Trình bày quy định cơ bản về kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường

Chương “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường” của Hiến pháp năm 2013: Bài viết này trình bày những điểm thay đổi và tiến bộ của các quy định về ‘Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường” tại Chương III của Hiến pháp năm 2013…

Trình bày quy định cơ bản về kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường

TỪ KHÓA: Hiến pháp 2013,

Hiến pháp mới của Việt Nam được thông qua vào ngày 26/11/2013 thay thế bản Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp này tiếp tục góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.[1]  Bài viết này trình bày những điểm thay đổi và tiến bộ của các quy định về ‘Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường” tại Chương III của Hiến pháp năm 2013.[2]

1. Về vị trí và vai trò, ý nghĩa của Chương “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường” trong Hiến pháp mới

Hiến pháp mới đã hợp nhất hai chương của Hiến pháp năm 1992 là Chương II“Chế độ kinh tế” và Chương III“Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ” trở thành Chương III với tên gọi mới “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường” trong đó có thêm hai vấn đề là ‘xã hội’và ‘môi trường’. Chương “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường” đã được đặt ở vị trí là chương thứ 3 của Hiến pháp mới, chỉ sau Chương “Chế độ chính thể” và Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Việc này cho thấy Đảng và Nhà nước ta đề cao vai trò của phát triển kinh tế và gắn kết kinh tế với xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.

Chương “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường” của Hiến pháp năm 2013 quy định lần lượt về bảy vấn đề như tên gọi và là Chương quy định về nhiều vấn đề nhất của Hiến pháp mới. Nếu so với quy định của Chương II và Chương III của Hiến pháp 1992 thì vấn đề “xã hội” và “môi trường” được coi là hai vấn đề mới trong tên gọi của Chương III trong Hiến pháp năm 2013. Mặc dù quy định về 7 vấn đề, nhưng Chương III của Hiến pháp mới chỉ có 14 điều, ít hơn 15 điều so với số điều của Chương II và Chương III của Hiến pháp năm 1992 (tổng cộng là 29 điều).[3]

Trong số 14 điều của Chương III Hiến pháp năm 2013 thì có 12 điều được sửa đổi, bổ sung từ các điều của Hiến pháp năm 1992 và 2 điều mới – như vậy, toàn bộ các quy định về 7 vấn đề đều đã được “làm mới” một cách toàn diện và nâng cao một bước về “chất” và kỹ thuật lập hiến. Các điều của Hiến pháp mới cô đọng và súc tích hơn thể hiện đúng bản chất của Hiến pháp – đạo luật gốc, luật mẹ của hệ thống pháp luật Việt Nam với những quy định mang tính nguyên tắc, ổn định. Nếu như Chương II và Chương III của Hiến pháp năm 1992 khi quy định về 5 vấn đề kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ còn có nhiều điều luật dài dòng, mang nặng tính tuyên ngôn, thiếu tính thực tiễn khả thi thì Hiến pháp năm 2013 đã cô đọng, súc tích và có tính thực tiễn cao hơn. Các điều của Chương III trong Hiến pháp mới được soạn thảo ở tầm nguyên tắc, khái quát cao, chỉ quy định những vấn đề cơ bản mà không đi sâu vào chi tiết.[4]

Những quy định tại Chương III của Hiến pháp mới được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho là “đã thể hiện quan điểm đường lối của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân ta về đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trên ba trụ cột chính: kinh tế – xã hội – môi trường.”[5] Điều 50 của Chương III Hiến pháp năm 2013 khẳng định Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kỹ thuật lập hiến tại Chương III của Hiến pháp mới thể hiện những thay đổi rất tiến bộ theo hướng tập hợp 7 vấn đề với nhau trong một chương để thể hiện chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần của nước ta gắn liền với 6 vấn đề khác là xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.

