1 team kinh doanh cần đủ những vị trí nào

Bắt đầu công cuộc kinh doanh của chính bạn lúc nào cũng đầy hứng khởi nhưng cũng đầy rủi ro. Thường những nhà khởi nghiệp chỉ đi khoảng 1/3 chặng đường để đến với ước mơ của họ thì suy nghĩ “mình đang làm cái quái gì vậy?” đã xuất hiện và nằm lì trong đầu của họ rồi. Nhưng cũng như những người đã trải qua kinh nghiệm này, có thể nói cho bạn biết, khi mà bạn gặp phải câu hỏi đó thì đã quá là muộn để quay đầu lại rồi. Cứ như khi đã nhảy xuống sông rồi thì hoặc là bơi không thì chỉ có chết chìm thôi. Bạn không còn cơ hội để lo xem là nhảy xuống thì có chết không, hay là bạn thực ra không biết bơi. Vì bạn đã nhảy rồi nên nếu muốn tìm đường vào bờ thì chỉ có nước đạp nước mà bơi hết sức thôi.

Để vượt qua thử thách đó, thì bạn sẽ cần phải có một team để cùng làm việc với nhau. Bạn muốn team thế nào để cùng nhau xây dựng trong quá trình kinh doanh? Thay vì đi vào những chi tiết về cách xây dựng team mà ai cũng biết, chúng ta hãy cùng xem qua những điều ít người từng thử qua. Cụ thể chúng ta hãy nói về cách mà bạn chuẩn bị tinh thần cho bản thân và doanh nghiệp của mình để bắt đầu xây dựng 1 team.

1. Những người chủ lực

Trước hết, bất kì team thành công nào cũng cần 3 cá nhân chủ lực: tôi, bản thân tôi và chính tôi. Không có những người này, bạn sẽ không đi đến đâu cả. Chúng là cốt lõi của công cuộc kinh doanh của bạn. Không ai quan tâm hơn, làm việc chăm chỉ hơn hay bỏ ra nhiều mồ hôi và nước mắt bằng bạn được. Công cuộc kinh doanh của bạn bắt đầu từ chính bạn. Hãy luôn ghi nhớ rằng dù không ai có thể làm theo cùng một cách với bạn, không có nghĩa là họ không hoàn thành được. Nhưng chỉ có chính bạn mới có thể vẽ ra bức tranh tương lai cho những người mà bạn lãnh đạo. Bạn không chỉ phải tin tưởng vào việc kinh doanh của mình mà bạn cần đặc biệt lưu ý rằng bạn phải tin tưởng vào bản thân.

2. Tìm những người tốt nhất

Điều thứ hai là phải tập trung những người tốt nhất có thể xung quanh bạn. Tìm những người mà có khả năng ở những mảng bạn không làm tốt hoặc không thích làm. Điều đó không có nghĩa là bạn không cần có kiến thức trong những mặt khác nhau của việc kinh doanh của mình. Nhưng mà bạn không cần phải là chuyên gia trong tất cả những lĩnh vực đó.

3. Thuê một chuyên viên HR

Hầu hết những chủ doanh nghiệp nhỏ mà tôi có cơ hội nói chuyện cùng cho biết rằng những vấn đề mà họ thường phải tốn nhiều thời gian giải quyết nhất là quản lý con người. Nếu bạn không giỏi sắp xếp cho nhiều người khác nhau, hãy thử phỏng vấn và thuê ai đó thật sự có thể làm tốt việc điều hành và thúc đẩy những người khác đến thành công. Hãy chắc chắn rằng người đó nắm vững những quy định và luật pháp về tuyển dụng hay sa thải nhân viên. Và họ phải biết rất rõ bộ luật lao động. Hãy thuê người tốt nhất trong khả năng của bạn. Tôi không thể nhấn mạnh điều này đủ được: đầu tư vào con người là mảng đầu tư lớn nhất của bạn. Thậm chí bạn phải bỏ ra nhiều tiền hơn cho chuyên viên HR của bạn, bạn sẽ không tin được là người đó sẽ giúp bạn giảm thiểu được bao nhiêu ưu tư và phiền toái đâu. Họ cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm được chi phí về lâu dài. Bạn không thể cứ phải lo lắng hay là đắm mình trong những vấn đề của từng một nhân viên trong công ty. Bạn muốn chắc chắn rằng công ty của bạn hoạt động có năng suất và hiệu quả. Thành ra nếu bạn không giỏi làm những việc quản lý văn phòng chẳng hạn như hạn ngạch lương, và thậm chí nếu bạn có khả năng đó, thì cũng cứ thuê một ai đó đi. Khoảng thời gian mà bạn tiết kiệm được khi thuê người làm HR sẽ dư sức để bạn làm ra khoản tiền trả cho mảng chi phí đó.

4. Tìm người có kiến thức đời thường

Nếu bạn không phải đang thuê người cho những vị trí cần năng lực chuyên môn riêng biệt như kiến trúc sư, luật sư hay chuyên viên y tế thì đừng buộc mình phải thuê ai đó có bằng đại học. Thường thì những người có kiến thức đời thường và làm việc chăm chỉ thì còn hơn là những người không có tham vọng gì ngoài mảnh bằng đại học. 4 năm học quản trị kinh doanh chẳng hạn chưa chắc gì đã đảm bảo là một người đủ khả năng làm việc.

