Sự phát triển của khoa học quản trị sản xuất tại các nước phương Tây

[Last Updated On: 07/04/2022 by Lytuong.net]

Nghiên cứu quá trình phát triển của quản trị sản xuất thông qua sự ra đời và ứng dụng các trường phái lý thuyết quản lý vào quản trị sản xuất.

1. Lịch sử phát triển của quản trị sản xuất

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào những năm 70 của thế kỷ XVIII, những phát minh khoa học mới ra đời, tạo tiền đề có tính cách mạng trong phương pháp sản xuất và công cụ lao động, giúp chuyển từ lao động thủ công sang lao động cơ khí. Những phát minh cơ bản là phát minh ra máy hơi nước của James Watt năm 1764, cuộc cách mạng kỹ thuật trong ngành dệt năm 1885, sau đó là hàng loạt những phát hiện và khai thác than, sắt cung cấp nguồn nguyên liệu, năng lượng, máy và thiết bị cho sản xuất.

Sản xuất tập trung trong các doanh nghiệp làm quy mô hoạt động tăng lên. Phương pháp sản xuất cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Khoa học quản lý còn phát triển thấp. Đến năm 1776, Adam Smith trong cuốn “Của cải của các quốc gia” lần đầu tiên phân công lao động, nhưng mới chỉ dừng lại ở khái niệm và lợi ích của phân công lao động. Trong giai đoạn này, trình độ phát triển sản xuất còn thấp, công cụ sản xuất đơn giản, chủ yếu lao động nửa cơ khí. Hàng hóa được sản xuất trong các doanh nghiệp nhỏ, các chi tiết bộ phận chưa tiêu chuẩn hóa, không lắp lẫn được. Sản xuất diễn ra chậm, chu kỳ sản xuất kéo dài, năng suất thấp. Khối lượng hàng hóa sản xuất được còn thấp. Năm 1790 lý thuyết về sự trao đổi lắp lẫn giữa các chi tiết bộ phận của Eli Whitney ra đời tạo điều kiện và khả năng lắp lẫn lẫn nhau giữa các chi tiết bộ phận sản phẩm được làm ở những nơi khác nhau góp phần đẩy mạnh hơn phân công chuyên môn hóa trong sản xuất và làm tăng đáng kể khả năng sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn này khả năng cung cấp hàng hóa nhỏ hơn nhu cầu trên thị trường. Những đặc điểm đó đã tác động đến mục tiêu nhiệm vụ của quản trị sản xuất. Đó là tiến hành các hoạt động tổ chức và điều hành sản xuất nhằm tạo ra càng nhiều sản phẩm càng tốt. Quy mô sản xuất được quan tâm hàng đầu. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp có quy mô tăng lên nhanh chóng.

Giai đoạn tiếp theo, nhờ những phát minh khoa học kỹ thuật phát triển nhanh và những khám phá mới trong khoa học quản lý, tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình ứng dụng, khai thác kỹ thuật mới một cách hiệu quả hơn. Bước ngoặt cơ bản trong tổ chức hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp là sự ra đời của lý thuyết “Quản lý lao động khoa học” của Taylor công bố năm 1911. Quá trình lao động được hợp lý hóa thông qua việc quan sát, ghi chép, đánh giá, phân tích và cải tiến các phương pháp làm việc. Công việc được phân chia nhỏ thành các bước đơn giản giao cho các cá nhân thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng cho sự phát triển phân công lao động và chuyên môn hóa sâu trong các doanh nghiệp. Lần đầu tiên H. Forrd đã tổ chức sản xuất theo dây chuyền. Phương pháp sản xuất theo dây chuyền đánh dấu một bước quan trọng trong tổ chức sản xuất công nghiệp. Sản phẩm được sản xuất nhiều hơn với chi phí thấp hơn. Năng suất lao động giai đoạn này được tăng lên nhanh chóng, khối lượng sản phẩm do các doanh nghiệp sản xuất ngày càng lớn hơn, thị trường lúc này cung đã dần dần đến điểm cân bằng với cầu về nhiều loại sản phẩm, buộc các doanh nghiệp phải tính toán cân nhắc thận trọng hơn trong quản trị sản xuất. Mục tiêu cơ bản của quản trị sản xuất thời kỳ này là sản xuất và dự trữ hợp lý nhằm giảm chi phí sản xuất tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Quản trị sản xuất quan tâm hơn đến hoạt động lập kế hoạch, xây dựng quy trình và phương pháp làm việc chuẩn, hướng dẫn công nhân thực hiện công việc, và tổ chức phân giao công việc để đạt được năng suất cao với chi phí thấp nhất.