Có thể khẳng định khái quát rằng, Chương III của Hiến pháp mới đã khẳng định đường lối: (i) phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường ở Việt Nam, đồng thời thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (ii) phát triển nền kinh tế theo hướng kết hợp độc lập, tự chủ, vừa phát huy nội lực của bên trong vừa thực hiện hội nhập, hợp tác quốc tế với bên ngoài; (iii) thực hiện hội nhập, hợp tác quốc tế, tạo tiền đề hiến định cho việc tích cực tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới qua hoạt động đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, (iv) hiến định mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, với tiến bộ xã hội và công bằng xã hội, và với bảo vệ môi trường.

2. Về chế độ kinh tế

Các Hiến pháp trên thế giới thường có quy định về nội dung của chế độ kinh tế nhưng khác nhau về mức độ và phạm vi quy định.[6] Nhìn chung, Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới có thể quy định về chế độ kinh tế theo một trong hai mô hình: (i) Hiến pháp không quy định một cách trực tiếp chế độ kinh tế nhưng có quy định về các quyền cơ bản của con người làm nền tảng của chế độ kinh tế như về tư hữu tài sản, đất đai, quyền lao động, quyền tự do kinh doanh, bình đẳng trong quan hệ kinh tế…; và (ii) Hiến pháp có quy định một chương riêng hay một số điều về chế độ kinh tế. Hiến pháp của Liên Xô trước đây là một điển hình.[7] Theo giáo sư Nguyễn Đăng Dung, trong số 194 quốc gia có Hiến pháp thì có tới 105 nước không quy định tính chất, mô hình nền kinh tế trong Hiến pháp và chủ yếu theo mô hình thứ nhất nói trên.[8]

Việt Nam là một quốc gia đang trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, cho nên cần phải có những quy định về chế độ kinh tế trong Hiến pháp là lẽ tất nhiên và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đất nước ta. Các quy định về chế độ kinh tế trong Hiến pháp mới thể hiện mạnh mẽ đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta sau gần 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới. Nếu Hiến pháp năm 1992 dành riêng một chương với 15 điều quy định về chế độ kinh tế thì Hiến pháp năm 2013 chỉ có 7 điều quy định về kinh tế (từ Điều 50 đến Điều 56) nằm trong cùng một chương với 6 vấn đề khác.[9] Hiến pháp mới (Điều 51) tiếp tục khẳng định chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế ở Việt Nam.

Vấn đề có nên hay không nên định danh các thành phần kinh tế và quy định vai trò của từng thành phần kinh tế trong Hiến pháp mới là một trong những vấn đề được tranh luận rất sôi nổi khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Do có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề hiến định các thành phần kinh tế, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đã có 3 phương án quy định vấn đề thành phần kinh tế. Theo đó, phương án 1 sẽ nêu rõ các thành phần kinh tế và vai trò của từng thành phần kinh tế như đã ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nướctrong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); phương án 2 chỉ quy định khái quát vai trò của các thành phần kinh tế nhưng có khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; phương án 3 quy định khái quát mà không quy định cụ thể vai trò của thành phần kinh tế nào.[10] Theo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì cả 3 phương án đều thể hiện nội dung Cương lĩnh xây dựng đất nướctrong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hộinhưng phương án 1 không đảm bảo tính khái quát và ổn định lâu dài của Hiến pháp.[11] Hiến pháp năm 1992 đã quy định theo cách của phương án 1 và thực tế đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.[12]  Việc không liệt kê các thành phần kinh tế và vai trò của thành phần kinh tế trong Hiến pháp sẽ đảm bảo tính khái quát, ổn định của Hiến pháp nhưng lại không thể hiện được bản chất đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta,[13] đây là sự khác biệt lớn giữa nền kinh tế thị trường ở Việt Nam với các quốc gia có nền kinh tế thị trường thuần túy.

Hiến pháp mới tiếp tục khẳng định “các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” (Điều 51). Khác với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp mới không định danh hay liệt kê các thành phần kinh tế và không quy định về vai trò của mỗi thành phần kinh tế cũng như chính sách của nhà nước ta đối với từng thành phần kinh tế như đã từng có trong Hiến pháp năm 1992 mà chỉ nêu một lần cụm từ “kinh tế nhà nước” ở Điều 51; đây là một thay đổi đặc biệt quan trọng trong chế độ kinh tế và là một điểm tiến bộ rất lớn của Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp mới khẳng định nền kinh tế nước ta là “nền kinh tế nhiều thành phần”, nhưng khác với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 không ghi nhận cụ thể nền kinh tế nước ta có bao nhiêu thành phần kinh tế.

