Nguyên nhân ô nhiễm đó thuốc bảo vệ thực vật

Người dân xã Ea Lai [huyện M'Drắk] sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng

Rác thải thuốc BVTV là rác thải nguy hại cần phải được xử lý theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quy định này vẫn chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm.

Tiêu thụ “khủng” - thu gom “nhỏ giọt”

Đắk Lắk có diện tích đất nông nghiệp khá lớn. Năm 2020, diện tích gieo trồng cả tỉnh đạt 668.216 ha, cao nhất trong cả nước. Trong đó, diện tích cây hằng năm trên 327.161 ha, cây lâu năm trên 341.055 ha [cây công nghiệp và cây ăn quả]. Kéo theo đó, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV cũng rất lớn. Ước tính, bình quân mỗi năm nông dân Đắk Lắk sử dụng khoảng 1.700 tấn thuốc BVTV, trong đó có khoảng 30% là thuốc BVTV sinh học. Tính bình quân, mỗi héc ta đất trồng cây sẽ sử dụng khoảng 2,54 kg thuốc BVTV.

Theo ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, đối tượng cây trồng, cách thức sản xuất và thói quen canh tác là những yếu tố quan trọng tác động đến việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân. Hầu hết diện tích đất trồng cây công nghiệp dài ngày tại Đắk Lắk được canh tác theo hình thức đa canh, đa tầng, đa tán. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh ở mỗi loại cây trồng khác nhau [1 - 2 lần sử dụng thuốc BVTV/vụ/loại cây trồng], dẫn đến chủng loại, số lượng, tần suất sử dụng thuốc BVTV trên mỗi diện tích cây trồng tăng vượt trội so với trồng lúa và hoa màu.

Với khối lượng thuốc BVTV tiêu thụ “khủng” như thế, nếu thu gom hết thì trung bình mỗi năm lượng rác thải từ thuốc BVTV khoảng 170 tấn, trong đó có 119 tấn rác thải thuốc BVTV hóa học phải xử lý triệt để theo quy định đối với rác thải độc hại để bảo vệ môi trường.

“Hiện nay, do trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhà lưu chứa cũng như chưa có đơn vị nào có năng lực được cấp phép nên đã gây nhiều khó khăn trong thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV ở cơ sở. Do đó, vấn đề ô nhiêm môi trường từ vỏ thuốc BVTV đang trở nên cấp thiết; đây là hồi chuông cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường".

Ông Lê Văn ThànhChi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đắk Lắk

Thuốc BVTV là những hợp chất độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, tồn tại rất lâu trong môi trường nên khó phân hủy sinh học. Do đó, theo quy định rác thải thuốc BVTV sau khi sử dụng phải được thu gom vào các bể chứa; không được bỏ chung với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng, không tự ý đốt hoặc đem chôn lấp... Thế nhưng, nhiều năm nay vấn đề này vẫn chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, do đó lượng rác thải thuốc BVTV thu gom vẫn còn "nhỏ giọt", chưa đáng kể.

Hiện tại, toàn tỉnh mới có một số địa phương quan tâm và thực hiện thu gom, xử lý như các huyện Cư M’gar, Krông Ana, M’Drắk… Còn lại hầu hết người dân “tự xử” bằng phương pháp thủ công: Chôn lấp, đốt, bỏ chung vào rác thải sinh hoạt, thậm chí bỏ lại trên các cánh đồng, nương rẫy, nơi lấy nước để pha thuốc…

Những thói quen có hại

Dù đã có những khuyến cáo từ cơ quan chức năng và từ nhà sản xuất, nhưng nhiều người sử dụng không lưu tâm làm theo mà vẫn duy trì những thói quen có hại trong sản xuất nông nghiệp. Trong các lớp tập huấn, cán bộ ngành nông nghiệp thường hướng dẫn người dân cần súc rửa bao bì ít nhất 3 lần theo quy trình và nước súc rửa được đổ vào bình để hạn chế tối đa lượng thuốc tồn lưu, tránh lãng phí thuốc nhưng đa phần nông dân chỉ súc một lần rồi vứt bỏ, kéo theo hoạt chất tồn dư trong bao bì cao.

