằng lời phát biểu đó có vẻ không được chấp nhận vì nó bao hàm một lời phát biểu khác sai (nhưng trong thực tại, nó không phải như thế).

21. Ngụy biện lấy hậu quả này làm nguyên nhân nọ (fallacy of post hoc ergo propter hoc). Cũng có thể hiểu thoáng là nó sau cái này do đó nó là hậu quả (hiệu quả) của cái này; hoặc nó sau cái này do đó nó bởi vì cái này. Đôi khi được gọi là ngụy biện nguyên nhân giả(fallacy of false cause), việc kết luận rằng cái này là nguyên nhân của cái kia vì đi trước nó trong thời gian. Đây là sự hoang mang hoặc lẫn lộn giữa khái niệm về sự kế tiếp và khái niệm về nhân quả. Thí dụ, “Con mèo mun chạy ngang lối đi của tôi, mười phút sau tôi bị ô tô đụng. Do đó, con mèo mun chạy ngang lối đi của tôi là nguyên nhân của việc tôi bị ô tô đụng”.

22. Ngụy biện tổng quát hóa vội vã (fallacy of hasty generalization), đôi khi được gọi là ngụy biện qui nạp vội vã (fallacy of hasty induction). Sai lầm của lập luận qua đó lời phát biểu tổng quát được xác định (được rút ra) dựa trên a/ thông tin hạn chế; b/ bằng cứ không tương xứng, hoặc c/ mẫu trưng dẫn không tiêu biểu.

23. Ngụy biện đánh lạc hướng vấn đề (fallacy of ignoratio elenchi/ignorance of the refutation). Làm lơ sự bác bẻ, cũng được gọi là kết luận không thích đáng (irrelevant conclusion), đồng nghĩa luận cứ trật lất. Nghĩa là lập luận cho cái gì đó khác với cái được chứng minh, qua đó không cách gì bác bẻ (hoặc hỗ trợ) cho các quan điểm của vấn đề. Thí dụ: Một luật sư bào chữa cho thân chủ nghiện rượu vừa giết ba người trong cơn say khướt, lập luận rằng thói nghiện rượu là một tật bệnh kinh khủng, mọi người nên cố hết sức loại trừ nó. Đôi khi kiểu ngụy biện này cũng được dùng như một mệnh danh tổng quát cho mọi phép ngụy biện đặt căn bản trên tính không thích đáng.

24. Ngụy biện mang tính không nhất quán (fallacy of inconsistency). Lập luận từ những phát biểu không nhất quán, hoặc tới những kết luận không nhất quán với các tiền đề. Xem thêm số 36 bên dưới.

25. Ngụy biện mục đích không thích đáng (fallacy of irrelevant purpose). Lập luận phản bác cái gì đó trên căn bản rằng nó không hoàn thành mục đích của nó (dù trong thực tế không có mục đích nào dự tính cho nó).

26. Ngụy biện là-cần-phải (fallacy of is-to-ought). Lập luận từ các tiền đề chỉ có những phát biểu có tính mô tả (là, is), hoặc tới kết luận chứa đựng cần phải, ought, hoặc nên, should.

27. Ngụy biện những cái chọn lựa bị hạn chế hoặc giả tạo (fallacy of limited (or false) alternatives). Sai lầm của việc nhất quyết mà không có thẩm tra hoặc bằng cứ đầy đủ khiến cho những chọn lựa cho quá trình hành động bị cạn kiệt và/hoặc lẫn lộn qua lại.

28. Ngụy biện nhiều câu hỏi (fallacy of many questions). Đôi khi còn gọi là ngụy biện câu hỏi sai (fallacy of the false question). Yêu cầu là đặt câu hỏi mà chỉ có một câu trả lời đơn giản và duy nhất cho nó, thế nhưng câu hỏi lại a) đòi hỏi một chuỗi các câu trả lời, và/hoặc b) đòi hỏi câu trả lời đưa tới một loạt các câu hỏi khác, mỗi cái nên được trả lời riêng ra. Thí dụ: “Có phải anh vừa rời ghế nhà trường?”

29. Ngụy biện xuyên tạc ngữ cảnh (fallacy of misleading context). Lập luận bằng cách trình bày sai, xuyên tạc, bỏ sót, hoặc trích dẫn cái gì đó nằm ngoài ngữ cảnh.

