Tại lịch công giáo 2023

I. HUẤN THỊ VỀ PHỤNG VỤ

     “Các mục tử không phải chỉ chú tâm tuân giữ các lề luật trong các hoạt động phụng vụ, để cử hành thành sự và hợp pháp mà thôi, nhưng còn phải làm cho tín hữu tham dự phụng vụ một cách ý thức, linh động và hữu hiệu”. (Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, số 11).

    “Tác vụ của linh mục là tác vụ của toàn thể Hội Thánh. Vì thế, không thể thi hành tác vụ này nếu không có sự vâng phục, sự hiệp thông cùng hàng giáo phẩm và chăm lo phục vụ Thiên Chúa và anh em. Bản chất phẩm trật của phụng vụ, hiệu lực bí tích và sự tôn trọng phải có đối với cộng đoàn Dân Chúa, đòi các linh mục phải chu toàn nhiệm vụ trong việc phụng tự “như thừa tác viên và người phân phát trung tín các mầu nhiệm của Thiên Chúa”, và không được tự đưa vào những lễ nghi không được quy định và chấp nhận trong các sách phụng vụ”. (Huấn thị Liturgicae Instaurationes ngày 05-9-1970, số 1).

II. LỄ CẦU CHO GIÁO DÂN (LỄ HỌ)

       Theo luật chung, đó là lễ mà giám mục giáo phận dâng để chỉ cho giáo dân trong giáo phận (GL 388) và linh mục quản xứ dâng để chỉ cho giáo dân trong giáo xứ (GL 534,1).

       GL 534, 1: “Sau khi đã nhận giáo xứ, quản xứ có nghĩa vụ phải chỉ thánh lễ cho giáo dân được giao phó cho mình, vào mỗi ngày Chúa nhật và lễ buộc trong giáo phận; ai bị ngăn trở chính đáng không cử hành được, thì phải nhờ người khác chỉ lễ trong chính các ngày ấy, hay chính mình chỉ lễ vào các ngày khác”.

      2: “Quản xứ phải coi nhiều giáo xứ, thì vào những ngày nói ở tiết 1, chỉ buộc phải chỉ một lễ cho tất cả giáo dân được giao phó cho mình”.

      3: “Quản xứ không làm đủ bổn phận nói ở tiết 1 và tiết 2, nếu đã bỏ bao nhiêu lễ thì phải lo chỉ cho đủ bấy nhiêu lễ sớm hết sức”.

       Riêng tại Việt Nam, theo văn thư của Bộ Truyền Giáo (cũng gọi là Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các dân tộc) ngày 11-11-1987, chấp thuận đơn xin của HĐGM Việt Nam, các chủ chăn (giám mục giáo phận và linh mục chính xứ) phải chỉ lễ cho giáo dân vào những ngày lễ sau đây:

  1. Lễ Chúa Giáng Sinh
  2. Lễ Chúa Hiển Linh
  3. Lễ Thánh Giuse (19-3)
  4. Lễ Phục Sinh
  5. Lễ Chúa Giêsu Lên Trời
  6. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
  7. Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
  8. Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, Tông Đồ (29-6)
  9. Lễ Đức Mẹ Lên Trời (15-8)
  10. Lễ Các Thánh Nam Nữ (01-11)
  11. Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (08-12)

III. THÁNH LỄ CỬ HÀNH CHIỀU HÔM TRƯỚC NGÀY LỄ BUỘC VÀ CHIỀU THỨ BẢY

       Giáo Luật điều 1248 khoản 1 quy định: “Ai tham dự thánh lễ vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ”.

       Vì thế, thánh lễ chiều thứ Bảy và chiều trước ngày lễ buộc sẽ được sắp xếp với mọi yếu tố phải có (diễn giảng, lời nguyện tín hữu), hay nên có (dân chúng tham dự tích cực hơn bằng lời ca tiếng hát, v.v…, IM 115-116) trong thánh lễ của ngày lễ.

       Còn chính bản văn thánh lễ thì theo nguyên tắc chung, tức là “luôn luôn phải dành ưu tiên cho thánh lễ phải giữ theo luật buộc, mà không phải quan tâm gì đến bậc phụng vụ của hai lễ cử hành trùng nhau” (Thánh Bộ Phụng Tự, Notitiae 1984, trang 603). Vì vậy, trong thực tế, nếu lễ chiều thứ Bảy có giáo dân tham dự, thì sẽ cử hành thánh lễ Chúa nhật (tức là thánh lễ Chúa nhật hay thánh lễ trùng và thay Chúa nhật năm đó).

