Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết có tính chất

Theo họ, chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời từ những năm 40 của thế kỷ XIX ở châu Âu; nó chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của một số nước ở châu Âu và Liên Xô; hoàn toàn không phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Việc Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh “du nhập một học thuyết ngoại lai vào Việt Nam là hoàn toàn không phù hợp”, là sai lầm.

Họ cho rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thất bại của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Việt Nam là do Đảng ta “gặp may”, “bản thân Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không có tài cán gì”. Từ đó, họ vu khống rằng sư lạc hậu, kém phát triển của Việt Nam là do Đảng ta và Chủ tịch Hổ Chí Minh lấy “chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Họ lập luận rằng, chính sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô Viết ở Liên Xô và Đông Âu cũng như sự điều chỉnh, thích nghi của các nước tư bản phát triển là nhờ tận dụng thành quả của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là thành tựu của cuộc mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều đó thêm một lần nữa đặt ra yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam là phải “thay máu cho hệ tư tưởng”, cần phải từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, thay vào đó là một lý luận khác phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, lý luận đó không có gì khác là hệ tư tưởng tư sản.

Nhân dân ta không hề ngạc nhiên trước những luận điệu xuyên tạc ấy bởi “điệp khúc này” đã tua đi tua lại nhiều lần kể từ ngày chủ nghĩa Mác còn là “một bóng ma ám ảnh châu Âu” cho đến khi trở thành hệ tư tưởng thống trị phong trào công nhân quốc tế từ những năm 70 của thế kỷ XIX; là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh chống các thế lực phản động, phản cách mạng, giành thắng lợi về tay mình. Chính sự ra đời của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới là minh chứng hùng hồn bác bỏ sự xuyên tạc ấy.

Là con người có lương tâm và trách nhiệm thì đương nhiên phải thừa nhận một sự thật không thể chối cãi: Chủ nghĩa Mác - Lênin là một khoa học, có tính cách mạng và nhân văn sâu sắc. Đó là điểm khác biệt căn bản mà các luận thuyết của các bậc tiền bối và cùng thời với C. Mác đã không thể có được bởi có học thuyết của họ dựa trên lập trường thế giới quan duy vật nhưng phương pháp tư duy lại siêu hình; có học thuyết, phương pháp tư duy biện chứng nhưng quan điểm lại rơi vào duy tâm, tôn giáo hoặc rơi vào chủ nghĩa xã hội không tưởng.

Vượt lên trên mọi thiên kiến và các rào cản đương thời, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã phát hiện ra quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Qua đó chỉ rõ quy luật phát triển của lịch sử, xã hội loài người không phải do thánh thần, chúa trời tạo ra mà do những mâu thuẫn nội tại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất dẫn đến những mâu thuẫn không thể tránh khỏi của xã hội biểu hiện ở đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội.

Với quan điểm duy vật biện chứng, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin và những người cộng sự đã chấm dứt sự lũng đoạn của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo, chủ nghĩa duy vật siêu hình trong giải thích sai lầm các hiện tượng tự nhiên, xã hội và lịch sử, tìm ra quy luật vận động, phát triển khách quan của lịch sử nhân loại.

Đảng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.  Ảnh minh họa [Tạp chí Cộng sản]

Bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin không những được thể hiện ở giá trị của phép biện chứng duy vật và chủ nghĩa nhân đạo trong hai phát kiến vĩ đại của C. Mác: Quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, mà còn thể hiện sâu sắc ở việc C. Mác và Ph. Ăngghen phát hiện ra vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, chính giai cấp này là “người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”, kết thúc chế độ người áo bức, bóc lột người; xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp hơn.

Điều này là hoàn toàn khách quan bởi lịch sử xã hội loài người là một quá trình lịch sử - tự nhiên, theo quy luật vận động của nó, cái mới sẽ thay thế cái cũ, tiến bộ sẽ thay thế lạc hậu; chủ nghĩa xã hội sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản như chủ nghĩa tư bản đã từng thay thế chủ nghĩa phong kiến.

Lý luận và thực tiễn cách mạng thế giới từ Công xã Pa ri, đến Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và thực tế công cuộc cải cách, đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay đã khẳng định sức sống mãnh liệt, sự trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin; khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin thật sự là “công cụ nhận thức vĩ đại” để giai cấp công nhân nhận thức và cải tạo thế giới. Bản chất chân lý này thể hiện ở chỗ:

- Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết duy nhất từ trước đến nay chỉ ra mục tiêu, con đường, lực lượng, chiến lược, sách lược và phương pháp đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công; đem lại cuộc sống hoà bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân.

