John kennedy tại sao bị ám sát

Ngày 22-11-1963, Tổng thống John F. Kennedy cùng Đệ nhất phu nhân Jacqueline tới TP Dallas, bang Texas, để vận động cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo. Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 22-11, khi chiếc xe limousine mui trần chở Tổng thống cùng đoàn xe hộ tống diễu hành qua các tuyến phố hướng vào trung tâm Dallas, thì những tiếng súng chát chúa vang lên. Tổng thống John F. Kennedy bị trúng đạn và đến 13 giờ cùng ngày, ông qua đời tại phòng cấp cứu Bệnh viện Parkland.

Sau đó sát thủ được xác định là Lee Harvey Oswald, một lính thủy quân lục chiến Mỹ. Tuy nhiên, hai ngày sau vụ ám sát trên, nghi phạm bị chủ hộp đêm ở Dallas Jack Ruby bắn chết trên đường di chuyển từ sở cảnh sát đến nhà tù địa phương. Cái chết của nghi phạm duy nhất trong vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy đã tạo ra một bức màn che kín sự thật: ai là chủ mưu, ai là đồng phạm với Oswald? Động cơ của vụ sát hại này là gì? Chuyến đi của Lee Harvey Oswald tới Mexico City có phải là điểm then chốt trong vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy không?...

Rất nhiều nghi vấn quanh cái chết của Oswald và Ủy ban Warren điều tra vụ ám sát Tổng thống Kennedy cũng đã có cuộc điều tra kéo dài từ tháng 11-1963 tới tháng 9-1964. Sau đó Ủy ban Warren vẫn kết luận rằng, Oswald chỉ hành động đơn lẻ và Jack Ruby cũng đã hành động đơn độc khi nổ súng bắn chết Oswald. Trong bản ghi chép của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) công bố năm 1963, cơ quan này khẳng định “không có gì khác hơn ngoài nghi phạm Oswald, ngoại trừ việc y đã chết”. Tuy nhiên, rất nhiều người Mỹ lại tin có những đối tượng khác ngoài Oswald tham gia vụ ám sát. Cũng vì thế, vụ ám sát này được coi là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại, với hàng loạt tin đồn và nghi vấn liên quan.

Hơn 50 năm qua, các nhà nghiên cứu vẫn chờ đợi thời điểm giải mật toàn bộ hồ sơ vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy để có thể hiểu rõ hơn chân tướng vụ việc. Theo điều luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1992, tất cả tài liệu về vụ ám sát Tổng thống Kennedy đều được chuyển về Cục Lưu trữ Quốc gia. Luật trên cũng yêu cầu những phần còn giữ kín phải được giải mật toàn bộ trong 25 năm sau đó. Ngày 26-10 vừa qua chính là hạn chót có hiệu lực của điều luật trên. Và ngày 21-10-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận cho phép giải mật những hồ sơ về vụ ám sát.

Hé lộ những tình tiết mới

Mặc dù không kỳ vọng số tài liệu giải mật trên có thể tiết lộ chi tiết vụ ám sát, song các học giả nghiên cứu về Tổng thống John F. Kennedy vẫn tin rằng, các tập tài liệu có thể cung cấp thông tin sâu về sát thủ Lee Harvey Oswald cũng như những tình tiết trước và sau vụ ám sát ông Kennedy.

Theo tài liệu giải mật được đăng tải trên tờ The New York Times (Mỹ) ngày 28-10 vừa qua, trước vụ ám sát khoảng 10 ngày, Robert C. Rawls, người có mặt tại một quán bar ở New Orleans, Los Angeles nghe thấy có người đặt cược 100 USD với cam đoan ông Kennedy sẽ chết trong vòng ba tuần. Trong cuộc trả lời phỏng vấn mật vụ Mỹ sau đó, Robert C. Rawls cho biết, khi đó ông say rượu nên không thể nhớ tên, ngoại hình của người đặt cược hay tên của quán bar.

Vào đúng ngày định mệnh của vị Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ, lúc 18 giờ 5 phút, giờ GMT (tức 11 giờ 5 phút, giờ Washington), một phóng viên của tờ Cambridge News (Anh) nhận được cuộc gọi bí ẩn. Trong Bản ghi nhớ mà Phó Giám đốc FBI James Angleton gửi tới Giám đốc FBI J. Edgar Hoover có đoạn viết: “Người gọi tới chỉ nói với phóng viên Cambridge News rằng nên gọi điện cho Đại sứ quán Mỹ ở London để có tin quan trọng rồi cúp máy”. Khoảng 25 phút sau, Tổng thống Kennedy bị ám sát. “Sau khi tin tức về cái chết của Tổng thống lan nhanh, phóng viên trên đã báo cáo với cảnh sát Cambridge về cuộc gọi nặc danh. Cảnh sát đã thông báo với Cục Tình báo (MI5) của Anh. Điều quan trọng là, theo tính toán của MI5, cuộc gọi được thực hiện 25 phút trước khi Kennedy bị bắn chết. Người phóng viên của Cambridge News chưa từng nhận bất kỳ cuộc gọi nào tương tự, và MI5 xác nhận phóng viên này là một người tỉnh táo, trung thành, lý lịch trong sạch”, bản ghi nhớ viết.

Sau khi Oswald bị bắn chết, nhiều thông tin cập nhật về sát thủ này đã được chuyển về FBI. Bản ghi nhớ của FBI năm 1966 cho biết, sau khi giải ngũ khỏi thủy quân lục chiến Mỹ, Oswald đã chuyển đến sống tại Liên Xô (trước đây) vào tháng 10-1959. Y sống ở TP Minsk cho đến tháng 6-1962 rồi trở về Mỹ với vợ và định cư tại Dallas.

Việc Oswald bị bắn chết không chỉ khiến công tác điều tra đi vào ngõ cụt mà còn khiến Giám đốc FBI J. Edgar Hoover “mất ăn mất ngủ”. Theo AP, chỉ vài giờ sau khi Lee Harvey Oswald bị bắn chết, ông Hoover cho rằng chính phủ cần đưa ra một lý do gì đó “để thuyết phục công chúng”. “Hoover nói FBI đã điều một nhân viên tới bệnh viện với hy vọng nhận được lời thú nhận từ Oswald, nhưng Oswald đã chết trước khi điều đó có thể xảy ra. Ông cũng đề nghị FBI đưa ra một báo cáo điều tra hoàn chỉnh cho Bộ trưởng Tư pháp với hình ảnh, xét nghiệm và các bằng chứng khác. Ông cho rằng, ông có thể giao báo cáo đó cho Tổng thống Lyndon B. Johnson và nhà lãnh đạo sẽ quyết định có nên công bố nó hay không vì tính chất nhạy cảm của vụ việc”, tài liệu giải mật cho hay.

Theo BBC, cho đến nay khoảng 88% số hồ sơ liên quan vụ ám sát Tổng thống Kennedy đã được công bố, 11% đã giải mật và chỉ 1% còn trong vòng bí mật. Tuy nhiên, 1% trong số năm triệu hồ sơ là con số không hề nhỏ và có thể chứa đựng toàn bộ sự thật. Tuy nhiên, trong bản ghi nhớ gửi tới những người đứng đầu các cơ quan hành pháp có liên quan vụ giải mật này, Tổng thống Donald Trump lưu ý rằng một số tài liệu cần phải được giữ kín vì vẫn có những thông tin nhạy cảm trong tài liệu. Vì thế, ông Donald Trump ra lệnh cho các cơ quan liên bang trong vòng 180 ngày phải xem xét lại những tài liệu liên quan an ninh quốc gia có cần phải tiếp tục giữ bí mật hay không. Hết giai đoạn xem xét đó, Tổng thống Donald Trump sẽ ra lệnh công bố tiếp bất cứ tài liệu nào không cần phải giữ bí mật.

Việc Tổng thống Donald Trump trì hoãn công khai một số tài liệu làm dấy lên nghi ngờ rằng, chính phủ vẫn đang bảo vệ “bí mật” của vụ việc. Tuy nhiên, trên website của mình, FBI cho biết sẽ công khai toàn bộ các tài liệu mật về vụ ám sát, qua đó giúp dư luận được tiếp cận đầy đủ hơn về vụ việc.