IV. LỄ TRONG TUẦN TRONG MÙA VỌNG, MÙA GIÁNG SINH, MÙA CHAY VÀ MÙA PHỤC SINH

Trong các ngày có lễ nhớ không bắt buộc:

  1. Các ngày trong tuần Mùa Vọng từ 17 đến 24-12; các ngày trong tuần bát nhật Giáng Sinh; các ngày trong tuần Mùa Chay trừ thứ Tư lễ Tro và các ngày trong Tuần Thánh: linh mục cử hành thánh lễ theo ngày trong tuần, nhưng có thể đọc lời nguyện nhập lễ của lễ nhớ ghi trong lịch chung thay lời nguyện nhập lễ của ngày trong tuần.
  2. Các ngày trong tuần Mùa Vọng trước ngày 17-12; các ngày trong tuần Mùa Giáng Sinh từ ngày 02-01; các ngày trong tuần Mùa Phục Sinh: linh mục có thể chọn hoặc thánh lễ theo ngày trong tuần, hoặc thánh lễ vị thánh được nhớ hay vị thánh có ghi trong Sổ bộ các thánh của ngày đó.

V. VỀ VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ HÔN PHỐI

       Khi cử hành hôn phối trong thánh lễ, chỉ nên cử hành thánh lễ Hôn Phối vào một số ngày trong năm mà thôi.

  1. Không được cử hành thánh lễ Hôn Phối trong những ngày sau đây:

– Các lễ trọng buộc cũng như không buộc.

– Các Chúa nhật Mùa Vọng, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh.

– Lễ Tro và các ngày trong Tuần Thánh.

– Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (02-11).

– Các ngày trong tuần bát nhật Phục Sinh.

       Gặp những ngày trên, phải cử hành thánh lễ theo ngày phụng vụ và đọc tất cả các bài Sách Thánh của ngày lễ đó. Vẫn đọc lời cầu nguyện cho đôi tân hôn trong thánh lễ, và cuối lễ có thể dùng công thức ban phép lành cho đôi tân hôn. Nếu không phải là Tam Nhật Vượt Qua hay lễ trọng buộc, thì cũng có thể đọc một bài Sách Thánh về Hôn Phối.

Các Chúa nhật Mùa Giáng Sinh và Thường Niên: cử hành thánh lễ Chúa nhật, nhưng trong các bài Sách Thánh, có thể đọc một bài về Hôn Phối; nếu cử hành Hôn Phối trong thánh lễ không có cộng đồng giáo xứ tham dự, thì có thể cử hành toàn bộ thánh lễ Hôn Phối. (CE 603 và OCM mới [1990] các số 34, 54 và 56).

       Tuyệt đối tránh cử hành Hôn Phối ngày thứ Sáu và ngày thứ Bảy Tuần Thánh.

VI. LỄ NGOẠI LỊCH KÍNH ĐỨC MẸ CÁC NGÀY THỨ BẢY MÙA THƯỜNG NIÊN

       Các ngày thứ Bảy trong Mùa Thường Niên, khi không có lễ nhớ bắt buộc, có thể cử hành lễ kính Đức Mẹ.

VII. VỀ VIỆC KÍNH TRỌNG THỂ

    “Để phục vụ lợi ích mục vụ cho giáo dân, trong các Chúa nhật Thường Niên, được phép mừng các lễ nào gặp trong tuần mà được giáo dân sùng mộ, miễn là những lễ ấy cao hơn chính ngày Chúa nhật theo bảng ghi thứ tự ưu tiên. Có thể mừng các lễ ấy trong mọi thánh lễ có đông giáo dân tham dự” (AC 58).

       Theo bảng ưu tiên ở AC 59, thì các lễ được xếp hạng như sau:

  1. Các lễ trọng kính Chúa.
  2. Các lễ trọng kính Đức Mẹ và các Thánh có ghi trong lịch chung.
  3. Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời.
  4. Các lễ trọng riêng như lễ kính tước hiệu nhà thờ, lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường, v.v…
  5. Các lễ kính Chúa có ghi trong lịch chung.
  6. Các Chúa nhật Mùa Giáng Sinh và Thường Niên.

       Như vậy, vào những ngày Chúa nhật Mùa Thường Niên và cả Mùa Giáng Sinh theo luật (Ipso jure), được cử hành thánh lễ quen gọi là “kính trọng thể” về những lễ liệt kê ở hạng 1, 2, 4, 5 trên đây, thí dụ:  

– Các lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Mẹ lên trời (15-8).

– Các Thánh Nam Nữ (01-11); Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Tông Đồ (29-6); Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (24-6); Tước hiệu nhà thờ; Kỷ niệm cung hiến thánh đường …

– Các lễ kính về Chúa trong lịch chung: Chúa hiển dung (06-8); Suy tôn Thánh Giá (14-9); Cung hiến đền thờ Latêranô (09-11) …

VIII. BẢNG CHỈ DẪN VIỆC CỬ HÀNH CÁC THÁNH LỄ CÓ NGHI THỨC RIÊNG, THÁNH LỄ TUỲ NHU CẦU VÀ THÁNH LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

Chữ viết tắt

V1   Thánh lễ có nghi thức riêng (IM 372).

Thánh lễ tùy nhu cầu và ngoại lịch, do Đấng Thường quyền sở tại chỉ định hoặc cho phép, khi gặp một nhu cầu hay một lợi ích mục vụ quan trọng (IM 374).

V2   Thánh lễ tuỳ nhu cầu và ngoại lịch theo sự xét đoán của vị phụ trách thánh đường hay của chính linh mục chủ tế, nếu thật sự có nhu cầu hoặc lợi ích mục vụ đòi hỏi (IM 376).