5. Học hỏi kinh nghiệm

Đừng lo ngại không dám hỏi những cá nhân hay chủ doanh nghiệp khác xem họ có thể chia sẻ giải pháp hay đưa ra lời khuyên từ kinh nghiệm đi trước của họ. Dù là lĩnh vực nào đi nữa thì những doanh nghiệp nhỏ thường gặp những vấn đề tương tự và có những nhu cầu tương tự. Khi một thử thách xuất hiện, bạn sẽ muốn có ai đó để có thể tư vấn cách giải quyết vấn đề. Thường bạn sẽ có thể tìm được nhiều người sẵn sàng chia sẻ với bạn. Hãy nói chuyện cùng họ. Tìm sự hướng đạo. Học hỏi trí tuệ của người khác. Những người tốt nhất là những ai đã nghỉ bước ra khỏi lĩnh vực của bạn nhưng vẫn muốn chia sẻ những kinh nghiệm của họ. Họ muốn được chia sẻ. Nhiều chủ doanh nghiệp lớn tuổi đã về hưu thường bị coi là cổ hủ và quên lãng. Hãy tận dụng nguồn tri thức này. Nó vô giá mà còn thường là miễn phí nữa.

6. Phát triển một chiến lược và đưa ra một sản phẩm có chất lượng

Hãy chắc rằng bạn có 1 chiến lược nhất định cho hướng đi của công ty bạn và đảm bảo rằng bạn lúc nào cũng nhận thức rõ về nó. Nhiều chủ doanh nghiệp thường khởi đầu xong lại bị chìm đắm trong những chi tiết nhỏ nhặt để rồi lạc mất mục tiêu họ đặt ra ban đầu hay bỏ quên đi chiến lược của mình. Hãy tập trung và đánh giá tiềm năng của những cái mà bạn muốn đạt được với những người mà bạn có. Hứa ít nhưng hãy làm thật nhiều. Luôn luôn phải làm việc hết sức. Luôn phải đưa ra tiêu chuẩn cao cho mục tiêu của mình. Mơ ước và mục tiêu thì thật là tuyệt, nhưng quan trọng nhất là bạn phải có khả năng hành động và đưa ra dịch vụ tốt, thỏa mãn được khách hàng với sản phẩm chất lượng cao. Những nhân viên của bạn, những người đại diện cho bạn và là bộ mặt công ty bạn phải có khả năng giúp bạn tiến hành những dự định kinh doanh và phải tiếp cận được với những khách hàng của công ty. Hãy nhớ rằng cái nhìn về những nhân viên của bạn cũng chính là về bạn. Sản phẩm và dịch vụ xuất sắc sẽ gắn liền với bạn mà thất bại cũng gắn liền với bạn. Khách hàng được thỏa mãn cũng có nghĩa là những đơn hàng được lặp lại và đó là điều cốt lõi của lợi nhuận lâu dài. Hãy đưa ra một chiến thuật thẳng thắn. Hãy xây dựng một chiến lược mềm dẻo. Đừng quên rằng trong kinh doanh thì mọi thứ luôn thay đổi, do đó bạn phải có khả năng thích nghi với bất kì khó khăn nào gặp phải trên đường hiện thực hóa những kế hoạch hoàn hảo của bạn.

7. Sống thực tế

Hãy tôn trọng thực tế. Nhiều khi người ta lẫn lộn giữa đưa ra kế hoạch và hiện thực hóa chúng, cùng một cách mà người ta hay lẫn lộn giữa lý thuyết và thực tế. Trên lý thuyết nếu mọi doanh nghiệp đều hoạt động được như sách vở, thì ai cũng là triệu phú. Trong kinh doanh, như đời thật thường dạy cho ta biết một cách nhanh chóng, lý thuyết chỉ là lý thuyết, những ý tưởng kinh doanh, những cách nghĩ, những khả năng có thể chỉ là con số xác suất. Một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra rằng chỉ hành động mới có thể hoàn thành được công việc. Và hành động thì được quyết định bởi ý chí, bởi quyết tâm và nỗ lực. Hãy nhớ rằng thử thách có thể trở thành cơ hội, thảm họa có thể chuyển thành cơ hội thành công. Thường thì cái bạn cần là tư duy thực tiễn và một ít động lực.

8. Huấn luyện

Quan trọng nhất là bạn phải chắc chắn rằng bạn có những nhân viên được huấn luyện kỹ, có được một đội ngũ đủ khả năng biến những kế hoạch của bạn thành hành động thực sự. Những nhân viên này phải biết rõ kỳ vọng của bạn. Không vị tướng nào không ra trận mà không có một kế hoạch cụ thể và những chiến binh bài bản. Bạn là người đứng đầu team. Hãy là một nhà lãnh đạo bằng cách huấn luyện và chuẩn bị cho những người đi theo bạn. Khi cuộc kinh doanh của bạn mở cửa ra và khách hàng bước vào, họ phải được tiếp đón bởi những con người đã qua huấn luyện kĩ càng, thân thiện và đầy đủ kiến thức.

Hầu hết những thành công trong những doanh nghiệp nhỏ không phải là nhờ may mắn hay số phận. Những thành công ấy là sản phẩm của trí tưởng tượng, chiến thuận tốt, mồ hôi nước mắt, nhân viên tốt và thêm nhiều nữa những công sức, nỗ lực. Những doanh nghiệp đã thành công là những bài học quý để chúng ta xem xét. Nhưng nói chung thì câu chuyện này là của riêng bạn vì việc kinh doanh của bạn là nói về bạn, bạn và chính bạn mà thôi.