30. Ngụy biện tiên kiến (fallacy of prejudice). Lập luận phát xuất từ thành kiến hoặc đồng hóa cảm xúc hoặc liên quan tới một ý tưởng (luận cứ, học thuyết, định chế, v.v.)

31. Ngụy biện đánh tráo vấn đề (fallacy of red herring). Làm lơ sự phê bình một luận cứ bằng cách chuyển sự chú ý tới chủ đề khác. Thí dụ, “Bạn tin vào sự phá thai, tuy thế, trước mặt cơ quan lập pháp, bạn không tin vào dự luật quyền được chết có phẩm cách.”

32. Ngụy biện thiên lệch (fallacy of slanting). Cố ý bỏ sót, không nhấn mạnh hoặc nhấn mạnh quá đáng các điểm nhất định để loại trừ các điểm khác nhằm che giấu chứng cứ vừa quan trọng và thích đáng đối với kết luận của một luận cứ vừa đáng để ý tới trong một luận cứ.

33. Ngụy biện bào chữa đặc biệt (fallacy of special pleading). Gồm hai hình thức a/ Chấp nhận một ý tưởng hoặc một phê bình khi nó áp dụng vào luận cứ của đối phương, nhưng từ khước khi nó áp dụng vào luận cứ của chính mình; b/ Từ khước một ý tưởng hoặc một phê bình khi nó áp dụng vào luận cứ của đối phương, nhưng chấp nhận khi nó áp dụng vào luận cứ của chính mình.

34. Ngụy biện người rơm (fallacy of straw man). Trình bày lập trường của đối phương theo một phiên bản yếu ớt và xuyên tạc hết sức có thể được để nó có thể bị bác bẻ dễ dàng. Thí dụ, “Thuyết Darwin hàm chứa sai lạc. Nó tuyên bố rằng chúng ta đều là hậu duệ của một tạo vật giống như vượn, từ cái đó chúng ta tiến hóa theo sự chọn lọc tự nhiên. Không có bằng chứng nào về việc khám phá một sinh vật như thế. Không đưa ra sự giải thích nhất quán và tương xứng về chọn lọc tự nhiên. Do đó, không xảy ra sự tiến hóa theo thuyết Darwin”.

35. Ngụy biện râu ria (fallacy of the beard). a/ Lập luận rằng dị biệt nhỏ (tiểu tiết) không (hoặc không thể) tạo ra sự khác biệt, hay không (hoặc không thể) có ý nghĩa; hoặc b/ Lập luận để tìm thấy điểm xác định ở đó cái gì đó có thể được định danh. Thí dụ: Quả quyết rằng mất một ít tóc ở chỗ này chỗ nọ trên đầu hoàn toàn không có nghĩa cho thấy sự hói đầu đang xảy tới trước mắt, hoặc ra sức quyết định rằng con người phải có bao nhiêu sợi tóc trước khi y có thể bị gọi là hói (hoặc không hói).

36. Ngụy biện bạn cũng vậy (fallacy of tu quo que/you also. Gồm hai cách a/ Trình bày bằng cứ rằng hành động của một người không nhất quán với cái mà y đang lập luận; b/ Cho thấy rằng quan điểm của một người không nhất quán với cái trước đây y tin, do đó người ấy không đáng tin, và (hoặc) quan điểm mới của y sẽ (hoặc đáng) bị từ khước. Thí dụ, “Thẩm phán X. chống đối việc hợp pháp hoá cần sa bốn năm trước đây khi ông ấy đang có quyền. Bây giờ ông ta ủng hộ nó. Làm thế nào bạn có thể tin tưởng một người thay đổi ý kiến về một vấn đề quan trọng như thế? Lập trường hiện nay của ông không nhất quán với quan điểm của ông trước kia, do đó không nên chấp nhận nó”. c/ đôi khi liên quan tới ngụy biện hai sai làm thành một đúng(fallacy of two wrongs make a right). Thí dụ: Các đảng viên đảng A suốt nhiều năm dùng máy ghi âm nghe lén bất hợp pháp, do đó không nên kết án các đảng viên đảng B về việc ghi âm nghe lén bất hợp pháp.