Điều này dẫn đến việc sau khi thải ra môi trường, lượng thuốc tồn dư còn lại gây tác động trực tiếp đến môi trường xung quanh. Hoặc sau khi sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng, nhiều người vẫn quen “tiện tay” vứt vỏ chai, bao bì ngay tại đồng ruộng, nương rẫy hay dưới kênh mương, ao hồ nơi dùng để pha chế thuốc. Một số người dân có ý thức hơn đã thu gom rác thuốc BVTV mang về nhà và xử lý bằng cách bỏ chung vào túi rác thải sinh hoạt hoặc đem đi chôn lấp.

Cán bộ Hội Nông dân phường Khánh Xuân [TP. Buôn Ma Thuột] trao đổi với hội viên về sản xuất rau an toàn

Chính việc không thu gom để xử lý, hay xử lý không đúng cách đã gây tác hại không nhỏ đến môi trường đất, nước cũng như sức khỏe con người; đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí số 17 [Môi trường và An toàn thực phẩm] trong chương trình xây dựng nông thôn mới của chính địa phương.

Trước đây, đi trên các cánh đồng của xã Quảng Tiến [huyện Cư M’gar] thường nhìn thấy rất nhiều vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng vứt tràn lan trên bờ ruộng, kênh mương. Đặc biệt, là những nơi có nguồn nước đủ lớn để lấy pha thuốc luôn có rác thải thuốc BVTV bởi thói quen “tiện đâu vứt đấy”.

Tương tự, ở xã Ea Kmút [huyện Ea Kar] cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV do người dân bỏ lại trên những mương nước, bờ ruộng sau khi sử dụng cho cây trồng. Theo một người dân địa phương chia sẻ, nhiều người sau khi xịt thuốc cho cây trồng thường tiện tay quăng bao bì, vỏ chai xuống kênh, mương - nơi họ lấy nước để pha chế thuốc mà không hề thu gom, vì nếu có thu gom cũng không biết để đâu; trong khi đó, lại càng không thể mang loại rác thải này về nhà bởi trong bao bì, chai lọ vẫn còn lưu giữ thuốc và đó là rác thải độc hại.

Nhiều khi, người dân đã có ý thức thu gom xử lý rác thải thuốc BVTV, nhưng cũng chỉ làm theo thói quen, nên khó ngăn chặn được sự phát tán độc hại từ loại rác này. Ông L.V.L. [xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn] có gần 2 ha đất trồng cây ăn quả gồm các loại như bưởi, cam, quýt… Để phòng trừ sinh vật gây hại cho cây trồng, ông thường sử dụng một số loại thuốc BVTV, rác thải sau đó được ông gom lại, bỏ vào túi rác sinh hoạt rồi đem chôn lấp.

Thực tế cho thấy, với số lượng thuốc BVTV sử dụng hằng năm lên đến 1.700 tấn, trong khi đó việc thu gom lại “nhỏ giọt”, nếu không nhanh chóng tăng tỷ lệ thu gom lên, mỗi năm các cánh đồng, nương rẫy, kênh mương trên địa bàn tỉnh sẽ phải tiếp tục “gồng mình” tiếp nhận gánh nặng cả trăm tấn rác thải thuốc BVTV độc hại./.

Ngăn ngừa rủi ro từ rác thải thuốc BVTV: Cần bắt đầu từ ý thức của người dân

09:09, 01/11/2010

Thuốc bảo vệ thực vật là tên gọi chung để chỉ các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp nhằm diệt sâu, bệnh, cỏ dại, các côn trùng gây hại và động vật gậm nhấm để bảo vệ cây trồng, các kho lương thực hàng hóa… Bên cạnh những lợi ích mà thuốc bảo vệ thực vật đem lại cho ngành nông nghiệp thì những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người, môi trường cũng là một vấn đề cấp bách. Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam, hằng năm có trên 5000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có trên 300 trường hợp tử vong. Tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với cơ thể con người và môi trường xung quanh xảy ra khi thuốc được sử dụng không đúng các tiêu chuẩn quy định.

Đối với người, khi được sử dụng không đúng cách, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây nhiễm độc cấp tính: Bỏng mắt cấp tính, hủy hoại da, ảnh hưởng thần kinh, gan. Khi bị nhiễm độc mãn tính sẽ ảnh hưởng đến tủy xương [thiếu máu bất sản và loạn tạo máu]; ảnh hưởng đến sinh sản [vô sinh ở nam, sảy thai, thai dị dạng...]; gây độc thần kinh; ảnh hưởng đến cơ chế miễn dịch... Cơ thể con người bị nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật biểu hiện ở nhiều mức độ: giảm sút sức khỏe, gây rối loạn các hoạt động ở hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa hô hấp, bài tiết, gây các tổn thương bệnh lý ở các cơ quan, hệ thống nói trên từ mức độ nhẹ tới nặng, thậm chí tàn phế hoặc tử vong.     Do đó theo dõi sức khỏe có hệ thống khi tiếp xúc thường xuyên với thuốc bảo vệ thực vật là rất cần thiết.