Để xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, một trong các điều kiện quan trọng là phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, và kinh tế nhà nước phải có vai trò chủ đạo, dẫn dắt cả nền kinh tế và là công cụ hữu hiệu để Nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô theo các mục tiêu, chiến lược của Đảng cộng sản Việt Nam. Do vậy, nếu Hiến pháp không ghi nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước có thể sẽ gây nên sự thiếu vắng căn cứ pháp lý hiến định trong việc xây dựng pháp luật về kinh tế và quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Mặc dù Hiến pháp năm 2013 không còn quy định vị trí, vai trò và chính sách đối với từng thành phần kinh tế như Hiến pháp năm 1992, nhưng việc khẳng định vai trò của thành phần kinh tế nhà nước là thực sự cần thiết. Vì thế, Điều 50 của Hiến pháp mới đã quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.” Nhưng, Hiến pháp năm 2013 không còn quy định thành phần kinh tế nhà nước “được củng cố và phát triển, nhất là trong các ngành và lĩnh vực then chốt” như Hiến pháp năm 1992.

Việc khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không đồng nghĩa với doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước giữ vai trò chủ đạo và độc quyền như nhiều người nhầm lẫn. Hiến pháp năm 2013 không “bảo trợ” cho các doanh nghiệp nhà nước, không có điều khoản nào tuyên bố cho các doanh nghiệp nhà nước giữ vị thế độc quyền.[14] Các doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn kinh tế của nhà nước, chính xác là các công ty mẹ trong các tập đoàn này, cũng chỉ là chủ thể thuộc thành phần kinh tế nhà nước, và theo Khoản 2 Điều 51 của Hiến pháp mới thì tất cả “các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế”, cho dù là doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước hay tư bản tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, thì đều hoạt động trong một môi trường pháp lý thống nhất và đều “bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.”

Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến ở Việt Nam, Hiến pháp đã sử dụng phạm trù “doanh nhân” và khẳng định nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức khác được thực hiện hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.[15] Quy định này đã một lần nữa khẳng định mạnh mẽ đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường của Đảng và Nhà nước ta. Hiến pháp cũng tiếp tục khẳng định tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đưa vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa; và vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng lần đầu tiên được ghi trong Hiến pháp.

Tóm lại, Hiến pháp mới không còn định danh và quy định cụ thể vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế như Hiến pháp năm 1992 nhưng vẫn khẳng định rằng “các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân” (khoản 2 Điều 51). Hiến pháp năm 2013 cũng không còn những quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước đối với từng thành phần kinh tế như các Điều 19, 20, 21, 22 và 25 của Hiến pháp năm 1992 mà chỉ quy định ngắn gọn tại khoản 3 Điều 51 rằng “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước”. Có thể nói rằng quy định của Hiến pháp mới về nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta là rất hợp lý, không quá “tả” và không quá “hữu”, là một trong những thay đổi rất quan trọng và đáng chú ý nhất trong Chương III của Hiến pháp mới.

Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện tư tưởng đổi mới kinh tế mạnh mẽ khi khẳng định quyết tâm của Nhà nước ta trong việc “xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường” (Điều 52). Lần đầu tiên, Hiến pháp – đạo luật cơ bản, cao nhất của nhà nước đã khẳng định nhà nước ta xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng việc “điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường” chứ không còn chủ quan, duy ý chí, giáo điều như trong quá khứ chúng ta đã từng làm.

