Tinh thần quốc tế vô sản trong sáng là gì

Bài 7 - Tiếp theo và hết: Giúp đỡ nhân dân Campuchia với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, cao cả Trước sự tàn sát của chế độ diệt chủng, những năm 1975-1977, nhiều người yêu nước Campuchia chân chính [có cả sĩ quan trong quân đội Pol Pot - Ieng Sary - Khieu Samphan] đã đứng lên đấu tranh, bí mật sang Việt Nam yêu cầu sự giúp đỡ. Dù đang trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, nhưng Đảng, Nhà nước Việt Nam và nhân dân các địa phương vẫn tạo điều kiện về mọi mặt cho phía bạn như: cung cấp lương thực; giúp xây dựng vùng căn cứ kháng chiến gần biên giới; xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng quân sự...

Bộ đội Việt Nam và Campuchia bảo vệ đền Angkor Wat [7/1982]. Ảnh: Quang Thành – TTXVN
Tháng 6/1978, trước những âm mưu, hoạt động xâm lấn lãnh thổ ngày càng trắng trợn của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary - Khieu Samphan, căn cứ vào phong trào cách mạng Campuchia đang phát triển, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp đề ra quyết tâm: Kiên quyết giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam; đồng thời, phát huy tinh thần quốc tế vô sản trong sáng ra sức giúp đỡ những người cách mạng chân chính đánh đổ tập đoàn phản động, xây dựng lại đất nước Campuchia hòa bình, độc lập, tự chủ. Tiếp đó, tháng 7/1978, Hội nghị lần thứ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp ra nghị quyết khẳng định: cần kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc với việc thực hiện chủ nghĩa quốc tế giúp đỡ cách mạng Campuchia. Từ đây, công tác ủng hộ, giúp đỡ được tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt, diễn ra hết sức khẩn trương. Đến cuối năm 1978, Việt Nam đã hỗ trợ những người yêu nước chân chính Campuchia xây dựng được 27 tiểu đoàn bộ binh; 106 đội công tác được huấn luyện trang bị đầy đủ, sẵn sàng chớp thời cơ. Ngày 2/12/1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập, giương cao ngọn cờ tập hợp mọi lực lượng yêu nước đoàn kết đấu tranh đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary - Khieu Samphan, xóa bỏ chế độ diệt chủng, xây dựng một nước Campuchia hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới. Mặt trận tha thiết đề nghị chính phủ và nhân dân Việt Nam “cứu giúp dân tộc Campuchia”. Ngay khi đập tan cuộc hành quân xâm lược, kết thúc thắng lợi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, theo yêu cầu của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng cùng nhân dân Campuchia mở cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnôm Pênh [7/1/1979] và toàn bộ đất nước [17/1/1979], đánh đổ chế độ Pol Pot giải phóng đất nước khỏi họa diệt chủng, giành chính quyền về tay nhân dân. Tuy cách mạng giành thắng lợi, nhưng tàn quân Pol Pot - Ieng Sary - Khieu Samphan chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Chúng rút về hoạt động tại vùng rừng núi giáp biên giới Campuchia - Thái Lan, dựa vào sự giúp đỡ tích cực bên ngoài tiếp tục hoạt động. Trước tình hình đó, vượt qua mọi thách thức đe dọa và hành động chiến tranh, vượt qua những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, ngày 18/2/1979, tại thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chủ tịch Heng Samrin  thay mặt Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia ký Hiệp ước Hòa bình, hữu nghị và hợp tác, mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nhau, cùng nhau hướng đến mục đích hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực. Theo tinh thần của bản Hiệp ước, một bộ phận Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nhân dân Campuchia bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước. Đến năm 1989, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam rút hết về nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Hàng ngàn người dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn đưa các chiến sĩ Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về nước, sáng 2/5/1983. Ảnh: TTXVN
40 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về giá trị chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tại Campuchia năm 1979. Đó là thắng lợi của chính nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng cao cả, của tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia,vì lợi ích chung, vì chân giá trị nhân loại.

Thắng lợi ấy cũng để lại cho chính phủ, nhân dân hai nước những bài học quý báu: giữ vững và phát huy tinh thần độc lập, tự chủ; tăng cường củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác cùng có lợi; nêu cao tinh thần cảnh giác, tranh thủ thời cơ thuận lợi, khắc khó khăn, thách thức; tích cực đấu tranh chống những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc sự thật lịch sử. Những bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục được chắt lọc, vận dụng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giai đoạn hiện nay./.

Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 11/1978, Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phát triển được 15 tiểu đoàn, 5 khung tiểu đoàn, 24 đội công tác; xây dựng được các tổ chức đảng, chuẩn bị thành lập mặt trận và bộ máy lãnh đạo. 

Với sự giúp đỡ của Việt Nam, ngày 02/12/1978, tại vùng giải phóng thuộc xã Chơng Thnu, huyện Snuol, tỉnh Kratié [Campuchia], Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia ra mắt nhân dân Campuchia, công bố cương lĩnh cách mạng 11 điểm. Trong đó, nêu rõ quyết tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot, xóa bỏ chế độ diệt chủng tàn ác, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân; khẳng định tăng cường tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới; kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia.

Trong cuộc phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới từ ngày 23/12/1978 đến 07/1/1979, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã tiêu diệt và làm tan rã 18 sư đoàn quân Pol Pot, diệt 12 nghìn tên, bắt 8.800 tên, gọi hàng 3.200 tên và làm tan rã tại chỗ 44.000 tên; giải phóng trên 4 triệu dân Campuchia, thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật quân sự của quân Pol Pot; đập tan bộ máy thống trị của tập đoàn phản động Pol Pot từ trung ương đến cơ sở.

[Nguồn: Ban Tuyên giáoTrung ương]