- Chủ nghĩa Mác - Lênin đã tìm ra các quy luật vận động, phát triển của lịch sử xã hội loài người, vạch ra những “bí mật” của các hình thái kinh tế - xã hội, chỉ ra động lực và chủ thể phát triển của lịch sử chính là con người và sản xuất vật chất - cơ sở quyết định sự tồn tại, phát triển của xã hội. Dù ai có xuyên tạc hoặc cố tình bôi đen, hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin thì sự thật ấy vĩnh viễn không thể thay đổi. Đây là điều khách quan, cơ sở khoa học để luận giải sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội.

- Chủ nghĩa Mác - Lênin là sự thống nhất biện chứng giữa học thuyết duy vật với phương pháp biện chứng, giữa lý luận và thực tiễn, giữa tính đảng, tính cách mạng và tính khoa học, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin luôn là một học thuyết mở, sống động, có khả năng tự đổi mới, tự phát triển trong dòng chảy tư duy, trí tuệ của nhân loại, luôn thu nạp, tích hợp những thành tựu, tinh hoa trí tuệ mới nhất, tiến bộ nhất của nhân loại để không ngừng phát triển. Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là học thuyết giáo điều, kinh viện bởi linh hồn sống động của nó là phép biện chứng duy vật không bao giờ lùi bước, chấp nhận, thỏa hiệp với quan điểm duy tâm, tôn giáo, phương pháp tư duy siêu hình.

Năm tháng sẽ đi qua, một số luận điểm của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin có thể không còn phù hợp với thực tiễn ngày nay; đó cũng là lẽ đương nhiên, nhưng tinh hoa của phép biện chứng duy vật, quan niệm duy vật về lịch sử, học thuyết giá trị thăng dư và chủ nghĩa nhân văn với khát vọng giải phóng con người cùng với hệ thống tư tưởng cốt lõi của nó là những giá trị vĩnh hằng, sống mãi. Chính giá trị bền vững này mà chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam, nhờ có nó mà đứng trước những biến động của thời cuộc, tự tin khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Sự thật khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin không lỗi thời, chỉ có những người vận dụng nó lỗi thời hoặc mắc những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình xây dựng đất nước. Hãy dừng việc quy kết, đỗ lỗi cho chủ nghĩa Mác - Lênin là lỗi thời, lạc hậu.

Đối với nước ta, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và nhân dân ta giành được trong hơn 9 thập kỷ qua đã khẳng định thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là chân lý, bởi ngày nay, học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin là chắc chắn nhất, sâu sắc nhất và chân chính nhất, là “cẩm nang thần kỳ” cần thiết để đưa dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.       

Học thuyết của C. Mác là khoa học và cách mạng triệt để nên nó có sức sống mãnh liệt. Thực tế lịch sử cho thấy, từ khi hình thành phát triển và được xác lập vào cuối thế kỷ XIX, hệ thống các tư tưởng, quan điểm và những quy luật kinh tế- xã hội mà hệ thống khoa học đó phát hiện ngày càng được chứng minh bằng cuộc sống, được thừa nhận rộng rãi và trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của giai cấp công nhân trên toàn thế giới, là vũ khí lý luận sắc bén của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên các châu lục và của các đảng tiên phong, chân lý của giai cấp đó.

Từ khi mới chỉ là một “bóng ma” của châu Âu, chủ nghĩa cộng sản khoa học đã được thực nghiệm bằng những cuộc cách mạng vô sản nổ ra và thành công, chính quyền công nông được xác lập trong thực tiễn, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã tồn tại với tất cả cá tính ưu việt và sức sống mãnh liệt của nó trên thế giới. Nó là linh hồn của các phong trào tiến bộ, giúp các dân tộc đập tan chủ nghĩa phát xít, giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân, thuộc địa [những sản phẩm tất yếu của chủ nghĩa tư bản], giành độc lập dân tộc, dân quyền và tự do. Bản thân chủ nghĩa tư bản cũng đã sử dụng chủ nghĩa Mác nhằm điều chính, thích nghi để tồn tại đến ngày hôm nay.

Ở nước ta, kể từ Đường cách mệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và Luận cương chính trị do Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 thông qua cho đến Đại hội VI, Đảng ta đều khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là tền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Từ Đại hội VII đến Đại hội IX có sự bổ sung mới: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng...” Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội VII do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trình bày đã khẳng đinh: “... tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta, và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn nhất cho sự kết hợp đó, là tiêu biểu sáng ngời cho sự kết hợp giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội...”[5].

