Vì sao gọi là tàu không số

Cập nhật: 22-10-2016 | 08:45:13

Cùng với xẻ dọc Trường Sơn, mở đường mòn Hồ Chí Minh, một con đường Bắc - Nam bí mật trên biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển đã được mở vào ngày 23-10-1961. Đoàn 759 - Đoàn tàu không số [Lữ đoàn 125] là lực lượng vận tải chiến lược trên con đường biển này, đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển và Đoàn tàu không số với bao kỳ tích, đã đi vào lịch sử dân tộc như một chiến công huyền thoại, là một biểu tượng của bản lĩnh chính trị và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.

 Đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí trên Đường Hồ Chí Minh trên biển để chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: T.L

 Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, theo quyết định của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, một đơn vị đặc nhiệm được thành lập vào tháng 7-1959, có biệt danh là Đoàn 759, lúc đầu là đơn vị nhỏ cỡ tiểu đoàn được tổ chức dưới hình thức “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” thuộc Tổng cục Hậu cần; đến ngày 23-10-1961, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Tháng 8-1963, Trung ương quyết định giao Đoàn 759 cho Bộ Tư lệnh Hải quân, đổi tên thành Lữ đoàn 125. Đường Hồ Chí Minh trên biển gồm 5 tuyến đi có tổng chiều dài gần 12.000 hải lý [hơn 22.000km] là chiếc cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chi viện trực tiếp cho những chiến trường xa nhất, khó khăn nhất là Nam bộ, Nam Trung bộ và vùng ven biển Khu 5, trở thành con đường huyền thoại với biết bao kỳ tích anh hùng.

Sau chuyến tàu đầu tiên thất bại, Đoàn 759 đã tổ chức rút kinh nghiệm, tính toán cách tổ chức chặt chẽ và thông minh hơn. Qua 14 năm ròng rã [1961-1975], những chuyến tàu không số của Đoàn 759 đã lập công xuất sắc, đưa 152.876 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh cho miền Nam; đưa đón 80.026 lượt cán bộ, chiến sĩ [trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, của quân đội] vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc, vượt qua gần 4 triệu hải lý an toàn. Những lúc tàu thuyền ta bị địch bao vây, không thể thoát khỏi sự truy lùng của địch, những con tàu không số đã biến thành những khối thuốc nổ vào tàu địch. Cán bộ, chiến sĩ trên các con tàu đã chiến đấu 300 lần với địch và bị hơn 1.200 lần máy bay địch bắn phá nhưng vẫn bảo đảm được nhiệm vụ. Trong 168 con tàu ra đi từ năm 1966 đến năm 1972, có 8 trường hợp phải phá tàu. “Trong trường hợp đấu trí không nổi, đọ sức không thắng, hết đường quay về thì phải bằng lòng can đảm và ý chí quật cường phá tàu để xóa hết tang vật. Không có một con tàu nào đầu hàng”.

Để đối đầu với quân địch, không chỉ cần có sự quyết tâm, tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, mà còn cần phải có trang bị khí tài chất lượng. Nhờ có vũ khí từ các chuyến tàu không số chuyển vào, ta đã liên tiếp có nhiều trận chiến thắng lớn, như trận Bá Gia - Vạn Tường [tháng 7-1965 ở tỉnh Quảng Ngãi], quân giải phóng Quân khu 5 đã tiêu diệt gọn 1 chiến đoàn, 2 tiểu đoàn, phá hủy 15 xe, bắn rơi 18 máy bay địch. Trận Vạn Tường, trận đánh trực diện với quân Mỹ, hạ 916 lính Mỹ, tiêu diệt 18 xe tăng, bắn rơi 22 máy bay Mỹ. Trận Bàu Bàng [ngày 12-11-1965 tại Bình Dương], Đoàn 759 [Lữ đoàn 125] đã tổ chức gấp rút 4 tàu chở 187 tấn vũ khí vào miền Tây Nam bộ, đặc biệt có 3 quả thủy lôi lớn, súng tự động AKA, kính ngắm và súng bắn tỉa để kịp thời trang bị cho các sư đoàn chủ lực, trong đó một số trung đoàn được trang bị vũ khí hiện đại của Liên Xô, đã bao vây, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 lính Mỹ, Sư đoàn Bình Dã [F9], đã nhanh chóng diệt 1 tiểu đoàn Mỹ [Lữ đoàn 173]. Trận đánh chìm tàu chiến Mỹ Ballon Rouge Victory trên sông Lòng Tàu [huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh] bằng những quả thủy lôi khổng lồ KB của Liên Xô, chở từ miền Bắc vào [mỗi quả nặng 1.075kg], do bộ đội Rừng Sác thực hiện đã làm hoảng loạn tinh thần của quân lính Mỹ. Các chiến thắng đó đã khẳng định quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: “Không sợ quân Mỹ, có thể đương đầu với quân Mỹ và có thể chiến đấu giành thắng lợi trong chiến tranh cục bộ”.

Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, để thực hiện Chỉ thị “thần tốc và thần tốc hơn nữa” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, phải kịp thời chuyển thật nhanh những vũ khí hạng nặng và hàng chục ngàn chiến sĩ vào miền Tây, kịp thời hợp đồng tác chiến với cánh quân đường bộ, Đoàn 759 đã vận chuyển thần tốc 130 lần với 143 chuyến tàu chở 8.721 tấn vũ khí hạng nặng, 50 xe tăng và đại pháo, đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ vượt 6.572 hải lý để kịp thời tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đường Hồ Chí Minh trên biển cũng “muôn hình vạn trạng” như Đường Hồ Chí Minh trên bộ. Đoàn 759 đã sáng tạo nhiều phương thức khác nhau mà có lẽ cũng khó tìm thấy một tiền lệ nào trong lịch sử vận tải đường biển của loài người. Có những phương tiện thông thường như tàu biển, vận chuyển đột xuất những khối lượng lớn đi ra ngoài khơi xa, ban đêm tìm cơ hội thuận lợi đột nhập vào một bãi nào đó đã được hẹn trước. Lại có những thuyền đánh cá với những chiến sĩ trút bỏ áo lính để làm thường dân với thuyền hai đáy, sử dụng cho những cự ly xuất phát từ những bến phía Bắc vĩ tuyến 17 [Quảng Bình] rồi đi gấp trong đêm vào các tỉnh phía Nam, có những chặng phải đi hai hoặc ba đêm. Cứ gần sáng, những chiếc thuyền đánh cá này phải tạm thời vào gần bờ để lẩn tránh tại những cơ sở đã được chuẩn bị sẵn sàng, trời tối lại lên đường. Một cơ hội tốt nữa là trong dịp Tết Nguyên đán, rất nhiều chuyến đi bắt đầu từ ngày 30, thậm chí mồng 1 tết. Nhưng tết chỉ là một thời gian ngắn ngủi trong năm. Phần lớn thời gian vận chuyển ngoài tết là thời gian có gió bão, tàu tuần tiễu của địch không đi được, máy bay trinh sát của địch không nhìn thấy. Đó là cơ hội lên đường. Tất cả các bến phà có chung một tính chất là tạo bất ngờ, theo khí phách “vào hang hùm thì không sợ cọp” đòi hỏi con người phải gan dạ, đối diện tình hình khó khăn, nguy hiểm không được bối rối và manh động.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng Ðường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, nhân dân ta; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc ta… Ðó cũng là biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta, đặc biệt là của cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 759 [Lữ đoàn 125], Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng; ròng rã 14 năm đã bền bỉ, mưu trí, dũng cảm. Trong đó, nhiều đồng chí cùng với những con tàu không số đã mãi mãi ở lại với biển cả, với non sông đất nước, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đoàn 759 [Lữ đoàn 125] với những chiếc tàu không số - những ngôi sao sáng chói trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã đi vào những trang sử đặc biệt chiến tranh nhân dân huyền thoại của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Riêng năm 1963, Đoàn 759 đã tổ chức được 28 chuyến tàu chở 1.318 tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam. Số vũ khí này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo ra những chiến thắng có ý nghĩa bước ngoặt ở miền Nam, trong đó có trận Ấp Bắc vang dội [ngày 2-1- 1963], tạo đà cho việc liên tiếp đánh thắng nhiều trận, diệt Mỹ trên chiến trường miền Nam với tinh thần “Bám lưng Mỹ mà diệt”. Ta phá tan 1.891 đồn bót, phá dỡ 623 đồn bót ở miền Trung Nam bộ và Tây Nam bộ, mở ra khả năng đánh bại “Chiến thuật trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của Mỹ. Chiến thắng đó đã làm cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn dao động. Tỉnh trưởng An Xuyên [nay là Cà Mau] đã báo cáo khẩn cấp về Phủ Tổng thống ngụy [ngày 15-9-1963]: “Vũ khí của Việt Cộng đã vượt ra ngoài ước tính của chúng tôi. Việt Cộng đã dùng cối 81mm, đại liên 12,7mm, DK 275, là những thứ mà quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa có”.

P.V [tổng hợp]

Cách đây tròn 60 năm, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy - đơn vị tiền thân Lữ đoàn 125 [Bộ Tư lệnh Hải quân].


Cán bộ, chiến sỹ tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho miền Nam. [Ảnh tư liệu internet].

Quyết định thành lập Đoàn 759 là dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sau khi thành lập, từ quá trình nghiên cứu, trinh sát, trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển”. Từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển mới. Để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển. Tên gọi “Đoàn tàu không số” cũng được ra đời như vậy.


Tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu Phương Đông 1 do đồng chí Chính trị viên Bông Văn Dĩa và Thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy đã chở 30 tấn vũ khí đầu tiên vào bến Rạch Gốc [Cà Mau] thành công, ngày 16/10/1962. Ảnh: internet

Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên rời bến Đồ Sơn [Hải Phòng] chở an toàn 30 tấn vũ khí cập bến Vàm Lũng [Cà Mau]. Sau thắng lợi của chuyến đi đầu tiên, 3 chuyến chở 91 tấn vũ khí tiếp theo lần lượt vào Nam. Từ những chuyến tàu vỏ gỗ đi vào Nam thành công, Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng đầu tư, trang bị cho Đoàn 759 loại tàu vỏ sắt trọng tải lớn [từ 50-100 tấn]. Ngày 17/3/1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên chở 44 tấn vũ khí lên đường đến bến Trà Vinh an toàn. Chỉ trong vòng 1 năm, Đoàn 759 đã thực hiện 29 chuyến hàng vào Nam Bộ, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cho chiến trường.


60 năm đã trôi qua, nhưng ông Nguyễn Xuân Cừ [SN 1944, ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên] - người lính đoàn tàu không số năm nào vẫn luôn tự hào về những năm tháng chiến đấu quả cảm trên đường Hồ Chí Minh trên biển.

Phát huy kết quả vận chuyển bằng đường biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Khu 7 [Đông Nam Bộ] mở bến đón tàu. Từ năm 1962-1964, Đoàn 125 [tên gọi Đoàn 759 sau khi được đổi phiên hiệu] đã vận chuyển hơn 4.000 tấn vũ khí trang bị và cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Quân đội vào miền Nam. Qua đó góp phần cùng các lực lượng vũ trang giành nhiều thắng lợi oanh liệt như chiến thắng Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã... làm thất bại về căn bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam.

Quá trình vận chuyển đang tiến triển thuận lợi thì bị địch phát hiện. Thế nhưng, vượt qua thử thách ác liệt, khắc phục khó khăn, giai đoạn 1965-1972, Đoàn 125 tiếp tục vận chuyển chi viện cho chiến trường, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, từ ngày 3/11/1968 - 29/1/1969, với phương châm chỉ đạo: “Chuẩn bị chu đáo, tranh thủ thời cơ, làm nhanh, gọn, liên tục, an toàn, đi gần bờ, dựa vào dân”, Đoàn 125 đã vượt qua hàng rào phong tỏa dày đặc thủy lôi và bom từ trường của Mỹ, huy động 364 lượt tàu, vận chuyển 21.737 tấn hàng, đạt 217,37% kế hoạch.


Tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành bản thiên hùng ca bất tử. [Ảnh intetnet]

Trong nhiều thời điểm, Đoàn 125 phải sử dụng tàu cải trang thành tàu nghiên cứu biển, đi trinh sát để tìm phương thức vận chuyển mới; để giữ bí mật con đường chiến lược, nhiều chuyến tàu đi đành phải quay về hoặc buộc phải phá tàu. Nhiều đồng chí, đồng đội Đoàn 125 đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông.

Giai đoạn 1973 -1975, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Đoàn 125 tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng sẵn sàng lên đường khi có lệnh. Trong 2 năm 1973-1974, Đoàn 125 đã huy động 380 lượt tàu ra khơi, chuyên chở trên 43.000 tấn hàng, đưa 2.042 lượt cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương ra tiền tuyến và từ đất liền ra các đảo, vượt qua chặng đường 158.292 hải lý an toàn. Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo chở người và vũ khí vào mặt trận”, Đoàn 125 đã huy động tổng lực vận chuyển binh lực phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 125 hội ngộ nhân ngày truyền thống tháng 10/2020 [Ảnh internet].

Từ năm 1975 đến nay, tuy trải nhiều lần đổi tên, sáp nhập đơn vị nhưng Đoàn 125 [nay là Lữ đoàn 125 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân] vẫn luôn thực hiện tốt sứ mệnh tham gia vận chuyển và chiến đấu, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Các tàu vận tải cũng đã tham gia nhiều chuyến trực bảo vệ chủ quyền trên biển, kịp thời phát hiện sớm những vấn đề nảy sinh, chủ động đấu tranh, ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển của nước ta. Thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân.


Đại tá Nguyễn Tất Nhân - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh thăm hỏi, trao quà cho thương binh Nguyễn Viết Ngũ [TDP 5, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh] - người từng là thuyền trưởng tàu không số.

Đường Hồ Chí Minh trên biển và “Đoàn tàu không số” ra đời, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với lực lượng có hạn, trang bị hàng hải thô sơ, nhưng với trí tuệ và những chiến thuật độc đáo đã làm nên một thiên anh hùng ca bất tử.


Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Xuyên phối hợp với Ban CHQS huyện và Đảng bộ xã Cẩm Quan tổ chức bồi dưỡng chuyên đề 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển cho đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn xã vào chiều 16/10. [Ảnh Phan Trâm].

Truyền thống vẻ vang của đường Hồ Chí Minh trên biển mãi là niềm tự hào của quân và dân ta nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng. Phát huy truyền thống đó, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, pháp luật về biển, đảo; nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 Theo BHT 

Video liên quan

Chủ Đề