V3   Thánh lễ tuỳ nhu cầu và ngoại lịch, do linh mục chủ tế chọn theo lòng đạo đức của giáo dân (IM 373, 377).

D1  Thánh lễ An táng (IM 380).

D2 Thánh lễ Cầu hồn sau khi được tin người chết hoặc trong ngày Giỗ đầu (IM 381).

D3  Thánh lễ Cầu hồn hằng ngày (IM 381).

Để áp dụng:

  1. Các lễ trọng buộc
  2. Các Chúa nhật Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh
  1. Thứ Năm Tuần Thánh, Tam Nhật Vượt Qua
KHÔNG ĐƯỢC CỬ HÀNH TẤT CẢ CÁC LỄ TRÊN
04.   Các lễ trọng không buộc, Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời

05.   Thứ Tư lễ Tro; Thứ Hai – thứ Tư Tuần Thánh

06.   Các ngày trong tuần bát nhật PS

CHỈ ĐƯỢC CỬ HÀNH LỄ D1
07.   Các Chúa nhật Mùa Giáng Sinh và Mùa Thường Niên

08.   Các lễ kính

CHỈ ĐƯỢC CỬ HÀNH LỄ V1 D1
09.   Các ngày 17-24/12

10.   Các ngày trong tuần bát nhật Giáng Sinh

11.   Các ngày thường trong Mùa Chay

CHỈ ĐƯỢC CỬ HÀNH LỄ V1 D1 D2
12.   Các lễ nhớ bắt buộc

13.   Các ngày thường từ đầu Mùa Vọng cho đến hết ngày 16-12

14.   Các ngày thường Mùa Giáng Sinh, từ ngày 02-01

15.   Các ngày thường Mùa Phục Sinh, sau tuần bát nhật.

CHỈ ĐƯỢC CỬ HÀNH LỄ V1 V2 D1 D2
16.   Các lễ nhớ không bắt buộc

17.   Các ngày thường Mùa Thường Niên

ĐƯỢC CỬ HÀNH LỄ V1 V2 V3 D1 D2 D3
  1. LƯU Ý
  2. Dự lễ và nghỉ việc

    Chúa nhật và lễ trọng buộc: Theo luật của Hội Thánh, mọi tín hữu, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, đều phải tham dự thánh lễ và kiêng việc xác trong tất cả các Chúa nhật và lễ trọng buộc. Hiện nay, các lễ trọng và lễ trọng buộc đã được chuyển vào Chúa nhật, chỉ trừ lễ Giáng Sinh. Trong Lịch Công Giáo của Giáo Phận, chỉ còn lễ Giáng Sinh là ghi: buộc dự lễ và nghỉ việc xác. Một số lễ trọng buộc như lễ Chúa Giêsu Lên Trời, lễ Đức Mẹ Lên Trời, lễ Các Thánh Nam Nữ… được phép mừng đúng ngày hoặc chuyển vào Chúa nhật: ai dự lễ đúng ngày hay vào Chúa nhật mừng trọng thể đều được coi là đã giữ luật về dự lễ buộc; riêng về nghỉ việc xác, chỉ buộc nghỉ việc vào Chúa nhật. Lễ Mình Máu Thánh Chúa, lễ Thánh Tâm, lễ Truyền Tin, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội… là lễ trọng, nhưng không buộc. Như vậy, mọi tín hữu phải giữ luật dự lễnghỉ việc xác tất cả các Chúa nhật lễ Giáng Sinh. Ai có lý do chính đáng không dự lễ hay nghỉ việc xác được, phải đọc kinh hay làm việc bác ái bù lại. Nên hỏi ý kiến cha xứ về lý do chính đáng cũng như về việc đọc kinh hay làm việc bác ái bù. (GL 1248, §2).

  1. Lễ các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh

Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh được cử hành bậc Lễ Nhớ. Phụng vụ Lời Chúa: chọn trong số lễ chung kính các thánh tử đạo, lễ phục màu Đỏ.

  1. Giữ chay và kiêng thịt

       – Luật buộc giữ chay và kiêng thịt ngày thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh (Gl 1251).

       – Luật chung buộc kiêng thịt các ngày thứ Sáu quanh năm (GL 1253).

       Để giữ Luật hãm mình ngày thứ Sáu quanh năm, có thể thay việc kiêng thịt bằng một việc đạo đức hay một việc từ thiện bác ái, như: đọc hay nghe một đoạn Lời Chúa, làm một việc hãm mình đền tội, bố thí cho người nghèo, làm một việc công ích (HĐGMVN khoá họp tháng 4-1991).

  1. Các bài Giáo huấn

     Lịch Công Giáo có các bài Giáo huấn cho mỗi tuần trong cả Năm Phụng Vụ.

     Để mọi người tìm hiểu học tập về Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, năm nay các bài giáo huấn lần lượt trình bày các phần tiếp theo của những năm trước sách “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo”, là bản trình bày Đức Tin của Hội Thánh cũng như truyền thống các Tông Đồ và Huấn Quyền Hội Thánh xác nhận hoặc soi sáng.

     Xin trân trọng giới thiệu, hy vọng nội dung phong phú xác thực sẽ mang lại lợi ích thiêng liêng cho đời sống của mọi người.

  1. Rao lịch hằng tuần

     – Mỗi Chúa nhật, sẽ rao lịch trong tuần tại nhà thờ, nhà nguyện, nơi cộng đoàn phụng vụ.

     – Không rao lịch khi giảng sau Tin Mừng, nhưng trước lễ hoặc sau lời nguyện hiệp lễ (IM, các số 166, 184).

     – Các Kitô hữu cần hiểu biết và tham dự các ngày lễ của Hội Thánh, ý nghĩa nghi lễ của các mùa Phụng Vụ hay các dịp lễ.

  1. Chầu Lượt

“Thánh Thể là nguồn mạch và đỉnh cao của sinh hoạt Giáo Hội. Các bí tích khác cũng như tất cả các thừa tác vụ trong Giáo Hội và các tác vụ tông đồ đều liên kết và quy hướng về Thánh Thể. Bởi vì Thánh Thể chứa đựng tất cả kho báu thiêng liêng của Giáo Hội, tức chính bản thân Chúa Kitô, lễ Vượt Qua của chúng ta” (GLCG 1324). Chính vì thế chúng ta được kêu mời và khuyến khích dùng mọi phương tiện để tận hưởng những phúc lành do Bí Tích Thánh Thể mang lại, trong đó có việc Tôn Thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.

– Chầu Thánh Thể, một hình thức tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ được Giáo Hội nhìn nhận là việc phụng vụ nghĩa là việc tôn thờ công cộng của Giáo Hội. “Trong Phụng vụ Thánh Lễ, chúng ta tỏ bày niềm tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong hình bánh và hình rượu bằng nhiều cách, như bái gối hoặc cúi mình sâu để tỏ dấu tôn thờ Chúa. ‘Giáo Hội đã và vẫn dành sự phụng tự tôn thờ cho bí tích Thánh Thể, không những trong Thánh Lễ, nhưng còn ngoài lúc cử hành Thánh Lễ, bằng cách giữ gìn các tấm bánh đã thánh hiến cách rất thận trọng, bằng cách đưa Mình Thánh cho các tín hữu tôn kính cách trọng thể và bằng cách tổ chức rước cung nghinh Thánh Thể’” (GLCG 1378).

Chầu Thánh Thể có ba mục đích: (1) Nhìn nhận sự hiện diện kỳ diệu của Chúa Kitô trong Bí Tích; (2) dẫn ta tiến đến sự tham dự đầy đủ hơn trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, tột đỉnh trong việc hiệp lễ; (3) nuôi dưỡng việc phụng thờ xứng hợp đối với Chúa Kitô trong tinh thần và chân lý. “Vì thế, phải cổ vũ việc tôn sùng Thánh Thể Chí Thánh cách công cộng cũng như cách riêng tư, để các tín hữu tôn thờ Đức Kitô thực sự hiện diện, Người là Vị Thượng Tế đem muôn vàn phúc lộc cho thế giới và là Đấng Cứu Độ hoàn vũ” (Th GH Gioan Phaolô II, Huấn Thị Bí tích Cứu Độ,  số 134 ngày 25-3-2004). 

     Với chu kỳ của cả năm Phụng Vụ, các ngày Chúa nhật được sắp xếp có các giáo xứ, giáo họ hoặc cộng đoàn dòng tu đại diện cho giáo phận Chầu Thánh Thể. Trong ngày này, các hội đoàn tổ chức chầu liên tiếp, nên thường gọi là “Ngày Chầu Lượt”. Kết thúc Ngày Chầu Lượt bằng Phép Lành Thánh Thể cách trọng thể.

    Lưu ý: Các cộng đoàn tu sĩ nào không có ngày chầu ghi trong lịch thì tham gia chầu lượt theo lịch của xứ họ sở tại.

NĂM PHỤNG VỤ 2022 2023

       “Hội Thánh, Mẹ hiền, ý thức mình có bổn phận cử hành công trình cứu chuộc của Đấng Phu Quân chí thánh, bằng việc tưởng niệm công trình ấy vào những ngày ấn định trong suốt cả năm. Mỗi tuần, vào ngày gọi là Chúa nhật, Hội Thánh tưởng nhớ mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa; mỗi năm một lần, trong đại lễ Vượt Qua hết sức long trọng, Hội Thánh còn cử hành mầu nhiệm ấy cùng với cuộc Thương Khó hồng phúc của Người.

       “Qua chu kỳ một năm, Hội Thánh trình bày trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, Thăng Thiên, đến ngày Hiện Xuống cho tới niềm hy vọng ngày hạnh phúc, ngày Chúa ngự đến.