37. Ngụy biện nguồn không đạt chuẩn (fallacy of unqualified source). Dùng một luận cứ để hỗ trợ mà nguồn gốc thẩm quyền của nó không đạt chuẩn cung cấp bằng cứ.

38. Ngụy biện dân cờ bạc (gambler’s fallacy). Ở trong các cách a/ Lập luận rằng, vì, thí dụ, một đồng xu nảy ra mặt sấp liên tiếp mười lần thì lần thứ mười một nó sẽ nảy ra mặt ngửa; hoặc b) Lập luận rằng, vì, thí dụ, hãng máy bay ấy suốt 10 năm nay không bị tai nạn, thế thì chẳng mấy chốc nó sẽ gặp tai nạn. Ngụy biện dân cờ bạc từ khước sự giả định trong lý thuyết xác suất rằng mỗi biến cố thì độc lập với những cái xảy ra trước đây của nó. Cơ hội xảy ra của một biến cố thì luôn luôn giống nhau, bất chấp bao nhiêu lần biến cố ấy đã xảy ra trong quá khứ. Căn cứ vào những biến cố xảy ra trong một thời gian đủ dài thì lúc ấy tần số xuất hiện của chúng trung bình là ½. Ngụy biện dân cờ bạc đôi khi được có ý nói như là ngụy biện Monte Carlo (Monte Carlo fallacy); nó là một dạng tổng quát hóa của ngụy biện dân cờ bạc: cái sai lầm của việc giả định rằng vì có cái gì đó đang xảy ra một cách ít thường xuyên hơn kỳ vọng trong quá khứ, nên có cơ hội gia tăng rằng nó sẽ sớm xảy ra.

39. Ngụy biện di truyền (genetic fallacy). Theo các cách như a/ Lập luận rằng nguồn gốc của cái gì đó thì đồng hóa với cái mà từ đó nó bắt nguồn. Thí dụ: “Ý thức có nguồn gốc trong diễn tiến thần kinh, do đó, ý thức là (không là gì cả mà chỉ là) các diễn tiến thần kinh”. Đôi khi được đề cập tới như là ngụy biện không là gì cả mà chỉ là(nothing-but fallacy) hoặc ngụy biện giảm thiểu(reduce fallacy); b/ Đánh giá hoặc giải thích cái gì đó trong liên quan tới nguồn gốc, xuất xứ, hoặc khởi đầu; c/ Lập luận rằng cái gì đó sẽ bị từ khước vì nguồn gốc của nó đã được biết và/hoặc bị nghi ngờ.

40. Ngụy biện thực dụng (pragmatic fallacy). Lập luận rằng cái gì đó là đúng vì nó có kết quả thực dụng đối với dân chúng: nó làm cho họ hạnh phúc, cư xử dễ dàng hơn, sống đạo đức, chung thủy và ổn định hơn. Thí dụ: Cuộc sống bất tử hiện hữu vì nếu không có khái niệm ấy, loài người sẽ không có cái gì để sống cho nó. Hẳn không có ý nghĩa hoặc cứu cánh nào trong cuộc đời và mọi người hẳn bất tử.

Ngụy biện và sophism

Tại Hy Lạp thời cổ đại có phái triết học Sophism mà nhiều người Việt dịch là Phái ngụy biện, và sophist là người ngụy biện. Thật ra, nên gọi họ là biện sĩ, và phái biện luận. Họ gồm các tôn sư (nghĩa đen là “người dạy học”) cư trú rày đây mai đó vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên (TCN). Nhận tiền công, họ dạy triết học và luyện cho đệ tử thuật hùng biện chuyên nghiệp cùng các kỹ thuật khác để kích thích quần chúng, các nhân vật hoặc quan chức của xã hội. Họ được mô tả rất sống động trong các bài đối thoại của Plato và thường là đối thủ tranh luận một cách biện chứng với Socrates.