Những năm nửa đầu thế kỷ XX lý thuyết quản lý lao động khoa học được khai thác tối đa. Con người và hoạt động của họ trong công việc được xem xét “dưới kính hiển vi” nhằm loại bỏ những thao tác thừa, lãng phí thời gian và sức lực. Chuyên môn hóa sản xuất và lao động phát triển ngày càng sâu sắc cả về quy mô và phạm vi lĩnh vực hoạt động. Sloan là người phát triển phân công chuyên môn hóa trong hoạt động quản lý tạo ra sự thay đổi lớn trong quản trị sản xuất. Năng suất tiếp tục tăng lên không ngừng. Hàng hóa ngày càng nhiều trên thị trường, tính chất cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn. Vị trí vai trò của khách hàng ngày càng lớn. Bán hàng trở nên khó khăn hơn. Để thích ứng với tình hình mới, quản trị sản xuất lúc này có nội dung rộng hơn. Mục tiêu không chỉ hướng tới năng suất, chi phí mà phải tập trung nhiều vào chất lượng, mẫu mã, chủng loại sản phẩm cũng như thời gian và điều kiện giao hàng. Những nhiệm vụ quản trị sản xuất quan tâm trong giai đoạn này là hoạc định, thiết kế, tổ chức điều hành và kiểm soát một hệ thống sản xuất tối ưu nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, rẻ hơn, nhanh hơn và kịp thời hơn cho khách hàng.

Những năm 30 của thế kỷ XX, lý luận của Taylor đã bộ lộ những nhược điểm, mức phát huy tác dụng đã giới hạn tối đa. Để nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, xuất hiện lý thuyết quản lý hành vi. Con người không còn chỉ được xem xét ở khía cạnh kỹ thuật đơn thuần như một bộ phận kéo dài của máy móc thiết bị như trong lý thuyết quản lý lao động khoa học của Taylor đã đề cập mà bắt đầu nhận thấy con người là một thực thể sáng tạo có nhu cầu, tâm lý, tình cảm và cần phải thỏa mãn những nhu cầu đó. Những khía cạnh xã hội, tâm sinh lý, hành vi của người lao động được đề cập nghiên cứu và đáp ứng ngày càng nhiều nhằm khai thác khả năng vô tận của con người trong nâng cao năng suất. Lý thuyết phân bậc nhu cầu của Maslow về động cơ làm việc của nhân viên, học thuyết của Elton Mayo 1930 về động viên khuyến khích người lao động cùng với hàng loạt các lý thuyết về hành vi và các mô hình toán học xuất hiện đưa quản trị sản xuất chuyển sang một giai đoạn mới phát triển cao hơn, với những nội dung cần quan tâm rộng lớn hơn.

Sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, tính cạnh tranh ngày càng tăng buộc các doanh nghiệp tăng cường hoàn thiện quản trị sản xuất. Quản trị sản xuất tập trung vào phấn đấu giảm chi phí về tài chính, vật chất và thời gian, tăng chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng… Nhiệm vụ, chức năng của quản trị sản xuất được mở rộng ra bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau từ nghiên cứu nhu cầu thị trường, thiết kế sản phẩm, thiết kế hệ thống sản xuất linh hoạt tới hoạch định, tổ chức thực hiện và kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất của doanh nghiệp với những phương pháp quản lý mới hiện đại.

2. Xu hướng vận động của quản trị sản xuất

Sản xuất sử dụng các yếu tố đầu vào từ môi trường bên ngoài và cung cấp đầu ra đáp ứng nhu cầu của thị trường vì vậy nó luôn chịu tác động của những thay đổi của môi trường kinh doanh. Những đặc điểm của môi trường kinh doanh trong từng giai đoạn đặt ra những đòi hỏi sản xuất phải đáp ứng. Vì vậy, mục tiêu nhiệm vụ của quản trị sản xuất cũng cần thường xuyên thay đổi, điều chỉnh và không ngừng hoàn thiện. Sự thích ứng của hệ thống sản xuất phản ánh khả năng quản lý của doanh nghiệp. Nhiệm vụ cơ bản của quản trị sản xuất là tạo ra khả năng sản xuất linh hoạt đáp ứng được sự thay đổi của nhu cầu thị trường và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Để có thể tồn tại trong môi trường kinh doanh với tính chất cạnh tranh gay gắt và thay đổi nhanh chóng nhu hiện nay quản trị sản xuất của các doanh nghiệp đang hướng tới những thay đổi chủ yếu sau:

– Tăng cường quản trị chiến lược các hoạt động sản xuất. Chiến lược và kỹ năng quản trị chiến lược được coi là yếu tố đầu tiên đảm bảo cho doanh nghiệp có một sự phát triển lâu dài và bền vững. Điều này đòi hỏi cán bộ quản trị sản xuất phải có những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong việc xây dựng lựa chọn chiến lược sản xuất. Bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ của thế kỷ XX quản trị chiến lược trở thành công cụ quan trọng và cũng là cách thức để các doanh nghiệp phát triển sản xuất thành công trên thị trường đầy biến động hiện nay.