Đối với môi trường xung quanh, thuốc bảo vệ thực vật diệt cả những côn trùng và động vật hữu ích cho con người, có thể làm biến đổi thế cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Các thuốc trừ sâu tồn dư lâu, không bị phân hủy ở trong đất và trong nước có thể làm cho động vật, cây trồng sống ở đó bị nhiễm thuốc lâu dài, con người ăn các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi bị nhiễm thuốc trừ sâu hằng ngày một cách gián tiếp, lâu ngày sẽ có hại cho sức khỏe.

Nguyên nhân nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật trong lao động là do không khí bị ô nhiễm thuốc, da và quần áo dây dính thuốc, do thuốc vào đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống. Mức nhiễm độc tùy thuộc vào lượng chất độc xâm nhập vào trong cơ thể, độc tính của từng loại thuốc và trạng thái sức khỏe của người khi tiếp xúc với chất độc.

Các nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật trong lao động là trang bị bảo hộ lao động không chu đáo, thời gian phun thuốc quá lâu, máy bơm thuốc bị rò rỉ hoặc bị hỏng, vệ sinh cá nhân kém, nhầm lẫn…

Trạng bị bảo hộ lao động thích hợp khi phun thuốc trừ sâu. [Ảnh: T.L]

Để hạn chế những hậu quả không tốt do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cần lưu ý: - Chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp thực sự cần thiết, tránh lạm dụng thuốc và chỉ dùng loại ít độc đối với người, gia súc. Để phòng nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật trong lao động: - Tất cả các thuốc bảo vệ thực vật phải đựng trong các chai, hộp, bao bì kín có đầy đủ nhãn hiệu, không giao cho một người nào cất giữ tại nhà mà phải có kho riêng biệt và sắp xếp ngăn nắp. - Kho thuốc bảo vệ thực vật phải ở nơi cao ráo, xa nhà dân ở, xa các nơi tập trung đông người như trường học, chợ, bến xe. - Có quy chế bảo quản, phân phát thuốc bảo vệ thực vật thật chặt chẽ để tránh nhầm lẫn và sử dụng bừa bãi. -  Pha loãng thuốc đúng nồng độ quy định - Dùng bao nhiêu pha bấy nhiêu. -  Không ăn uống, nói chuyện, hút thuốc lá khi làm việc trong kho và khi cấp phát thuốc độc. - Khi pha loãng thuốc bảo vệ thực vật nên đứng đầu hướng gió, pha nơi thoáng, rộng rãi. - Khi phun thuốc bảo vệ thực vật phải sử dụng trang bị bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ; phun bằng máy bay, máy bơm có động cơ, máy bơm tay; thực hiện khi trời râm mát; ruộng phun thuốc bảo vệ thực vật phải quản lý chặt 5-7 ngày, không để người và gia súc đi vào để tránh nhiễm độc; việc thu rau, quả, cây lương thực được tiến hành sau lần phun cuối bình quân từ 20-25 ngày trở lên tùy theo thời gian cách ly của từng loại hóa chất bảo vệ thực vật để tránh hại cho người sử dụng. - Tẩy độc thuốc bảo vệ thực vật:  Dùng nước xà phòng 3-5%, nước vôi sô-da 3-5% súc rửa nhiều lần các chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật; quần áo bảo hộ lao động và phương tiện cá nhân ngâm vào nước sút xà phòng vài giờ rồi giũ sạch nhiều lần

- Hủy thuốc còn thừa: Chôn sâu ít nhất 0,5m tại bãi hoang xa nhà dân, xa nguồn cung cấp nước, xa bãi chăn thả gia súc, mỗi hố chôn ≤200g, có thể ngâm tiếp xúc trong nhiều giờ với vôi tôi [ 3lít vôi tôi cho 100g thuốc trừ sâu].

Bs. Nguyễn Thị Thanh Huyền

Video liên quan

Chủ Đề