C. Mác là nhà khoa học thiên tài và cách mạng triệt để nhất đã vạch trần một cách chính xác bản chất bóc lột của chế độ tư bản. Bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản vẫn không thay đổi, bản chất phản động toàn diện của nền chính trị tư sản hiện đại vẫn tồn tại hiện thực, bản chất mâu thuẫn, khủng hoảng và xu hướng diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản vẫn là vấn đề thời sự của thời đại ngày nay.

Trước thềm Đại hội X của Đảng có những ý kiến phát tán trên In tơ nét rằng: “Học thuyết Mác là sản phẩm của giữa thế kỷ XIX, đặt nó trong bối cảnh thế kỷ XXI nếu không lạc hậu thì phải là khoa học. Chân lý bao giờ cũng là sản phẩm trong không gian và thời gian, không có chân lý vĩnh cửu”.

Những lý lẽ đó không thể đánh lừa được ai. Lương tri của nhân loại vẫn rất tỉnh táo và sáng suốt khi đánh giá rằng “Chủ nghĩa Mác vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại...”[6] “vẫn luôn luôn là một căn cứ quyết định cho các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế cho các đảng cộng sản chân chính đề ra đường lối chiến lược, sách lược cách mạng của mình”[7]. Tư tưởng, quan điểm khoa học của học thuyết Mác là chân lý thời đại. Nó đánh dấu trí tuệ của nhân loại trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ không phải vì tư tưởng khoa học của học thuyết Mác không còn tính thời đại, mà là sự phá sản của một đường lối sai lầm, chẳng những sa vào quan liêu hoá các đường lối lãnh đạo của Đảng, lại còn đi chệch khỏi chủ nghĩa Mác - Lênin chân chính, là sự xét lại và phản bội Đảng và chủ nghĩa xã hội khoa học; đồng thời không thể không kể đến những âm mưu “diễn biến hoà bình” mà chủ nghĩa đế quốc quốc tế sử dụng. Họ đã lợi dụng triệt để những sai lầm trong đường lối, những khiếm khuyết không được khắc phục kịp thời trong lãnh đạo và điều hành đất nước... để mua chuộc, kích động và cổ vũ những phần tử cơ hội bên trong, khuyến khích những hành động phản cách mạng bên ngoài. Nhất là những sai lầm trong công tác cán bộ đã vô tình tiếp tay cho những sự phản bội, tới mức chính bản thân M. X. Goóc ba Chốp đã tự thú nhận: “Mục đích của tôi là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản... khi đích thân làm quen với phương Tây, tôi hiểu ra rằng, mình không thể nào rời bỏ mục tiêu đã đề ra. Để thực hiện mục tiêu này, tôi cần phải giành lấy toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Liên Xô, cũng như lãnh đạo tất cả các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Tôi đã tìm được các chiến hữu đẻ thực hiện mục tiêu này, trong số đó A.N.Ia cốp lép và E. A. Sê vát nát de giữ vai trò dặc biệt. Trong sự nghiệp chung của chúng tôi, không thể nào đánh giá hết công lao của họ...”[8].

Những người mác xít đủ tỉnh táo để biết rằng, C. Mác và Ph. Ănghen đã xuất phát từ giả định khoa học, rằng chủ nghĩa xã hội tương lai sẽ thắng lợi đồng thời ở các nước tư bản có nền công nghiệp phát triển cao, tiểu sản xuất của nông dân và thợ thủ công đã căn bản bị đại tư bản xoá bỏ, do đó không còn những thành phần kinh tế dưak trên những hình thức sở hữu khác nhau. Chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa được thiết lập trên cơ sở một hình thức sở hữu toàn dân duy nhất và một trình độ xã hội hoá cao về tư liệu sản xuất, cho nên không còn chế đọ tư hữu hay sở hữu [phân công xã hội và chế độ tư hữu hay sở hữu khác nhau] cho sự tồn tại tất yếu của sản xuất và lưu thông hàng hoá, không còn kinh tế thị trường. Thế nhưng các quan điểm sai trái và phản động và vịn vào bối cảnh này để hô hoán lên rằng, kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội là như “nước với lửa”, có cái này thì không thể có cái kia và ngược lại. Chính họ đã tự phơi này một lối hiểu “trích cú”, “tầm thường”, thiếu tính toàn diện và phản khoa học về chủ nghĩa Mác- Lênin.