       “Trong khi cử hành những mầu nhiệm cứu chuộc như thế, Hội Thánh rộng mở cho các tín hữu kho tàng phong phú các nhân đức và công nghiệp của Chúa, làm cho các mầu nhiệm ấy hiện diện một cách nào đó, qua mọi thời đại, ngõ hầu các tín hữu được tiếp xúc với các mầu nhiệm này và được tràn đầy ơn cứu độ” (PV, số 102).

       “Vào các mùa khác nhau trong năm, theo khuôn phép truyền thống, Hội Thánh kiện toàn việc huấn luyện tín hữu bằng những việc thao luyện đạo đức hồn xác, bằng việc giảng dạy, sự cầu nguyện, các việc hy sinh hãm mình và từ thiện bác ái” (PV, số 105).

       “Phải liệu sao cho các tín hữu lưu tâm trước hết đến việc giữ các lễ về Chúa và các mùa trong Năm Phụng Vụ, với tinh thần đạo đức, để những gì họ cử hành và tuyên xưng ngoài miệng trong các lễ và mùa phụng vụ đó, thì họ tin trong lòng, và những gì họ tin trong lòng thì họ lại đem ra thực hành trong nếp sống cá nhân cũng như xã hội” (CE 232).

       LƯU Ý:

       Năm Phụng Vụ bắt đầu từ Chúa nhật thứ I Mùa Vọng, ngay từ cuối năm Dương Lịch.

       Như vậy, Năm Phụng Vụ 2023 bắt đầu từ Chúa nhật ngày 27-11-2022 và kết thúc vào thứ Bảy ngày 02-12-2023 và được ghi là Năm Phụng Vụ 2022-2023.

NHỮNG QUI LUẬT TỔNG QUÁT VỀ NĂM PHỤNG VỤ VÀ LỊCH CHUNG RÔ-MA

Ngày phụng vụ

1. Ngày phụng vụ kéo dài từ nửa đêm cho đến nửa đêm. Nhưng việc cử hành ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng bắt đầu từ chiều ngày hôm trước (AC, 3).

2. Chúa nhật phải được coi là ngày lễ quan trọng hàng đầu.Vì tầm quan trọng đặc biệt đó, Chúa nhật chỉ nhường chỗ cho các lễ trọng và các ngày lễ kính Chúa. Nhưng các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh chiếm vị trí ưu tiên trên mọi lễ kính Chúa và mọi lễ trọng. Khi gặp các Chúa nhật này, các lễ trọng sẽ mừng vào ngày thứ Hai, trừ khi các lễ đó trùng với Chúa nhật Lễ Lá hay Chúa nhật Phục sinh (AC, 4-5).

3. Lễ trọng là những ngày đặc biệt, được cử hành từ Kinh Chiều I ngày hôm trước. Có vài lễ trọng có lễ vọng riêng cử hành chiều ngày hôm trước, nếu cử hành Thánh lễ ban chiều (AC, 11).

4. Lễ kính sẽ mừng trong giới hạn một ngày; vì thế, không có kinh Chiều I, trừ phi những ngày lễ kính Chúa gặp Chúa nhật Thường niên và Chúa nhật mùa Giáng sinh và kinh thần vụ của các ngày lễ kính đó thay thế kinh thần vụ của các Chúa nhật vừa kể (AC 13).

5. Lễ nhớ gồm có lễ nhớ bắt buộc và lễ nhớ không bắt buộc. Việc cử hành các lễ nhớ được dung hòa với việc cử hành các ngày trong tuần, theo những quy luật trình bày trong Quy chế tổng quát về Sách Lễ Rô-ma và trong Quy chế tổng quát về các giờ kinh phụng vụ.

Những lễ nhớ bắt buộc gặp ngày thường trong mùa Chay thì chỉ có thể mừng như lễ nhớ không bắt buộc thôi.

Nếu trong một ngày có ghi trong lịch nhiều lễ nhớ không bắt buộc, thì chỉ mừng một lễ nhớ thôi và bỏ các lễ nhớ khác (AC, 14).

6. Các ngày thứ Bảy mùa Thường niên không có lễ nhớ bắt buộc, có thể mừng lễ nhớ không bắt buộc kính Đức Mẹ.

7. Những ngày sau Chúa nhật của mỗi tuần gọi là ngày trong tuần. Những ngày đó được cử hành khác nhau, tùy tầm quan trọng riêng của mỗi ngày (AC, 16).

Các ngày Cầu mùa và Bốn mùa

8. Các ngày Cầu mùa và Bốn mùa trong năm, Hội Thánh thường cầu xin Chúa cho những nhu cầu khác nhau của con người, nhất là cho ruộng đất sinh hoa quả, cho công ăn việc làm của con người, đồng thời công khai tạ ơn Chúa.

Để những ngày Cầu mùa và Bốn mùa trong năm có thể thích ứng với nhu cầu địa phương và tín hữu, các Hội đồng Giám mục phải quy định thời gian và cách thức cử hành những ngày đó.

Vì thế, các vị có thẩm quyền cần lưu tâm đến nhu cầu địa phương, mà đặt ra những quy tắc cho việc cử hành các ngày nói trên: kéo dài một hay nhiều ngày, làm một hay nhiều lần trong năm.Để cử hành mỗi ngày lễ nói trên, thì chọn Thánh lễ nào trong những lễ cho các nhu cầu khác nhau, thích hợp hơn với ý cầu nguyện (AC, 45-47).

