Ngân hàng thế giới và Việt Nam

 Ngày 17/7, tạp chí International Banker đăng bài viết của tác giả Nicholas Larsen về hiện trạng hệ thống ngân hàng Việt Nam, đánh giá dù Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế, lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam còn có điểm khác biệt so với thế giới, đặc biệt thể hiện trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được  Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2018.

Chiến lược nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam coi hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là "huyết mạch" của nền kinh tế, giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính quốc gia. Nhà nước thông qua vai trò của Ngân hàng Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường. Nhà nước can thiệp chủ yếu bằng công cụ thị trường, hoặc thông qua nguồn lực tài chính nhà nước. Theo Larsen, ngay từ năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã bắt tay thực hiện kế hoạch 5 năm để cải tổ, xóa bỏ những ngân hàng làm ăn thua lỗ, yếu kém, giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống, bao gồm cả tham nhũng, thông qua việc tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị, hướng đến việc có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á vào cuối năm 2025.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng, cố vấn cấp cao tại National Citizen Bank trụ sở tại Hà Nội, đánh giá hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đạt một bước tiến dài trong 30 năm qua, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi thường xuyên mời chuyên gia nước ngoài, trong đó có những chuyên gia của Ngân hàng Thế giới WB, Federal Reserve Bank về Việt Nam tư vấn và Thống đốc ngân hàng Việt Nam cũng tham dự cuộc họp thường niên của IMF với Thống đốc các ngân hàng trung ương trên thế giới tại Washington. Ông cho biết,  trong số hơn 100 ngân hàng ở Việt Nam, chỉ có vài ngân hàng có 100% vốn nước ngoài, nhưng chỉ hoạt động cầm chừng do ngân hàng Việt Nam có những giao dịch như ngân hàng nước ngoài và các ngân hàng nước ngoài thường "kén khách"  khi rất cẩn trọng, cân nhắc về độ rủi ro trong hoạt động cho vay. Theo Chuyên viên kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, việc một số ngân hàng nước ngoài như Standard Charter, ANZ, HSBC rút khỏi thị trường Việt Nam năm 2017 là nhằm cấu trúc lại vốn do "các ngân hàng cảm thấy việc góp vốn không hiệu quả hoặc do một số yếu tố về tài chính nội bộ, họ yêu cầu chi nhánh đó phải thoái vốn, nghĩa là bán trở lại các cổ phiếu họ đã mua trước đây của các ngân hàng Việt Nam."

Một điểm khác biệt nữa là Ngân hàng Trung ương được gọi là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Trung ương là cơ quan quản lý tối cao hệ thống ngân hàng trong ngành ngân hàng với nhiệm vụ bảo vệ ngành ngân hàng; duy trì sự tồn tại của ngành ngân hàng và giúp ngành ngân hàng phát triển; đặc trách quản lý hệ thống tiền tệ của quốc gia và chịu trách nhiệm thi hành chính sách tiền tệ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể dưới một định nghĩa nào đó là Ngân hàng Trung ương, nhưng thật sự họ không phải như vậy theo nghĩa truyền thống trên thế giới - tức là độc lập với Bộ Tài chính. Ở Việt Nam, ngân hàng này là một bộ phận của Chính phủ Việt Nam. Chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tương đương với Bộ trưởng Tài chính. Vì không có tính độc lập nên Việt Nam không có tên gọi Ngân hàng Trung ương."

Ngày 17/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hội thảo xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Ước vọng đó khi nào thành hiện thực nếu ngành ngân hàng không bắt kịp những nước trong khu vực như Singapore và các nước khác trên thế giới ?

Sở Ngoại vụ tổng hợp tin các báo

Ngân hàng thế giới và Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 19/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Tổng Giám đốc điều hành WB và nêu rõ WB luôn là một đối tác rất quan trọng và tin cậy của Việt Nam.

Tổng Giám đốc điều hành WB cho biết WB và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác hết sức chặt chẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thời gian qua. Mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này là tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và WB trong thời gian tới, đặc biệt là hợp tác trong các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; thực hiện các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP 26 và chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai...

WB cũng mong muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 bởi với rất nhiều thay đổi đang diễn ra trên thế giới và tác động tới Việt Nam, đây là thời điểm phù hợp để nghiên cứu, xem xét nhằm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045, cũng như việc WB có thể hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất.

Hiện WB và Chính phủ Việt Nam đang phối hợp xây dựng Khung chiến lược hợp tác giữa hai bên cho giai đoạn 2023-2027.