Trong thực tế, cách mạng vô sản [do tác động của quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa] lại nổ ra trước tiên ở Nga, khi đó không phải là nước có nền công nghiệp phát triển cao mà kinh tế tiểu nông và tiểu sản xuất còn rộng khắp; bước vào thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư banả lên chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế bao gồm nhiều thành phần, nhiều mảng kinh tế với các trình độ phát triển rất khác nhau của lực lượng sản xuất. Và do đó tất yếu có nhiều quan hệ sản xuất với nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Bởi vậy, sự tồn tại của sản xuất và lưu thông hàng hoá là một yếu tố khách quan phù hợp với quy luật phát triển [quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất]. Chính từ thực tiễn đó, sau khi kết thúc chiến tranh, nước Nga Xô Viết chuyển sang thời kỳ khôi phục và hoà bình xây dựng trong Đại hội X của Đảng Cộng sản Liên Xô, V. I. Lênin đặt ra vấn đề đổi mới mang tính bước ngoặt cách mạng trong chiến lược phát triển kt: thay thế chính sách cộng sản thời chiến [sản phẩm tất yếu của thời chiến, nhưng đã kéo dài sang thời kỳ hoà bình khôi phục và phát triển] bằng chính sách kinh tế mới [NEP] với nội dung thật chất là chuyển từ chế độ kinh tế tập trung tuyệt đối sanng chế độ kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước chuyên chính vô sản hướng lên nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở những nguyên lý mác- xít trong cách tiếp cận vấn đề, V. I. Lênin đã nhận thức rõ rằng, kinh tế thị trường với nhiều hình thức sở hữu khác nhau trở thành một cách thức đều tiết nền kinh tế và kết hợp được những cải tưởng chừng như không thể kết hợp được [lợi ích xã hội, tập thể và cá nhân] để một mặt sẽ khuyến khích được phát triển sản xuất, khôi phục nông nghiệp và công nghiệp. Cụ thể là khôi phục thương nghiệp tư nhân và chủ nghĩa tư bản, nhưng theo V.I Lênin điều đó hoàn toàn không đáng sợ vì có sự điều tiết và quản lý của nhà nước chuyên chính vô sản. Bênh cạnh đó, đã có khu vực kinh tế công hữu của nhà nước do quá trình quốc hữu hoá, “chuộc lại” và xây dựng mới làm nền tảng. Không những thế, V.I. Lênin còn chủ trương và thực hiện chế độ tô nhượng, cho phép tư bản quốc tế [dưới các hình thức của chủ nghĩa tư bản Nhà nước] được đầu tư vào nền kinh tế để tranh thủ vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, phát triển nền đại công nghiệp; nhượng quyền kinh doanh một số ngành cho tư sản dân tộc bằng cách cho thuê những xí nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần giữ độc quyền kinh doanh; cho nhà tư bản, nông dân, công nhân, cán bộ, nhân viên nhà nước bao thầu để khai thác một số khoảnh đất, một số rừng, một số vùng mỏ mà nhà nước chưa cần thiết và chưa có khả năng đầu tư, nhà nước thu địa tô hiện vật từ đó mà sản phẩm cho xã hội; sử dụng các hợp tác xã của những người tiểu sản xuất do các nhà tư bản nhỏ lãnh đạo để làm cung- tiêu sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp; thành lập những công ty thương mại hỗn hợp vốn của nhà nước, của tư bản trong nước và tư bản ngoài nước để phát triển ngoại thương v.v.... V.I. Lênin coi đó là những hình thức cơ bản của chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới nền chuyên chính vô sản.

Chủ nghĩa tư bản nhà nước, theo V.I. Lênin, là những quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa được phép tồn tại và phát triển dưới sự kiểm soát của Nhà nước vô sản. Nó là một bước lùi cần thiết để tiến lên những bước cao hơn. V.I. Lênin đã sử dụng hình tượng của người leo núi, nếu cứ tiếp tục leo thẳng đến đỉnh thì chắc chắn sẽ không thể lên được, đành phải quay trở xuống để đi đường vòng, tuy xa hơn nhưng lại đảm bảo chắc chắn lên được tới đỉnh. Cái “gút” quan trọng của quá trình đó là phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước. Nó, nếu được sử dụng đúng đắn, sẽ có tác dụng to lớn đối với quá trình tiến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Với ưu thế của nhà sản xuất lớn cơ khi hoá, xí nghiệp tư bản nhà nước sẽ là trợ thủ đắc lực của xí nghiệp xã hội chủ nghĩa với xí nghiệp tư bản chủ nghĩa để tăng sản xuất xã hội và củng cố kỷ thuật lao động. Sản phẩm do xí nghiệp tư bản nhà nước cung cấp có thể nhanh chóng thoả mãn nhu cầu tiêu dùng và và nhu cầu sản xuất. Kỹ thuật do tư bản quốc tế nhận tô nhượng cung cấp có thể giúp nhanh chóng cải tạo kỹ thuật cho các ngành sản xuất của nền kinh tế quốc dân,

Với những tác dụng như vậy, theo V.I. Lênin, chủ nghĩa tư bản nhà nước là “cái cầu trung gian để quá độ dần từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”. Và cũng bằng thế giới quan mác- xít V.I. Lênin đã coi “kẻ thù nguy hiểm” trên con đường nước Nga tiến lên chủ nghĩa xã hội lại là lối sản xuất nhỏ, tuỳ tiện, vô chính phủ, chứ không phải là chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Con đường của chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội không phải là hoà bình giai cấp, mà là đấu tranh giai cấp dưới một hình thức mới, “một cuộc chiến tranh kinh tế” với đầu cơ, buôn lậu, trốn thuế, làm hàng giả, gian lận thương mại, tham nhũng, hối lộ và không loại trừ cả âm mưu phá hoại... nhưng giai cấp công nhân không có lý do để sợ điều đó vì “... chính quyền nằm trong tay chúng ta” và “nhà nước vô sản nắm những khâu kinh tế chủ chốt và có thể trừng trị thẳng tay bọn tư bản không nghiêm chỉnh chấp hành những thể lệ, quy định...”.

V.I. Lênin vẫn khẳng định rằng, chính sách này không loại bỏ việc kế hoạch hoá, mà thay đổi biện pháp kế hoạch hoá. Sau khi đọc bản thảo cuốn sách Trao đổi hàng hoá và công tác kế hoạch của G. M. Crô- gi- gia- nốp- xki, V.I. Lênin đã viết thư gửi ông ta, rằng: “... chính sách kinh tế mới không thể thay đổi kế hoạch kinh tế thống nhất của Nhà nước và không vượt ra ngoài giới hạn của kế hoạch đó, nhưng thay đổi biện pháp thực hiện kế hoạch đó”[9]. V.I. Lênin cũng nhắc nhở: “Mối nguy to lớn nhất là quan liêu hoá công tác xây dựng kế hoạch kinh tế quốc dân... Một kế hoạch toàn vẹn, hoàn chỉnh, chân chính đối với chúng ta hiện nay = “một thứ không tưởng quan liêu chủ nghĩa”. Đừng theo đuổi cái đó”[10]. Ngày nay đọc lại những ý tưởng của chính các học giả tư sản, tiêu biểu là trong tác phẩm “chủ nghĩa xã hội đi về đâu” [Joseph E. Stighizt: Wither Socialism, Cambridge, MA: MIT press, 1994] học giả Dô- dép Stíc gơ lít- người được giả thưởng Nôben về kinh tế học năm 2001 đã không hề phủ nhận vai trò của kế hoạch trong việc tìm lời giải cho vấn đề các nguồn lực của xã hội phải được phân bổ một cách có hiệu quả, đồng thời ông cũng phản đối việc đánh giá quá mức vai trò của thị trường với quyền sở hữu tư nhận trong việc phục hồi các khuyến khích và nền kinh tế lành mạnh.

C. Mác và Ph. Ănghen cũng đã khẳng định, học thuyết của mình “không nhất thành bất biến”. V.I. Lênin cũng đã nói rằng: C. Mác và Ph. Ănghen không trói buộc những nhà cách mạng tương lai trong việc vận dụng một cách giáo điều, mà luôn mở ra những chân trời mới cho sự sáng tạo học thuyết và tư tưởng của mình trong sự vận động không ngừng của thực tế khách quan. Điều đó là vì học thuyết của C. Mác và Ph. Ănghen là biện chứng, mà “biện chứng tức là học thuyết về sự phát triển dưới hình thức hoàn bị nhất, sâu sắc nhất...” Đã là học thuyết về sự phát triển, thì tự thân nó luôn mang tính sáng tạo và gợi mở cho sự sáng tạo. Nó cũng phát triển cùng với sự phát triển của thực tiễn cuộc sống trên cơ sở những nguyên lý cơ bản bất biến của học thuyết đó. Chủ nghĩa giáo điều và tính cứng nhắc mâu thuẫn với nguyên tắc vận động mãi mãi và không ngững của phép biện chứng mác- xít. Chính vì vậy, Ph. Ănghen đã nhắc lại tư tưởng của ông và của C. Mác khi viết lời tựa cho Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bằng tiếng Anh năm 1888 rằng: “Chính ngay “Tuyên ngôn” cũng đã giải thích rõ ràng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”[11].