Phạm vi và đối tượng được xác định là tài sản côngthuộc sở hữu toàn dân đã được Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 quy định cô đọng, chính xác và hợp lý với kỹ thuật lập hiến cao hơn so với các Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Theo đó, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Hiến pháp mới khẳng định những tài sản này là “tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” chứ không phải là “của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân” như Hiến pháp 1992, quy định như vậy cho thấy sự đề cao chế độ sở hữu toàn dân và khẳng định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu chứ không phải là chủ sở hữu của những tài sản đó.[16]

Đất đai là một trong các vấn đề đặc biệt quan trọng và sở hữu đất đai là một vấn đề nhạy cảm trong quá trình lấy ý kiến nhân dân khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Mặc dù có những ý kiến thiểu số về vấn đề đa dạng hóa chế độ sở hữu đối với đất đai khi lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, song tuyệt đại đa số ý kiến vẫn khẳng định mong muốn tiếp tục duy trì, củng cố chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai.[17] Vì vậy, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Song, chính sách về đất đai nhằm đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất và quản lý sử dụng đất hợp lý, hiệu quả trong Điều 54 của Hiến pháp mới được thể hiện cụ thể hơn, rõ ràng hơn thay thế cho Điều 18 của Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 2013 đã quy định những vấn đề “cốt yếu” của chính sách đất đai như: (i) khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân; (ii) quy định các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; (iii) khẳng định người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất; (iv) quy định rõ hơn về chính sách thu hồi đất; và (v) Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định.

Theo Hiến pháp năm 2013 thì tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Lần đầu tiên Hiến pháp quy định quyền sử dụng đất là một loại tài sản hợp pháp vàđược pháp luật bảo hộ. Để tránh lạm dụng việc thu hồi đất gây bất lợi cho người sử dụng đất, các nhà lập hiến đã siết lại các quy định về thu hồi đất, theo đó “Nhà nước chỉ thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật địnhvì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.”[18] Như vậy, việc thu hồi đất phải có đủ các điều kiện là: (i) do luật định, và (ii) mục đích thu hồi đất là phục vụ an ninh, quốc phòng hoặc mục đích phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng chứ không phải chỉ đơn giản là thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội chung chung mà bấy lâu nay thường bị lạm dụng.[19] Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng tuyến bố nguyên tắc “việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật” nhằm đảm bảo việc thu hồi đất đúng pháp luật và đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, tạo điều kiện cho sự giám sát của xã hội đối với việc thu hồi đất. Tuy nhiên, theo quy định của Luật đất đai hiện hành thì chủ thể sử dụng đất còn bao gồm cả hộ gia đìnhtheo khoản 2 Điều 9 Luật đất đai, trong khi đó Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định hai chủ thể sử dụng là tổ chức, cá nhân; vấn đề này đã được góp ý trong quá trình lấy ý kiến và bây giờ có thể giải thích lại cho phù hợp.[20]

Lần đầu tiên Hiến pháp của chúng ta có một điều quy định về tài chính công (Điều 55). Theo đó “ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác do Nhà nước thống nhất quản lý” và các nguồn tài chính công này phải được sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, khác với nhiều bản hiến pháp ở nước ngoài, Hiến pháp năm 2013 tuyên bố một mục tiêu hành động khá khó khăn là “nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia”, một vấn đề chưa từng được khẳng định trong lịch sử lập hiến nước ta. Quy định này cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát – một trong các vấn đề thời sự ở đất nước ta suốt mấy thập niên vừa qua, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Những bức xúc và tâm tư nguyện vọng của nhân dân về chống tham nhũng, lãng phí cũng đã được thể hiện trong Hiến pháp mới với quy định tại Điều 56 về nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế – xã hội và quản lý nhà nước. Hiếm thấy trong Hiến pháp của nước ngoài những quy định về vấn đề này, song có lẽ Quốc hội muốn tạo một cơ sở pháp lý hiến định vững chắc cho việc chống lãng phí và phòng chống tham nhũng, vốn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay.[21]

3. Về chế độ văn hóa, xã hội

Một trong những thay đổi tiến bộ của Hiến pháp năm 2013 là đã loại bỏ, lược bớt những quy định dài dòng, nặng chất tuyên ngôn, mang tính hình thức, ít tính thực tiễn về 4 lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ của Hiến pháp năm 1992. Nhiều điều luật của Chương III về “Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ” trong Hiến pháp năm 1992 đã bị loại bỏ như các Điều 34, 41, 42 và 43. Tất cả các điều khoản khác trong Chương III của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một cách cô đọng, súc tích. Các quy định về 5 vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ trong Chương III của Hiến pháp mới chỉ còn 7 điều, so với 14 điều khá dài dòng của Hiến pháp năm 1992. Các điều này đều đã được sửa đổi, bổ sung, làm mới.