Bằng động thái không quan tâm tới trách nhiệm, để hoàn tất dịch vụ, các biện sĩ truyền đạt lời giảng của mình với kỹ thuật lập luận và lối tu từ mà không quan tâm tới nội dung đạo đức. Ngược lại, những kẻ thán phục họ đã hoan nghênh họ như là những thủ lãnh của tinh thần khai sáng nhân bản từ thế kỷ 5 TCN. Những khuôn mặt nổi bật của phái biện sĩ gồm có Protagoras (k.490–k.420 TCN), Hippias (k. 527–510 TCN), Gorgias (483–375 TCN) và Prodicus (k. 460–395 TCN). Hình ảnh của họ đôi khi làm ta liên tưởng tới các nhà du thuyết chân đi dép cỏ đầu đội nón rơm với một bụng kinh luân và mộng công hầu, của Trung Hoa cũng thời Xuân thu Chiến quốc.

THUẬT NGỮ BỔ TÚC

Để góp phần tiện đường tra cứu cho người đọc, xin bổ túc thêm một số thuật ngữ về ngụy biện.

ad affectus:dựa vào cảm xúc, argument to emotion; ad antiquitatem: dựa vào truyền thống, argument to tradition; ad auctoritate: dựa vào thẩm quyền,argument from authority; ad consequentiam: dựa vào hậu quả, argument to consequences; ad crumenam: dựa vào sự giàu,argument to wealth; ad Lazarum: dựa vào sự nghèo, argument to poverty; ad misericordiam: dựa vào thương xót, argument to pity;ad naculum: đe dọa hậu quả xấu,argument to consequences;ad novitatis/ad antiquitatis: dựa vào tính mới/cũ, argument to novelty/antiquity; ad numerum: dựa vào con số,argument to number; ad ridicule: dựa vào chế diễu, argument to ridicule; bandwagoning: lợi dụng cảm tính và đám đông (quả quyết rằng mọi người đều đồng ý); burden of proof: bắt chứng minh; card-stacking: lợi dụng các sự kiện cá biệt, (selectively using facts); either-or fallacy: tạo nan đề với sự giản dị hóa vấn đề, (creating a false dilemmain which the situation is oversimplified);ex silentio: dựa vào làm thinh, argument from silence; false analogy: ví von bất xứng; false dilemma: nan đề giả; false equivalence and false analogy: đối chiếu và loại suy nhập nhằng; false generalization generalizing quickly and sloppily: khái quát hóa vội vã và cẩu thả; in terrorem: viện cớ sợ hãi,appeal to fear;middle ground: chọn đứng giữa; non-sequitur: phi logic và nhảy cóc trong lập luận, making jumps in logic; that does not follow; quaternio terminorum: ngụy biện tứ đoạn luận,fallacy of four terms; reletivist fallacy: tương đối chủ nghĩa;vacuous truth: sự thật ngớ ngẩn; wistful thinking: dựa vào lối tư duy khao khát; affective fallacy: ngụy biện về cảm thụ; conditional or questionable fallacy: ngụy biện đặt điều kiện hoặc chất vấn; domino fallacy: ngụy biện dồn đẩy nhau; formal syllogistic fallacy: ngụy biện tam đoạn luận hình thức; logical fallacy: cưỡng từ đoạt lý; naturalistic fallacy: ngụy biện tự nhiên chủ nghĩa; pathetic fallacy: nhân cách hóa vật vô tri; propositional fallacy: ngụy biện mệnh đề; quantification fallacy: ngụy biện lượng tính hóa; value-effort fallacy: ngụy biện giá trị-nỗ lực.

_______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Cao Văn Luận, Đào Văn Tập, Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Tuyên, LM Xuân (Carpet), Danh Từ Triết Học, Sàigòn, 1969

Đào Duy Anh, Hán Việt Từ điển, Trường Thi tái bản, Sàigòn, 1963

Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2008

J. Grooten & G. Jo Steenbergen, The New Encyclopedia of Philosophy, Nxb Philosophical Library, New York, 1972

Peter A. Angeles, Dictionary Philosophy, The Harper Collins, New York, 1992

Robert Audi (edited), The Cambridge Dictionary of Philosophy, Nxb. Cambridge University Press, New York, 1999

The Oxford English Reference Dictionary, Oxford University Press, 1996

Trần Văn Hiến Minh, Từ Điển & Danh Từ Triết Học, Tủ sách Ra Khơi, 1966

William Bridgwater & Seymour Kurtz (edited), The Colombia Encyclopedia, Third Edition, Columbia University Press, New York & London, 1956