Vấn đề nhập cư ở EU

(VOV5) - Để giải quyết vấn đề này một cách triệt để, EU cần đạt được sự thống nhất trong chính sách về người di cư và tị nạn.

 Liên minh châu Âu (EU) cuối tuần qua khởi động cuộc thảo luận về Hiệp ước di trú mới nhằm cải cách chính sách tị nạn bị đánh giá là thất bại thời gian qua, giải quyết những chia rẽ nội khội do vấn đề di cư gây ra. Đây là lần đầu tiên 27 nước thành viên EU thảo luận về văn kiện này. Tuy nhiên, tìm được tiếng nói chung trong giải quyết vấn đề di cư chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng đối với EU từ vài năm nay, nếu không muốn nói là một trong những vấn đề gai góc nhất.                     

Sự xuất hiện của hơn 1 triệu người di cư ở châu Âu vào năm 2015, hầu hết trong số họ là người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria, đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất của EU, tạo ra gánh nặng lớn đối với mạng lưới an ninh, hệ thống phúc lợi của nhiều nước, đồng thời khơi gợi tinh thần cực hữu ở châu Âu. Để rồi 5 năm sau, các nước EU vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết những tác động do làn sóng di cư gây ra.

Vấn đề nhập cư ở EU
 Các Bộ trưởng Nội vụ EU tham dự cuộc thảo luậ trực tuyến do Đức chủ trì ngày 8/10/2020. - Ảnh: AFP/TTXVN

Những điều chỉnh trong Hiệp ước di cư mới

Cuối tháng 9 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố chính sách mới về nhập cư và tị nạn. Điểm quan trọng nhất của Hiệp ước di trú mới là đề xuất bỏ hạn ngạch tiếp nhận người di cư. Mỗi năm, EC sẽ xem xét và đưa ra con số người nhập cư phải tiếp nhận dựa trên tính toán về sức mạnh kinh tế, dân số và năng lực thực tế của từng thành viên. Quy định mới được cho là giải tỏa bế tắc lâu nay, khi một số nước EU phản đối quy chế phân bổ tiếp nhận người tị nạn vì nó cứng nhắc và thiếu công bằng.

Thay vào đó, EC đưa ra điều khoản hoán đổi. Theo đó, các nước thành viên không tự nguyện tiếp nhận thêm người tị nạn sẽ phải tăng đóng góp tài chính, chủ yếu để chi trả cho việc trục xuất người di cư. Mức đóng góp được tính toán theo khả năng kinh tế và quy mô dân số của từng thành viên. Quy định mới được xem là nhằm giảm sức ép cho những nước tuyến đầu, qua việc kích hoạt cơ chế “đoàn kết bắt buộc”, các thành viên phải lựa chọn hoặc tiếp nhận người di cư, hoặc hỗ trợ những nước tiếp nhận.

Để giảm bớt gánh nặng cho các nước, Ủy ban châu Âu sẽ trợ cấp cho các nước tiếp nhân người tị nạn số tiền 10.000 Euro cho mỗi người tị nạn mà nước đó nhận về và 12.000 Euro nếu đó là trẻ vị thành niên.

Vấn đề nhập cư ở EU
Người di cư chờ được giải cứu ở ngoài khơi Libya. - Ảnh: AFP/TTXVN 

Theo EC, Hiệp ước di cư và cư trú mới sẽ tạo khởi đầu mới, đem đến cơ hội mới để củng cố và đề cao giá trị nhân đạo của EU, khẳng định năng lực của khối bảo đảm các quyền cơ bản cho người tị nạn.

Vẫn còn khác biệt

Chính sách mới cho thấy tham vọng của EU thiết lập một hệ thống “đóng góp linh hoạt”, nhưng bắt buộc hợp tác khi áp lực về vấn đề người tị nạn lên cao. Nghĩa là các nước thành viên được tự quyết định tiếp nhận người tị nạn, đóng góp hỗ trợ các thành viên khác, hay giúp người di cư trở về quê hương họ, chứ không được phép không hành động.

Dự kiến, gói chính sách mới về nhập cư và tị nạn được chính thức áp dụng từ năm 2023. Tuy nhiên, để được thông qua, hiệp ước này cần nhận được sự nhất trí của cả 27 nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu. Sau cuộc thảo luận ngày 8/10, thông tin về kết quả cuộc họp không nhiều. Chỉ có Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer, đại diện của Đức, nước Chủ tịch luân phiên EU, tiết lộ “có những quan điểm khác nhau” cho dù các bên vẫn đạt được một số đồng thuận. Tuy nhiên, đồng thuận ở những điểm nào cũng không được tiết lộ. Điều này cho thấy Hiệp ước trên chưa nhận được nhiều sự hưởng ứng tại châu Âu và kết quả thảo luận không được như mong muốn.

Những chính sách mới liên quan đến người di cư và tị nạn chưa bao giờ là chủ đề dễ dàng đối với EU bởi bài toán người di cư không chỉ là chuyện của một vài quốc gia mà còn là thách thức của cả khối. Để giải quyết vấn đề này một cách triệt để, EU cần đạt được sự thống nhất trong chính sách về người di cư và tị nạn. Tuy nhiên với những diễn biến hiện nay, xem ra Hiệp ước về di trú mới sẽ khó đạt được sự đồng thuận vào tháng 12 tới như mong muốn của Đức, nước Chủ tịch luân phiên EU.