– Chuyển từ sản xuất hàng loạt khối lượng lớn với sản phẩm tiêu chuẩn hóa cao sang sản xuất đáp ứng nhu cầu của từng nhóm khách hàng dựa trên những đơn đặt hàng. Thời kỳ sản xuất đáp ứng nhu cầu của từng nhóm khách hàng dựa trên những đơn đặt hàng. Hệ thống sản xuất cần có khả năng đáp ứng đầy đủ và tốt nhất những nhu cầu riêng biệt của các khách hàng cá biệt. Khả năng cạnh tranh, thu hút khách hàng và chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào mức độ đáp ứng nhu cầu về chủng loại, mẫu mã và những đặc điểm kinh tế kỹ thuật của sản phẩm mà khách hàng đòi hỏi.

– Xây dựng hệ thống sản xuất linh hoạt. Hệ thống sản xuất linh hoạt là hệ thống sản xuất khối lượng sản phẩm không lớn, nhưng chủng loại sản phẩm nhiều, có khả năng chuyển đổi mặt hàng nhanh đáp ứng nhu cầu của những thị trường và khách hàng cụ thể được tự động hóa với sự điều khiển từ một trung tâm máy tính. Thiết lập hệ thống sản xuất linh hoạt là mục tiêu theo đuổi của các doanh nghiệp trong môi trường nhu cầu đa dạng và thay đổi nhanh nhu hiện nay.

– Tăng cường các kỹ năng quản lý sự thay đổi. Ngày nay các doanh nghiệp hoạt động trong một môi trường mà những thay đổi diễn ra quá nhanh. Những hình thức tổ chức sản xuất ổn định không còn phù hợp. Kỹ năng quản trị sự thay đổi trở thành ưu tiên quan trọng đối với quản trị sản xuất. Trong bối cảnh đó cần phải dự báo trước những thay đổi, chủ động đưa ra những cách thức tổ chức sản xuất thích ứng với sự thay đổi. Việc xây dựng các chương trình quản lý sự thay đổi để hệ thống sản xuất phản ứng nhanh với thị trường là tiền đề quan trọng cho sự tồn tại và phát triển lâu dài.

– Nghiên cứu và đưa vào ứng dụng những phương pháp quản lý hiện đại như quản lý chất lượng toàn diện [TQM]; Cung đúng lúc [JIT]; Cải tiến không ngừng [Kaizen], xây dựng hệ thống sản xuất tinh gọn. Sự thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản và các nước trên thế giới chính là nhờ việc ứng dụng triệt để những phương pháp quản lý hiện đại này vào hoạt động sản xuất.

– Tăng cường các phương pháp và biện pháp khai tác tiềm năng vô hạn của con người, tạo ra sự tích cực, tinh thần chủ động, sáng tạo và tự giác trong hoạt động sản xuất.

– Thiết kế lại hệ thống sản xuất của doanh nghiệp trên cơ sở tư duy mới. Sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin và những đặc điểm mới của thị trường đang đặt các doanh nghiệp trước những thay đổi mang tính căn bản trong tổ chức các quá trình sản xuất. Chuyên môn hóa quá sâu đã làm chia tách sự thống nhất của các quá trình sản xuất, các hoạt động trong một quá trình bị chia cắt bởi sự quản lý của các bộ phận chức năng dẫn đến quan liêu kém hiệu quả. Những nguyên tắc quản lý cũ đã lỗi thời ăn sâu vào tu duy quản lý đang cản trở các hoạt động và là nguyên nhân gây lãng phí giảm hiệu quả của hoạt động sản xuất. Vì vậy, tái lập quá trình sản xuất dựa trên những nguyên tắc mới được giáo sư Hammer và Chamby khởi xướng đang trở thành xu thế tất yếu trong quản trị sản xuất hiện nay.

Nguồn: Tài liệu học tập Quản trị sản xuất, Trường Đại học kinh tế kỹ thuật công nghiệp, 2019

Video liên quan

Chủ Đề