ĐND - Cách đây 65 năm, ngày 30-10-1949, thực hiện chủ trương tăng cường và đẩy mạnh hoạt động của các lực lượng quân sự Việt Nam tại Lào, đồng thời đáp ứng sự nghiệp cách mạng Lào trong tình hình mới, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Đây là mốc lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào.Quán triệt sâu sắc đường lối thống nhất giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam-Lào, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào sát cánh chiến đấu và công tác, giúp bạn xây dựng lực lượng chính trị, quân sự theo quan điểm “Cách mạng Lào phải do nhân dân Lào tự làm lấy. Việt Nam giúp Lào là tạo điều kiện để từng bước bạn đảm nhận được sứ mệnh lịch sử của đất nước”, phải “thực sự tôn trọng quyền làm chủ” của bạn, giúp bạn theo phương châm “Cơ bản, toàn diện, liên tục và hiệu quả”.Sau khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam và Lào lần thứ hai, để bảo vệ nền độc lập non trẻ và giữ vững thành quả cách mạng vừa giành được, ngày 30-10-1945, Hiệp định thành lập liên quân Lào-Việt được ký kết. Trên cơ sở pháp lý của hiệp định, trong những năm 1948-1950, do yêu cầu phát triển ngày càng cao của cuộc kháng chiến, các đơn vị tình nguyện của Liên khu 3, Liên khu 4, Liên khu 5 và Liên khu 10 [Việt Nam] được cử sang các mặt trận Thượng, Trung, Hạ Lào giúp bạn xây dựng cơ sở, tổ chức lực lượng, thúc đẩy cuộc kháng chiến phát triển. Với sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của Quân tình nguyện Việt Nam, ngày 20-1-1949, Quân đội Lào Ít-xa-la ra đời; tiếp đó, tháng 8-1950, Chính phủ Kháng chiến Lào và Mặt trận Lào Ít-xa-la được thành lập. Đó là những sự kiện tiêu biểu và cũng là những dấu ấn lớn đầu tiên của Quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào trong những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược.Trên cơ sở kết quả giúp bạn những năm đầu kháng chiến, nhằm đưa cách mạng Lào phát triển mạnh mẽ, hòa vào dòng chảy chung của cách mạng Đông Dương, tháng 4-1951, Bộ tư lệnh Quân tình nguyện mặt trận Thượng Lào được thành lập, nhằm thống nhất các Đoàn 80, 81, 82, 83 cùng lực lượng cách mạng Lào xây dựng khu giải phóng Thượng Lào thành căn cứ địa chính của cả nước.Tiếp đó, thực hiện phương châm “giúp bạn là mình tự giúp mình”, Quân tình nguyện Việt Nam đã cùng quân dân Lào kiên cường bám trụ địa bàn, chống địch càn quét, phối hợp với chiến trường chính Việt Nam tiến lên tiêu diệt quân thù. Trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, để chia lửa với mặt trận Tây Bắc [Việt Nam], Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với quân-dân Lào tổ chức các đòn tiến công chiến lược ở Thượng, Trung, Hạ Lào, vừa tiêu hao, tiêu diệt, vừa phân tán lực lượng cơ động của địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, củng cố vững chắc vùng giải phóng Lào; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho quân-dân Việt Nam tiến lên tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc sự nghiệp kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài suốt 9 năm ròng.Thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ [21-7-1954], Mỹ nhảy vào thế chân Pháp xâm lược miền Nam Việt Nam và Lào bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xác định: “Đông Dương là một chiến trường” và tiếp tục cử các đoàn Quân tình nguyện cùng Chuyên gia quân sự sang giúp cách mạng Lào trong giai đoạn cách mạng mới. Phát huy tinh thần đoàn kết chống thù chung, trong những năm 1960-1962, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân-dân Lào tiến công Sầm Nưa [1960], giải phóng Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng [1961] và giành thắng lợi quan trọng trong Chiến dịch Nậm Thà [1962], buộc Mỹ và chính quyền Phái hữu phải ký Hiệp định Cánh đồng Chum [tháng 6-1962] và Hiệp định Giơ-ne-vơ [tháng 7-1962], tạo ra bước phát triển nhảy vọt cho cách mạng Lào.Những năm sau đó, cùng với việc cử các đoàn chuyên gia quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục cử các đoàn Quân tình nguyện: 335, 763, 766, 866 và 968 sang giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng, chiến đấu bảo vệ căn cứ Trung ương và vùng giải phóng Lào. Trên tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, Quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng quân-dân Lào mở Chiến dịch 128, Chiến dịch 74A [1964] và Chiến dịch Nậm Bạc [1968] thắng lợi, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Lào.Trong những năm 1969-1972, cùng với việc triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đã triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” đối với Lào. Hơn lúc nào hết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Lào đứng trước những thử thách ngặt nghèo nhất. Trước yêu cầu mới của cách mạng Lào, Quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng quân-dân nước bạn đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch; đồng thời, mở các chiến dịch tiến công và phòng ngự thắng lợi như: Mường Sủi [1969], Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng [1969, 1971], Đường 9-Nam Lào [1971] và Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng mùa mưa 1972, qua đó đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường”, buộc Mỹ và Phái hữu Lào phải ký Hiệp định Viêng Chăn [tháng 2-1973].Sau khi Hiệp định Viêng Chăn ký kết, theo yêu cầu của Lào, một bộ phận Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại sát cánh cùng quân-dân Lào xây dựng vùng giải phóng, củng cố lực lượng, ra sức đấu tranh chính trị-pháp lý đòi Mỹ và chính quyền Viêng Chăn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Viêng Chăn. Khi thời cơ cách mạng chín muồi, Quân tình nguyện Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ bạn kết hợp đấu tranh giành chính quyền bằng “ba đòn chiến lược” và mũi “đấu tranh pháp lý”, kết thúc cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Lào vào năm 1975. * * *

Như vậy, nắm vững quy luật đoàn kết, liên minh chiến đấu và hợp tác chặt chẽ giữa quân đội hai nước là một tất yếu khách quan, một nội dung cơ bản trong mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt-Lào. Đảng và Nhà nước ta luôn coi đoàn kết, phối hợp chiến đấu, giúp đỡ quân đội và nhân dân Lào anh em là một nhiệm vụ quốc tế quan trọng và đã kiên trì thực hiện, giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Có thể nói, trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc Lào, ở chiến trường nào ác liệt nhất, nhiệm vụ cách mạng nào quan trọng nhất thì ở đó đều có dấu ấn Quân tình nguyện Việt Nam. Và đúng như đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, từng khẳng định: “Họ đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, yêu nhân dân Lào như bố mẹ, anh em ruột thịt của mình, đồng cam, cộng khổ, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho bạn. Kề vai sát cánh chiến đấu, sống chết bên nhau trong từng chiến hào, trên khắp chiến trường trong cả nước, với tinh thần anh dũng tuyệt vời. Trên mọi chiến trường của Tổ quốc thân yêu của chúng tôi đều có xương máu của các chiến sĩ quốc tế Việt Nam hòa lẫn với xương máu của các cán bộ và chiến sĩ nhân dân Lào chúng tôi”.

Video liên quan

Chủ Đề