Thứ năm, 11/11/2021 16:06 (GMT+7)

(ĐCSVN) – Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đang theo dõi cùng với sự quan ngại về tình hình ở khu vực biên giới giữa Ba Lan và Belarus – nơi hàng nghìn người di cư và tị nạn đang bị mắc kẹt giữa mùa đông lạnh giá.

Người phát ngôn của Tổng thư Liên hợp quốc Stephane Dujarric ngày 10/11 dẫn thông điệp từ người đứng đầu Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh đến việc bảo đảm giải quyết vấn đề người di cư và tị nạn trên các nguyên tắc nhân đạo và luật pháp quốc tế. Ông Guterres nhấn mạnh những tình hình này không nên bị lợi dụng cho mục đích chính trị hoặc là nguyên nhân gây căng thẳng giữa các nước. 

Ngoài ra, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc còn nhắc lại đánh giá của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet về tình cảnh gây ám ảnh của số lượng lớn người di cư và người tị nạn bị bỏ lại trong tuyệt vọng, khi nhiệt độ gần chạm tới ngưỡng đóng băng ở khu vực biên giới. Bà Bachelet cũng kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực cần hành động để cứu lấy mạng sống của nhiều người.

Tại khu vực biên giới Ba Lan – Belarus, nhiệt độ về đêm xuống rất thấp. Trong khi đó, nhiều người tị nạn và di cư không có nơi trú ẩn, trong tình cảnh thậm chí không có cả thức ăn và nước uống. Những người di cư gồm nhiều đàn ông, phụ nữ và trẻ em, chủ yếu đến từ khu vực Trung Đông và châu Á.

Thời gian gần đây, căng thẳng tại khu vực biên giới giữa hai nước láng giềng châu Âu đang có dấu hiệu tăng nhiệt. Ba Lan cáo buộc Belarus để cho các đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới để đáp trả việc các nước Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt nước này. Còn phía Belarus lại thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này, cho rằng Ba Lan đang hành động theo hướng cố tình làm leo thang căng thẳng. Tranh cãi thậm chí đã vượt khỏi phạm vi hai nước láng giềng và lôi kéo sự can dự của của nhiều bên khi EU, Tổ chức Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ mới đây đã chỉ trích các nhà lãnh đạo Belarus đang khơi mào cho một cuộc khủng hoảng người di cư mới trong khu vực.

Những bức hình về hàng nghìn người tị nạn đứng tập trung ở khu vực gần bờ dây thép gai ngăn cách biên giới Belarus – Ba Lan do truyền thông quốc tế đăng tải ngày 10/11 đã tô đậm cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo đang diễn biến nghiêm trọng ở khu vực Đông Âu.

Những bức hình gây ám ảnh một lần nữa gợi nhớ tới cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu năm 2015, khi nhiều người di cư được nhìn thấy đứng chen chúc xung quanh một đám lửa và ôm những đứa con bé bỏng được quấn trong nhiều lớp quần áo khi nhiệt độ đang xuống thấp. Trong khi đó, một số người khác đang ngồi trong khu lều được dựng tạm cách khu vực hàng rào biên giới chạy dọc theo khu vực Tây Bắc Grodno của Belarus, rìa phía Đông của Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia thành viên.

Các nhà chức trách Ba Lan cho biết, sự bế tắc và tuyệt vọng kéo dài đã thôi thúc nhiều người bất chấp hiểm nguy để vượt qua hàng rào biên giới. Hiện Ba Lan đang đặt quân đội trong tình trạng báo động cao dọc theo biên giới với Belarus sau khi một nhóm người tị nạn lớn áp sát biên giới Ba Lan với Belarus ngày 8/11 để xin tị nạn. Theo số liệu thống kê, hiện số binh sỹ Ba Lan được điều động tới khu vực biên giới vào khoảng từ 15.000 đến 12.000 người.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Belarus ngày 10/11 cũng ra thông báo về việc tăng số đơn vị phòng không làm nhiệm vụ dọc theo các khu vực biên giới phía Tây và Tây Bắc. Hiện cả hai nước láng giềng đang tung ra những bằng chứng để hướng sự chỉ trích vào bên còn lại.

Trong khi tranh cãi và so găng giữa hai láng giềng tiếp diễn thì hàng nghìn người di cư và tị nạn ở khu vực biên giới đang lâm vào tình cảnh thương tâm và cần tới sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở biên giới Belarus-Ba Lan. Tuy nhiên, trước câu hỏi của phóng viên về việc liệu Đức có đơn phương tiếp nhận người di cư hay không, người phát ngôn của Thủ tướng Merkel đánh giá đây là một câu hỏi hỏi "không liên quan".

Tờ The Guardian của Anh đưa tin, trong ngày 10/11, Tổng thống Putin và có cuộc điện đàm với bà Merkel và tỏ rõ lập trường về việc Moscow sẵn sàng đóng vai trò trung gian các vòng đối thoại giữa Minsk và Brussels để giải quyết cuộc khủng hoảng./.

T.Lan (Theo the guardian, nbcnews, english.lokmat)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM