Bài học kinh nghiệm phòng, chống ma túy

Thứ sáu, 06/07/2018 07:35

Bài học kinh nghiệm từ Hội thảo nghiệp vụ các cơ sở cai nghiện ma túy miền Trung và Tây Nguyên năm 2018

(NTO) Trong tháng 6-2018, tại Tp. Phan Thiết, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Thuận đã tổ chức đăng cai Hội thảo nghiệp vụ các cơ sở cai nghiện ma túy miền Trung và Tây Nguyên năm 2018. Qua hội thảo đã có thêm nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra trong công tác phòng, chống, điều trị, cai nghiện ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp.

Tại hội thảo, đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết thời gian qua Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo, các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, kiểm soát ma túy và đã mang lại kết quả tích cực, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình nghiện ma túy trong cả nước nói chung, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ và ngày càng tinh vi, khó kiểm soát hơn. Ma túy đã len lỏi và xâm nhập ngày càng sâu vào học đường, các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp cũng như các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ tái nghiện cao (70-80%) và số người nghiện ma túy phạm tội ngày càng tăng. Tệ nạn nghiện ma túy đã gây nên những tác hại hết sức to lớn về kinh tế- xã hội, chính trị, văn hóa, đạo đức, sức khỏe, lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc; nghiêm trọng hơn, tiêm chích ma túy là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lây truyền đại dịch HIV/AIDS.

Bài học kinh nghiệm phòng, chống ma túy

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Bính.

Hội thảo cũng đã nghe các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung như: Đổi mới trong điều trị nghiện ma túy, những khó khăn thách thức trong điều trị, cai nghiện ma túy đặc biệt là ma túy tổng hợp; đánh giá tình trạng đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp và biện pháp can thiệp dự phòng nghiện hiệu quả cho các đối tượng nghiện ma túy hiện nay; huy động sức mạnh của cộng đồng xã hội trong việc giúp người nghiện ma túy điều trị, cai nghiện và hòa nhập cộng đồng…

Đại diện các địa phương chia sẻ một số mô hình điều trị, cai nghiện có hiệu quả, như: Công tác điều trị cai nghiện ma túy tổng hợp (Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận); Kinh nghiệm về xử lý các triệu chứng ngáo đá, loạn thần trong thời gian đầu vào điều trị (Sở LĐ-TB&XH Bà Rịa-Vũng Tàu); Kinh nghiệm giám sát phòng ngừa những tình huống mất an ninh, an toàn tại cơ sở do người nghiện ma túy gây ra (Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa); Quá trình điều trị nghiện Ma túy đá tại cơ sở Tư vấn cai nghiện tỉnh Gia Lai (Sở LĐ-TB&XH Gia Lai); Công tác tổ chức cai nghiện, phục hồi cho nhiều nhóm đối tượng sử dụng các loại ma túy khác nhau (Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai)…Vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc truyền thông nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân về tác hại của ma túy để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả; đồng thời tuyên truyền về những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác điều trị, cai nghiện ma túy.

Qua hội thảo bài học kinh nghiệm được rút ra: Trước tình trạng người sử dụng ma túy gia tăng, độ tuổi sử dụng ngày càng trẻ hóa thì yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy. Xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện ma túy, giảm số người điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị dựa vào cộng đồng để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy và ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, các đoàn thể phải có nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt là vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc góp phần cảnh báo hiểm họa ma túy và kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.

Vì vậy, để công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy có hiệu quả, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy và đa dạng hóa các hình thức cai nghiện. Công tác này đòi hỏi phải có sự tham gia của các chủ thể quản lý nhà nước, bao gồm từ các cấp ủy Đảng cho đến các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn thể Nhân dân. Tăng cường đầu tư cho công tác cai nghiện, phục hồi chức năng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các trung tâm cho các tỉnh và thành phố, đặc biệt là đối với các tỉnh, thành phố trọng điểm. Tập trung cho công tác dạy nghề, lao động để phục hồi và nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống cho người nghiện cũng như sau này giúp họ tái hòa nhập cộng đồng thuận lợi. Giải quyết tốt việc làm cho người nghiện sau cai nghiện, đây không chỉ là giải pháp quan trọng mà còn là mục tiêu của công tác cai nghiện, phục hồi và phòng, chống tái nghiện. Có thể nói đây là giải pháp mang tính quyết định để người nghiện không tái nghiện và ổn định cuộc sống cùng với cộng đồng.

Biên phòng - Hơn 237kg ma túy các loại là tang vật thu giữ trong Chuyên án A3-220 do lực lượng đánh án của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh thành công trong thời gian từ ngày 8 đến ngày 10-9-2020. Cầm đầu đường dây ma túy này là các đối tượng người nước ngoài, trú tại tỉnh Bình Dương cấu kết với các đối tượng người nước ngoài ở Campuchia, Lào và các đối tượng người Việt Nam để vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” vào Việt Nam tiêu thụ. Phóng viên Báo Biên phòng có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP về bài học kinh nghiệm rút ra từ Chuyên án A3-220.   

Bài học kinh nghiệm phòng, chống ma túy
Tang vật 110kg ma túy các loại bị lực lượng đánh án của BĐBP Hà Tĩnh và Công an Lào thu giữ tại khu vực biên giới tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: CTV

- Đề nghị đồng chí cho biết, quá trình phát hiện, điều tra, xác minh cũng như công tác chỉ huy, chỉ đạo để đấu tranh, triệt phá thành công Chuyên án A3-220 của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP?

