Kịch ứng tác là gì

Khán phòng với hơn 100 khách tham dự. Hơn phân nửa là người thân và bạn bè tò mò đến tìm hiểu xem “kịch ứng tác” đã làm thay đổi 16 học viên như thế nào chỉ trong vòng… ba tháng.

Buổi diễn Level 3 Kịch ứng tác 2 – Ảnh: Yến Nguyễn.

Không tò mò sao được khi các diễn viên của buổi diễn ngày hôm đó là kế toán, kỹ sư, thiết kế đồ hoạ, nhân viên ngân hàng, giáo viên, phiên dịch viên… Việc học một môn nghệ thuật mà đến diễn viên chuyên nghiệp cũng sợ, rồi còn lên biểu diễn sau vài tháng thì quả là một sự dũng cảm.

Đó là câu chuyện mà tôi định kể lại cho các bạn nghe. Hôm cuối năm 2021, tôi gặp lại Vân Possible – nhà sáng lập và huấn luyện viên kịch ứng tác – trong buổi diễn tốt nghiệp Level 3 của lớp Kịch ứng tác Saigon Improv House (SIH) sau bảy tháng không gặp vì Sài Gòn giãn cách do ảnh hưởng Covid-19. Tôi chỉ kịp ôm chào Vân trong… 5 giây để bạn tiếp tục chạy chương trình cùng 16 bạn học viên.

Nguyên lý của ứng tác và câu chuyện “khởi nghiệp”

Một cách ngắn gọn thì kịch ứng tác là môn nghệ thuật nơi bạn học cách cùng nhau diễn kịch, kể chuyện mà không hề có kịch bản trước. Nói cách khác thì kịch ứng tác là một môn thể thao cho não và tim trong một môi trường giúp chúng ta an toàn, phát huy óc hài hước và đầy sáng tạo. “Rất nhiều diễn viên, người dẫn chương trình nổi tiếng ở Mỹ đều học kịch ứng tác và chia sẻ tầm quan trọng của bộ môn này với sự nghiệp của họ như: Steve Carrell, Tina Fey, Seth Rogen, Melissa McCarthy, Stephen Colbert…”, theo giới thiệu trên trang Fb của Vân Possible.

Năm 2017, Vân được học bổng của chương trình Fulbright tại Trung tâm giải trí và nghệ thuật của Hoa Kỳ ở thành phố New York. Sau khi tốt nghiệp, Vân đăng ký học kịch ứng tác và diễn xuất qua lời giới thiệu của một người bạn. Dần dần, vì những điều kỳ diệu mà kịch ứng tác đem lại cho cơ thể, trái tim và nhận thức của mình, Vân đã học lên cao và dự hàng trăm buổi biểu diễn và sau đó phải lòng luôn bộ môn này.

“Tôi nhận ra đã từ rất lâu tôi mới được quay lại giây phút tuổi thơ của mình và được… chơi. Tôi được chơi với tất cả mọi người, kể cả những người lớn khác. Chơi với tâm thế của một đứa trẻ, thích làm gì thì làm cái đó mà không sợ người khác đánh giá. Tuy nhiên khi chúng ta lớn lên, chúng ta đã giấu đi cái riêng của mình và thường thể hiện ngoài xã hội bằng cách giao tiếp theo chuẩn mực và mong muốn của… người khác. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi Vân nói sẽ có một nơi mà bạn đến để được là chính mình hoặc được là bất cứ ai mà bạn muốn?”.

Vân trở về Việt Nam năm 2020 và ngay lập tức bắt tay xây dựng Saigon Improv House – Ngôi nhà Ứng tác để chia sẻ môn học tuyệt vời này cho nhiều người cùng biết và trải nghiệm những cảm xúc của chính mình với đời sống.

Thu hút người học và người xem

Kịch ứng tác (improvisation comedy) thì khái niệm quan trọng nhất mà các diễn viên luôn tâm niệm chính là “Yes, And…” (Ừ, Và…). Đó là nền tảng của mọi thứ được diễn ra trong vở kịch ứng tác. Chữ “Yes” / “Ừ”  đại diện cho việc đồng ý, chấp nhận những tình huống, những ý nghĩ lời thoại của bạn diễn mình. Còn yếu tố “And” / “Và” ý nói việc người diễn viên thêm vào những ý nghĩ cá nhân, bồi đắp và tiếp biến thêm cảnh diễn dựa trên những ý tưởng bạn diễn mình vừa truyền đạt.

“Tinh thần đó đặc biệt đáng quý bởi cuộc đời vốn không có kịch bản trước. Nó là một chuỗi hỉ, nộ, ái, ố đủ diễn biến khôn lường mà chúng ta chỉ có thể học cách đón nhận và xử lý nó theo cách tốt nhất. Đó là cái đáng quý nhất mà kịch ứng tác mang lại nếu chúng ta tham gia loại hình này đủ lâu” – Hoàng Hưng, một khán giả nhận xét.

Tiếng cười của kịch ứng tác không phải là tiếng cười của việc thả miếng, pha trò, mà là tiếng cười đến từ cách các diễn viên đồng ý và sáng tạo với nhau một cách chân thành. Điều đặc biệt khác của kịch ứng tác là trong một buổi biểu diễn, khán giả không ngồi thụ động xem kịch mà tham gia giao đề bài và tương tác với diễn viên. Không gian biểu diễn giàu cảm hứng và liên tục có tình huống bất ngờ.

Có thể nói, luyện tập ứng tác giúp bạn thả lỏng bản thân để giải phóng cơ thể vật lý lẫn giải toả gút mắt tâm lý đè nén.

Mong chờ sân khấu riêng

“Người lớn tuổi nhất Vân từng học chung là một bác 81 tuổi và trẻ nhất là 15 tuổi. Có cả những lớp cho con nít nữa nhưng sẽ học riêng”, Vân nói.

Trên thế giới, môn ứng tác này cũng được ứng dụng rất nhiều vào các mảng đa dạng như: team building cho công ty, huấn luyện nhân viên sales, cải thiện kỹ năng lãnh đạo cho người lãnh đạo, điều trị sang chấn tâm lý, phát triển kỹ năng giao tiếp và nói chuyện trước công chúng, người dẫn chương trình, diễn viên, biên kịch… Nói chung ai có giao tiếp với con người và muốn giao tiếp hiệu quả hơn hoặc đơn giản chỉ là muốn thoải mái hơn khi được là chính mình đều có thể tập kịch ứng tác.

Sau buổi diễn tốt nghiệp, tôi cứ nhớ mãi lời Vân nói trên sân khấu: “Mỗi buổi diễn kịch ứng tác đều là độc nhất, tất cả lời thoại và cảm xúc của diễn viên và khán giả cũng là độc nhất”. Nên càng hy vọng sẽ sớm có một không gian dành riêng cho kịch ứng tác vì ngày càng nhiều người muốn học để trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân mình hoặc học thật sâu để thành một nghệ sĩ ứng tác (improv artist) hay chỉ đơn thuần là một người biểu diễn (performer) trên sân khấu cuộc đời do mình tự dàn dựng và thiết kế một cách toàn hảo đúng mình nhất.