Khi có nhiều lễ trùng nhau

9. Nếu gặp nhiều lễ phải kính trong cùng một ngày, thì cử hành lễ nào có địa vị cao hơn trong bảng ghi ngày phụng vụ (AC, 60).

10. Nhưng trường hợp một lễ trọng bị ngăn trở vì gặp một ngày phụng vụ ưu tiên, thì lễ trọng ấy được chuyển sang một ngày nào gần nhất, không gặp phải những ngày đã nói trong bảng thứ tự ưu tiên, từ số 1 đến số 8, nhưng phải giữ những điều đã quy định ở số 5 trong Quy luật tổng quát về năm phụng vụ (x. Quy chế tổng quát Sách Lễ Rô-ma). Các lễ còn lại, thì năm đó bỏ luôn (AC, 60).

11. Nếu trong cùng một ngày mà Kinh Chiều II của lễ đang mừng trùng với Kinh Chiều I của ngày lễ hôm sau, thì cứ dựa theo bảng ghi ngày phụng vụ trên, mà cử hành Kinh Chiều của lễ nào có ưu tiên; trường hợp hai lễ ngang nhau, thì đọc Kinh Chiều II của lễ đang mừng (AC, 11).

Kính trọng thể

12. Để phục vụ lợi ích mục vụ cho giáo dân, trong các Chúa nhật Thường niên, được phép mừng các lễ nào gặp trong tuần mà được giáo dân sùng mộ, miễn là những lễ ấy cao hơn chính ngày Chúa nhật theo bảng ghi thứ tự ưu tiên. Có thể mừng các lễ ấy trong mọi Thánh lễ có đông giáo dân tham dự (AC, 58).

Như vậy, vào các ngày Chúa nhật mùa Thường niên (và cả các ngày Chúa nhật mùa Giáng sinh nữa) được cử hành Thánh lễ quen gọi là kính trọng thể đương nhiên theo luật (ipso jure) về những lễ liệt kê (ở mục 3, 4, 5) trên đây. Ví dụ: Lễ trọng Thánh Tâm Chúa Giê-su. Lễ Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô, Tông đồ (29/06), lễ Sinh Nhật Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta (24/06), lễ tước hiệu nhà thờ, lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường… Các lễ kính Chúa có ghi trong lịch chung: lễ Chúa Hiển dung (6/8), lễ Suy Tôn Thánh Giá (14/9).

NHỮNG ĐIỂM NÊN CHÚ Ý TRONG QUY CHẾ
TỔNG QUÁT SÁCH LỄ RÔ-MA (2002)
 VỀ VIỆC SẮP ĐẶT CUNG THÁNH CHO VIỆC CỬ HÀNH CỘNG ĐOÀN

Về bàn thờ và cách trang trí

296.   Bàn thờ, nơi hy tế thập giá được hiện tại hóa dưới những dấu chỉ bí tích, cũng là bàn tiệc của Chúa, mà dân Chúa được mời đến tham dự trong Thánh lễ. Bàn thờ cũng là trung tâm của việc tạ ơn được thực hiện cách hoàn hảo qua Thánh lễ.

303. Trong các nhà thờ mới xây, nên dựng một bàn thờ duy nhất, để biểu thị rằng trong cộng đoàn tín hữu chỉ có một Chúa Ki-tô và một bí tích Thánh Thể của Hội Thánh.

Trong các nhà thờ đã xây cất trước, nếu bàn thờ cũ ở vị trí khiến tín hữu khó tham dự mà cũng không thể di chuyển mà không phương hại tới giá trị nghệ thuật, thì nên xây dựng một bàn thờ cố định khác, có nghệ thuật và được cung hiến đúng nghi thức, và chỉ dâng Thánh lễ tại bàn thờ đó mà thôi. Để các tín hữu chú tâm vào bàn thờ mới, đừng trang hoàng bàn thờ cũ một cách đặc biệt.

305.   Việc trang trí bàn thờ phải có chừng mực.

Trong Mùa Vọng, hãy trưng bông bàn thờ cách chừng mực, cho hợp với tính chất của mùa này, kẻo vượt quá niềm vui trọn vẹn của ngày Chúa Giáng sinh. Mùa Chay thì cấm trưng bông bàn thờ, ngoại trừ Chúa nhật “Mừng vui lên” (Chúa nhật 4 Mùa Chay), và các lễ trọng, lễ kính.

Luôn phải giữ chừng mực trong việc trưng bông và nên đặt bông chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ.

306.   Vì chưng, trên bàn thờ chỉ đặt những gì cần thiết cho việc cử hành Thánh lễ, nghĩa là sách Tin Mừng từ đầu lễ cho đến phần công bố Tin Mừng; còn từ khi dâng của lễ đến khi tráng chén, thì đặt chén với đĩa thánh, bình đựng Mình Thánh nếu cần, và khăn thánh, khăn lau chén và Sách lễ. Ngoài ra, được đặt cách kín đáo những dụng cụ khuếch đại tiếng của linh mục.

