Tầm soát đột quỵ bệnh viện Đại học Y Dược

Ngày 28-5, lãnh đạo BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh [BV ĐHYD] cho biết, tại Hội nghị Đột quỵ Châu Âu [ESOC] 2019 diễn ra ngày 23-5 vừa qua tại thành phố Milan [Ý], BV ĐHYD là bệnh viện thứ 2 của Châu Á được vinh dự nhận danh hiệu Chất lượng điều trị Vàng của Tổ chức Đột quỵ Châu Âu [ESO].

Đây là giải thưởng vinh danh của ESO dành cho các đơn vị điều trị đột quỵ, với mục tiêu “Nhiều hơn và Tốt hơn”, nhằm tăng cơ hội cho nhiều người bệnh đột quỵ được điều trị đúng chỗ, đồng thời nâng cao chất lượng chuyên sâu của các đơn vị đột quỵ giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn, sớm quay về cuộc sống bình thường. Chứng nhận này đòi hỏi nhiều tiêu chí, từ cấp cứu người bệnh đột quỵ, đến lúc nhập viện, điều trị giai đoạn cấp cho đến phục hồi chức năng, và giai đoạn phòng ngừa lâu dài sau khi xuất viện.

BV ĐHYD nhận danh hiệu Chất lượng điều trị vàng của Tổ chức Đột quỵ Châu Âu

Theo TS BS. Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh BV ĐHYD, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh, đột quỵ là bệnh tổn thương não bộ do mạch máu bị hư tổn. Khi mạch máu não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu máu, cứ mỗi phút trôi qua sẽ có thêm gần hai triệu tế bào thần kinh chết đi. Chính vì vậy tất cả mọi người đều phải chạy đua với thời gian để cứu tế bào não, vì “mất thời gian là mất não”. Tuy nhiên, không chỉ thời gian quyết định chất lượng điều trị và sự an toàn của người bệnh mà đơn vị tiếp nhận điều trị còn cần phải tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Thần kinh, Can thiệp Thần kinh, Hồi sức, Xét nghiệm, cũng như của nhiều chuyên khoa khác để quá trình điều trị diễn ra toàn diện.

Hoạt động của Đơn vị đột quỵ
Hội nghị Đột quỵ Châu Âu 2019

Do đó, để đạt được chứng nhận này, cơ sở y tế phải tổ chức và thành lập một đơn vị đột quỵ đúng chuẩn, có sự phối hợp đa chuyên khoa và đạt các tiêu chuẩn riêng của ESO. Theo tiêu chuẩn của WHO [cũng là tiêu chuẩn của ESO], tổng thời gian từ lúc người bệnh tới bệnh viện tới khi hoàn tất mọi việc và tiêm thuốc tan cục máu [gọi là thời gian cửa-kim] cần đạt dưới 60 phút. Đơn vị đột quỵ BV ĐHYD đã đạt được thời gian cửa – kim chỉ 30 phút. 

Đây là kết quả không nhiều bệnh viện có thể đạt được. Quá trình này cần sự nỗ lực rất lớn của toàn bộ ê kíp nhân viên y tế để kịp thời hoàn tất mọi việc từ khám bệnh, đánh giá chẩn đoán, lấy máu xét nghiệm, kiểm tra tim phổi, chụp CT scan não cho đến việc giải thích cho người bệnh và gia đình, chuẩn bị thuốc, tiêm thuốc tan cục máu cho người bệnh, sẵn sàng tiến hành thông mạch bằng dụng cụ ngay nếu cần thiết. Bệnh viện đã xây dựng đủ các quy trình phối hợp cấp cứu đột quỵ, tập huấn và cấp cứu thực tế cho hàng trăm người bệnh đột quỵ mỗi tháng.

TS BS Nguyễn Bá Thắng đại diện BV ĐHYD nhận chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ tại Hội nghị 
TS BS Nguyễn Bá Thắng đại diện BV ĐHYD nhận chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ tại Hội nghị

PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc BV ĐHYD chia sẻ: “BV ĐHYD là một trong hai bệnh viện đầu tiên của châu Á [cùng với Bệnh viện Nhân dân 115] đạt chứng nhận này. Ý nghĩa lớn nhất là khẳng định chất lượng điều trị đột quỵ của nước ta tương đương các nước phát triển như ở Châu Âu. Đồng thời ghi nhận thành quả bước đầu của những nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ y tế BV ĐHYD, mang lại hiệu quả chăm sóc điều trị tốt nhất cho từng người bệnh đột quỵ, tăng cường số lượng cũng như tỉ lệ người bệnh đột quỵ được chăm sóc chất lượng cao, hướng đến chuẩn quốc tế trong chất lượng điều trị. Bệnh viện đã thành lập Trung tâm Khoa học Thần kinh, đây là điều kiện tuyệt vời để tăng cường phối hợp hơn nữa trong điều trị đột quỵ nói riêng và điều trị các bệnh thần kinh nói chung. Mục tiêu tiếp theo của Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD là nâng tỉ lệ người bệnh được điều trị thuốc tan cục máu và can thiệp thông mạch lên trên 15% và hơn nữa, đồng thời rút ngắn thời gian cửa - kim trung bình dưới 30 phút với 100% người bệnh được điều trị trong thời gian cửa – kim dưới 60 phút.”

