Hướng dẫn viết đơn số 23-ds 01 2023 nd-hdtp

Khởi kiện tại Tòa án là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp dân sự phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Việc khởi kiện tại Tòa án được bắt đầu từ thời điểm nguyên đơn (bao gồm cá nhân, tổ chức tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp) thực hiện thủ tục nộp Đơn khởi kiện tại Tòa án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên thường xảy ra trường hợp người khởi kiện phải nhiều lần bổ sung tài liệu sau khi nộp đơn khởi kiện thì mới được thụ lý. Khi đó, người khởi kiện bị mất thời gian, tốn công sức và quá trình tố tụng tại Tòa án bị kéo dài. Do vậy, chúng tôi xin chia sẻ bài viết pháp lý này để hướng dẫn về quy trình soạn thảo và nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án.

1. Soạn thảo Đơn khởi kiện

1.1. Hình thức và nội dung của Đơn khởi kiện

Hình thức và nội dung của Đơn khởi kiện phải tuân thủ quy định của pháp luật. Theo đó, người khởi kiện có thể tự soạn Đơn khởi kiện đáp ứng hình thức và nội dung theo luật định hoặc sử dụng mẫu Đơn khởi kiện theo Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

Vui lòng tham khảo Mẫu số 23-DS dưới đây:

Hướng dẫn viết đơn số 23-ds 01 2023 nd-hdtp
Hướng dẫn viết đơn số 23-ds 01 2023 nd-hdtp

Trong đó, người khởi kiện cần lưu ý một số vấn đề sau:

(i) Xác định rõ ràng, chính xác Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định hiện hành và thể hiện nội dung này trong Đơn khởi kiện;

(ii) Trình bày chi tiết các số liệu, các khoản nợ, các khoản bồi thường (viết đúng đơn vị tiền tệ như Đồng Việt Nam, Đô la Mỹ…), đặc biệt lưu ý đến các số liệu là cơ sở quan trọng để xác định quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

(iii) Mặc dù Mẫu Đơn khởi kiện không yêu cầu tóm tắt vụ việc và nêu căn cứ khởi kiện, nhưng người khởi kiện nên bổ sung các nội dung này để Tòa án có thể nhanh chóng nắm được sơ bộ quan hệ tranh chấp của các bên và xác định các căn cứ để xem xét và giải quyết vụ việc.

– Tóm tắt vụ việc: Nội dung này thường nêu thời điểm các bên xác lập quan hệ pháp luật dân sự và mô tả quá trình phát sinh tranh chấp.

– Căn cứ khởi kiện: Nội dung này bao gồm các quy định trong hợp đồng; quy định của pháp luật và các quy định khác có liên quan để chứng minh cho việc quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm hại và yêu cầu khởi kiện là có cơ sở.

  1. Các tài liệu đính kèm Đơn khởi kiện

Kèm theo Đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm (“Hồ sơ khởi kiện”). Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm, sau đó bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Mặc dù theo quy định trên Người khởi kiện có thể bổ sung tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án, nhưng trên thực tế người khởi kiện cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm một cách cụ thể và rõ ràng ngay từ đầu để Tòa án có đầy đủ căn cứ thụ lý vụ án.

Ví dụ như đối với tranh chấp liên quan đến hợp đồng, người khởi kiện cần lưu ý phải đính kèm hợp đồng và các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc thực hiện hợp đồng giữa các bên như hóa đơn giá trị gia tăng, biên bản giao nhận hàng hóa, biên bản nghiệm thu, đối chiếu công nợ, công văn đề nghị thanh toán, … (nếu có).

2. Nộp Hồ sơ khởi kiện

Sau khi đã chuẩn bị Hồ sơ khởi kiện, đương sự có thể nộp Hồ sơ khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng 03 phương thức sau: (i) Nộp trực tiếp tại Tòa án, (ii) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính, hoặc (iii) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Nếu Đơn khởi kiện được nộp trực tiếp tại Tòa án thì Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận Đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Tiếp đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và đưa ra một trong các quyết định sau: (i) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện, (ii) Tiến hành thụ lý vụ án, (iii) Chuyển Đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện, hoặc (iv) Trả lại Đơn khởi kiện trong trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của vụ án.

Trên đây là chia sẻ pháp lý của chúng tôi về quy trình soạn thảo và nộp Đơn khởi kiện tại Tòa án. Chúng tôi hi vọng bài viết này có thể giúp ích cho các bạn.

Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích và chia sẻ quan điểm pháp lý về quy trình, thủ tục tố tụng giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm trong các bài viết tiếp theo. Kính mời các bạn tiếp tục theo dõi.