Chia sẻ nhận định của Tổng Giám đốc điều hành WB về những nguy cơ của an ninh phi truyền thống, các dịch bệnh mới xuất hiện, những thách thức của biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết rất mạnh mẽ đến năm 2050 đưa mức phát thải ròng về bằng 0 (net zero). Đây là mức cam kết ngang bằng với các nước châu Âu, thể hiện quyết tâm rất cao và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài nỗ lực của Việt Nam thì cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, net zero, chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề của toàn cầu và trách nhiệm của toàn cầu, không thể nhìn nhận ở góc độ từng quốc gia. Việc xác định lộ trình, bước đi và phương thức thực hiện như thế nào là rất quan trọng để bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích và chi phí.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn WB với nguồn lực và trách nhiệm của mình có tiếng nói, giải pháp và cách thức hỗ trợ các nước để đạt được mục tiêu toàn cầu nhưng không tạo ra ngăn cách lớn hơn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, việc phát triển thị trường vốn, huy động trái phiếu xanh, nguồn vốn xanh, hình thành thị trường carbon... là những vấn đề lớn mà Việt Nam rất mong muốn WB và các đối tác quốc tế hỗ trợ, xây dựng thể chế để vận hành hệ sinh thái về thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh WB hỗ trợ Việt Nam xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045; đề nghị trong quá trình nghiên cứu, WB cần có phân kỳ để hỗ trợ, tư vấn các vấn đề cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đến năm 2030 và năm 2045.

Cho biết Quốc hội Việt Nam đang tham vấn chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc Mạng lưới sáng kiến của Quốc hội về chủ đề, nội dung Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022, Chủ tịch Quốc hội mong WB và Giám đốc WB tại Việt Nam nghiên cứu, đề xuất, tư vấn về vấn đề này cũng như tham dự Diễn đàn, đóng góp ý kiến cho Quốc hội Việt Nam.

Về khung khổ hợp tác giữa Việt Nam và WB trong thời gian tới, theo Chủ tịch Quốc hội, cần tập trung vào việc thực hiện 3 đột phá chiến lược của Việt Nam.

Về chiến lược hoàn thiện thể chế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ hệ thống pháp luật Việt Nam hiện đã tương đối đầy đủ nhưng giai đoạn tới cần nâng cao hơn nữa về chất lượng và trình độ, đồng thời phải thích ứng được với những thay đổi của thế giới và khu vực, đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn WB quan tâm và ưu tiên hỗ trợ Việt Nam xây dựng “hạ tầng mềm;" trong đó có hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách, các hệ sinh thái phát triển.

Về “hạ tầng cứng," Chủ tịch Quốc hội đề nghị WB tập trung tư vấn, hỗ trợ Việt Nam xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia có tính chất liên vùng, tạo động lực lan tỏa vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh WB đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ khu vực này thích ứng với biến đổi khí hậu; đề nghị cần có các hỗ trợ cả về giải pháp công trình và phi công trình; tiếp tục thực hiện triết lý tập trung đầu tư cho các “công trình không hối tiếc” như đã làm thời gian qua.

Với giải pháp phi công trình, Chủ tịch Quốc hội mong muốn WB cần có tiếng nói nhiều hơn đối với việc tăng cường hợp tác tiểu vùng sông Mekong, vấn đề an ninh nguồn nước...

[Chủ tịch nước đề nghị WB hỗ trợ xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045]

Tổng Giám đốc điều hành WB cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ những quan điểm sâu sắc về các vấn đề toàn cầu và đưa ra nhiều ý tưởng hay về hợp tác giữa Việt Nam và WB; đồng thời bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội về các định hướng hợp tác giữa Việt Nam và WB trong thời gian tới.

Nhất trí với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội về việc để xây dựng Báo cáo 2045 thì phải hoàn thành các mục tiêu phát triển đến năm 2030, biến các kế hoạch thành hiện thực, biến khát vọng thành thực tế, ông Axel van Trotsenburg khẳng định WB sẵn sàng hỗ trợ các lĩnh vực mà Việt Nam đang cần tập trung và tăng tốc để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đến năm 2030.

Ngân hàng thế giới và Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg và các đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ông Axel van Trotsenburg cũng cho biết WB đã tăng thêm 50% số vốn cam kết hợp tác với các quốc gia, lên mức 200 tỷ USD, trong giai đoạn 3 năm gần đây so với giai đoạn trước COVID-19 nhằm hỗ trợ các nước có thể ứng phó nhanh chóng trước những thách thức, khủng hoảng, nhưng đồng thời cũng phải hướng đến các mục tiêu phát triển dài hạn và bền vững.

Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, từ năm 2019 đến nay, WB cũng đã tăng nguồn vốn hợp tác với các nước.

Tổng Giám đốc điều hành WB khẳng định sẵn sàng thảo luận sâu hơn với các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội Việt Nam về các lựa chọn chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu. WB mong muốn là đối tác hiệu quả của Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu./.