Hiến pháp năm 2013 có một điều mới quy định về chính sách lao động, theo đó Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động, đồng thời Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Hiến pháp mới cũng khẳng định đường lối đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.[1] Lần đầu tiên Hiến pháp cũng đã khẳng định chủ trương “thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân” và mở rộng đối tượng được áp dụng chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào ở hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn bên cạnh nhóm đối tượng đồng bào miền núi và dân tộc thiểu số như Hiến pháp năm 1992. Sự thay đổi này hoàn toàn hợp lý, phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước ta và thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với các hải đảo và các vùng đặc biệt khó khăn của đất nước.

Hiến pháp năm 2013 cũng nêu rất đúng đắn 5 đặc tính của con người Việt Nam hiện đại mà chúng ta đang hướng tới đó là cósức khỏe, có văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết và có ý thức trách nhiệm công dân. Năm yêu cầu nói trên thể hiện khá đầy đủ các đặc tính của con người Việt Nam mới trong giai đoạn hiện nay, theo đó con người Việt Nam không chỉ cần có sức khỏe và văn hóa mà còn phải có tinh thần đoàn kết, yêu nước và có ý thức trách nhiệm của một công dân đối với nhà nước và xã hội thay cho những quy định mang tính giáo điều “có tinh thần yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, có tinh thần quốc tế chân chính, hữu nghị và hợp tác với các dân tộc trên thế giới” như trong Điều 31 của Hiến pháp năm 1992.

4. Về giáo dục

Hiến pháp mới chỉ còn duy nhất một điều quy định tổng quát, chỉ nêu đường lối về phát triển giáo dục phù hợp với Nghị quyết Trung ương 8 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.[23] Thay thế cho hai điều của Hiến pháp năm 1992, Điều 61 của Hiến pháp mới tiếp tục khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhưng không quy định việc nhà nước thống nhất quản lý về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục như Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 2013 quy định Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục, đặc biệt là chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc và Nhà nước không thu học phí; tiến tới từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý. Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quy định về ưu tiên phát triển giáo dục ở hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề.

5. Về khoa học và công nghệ

Hiến pháp mới chỉ có Điều 62 quy định về khoa học và công nghệ (so với 2 điều trong Hiến pháp năm 1992). Theo đó, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ. Song, lần đầu tiên, Hiến pháp mới đã khẳng định Nhà nước Việt Nam sẽ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sẽ tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ.

6. Về bảo vệ môi trường

Lần đầu tiên Hiến pháp nước ta quy định về vấn đề bảo vệ tài nguyên và môi trường, thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Theo giáo sư người Mỹ Edith Brown Weiss thì có khoảng 50 quốc gia và 21 bang của nước Mỹ có quy định về quyền được sống trong môi trường trong lành trong Hiến pháp.[24] Theo Hiến pháp năm 2013, Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiến pháp cũng khẳng định khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; và đồng thời thể hiện chủ trương chế tài nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học.

Tóm lại, Chương III của Hiến pháp mới quy định cô đọng, súc tích và hợp lý về 7 vấn đề hệ trọng của đất nước, đó là kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; trong đó đặc biệt là chính sách phát triển kinh tế, chế độ đất đai và bảo vệ môi trường. Những quy định này của Hiến pháp năm 2013 thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng và mong muốn của nhân dân ta về đổi mới toàn diện, gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, công nghệ và bảo vệ môi trường.

CHÚ THÍCH

[1]  Phan Trung Lý, Bình luận về Hiến pháp: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Hiến pháp dân chủ, pháp quyền và phát triển, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 01(157) T01/2014, tr. 9.