Giảng đài

309.   Phẩm giá của Lời Chúa đòi phải có một nơi thích hợp trong nhà thờ, để Lời Chúa được loan báo và tín hữu tự nhiên hướng về đó trong phần phụng vụ Lời Chúa.

Nơi đó thường phải là một giảng đài cố định, chứ không phải chỉ là một cái giá sách di chuyển được. Phải tùy theo cấu trúc của mỗi nhà thờ mà đặt giảng đài để tín hữu có thể dễ dàng nhìn thấy và nghe được thừa tác viên và độc viên.

Tại giảng đài chỉ đọc các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và bài công bố Tin Mừng Phục sinh. Cũng tại đó, có thể giảng và đọc lời nguyện chung, tức là lời nguyện tín hữu. Để giữ sự trang nghiêm của giảng đài, chỉ có thừa tác viên mới được bước lên đó.

Ghế dành cho linh mục chủ tế và các ghế khác

310.   Ghế của linh mục chủ tế phải nói lên nhiệm vụ của ngài là chủ tọa cộng đoàn và điều hành kinh nguyện. Vì thế, chỗ thích hợp nhất là phía đầu cung thánh, nhìn xuống cộng đoàn, trừ phi kiến trúc thánh đường hoặc những hoàn cảnh không cho phép, ví dụ: khoảng cách quá xa làm cho việc hiệp thông giữa linh mục và cộng đoàn trở nên khó khăn, hoặc nếu nhà tạm đặt chính giữa phía sau bàn thờ. Phải tránh các loại ngai tòa. Nên làm phép ghế, trước khi đem dùng trong phụng vụ, theo nghi thức trong Nghi lễ Rô-ma, Sách các Chúc Lành...

Ghế của phó tế phải được đặt gần ghế dành cho linh mục chủ tế. Ghế cho các thừa tác viên khác phải xếp thế nào để phân biệt rõ ràng với ghế dành cho hàng giáo sĩ và để cho họ có thể dễ dàng thực hiện phận vụ được trao phó.

CÁC HƯỚNG DẪN KHÁC

Chầu Thánh Thể và việc đọc kinh Đức Mẹ và các Thánh

Trong giờ chầu Thánh Thể các tín hữu nên đọc Kinh thánh, vốn là một cuốn sách cầu nguyện khôn sánh, dùng những bài ca và lời nguyện thích hợp làm quen với những yếu tố đơn giản trong các Giờ kinh Phụng vụ, theo nhịp năm phụng vụ, và cầu nguyện trong thinh lặng. Không nên đưa những việc đạo đức tôn kính Đức Mẹ và các thánh vào trong giờ chầu Thánh Thể. (Xem Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Hướng Dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, ngày 17/12/2001, số 165). Vì vậy, không được đọc kinh về Đức Mẹ hay các thánh trong khi chầu Thánh Thể. Tuy nhiên, do mối liên hệ khăng khít hằng kết hợp Mẹ Ma-ri-a với Đức Ki-tô, việc suy niệm các mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc trong Kinh Mân Côi cũng có thể góp phần đem lại cho việc cầu nguyện một định hướng Ki-tô-học sâu xa. Vì thế, “trong những kinh được dùng để chầu Mình Thánh, có thể bao gồm việc đọc kinh Mân Côi, khi việc đọc kinh này nhấn mạnh đến khía cạnh Ki-tô học với những bài Sách Thánh liên quan đến các mầu nhiệm và có những thời gian thinh lặng để thờ lạy và suy niệm những mầu nhiệm đó.” Nhưng không được đặt Mình Thánh Chúa để mà đọc kinh Mân côi. (x. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Hướng dẫn về đọc kinh Mân côi trong lúc chầu Thánh Thể, Prot no. 2287/96/L năm 1998).

Tước hiệu nhà thờ và quan thầy giáo xứ

“Tước hiệu” được đặt như là tên hay danh hiệu của một nhà thờ, hay của dòng tu, tu hội, hội đoàn. Tước hiệu có thể là tên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giê-su, Đức Mẹ, các thiên thần và các thánh (x. Roman Pontifical, Nghi thức Cung hiến nhà thờ và bàn thờ, II, 4). Đối với nhà thờ, tước hiệu được đặt khi nhà thờ được làm phép hay cung hiến, nhưng chỉ trở nên chính thức khi được cung hiến, và một khi đã cung hiến thì tước hiệu này không được thay đổi nữa (Gl đ. 1218). Đối với những nhà thờ đã được cung hiến, ngày lễ tước hiệu nhà thờ được mừng ở bậc lễ trọng (AC, số59). Vì nhu cầu mục vụ, lễ tước hiệu của nhà thờ đã được cung hiến có thể được mừng vào Chúa nhật Thường Niên (Ibid. số 58).