Tư tưởng quá độ dần lên chủ nghĩa xã hội cũng đã được Ph. Ănghen đề cập trong tác phẩm Nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản khi ông đặt câu hỏi: “Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Trả lời: Không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu”. Vì “Bất cứ một sự thay đổi nào của chế độ xã hội, bất cứ một sự cải biến nào về mặt quan hệ sở hữu cũng đều là kết quả tất yếu của việc tạo nên lực lượng sản xuất mới”[12]. Như vậy, Ph. Ănghen đã rất chú trọng việc vận dụng một cách đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

Ở Việt Nam, trình độ lực lượng sản xuất còn lạc hậu, đất nước lại bị kiệt quệ do gần 30 năm chiến tranh ác liệt của đế quốc Mỹ, bước sang thời kỳ hoà bình với những bước đi đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội chúng ta đã duy trì quá lâu một cách giáo điều trong vận dụng cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp của thời chiến. Sai lầm đó đã thành một trong số những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội trong những năm 80 của thế kỷ XX; sau khi các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu bị tan rã, nước ta lại bị “cắt giảm viện trợ và quan hệ kinh tế bao cấp quốc tế”.

Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin trong việc phát triển các thành phần kinh tế, thực hiện chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa [lấy điều tiết của Nhà nước để hạn chế các khuyết tật và bảo đảm định hướng phát triển lành mạnh của nền kinh tế; lấy thị trường để làm căn cứ cho việc phân bổ các nguồn lực đất nước thật hiệu quả; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững độc lập tự chủ, đa phương hoá và đa dạng hoá các hoạt động đối ngoại...], cũng như với việc vận dụng đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong 20 năm qua trên cơ sở những nguyên lý đúng đắn của chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đem lại những thắng lợi rất quan trọng về kinh tế cũng như về chính trị, xã hội và đối ngoại. Tất cả đòi hỏi như một sự tổng kết thực tiễn, nghiên cứu sâu hơn những tư tưởng của C. Mác và Ph. Ănghen về chủ nghĩa xã hội, những luận điểm của V. I. Lênin về chủ nghĩa tư bản nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xác định và hoàn thiện những giải pháp mới, đúng đắn và sáng tạo trong qúa trình xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác- Lênin, tránh những giáo điều, xơ cứng trong duy lý luận là bí quyết thành công và là sự bảo đảm chắc chắn sẽ luôn tìm được những lời giải đáp đúng đắn cho mọi vấn đề thực tiễn phát triển của đất nước đặt ra cho dù có những khó khắn phức tạp.

BÙI NGỌC CHƯỞNG

GS, Học việnCTQG Hồ Chí Minh

* Chú thích:

[1] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mác xơ cơ va 1980, t23, tr 50.

[2] V.I. Lênin: Sđd, t1, tr 421

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t10, tr 128

[4] Hồ Chí Minh: Sđd, t2, tr 267- 268

[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự Thật, 1991, tr 127-128

[6] Đánh giá của Đại hội Mác quốc tế ở Pari từ ngày 27 đến 30/9/1995 để kỷ niệm 100 năm chủ nghĩa Mác với 500 đại biểu của gần 100 viện nghiên cứu, tạp chí mác xít và 30 trường đại học đến từ 22 nước trên thế giới [xem Tạp chí Cộng sản, sô 9, 5/1996, tr 27-31].

[7] Đánh giá của Tuần báo Giải phóng, ngày 7/7/1995, tiếng nói của hàng vạn chiến sĩ cách mạng các nước Mỹ Latinh cư trú ở Thuỵ Điển [xem Tạp chí Cộng sản số 1, 1/1996]

[8] Xem: Tạp chí Thông tin Công tác tư tưởng, số 9, 2000, tr 45, đăng lại bài của báo “USVIT”, Slovaquia Rạng đông, số 24/1999

[9] V.I. Lênin: Sđd, t54, tr 131

[10] V.I. Lênin: Sđd, t52, tr 496

[11] C. Mác, Ph. Ănghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 21, tr 524

[12] C. Mác, Ph. Ănghen: Sđd, t4, tr 467

Nguồn: Tạp chí Cộng sản.-2006.-tháng 4. Số 7

Video liên quan

Chủ Đề