[2] Có một số quan điểm khác nhau về cách gọi Hiến pháp mới, có quan điểm cho rằng không thể gọi Hiến pháp mới là ‘Hiến pháp năm 2013’ mà chỉ gọi là ‘Hiến pháp’ vì Việt Nam chỉ có một bản Hiến pháp, tức là Hiến pháp đang có hiệu lực. Tuy nhiên, lập luận theo cách này sẽ mâu thuẫn với cách gọi các bản Hiến pháp trước đây của Việt Nam như Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 cũng như gần đây nhất là Hiến pháp năm 1992. Trong bài viết này, tác giả gọi Hiến pháp mới được thông qua ngày 26/11/2013 của Việt Nam là ‘Hiến pháp mới’ hoặc ‘Hiến pháp năm 2013’ để phân biệt với các bản Hiến pháp trước đây.

[3] Chương 2 của Hiến pháp năm 1992 có 15 điều và Chương 3 của Hiến pháp năm 1992 có 14 điều.

[4] Xem thêm: Báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 05/01/2013, của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tr. 6.

[5] Bài phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đăng trên Báo Thanh Niên, số 17(6600) ngày 17/01/2014, tr. 16.

[6] Nguyễn Đăng Dung, Chế độ kinh tế trong Hiến pháp các nước và Hiến pháp Việt Nam,Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 02+03 (234+235), T1+T2/2013, tr. 13.

[7] Nguyễn Đăng Dung, tlđd, tr. 13-14.

[8] Trích theo Nguyễn Đăng Dung, tlđd, tr. 13.

[9] Tuy nhiên, Điều 56 của Hiến pháp năm 2013 không chỉ quy định về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế mà còn bao gồm cả trong xã hội và quản lý nhà nước.

[10] Xem Ủy ban dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Báo cáo số 315/BC-UBDTSĐHPngày 17/10/2013, tr. 7.

[11] Ủy ban dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tlđd, tr. 7.

[12] Về những hạn chế, bất cập của quy định về các thành phần kinh tế trong Hiến pháp năm 1992, xem thêm Bùi Xuân Hải, Quy định về phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần trong Hiến pháp năm 1992- Những giá trị và nhu cầu sửa đổi, bổ sung,Tạp chí Khoa học pháp lý, số Chuyên đề 12/2012.

[13] Ủy ban dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tlđd, tr. 7.

[14] Cần lưu ý rằng, khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo pháp luật hiện hành khác nhiều so với quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003. Khoản 22 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 định nghĩa doanh nghiệp nhà nướclà doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, và như vậy doanh nghiệp nhà nước có thể là công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.

[15] Khoản 3 Điều 51 Hiến pháp năm 2013.

[16] Khác với cách quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 17 của Hiến pháp năm 1992 quy định liệt kê nhiều loại tài sản là của Nhà nước và thuộc sở hữu toàn dân như: “đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản so nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định”.

[17] Bình luận về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, xem thêm: Lưu Quốc Thái, Chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai theo Hiến pháp 1992 và các vấn đề đặt ra, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 17(249), T9/2013, tr. 9-10.

[18] Khoản 3, Điều 54 của Hiến pháp mới.

[19] Xem thêm, Phan Trung Lý, tlđd, tr. 10.

[20] Góp ý về vấn đề này, xem thêm, Nguyễn Quang Tuyến, Góp ý một số nội dung Chương 3 – Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Tạp chí Luật học, số 10/2013, tr. 78.

[21] Xem thêm Nguyễn Quang Tuyến, tlđd, tr. 80.

[22] Lưu ý rằng đây là lần đầu tiên chữ ‘Nhân dân’đã được viết hoa trong Hiến pháp của Việt Nam, nó thể hiện tư tưởng đề cao chủ quyền của Nhân dân và thể hiện bản chất Nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

[23] Xem thêm chi tiết Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

[24] Trích theo Nguyễn Minh Đức, Quyền môi trường trong Hiến pháp các nước và kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 07(239) T4/2013, tr. 18.

Tác giả: PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 01/2014, Trang 33-40

Like Fanpage Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/