“Quan thầy” hay “Bổn mạng” là vị thánh được tôn kính như vị bảo trợ hay vị chuyển cầu trước Tòa Chúa cho một cộng đoàn tín hữu. Vì vậy, chỉ có thể chọn Đức Mẹ, các thiên thần và các thánh làm quan thầy. Tuyệt đối không thể chọn Chúa Ba Ngôi, Chúa Giê-su hay một Ngôi Vị Thiên Chúa (ví dụ: Thánh Linh, Chúa Ki-tô Vua) làm quan thầy. Vì Thiên Chúa chỉ ban ơn, mà không xin ơn hay chuyển cầu (x. Bộ Phụng tự, Qui tắc về đặt thánh Bổn mạng, Patronus, số 2 và 34).

Quan thầy có thể được đặt cho một giáo phận, giáo xứ, giáo họ, thành phố, quốc gia hay dòng tu, hội đoàn…, nhưng không được đặt thánh quan thầy cho một nhà thờ, vì một thánh không thể chuyển cầu cho một tòa nhà bằng gạch đá. Chỉ được chọn một (01) thánh Quan thầy mà thôi, trừ trường hợp những vị thánh đã được mừng chung trong niên lịch phụng vụ, như thánh Joakim và thánh Anna ngày 26/7 (x. Qui tắc về đặt thánh Bổn mạng, số 5).

Vậy mỗi giáo xứ cần phải phân biệt giữa thánh quan thầy và tước hiệu nhà thờ. Có tước hiệu nhà thờ, nhưng không có tước hiệu giáo xứ; ngược lại, có quan thầy giáo xứ, giáo họ, mà không có quan thầy nhà thờ.  

Xin lễ

1. “Bí tích Thánh Thể là Bí tích cao trọng nhất, trong đó, chính Chúa Giê-su Ki-tô hiện diện, tự hiến và trở nên lương thực; nhờ đó, Giáo Hội tiếp tục được sống và tăng trưởng. Hy lễ Thánh Thể, tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa, tiếp diễn mãi mãi Hy Lễ Thánh Giá, là tuyệt đỉnh và nguồn suối của tất cả phụng tự và đời sống Ki-tô giáo” (Gl. 897). Thánh lễ mang lại ơn cứu độ cho cả Hội Thánh và nhân loại, là ân sủng cao cả nhất của Thiên Chúa. Ý cầu nguyện mà các tín hữu xin Linh mục cầu nguyện khi dâng lễ cũng là ân sủng của Thiên Chúa. Ân sủng của Thiên Chúa là ơn nhưng không do lòng nhân từ của Chúa mà không ai có thể đổi chác hay mua được. Hay nói cách khác, xin lễ không phải là “mua lễ” hay “đánh đổi” ơn của Thánh lễ.

Khi một tín hữu xin Linh mục dâng lễ cầu nguyện theo ý chỉ của mình cùng với tiền dâng cúng (gọi là bổng lễ) là người đó “trong tinh thần đạo đức và mộ mến Hội Thánh muốn tham dự mật thiết hơn vào hy lễ Thánh Thể, bằng việc cộng thêm một sự hy sinh của riêng mình để đóng góp vào nhu cầu của Hội Thánh, đặc biệt để trợ giúp các tư tế của Hội Thánh” (Đức Phao-lô VI, Motu proprio Firma in traditione, 1974). Như vậy, nhờ vào lòng nhân từ của Chúa, việc xin lễ không chỉ mang lại ơn ích thiêng liêng theo ý cầu nguyện của người xin lễ mà còn cho chính người xin lễ là người đã hy sinh góp phần trợ giúp Hội Thánh và các tư tế của Hội Thánh.

2. Hội Thánh định rằng mỗi ngày Linh mục dâng lễ được phép nhận bổng lễ để áp dụng theo một ý chỉ rõ rệt (GL điều 945 §1). Việc xin lễ là hệ trọng vì khi Linh mục nhận bổng lễ của người xin, dù là nhỏ mọn, thì buộc phải áp dụng mỗi ý chỉ của người xin cho 1 Thánh lễ (Gl. điều 948). Vì vậy, khi đưa tiền dâng cúng, các tín hữu hãy nói rõ ý của mình: xin lễ hay trợ giúp Linh mục, hoặc dâng cúng cho giáo xứ… Tránh đưa tiền dâng cúng có ý giúp Linh mục hay giáo xứ nhưng lại nói để xin lễ.

3. Khi các Linh mục không thể áp dụng hết các ý lễ của người xin thì phải chuyển bổng lễ chưa áp dụng về Tòa Giám mục hay chuyển đến Linh mục khác. Khi Linh mục dâng nhiều Thánh lễ trong một ngày, có thể áp dụng mỗi Thánh lễ theo 1 ý chỉ của người xin lễ (trừ trường hợp Lễ cầu cho giáo dân), nhưng chỉ được giữ 1 bổng lễ cho mình và phải chuyển những bổng lễ còn lại về Tòa Giám mục để lo ích chung cho Hội Thánh. Đôi khi nhiều ý lễ được đọc trước Thánh lễ để những người xin lễ đang hiện diện có thể hiệp ý cầu nguyện, còn Linh mục phải áp dụng riêng 1 ý lễ cho 1 Thánh lễ.