Với thế mạnh đa chuyên khoa và nguồn nhân lực chất lượng cao, Trung tâm khoa học thần kinh BV ĐHYD có thể thực hiện được các kỹ thuật điều trị đột quỵ tiên tiến nhất trên thế giới. Đơn vị Đột quỵ thuộc Trung tâm luôn tận dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để tìm thêm cơ hội điều trị cho nhiều người bệnh, kể cả những người bệnh không biết giờ phát bệnh, hoặc đến Bệnh viện hơi muộn.

 Ngoài điều trị cấp cứu thông mạch cho đột quỵ thiếu máu não, Đơn vị còn cấp cứu cho mọi loại đột quỵ, bao gồm bít túi phình mạch máu não gây xuất huyết dưới nhện, bít các lỗ rò, các dị dạng mạch máu não, phẫu thuật sọ não, chăm sóc điều trị chuẩn cho người bệnh đột quỵ sau giai đoạn cấp cứu cũng như phục hồi chức năng và phòng ngừa tái phát đột quỵ.

THÁI BÌNH - CTV

Nếu nhận biết được các dấu hiệu và cấp cứu trong “thời gian vàng”, người bệnh có cơ hội phục hồi. Ngược lại sẽ gây ra hậu quả nặng nề với sức khỏe. Hiện nay tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tại Việt Nam đang có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2% mỗi năm.

Gần đây, bệnh nhân N.T.Q. [38 tuổi, ngụ tại TPHCM] đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM [BV ĐHYD TP.HCM] tái khám bệnh mạn tính định kỳ nhưng đột nhiên không nói được, rồi liệt tay, liệt chân.

Anh Q. nhanh chóng được cấp cứu, chụp CT não sau đó điều trị thuốc tan cục máu đông, truyền thuốc và dùng dụng cụ lấy huyết khối chỉ trong vòng 25 phút. May mắn được phát hiện ngay tại bệnh viện và can thiệp kịp thời, người bệnh hồi phục rất nhanh, sức cơ trở lại được khá tốt, sau 12 tiếng thì người bệnh hầu như không còn triệu chứng, trở lại bình thường. Hình ảnh chụp MRI sau đó cho thấy người bệnh không còn tổn thương nào trên não, và hình mạch máu não đã thông hoàn toàn.

TS-BS Nguyễn Bá Thắng

BVCC

Theo TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD TP.HCM, điều trị đột quỵ tập trung vào điều trị cấp cứu. Dựa trên các phương pháp chẩn đoán, các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Có 2 cách để cấp cứu và thông mạch máu.

Thứ nhất là dùng thuốc làm tan cục máu, phương pháp này chỉ dùng trong 4 - 5 giờ đầu kể từ khi người bệnh có triệu chứng đầu tiên.

Thứ hai là dùng dụng cụ để thông mạch máu, thời gian cửa sổ để áp dụng là 6 giờ sau khi xảy ra đột quỵ. Do đó, người bệnh cần được đưa đến cấp trong thời gian sớm nhất để kịp thời can thiệp.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ trở thành người tàn tật, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Nghiên cứu cho thấy, chỉ có 25-30% người bệnh sau đột quỵ tự đi lại, phục vụ bản thân; 20-25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày; 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Theo BS Nguyễn Bá Thắng, đột quỵ là bệnh lý liên quan trực tiếp đến mạch máu não, gián đoạn việc cấp máu, làm não ngưng hoạt động, từ đó các chức năng do não điều khiển cũng sẽ ngưng hoạt động.

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ: Một là do mạch máu bị vỡ, hai là do mạch máu bị tắc nghẽn. Người bệnh sẽ có biểu hiện yếu, liệt, không nói được, gục xuống, thậm chí là hôn mê. Để phát hiện sớm cơn đột quỵ, cần dựa vào những dấu hiệu ban đầu [hay còn gọi là quy tắc FAST] sau đây:

• F - Face [mặt]: Người bệnh có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung [đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên] bị lệch, thể hiện rõ nhất khi người bệnh cười mở miệng lớn.

• A - Arm [cánh tay]: Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.

• S - Speech [nói chuyện]: Người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường, hoặc không hiểu lời nói.

• T - Time [thời gian]: Tranh thủ tối đa thời gian đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc gọi xe cứu thương để được cấp cứu kịp thời.

TS-BS Nguyễn Bá Thắng khám cho người bệnh sau đột quỵ

Các yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa đột quỵ

TS-BS Nguyễn Bá Thắng cho biết các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch và những rối loạn về mỡ trong máu, bệnh tim, thừa cân, béo phì, người có thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia… là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Bên cạnh đó, tuổi tác cũng yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, tuổi càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng lớn.

Để phòng ngừa đột quỵ, cần giữ lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, thể dục, thể thao; chế độ ăn hợp lý, tăng cường rau xanh, giảm mỡ béo, đường bột; bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia… Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các yếu tố nguy cơ, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng ngừa đột quỵ, Trung tâm Truyền thông BV ĐHYD TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn với chủ đề: “Những dấu hiệu nhận biết đột quỵ”, theo dõi tại YouTube bệnh viện: //bit.ly/dauhieunhanbietdotquy

Chương trình cung cấp thông tin về các dấu hiệu ban đầu của đột quỵ, phương pháp chẩn đoán, điều trị, tầm soát và phòng ngừa các nguy cơ của căn bệnh nguy hiểm này.

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề