Con sá sùng có lợi sống như thế nào

Đại dương rộng lớn, mênh mông, chứa đựng nhiều sự bí ẩn mà loài người vẫn chưa khám phá hết được. Cả ngàn sinh vật biển sống nơi biển khơi, mang lại vô vàng lợi ích lớn lao và giá trị tuyệt vời. Sá sùng là một trong số đó. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà chúng vừa bồi bổ cơ thể vừa có khả năng trị bệnh. YouMed sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về những bí ẩn xung quanh loại động vật này nhé.

Sá sùng là gì?

  • Tên gọi khác: Sa sùng, giun biển, địa sâm, mồi, bi bi, cạp đất…
  • Tên khoa học: Sipunculus nudus.
  • Thuộc ngành sá sùng.

Đặc điểm sinh trưởng và thu hoạch

Đặc điểm sinh trưởng

Theo dân gian, từ xa xưa chỉ có nhà giàu, hay vua chúa mới có thể thưởng thức loại hải sản này.

Là loài động vật quý hiếm, có thể gặp ở vài vùng ven biển cát pha ở nước ta từ Bắc vào Nam. Một số nơi như Vũng Tàu, Nha Trang, Côn Đảo, Quảng Ninh… đều ghi nhận tìm thấy sá sùng. Trong đó, chất lượng ngon và thành phần dinh dưỡng cao hơn cả chính là sá sùng ở đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Bởi vị trí này nằm trong vùng vịnh, sóng ít, thủy triều lên xuống đều đặn và có nhiều bãi cát bồi. Chính vì giá trị hảo hạng mà giá cả của chúng ngoại thị trường khá đắt đỏ. Ngoài ra, loài còn xuất hiện ở Trung Quốc, tuy nhiên chất lượng không sánh bằng.

Loài sinh vật này có thể sống trong những hang đá, khe cát ở tận đáy biển sâu đến 30m. Thức ăn của chúng là những chất hữu cơ, sinh vật phù du nổi trên mặt nước.

Sá sùng là loài sinh vật biển có nhiều tác dụng quý báu

Thu hoạch

Ngày nay, do việc đánh bắt quá mức, nên số lượng sá sùng ngày càng giảm dần. Ngư dân khai thác loài động vật này vào tháng 3 đến tháng 7 hàng năm, lúc này mực nước biển xuống thấp. Vào sáng sớm, khi thủy triều rút dần, sá sùng để lộ những vết tích chúng đi kiếm ăn hay giao phối từ đêm hôm trước. Như vậy, đây cũng chính là thời điểm tốt nhất để bắt chúng. Người ta sẽ đào sâu xuống đất chỗ nơi vết tích là có thể bắt được.

Sau khi thu hoạch, ngư dân sẽ đem chúng đi rửa sạch, xả hết phần cát trong ruột. Có thể đem ướp lạnh hoặc sấy khô để lưu trữ lâu hơn.

Mô tả Sá sùng

Sá sùng tươi có thể dài đến 40cm, trung bình khoảng 10cm, đường kính 20cm, nặng từ 1-3kg. Loài không có xương sống, hình dáng khá giống giun đất, có các sợi vân ngang nhỏ.

Khi bị bắt hoặc gặp nguy hiểm, chúng thu tròn lại như quả bóng, với miệng bé như lỗ van. Đặc biệt, màu sắc bề mặt da sẽ thay đổi tùy thuộc vào môi trường sống. Sờ vào thân sẽ cảm thấy khá mát và mềm. Bên trong ruột chỉ có một ống từ đầu đến cuối mà không hề có nội tạng như gan, phổi, tim… mà chủ yếu là cát.

Hiện nay, trên thị trường có 3 loại gồm:

  • Loại hảo hạng được đánh bắt tại Quảng Ninh có màu sáng tự nhiên, thân ngắn, dày, nấu lên cho nước ngọt thanh.
  • Các loại ở nơi khác thường có thân dài, màu vàng sậm, mùi tanh nhẹ.
  • Còn loại từ Trung Quốc có màu trắng trong, mỏng và không có mùi thơm đặc trưng.

Cách sơ chế và bảo quản

Tùy theo nhu cầu mà có thể sử dụng thực phẩm ở dạng tươi hay khô. Kỹ thuật chế biến loài động vật này khá phức tạp, bởi phải trải qua nhiều công đoạn.

Sơ chế

Sau khi bắt, rửa sạch, lộn phần ruột ra rồi loại bỏ kỹ cát và tạp chất bên trong. Nên dùng nước muối rửa nhiều lần, cho giảm mùi tanh khó chịu, rửa đến khi có màu trắng hồng. Như vậy, khi ăn mới không có cảm giác lạo xạo, mất đi sự hấp dẫn của món ăn.

Dùng tươi

Khi sơ chế xong, ta đem thành phẩm để trong thùng xốp và làm đông đá lại để bảo quản lâu và hơn và giữ được độ tươi ngon.

Thực phẩm khô

Lấy loại đã sơ chế đem phơi nắng liên tục 4-5 cử. Nắng phải to và đều thì mới có thể cho thành phẩm chất lượng. Quá trình này sẽ hao hụt đáng kể, dược liệu sẽ khô lại, như miếng vỏ cây mỏng nhăn nheo. Hơn nữa 1kg sá sùng khô phải mất đến 12kg nguyên liệu tươi.

Thông thường, sau khi sấy khô có thể sử dụng từ 2 tuần đến 1 tháng trong nhiệt độ bình thường, không ẩm mốc. Thế nhưng, để lưu trữ lâu hơn cũng như đảm bảo độ ngon thì nên dùng giấy báo để gói nguyên liệu, rồi cho vào túi nilon kín, đặt vào tủ lạnh. Với cách này, có thể bảo quản thực phẩm khoảng 3 tháng.

Sá sùng là thực phẩm không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà giá cả cũng đắt đỏ

Giá trị dinh dưỡng của Sá sùng

Theo nhiều nghiên cứu, sá sùng là nguyên liệu bổ dưỡng, với nhiều thành phần đa dạng và phong phú:

  • Thịt chứa hơn 17 nguyên tố khoáng như sắt, mangan, canxi, kẽm, niken…
  • Mức độ protein cao, gồm 18 loại axit amin [chiếm 10.3%]…Trong đó có 8 loại không thể thay thế, cũng như cần thiết cho cơ thể con người.
  • Cụ thể như glycin 3.2%, alanin 2.5%, glutamin 0.25%, succinic 0.35%, giàu taurin…
  • Chất béo 12.766%, trong đó có 12 axit béo bão hòa, 5 axit béo không bão hòa đơn và 13 axit béo không bão hòa đa.
  • Ngoài ra, hàm lượng nước, chất xơ, carbohydrat và các vitamin A, B1, B6, B12, E,…trong sinh vật này cũng khá cao.

Tác dụng của Sá sùng

Nguồn dinh dưỡng dồi dào, bồi bổ cơ thể suy nhược

Sinh vật này chứa lượng nước, protein, chất béo, carbohydrat…dồi dào, thông qua việc tích lũy từ phù sa lắng đọng trong môi trường sống và nguồn thức ăn. Đây đều là những chất thiết yếu hình thành tế bào và các mô của cơ thể. Chính vì vậy, từ xa xưa, dân gian đã dùng sá sùng như một loại nguyên liệu bồi bổ cho người bị suy nhược, sức khỏe yếu.

Hỗ trợ dạ dày, ngừa táo bón

Chất xơ trong thực phẩm này khá cao khoảng 0.6%/4g sá sùng tươi. Nguồn chất xơ quý báu này, có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày, ngăn ngừa táo bón, giảm đầy hơi, khó tiêu. Ngoài ra, chúng cũng giúp nuôi dưỡng các vị khuẩn có lợi cho đường ruột, tăng cảm giác no, giảm cơn thèm ăn.

Giảm đau, mạnh gân cốt

Một nghiên cứu về loài vào năm 2000 đã ghi nhận: Sử dụng chiết xuất của sá sùng cho các đối tượng đau nhức xương khớp thì sau một thời gian sẽ cải thiện triệu chứng.

Cải thiện sinh lý phái mạnh

Dù chưa có nhiều nghiên cứu sâu, nhưng từ lâu, loài này được xem như thần dược của nam giới. Chúng hỗ trợ điều trị các bệnh lý nam khoa như liệt dương, xuất tinh sớm, di tinh…

Sá sùng trong y học cổ truyền

Tính vị: Vị ngọt, mặn, tính hàn

Công dụng: Bổ Thận, tráng dương, thanh nhiệt, kiện Tỳ Vị, bồi bổ cơ thể, trị nóng trong người, đổ mồ hôi trộm, răng lợi sưng đau…

Cách sử dụng sá sùng

Sá sùng trong ẩm thực

Thay thế cho mì chính để tạo đột ngọt cho nước dùng nấu canh hay phở, cháo…

Ngoài ra, có thể làm nguyên liệu cho món luộc hay xào tỏi, su hào, rang, chiên giòn, chấm mắm…

Với sá sùng khô, nên chọn loại có kích thước tương đối đều, mình dày, không tanh, màu trắng ngà. Không nên mua hàng mốc xỉn, xuống màu, có mùi lạ, dễ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi dùng.

Rượu sá sùng là thực phẩm tốt cho cơ thể, cung cấp nhiều dưỡng chất, đặc biệt cho phái mạnh.

Sá sùng khi cho vào nước dùng canh, cháo, phở…sẽ có vị ngọt thanh, tự nhiên đặc trưng

Một số lưu ý khi sử dụng

Mẫn cảm, dị ứng hay các bất kỳ triệu chứng bất thường nào với các thành phần trong nguyên liệu thì không nên sử dụng.

Cũng giống như nhiều thực phẩm khác, dù có nhiều công dụng quý báu nhưng ta vẫn không nên lạm dụng chúng. Bởi việc sử dụng quá liều sẽ dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn.

Phụ nữ mang thai và cho con bú vẫn có thể sử dụng thực phẩm này, tuy nhiên cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc những người có chuyên môn.

Một số bài thuốc kinh nghiệm

Bổ Thận, tráng dương, mạnh sinh lý

Sá sùng khô sao thơm, vàng, đem nghiền bột, dùng 5-7g/ngày, chia 2 lần uống.

Rượu sá sùng

Sá sùng khô 1kg, quế chi 20g, tiểu hồi 50g, kỷ tử 300g, rượu nếp 3 lít 40 độ. Ngâm với nhau trong vòng 1tháng là uống được.

Hỗ trợ người bị ho kéo dài, hen suyễn

Sá sùng khô 5g, cát cánh 5g, mạch môn 10g, tất cả đun với 1 lít nước uống trong ngày.

Thật sự, sá sùng là món quà giá trị quý báu mà đại dương đem đến cho chúng ta. Không chỉ là một món ăn độc đáo, bổ dưỡng mà loài sinh vật này còn có nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Ngoài ra, để có thể phát huy hết tác dụng và tránh được rủi ro khi sử dụng, ta nên tham khảo ý kiến những người có chuyên môn, các y bác sĩ.

Video liên quan

Chủ Đề