- Chuyên án A3-220 được thành lập từ tháng 2-2020, nhằm đấu tranh, triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” đưa vào Việt Nam tiêu thụ với số lượng cực lớn. Sau nhiều tháng theo dõi, các trinh sát của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP xác định, đây là đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, có nhiều thành phần, đối tượng tham gia, cả trong nước và nước ngoài. Vì vậy, để đấu tranh, triệt phá thành công đường dây ma túy này, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP đã phải phối hợp với lực lượng Công an, Hải quan và các đơn vị BĐBP tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là hợp tác quốc tế với Công an nước bạn Lào cùng tham gia đấu tranh, phá án.

Trận đánh mở màn vào hồi 19 giờ, ngày 8-9-2020, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, các trinh sát đã mật phục, phát hiện, bắt giữ chiếc xe vận chuyển 98kg ma túy các loại từ Lào qua khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo để đưa vào thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Mở rộng điều tra chuyên án, ngày 10-9-2020, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an; Phòng PC04, Công an thành phố Hồ Chí Minh và BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt triển khai lực lượng, khám xét tại 5 địa điểm ở thành phố Hồ Chí Minh, bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ tang vật gồm: 19 bánh heroin, 22,5kg ma túy tổng hợp các loại và 260 triệu đồng.

Tiếp tục triển khai lực lượng, vào hồi 13 giờ cùng ngày, tại khu vực biên giới tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng đấu tranh chuyên án của BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Công an Lào đồng loạt ra quân, bắt giữ thêm 4 đối tượng, thu giữ tang vật 110kg ma túy tổng hợp. Kết thúc chuyên án, Ban Chuyên án đã thu giữ tang vật gồm: 237,15kg ma túy các loại và 260 triệu đồng; bắt giữ 10 đối tượng có liên quan.

- Để đấu tranh thành công Chuyên án A3-220, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP đã phối hợp, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với Công an nước bạn Lào để đấu tranh, truy bắt các đối tượng trong đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Đồng chí cho biết rõ hơn về công tác phối hợp này?

- Việt Nam rất gần khu vực “Tam giác vàng”, một trong những khu vực sản xuất ma túy lớn nhất, nhì thế giới. Từ đây, các đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy qua Lào, Thái Lan, Campuchia vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Sau khi các trinh sát phát hiện có 1 đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào sang Việt Nam tiêu thụ, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP đã trao đổi thông tin, thống nhất với Công an nước bạn Lào để triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án chung để đấu tranh, ngăn chặn, truy bắt các đối tượng trong đường dây. Vì vậy, vào hồi 13 giờ, ngày 10-9-2020, tại khu vực biên giới tỉnh Hà Tĩnh, các trinh sát đã phối hợp với Công an nước bạn Lào đồng loạt ra quân, bắt giữ 4 đối tượng, thu giữ tang vật 110kg ma túy các loại, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng ta và bạn.

- Chuyên án A3-220 là một trong chiến công xuất sắc của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP trên mặt trận đấu tranh với “cái chết trắng”. Đề nghị đồng chí chia sẻ bài học kinh nghiệm rút ra từ Chuyên án này?

- Mỗi chuyên án, vụ án sau khi đấu tranh, triệt phá thành công đều có một bài học kinh nghiệm sâu sắc được rút ra. Trước hết, để đấu tranh với các đối tượng, đường dây tội phạm ma túy gian manh, liều lĩnh và hết sức nguy hiểm, đòi hỏi các trinh sát tham gia đánh án càng phải thể hiện bản lĩnh, sự mưu trí, dũng cảm. Đặc biệt, trong đánh án ma túy, nếu vội vàng, “đốt cháy giai đoạn” sẽ chỉ bắt được đối tượng trung gian, người vận chuyển mà không “chặt đứt” được tận gốc đường dây và đối tượng cầm đầu.

Trở lại Chuyên án A3-220, đây là chuyên án liên quan đến nhiều địa bàn, trải rộng trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, rồi vượt biên giới sang Campuchia và Lào. Để “qua mặt” lực lượng chức năng, các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” sang Campuchia, Lào rồi tiếp tục đưa vào thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Trên tuyến đường vận chuyển trải dài hàng nghìn kilomet như thế, các đối tượng luôn có nhiều phương thức, áp dụng công nghệ thông tin để gắn thiết bị định vị vào các lô hàng ma túy để theo dõi đường di chuyển của “hàng”.

Chính vì vậy, lực lượng đánh án của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP xác định, đây là đường dây mua bán, vận chuyển ma túy được tổ chức quy mô, bài bản với những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, Ban Chuyên án đã kết hợp sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, các phương tiện, trang bị kỹ thuật nghiệp vụ để kiểm soát một cách hiệu quả những di, biến động của tội phạm ma túy.

Cùng với đó, Ban Chuyên án đã huy động nhiều trinh sát đánh án ma túy dày dạn kinh nghiệm, sử dụng linh hoạt, có hiệu quả các phương tiện, trang bị kỹ thuật. Đồng thời, nghiên cứu, phân tích, dự đoán các tình huống chính xác và đề ra các phương án xử lý, đảm bảo khi phá án phải đáp ứng được cùng lúc 3 yếu tố: bắt giữ được đối tượng, thu giữ được số lượng tang vật ma túy lớn và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia đánh án.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Lê Đồng (thực hiện)