Tại sao luật sư phải đội tóc giả

Ở Vương quốc Anh, các thẩm phán và luật sư đội tóc giả màu trắng đặc trưng trong các thủ tục xét xử chính thức. Nhiều thẩm phán và luật sư  nói rằng bộ tóc giả mang lại cảm giác trang trọng cho phòng xử án.

 

Mong muốn sự thống nhất

Giống như chiếc áo choàng mà các luật sự mặc, Những bộ tóc giả đóng vai trò đảm bảo sự “vô danh tính” của họ. Tóc giả là một phần của bộ đồng phục tạo ra sự ngăn cách trực quan giữa luật pháp và những gì được đưa ra trước nó. Tóc giả quan trọng đến mức nếu luật sư không đội tóc giả, thì đó được coi là sự xúc phạm đối với tòa án.

Tóc giả kiểu Barrister được uốn lên đỉnh đầu và uốn những lọn tóc ngang hai bên và ra sau. Tóc giả của thẩm phán [bench wig] trông tương tự, nhưng thường được trang trí công phu hơn, với phần trên phồng hơn và những lọn tóc xoăn thả ngang vai.

 

Hầu hết các bộ tóc giả này được làm thủ công từ 100% lông ngựa, mặc dù ngày nay cũng có những phiên bản làm từ sợi tổng hợp. Tóc giả từ lông ngựa cũng không hề rẻ, đặc biệt là khi chúng được làm thủ công và kết hợp cả một công đoạn tạo kiểu, may và dán lâu đời. Một bộ tóc giả dài của thẩm phán có thể có giá hơn 3.000 đô la, trong khi những bộ tóc ngắn hơn mà luật sư đội có giá hơn 600 đô la.

Tóc giả có thể đã lỗi mốt qua nhiều thế kỷ, nhưng khi chúng xuất hiện lần đầu trong phòng xử án vào khoảng năm 1685, chúng là một phần của phong cách “thời thượng”.

Vào thế kỷ 17, chỉ có giới thượng lưu mới đội tóc giả làm từ lông ngựa. Những người không đủ tiền mua bộ trang phục đẹp nhất nhưng lại muốn ăn mặc phù hợp và gây ấn tượng thì đội tóc giả làm từ lông dê, sợi bông hoặc từ tóc của người chết. Một số người cũng bán tóc của mình để làm tóc giả nhưng lông đuôi ngựa vẫn là lựa chọn lý tưởng.

Nhưng tại sao tóc giả lại xuất hiện trên thị trường thời trang? Tại sao người ta lại đội một mớ lọn tóc nhân tạo gây ngứa ngáy, khó thấm mồ hôi? 

Lịch sử của tóc giả

Tóc giả bắt đầu thịnh hành vào cuối thế kỷ 16 khi ngày càng có nhiều người ở châu Âu mắc bệnh giang mai. Khi đó, những người mắc bệnh giang mai bị phát ban, mù lòa, sa sút trí tuệ, xuất hiện các vết loét hở và rụng tóc. Rụng tóc là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong giới xã hội lúc bấy giờ. Tóc dài là một niềm khao khát và việc bị hói sớm được coi là án tử cho bệnh nhân giang mai. 

Tóc giả không chỉ được dùng để che giấu việc rụng tóc do bệnh giang mai, mà cũng rất hữu ích cho những người có chấy. Suy cho cùng thì việc xử lý và bắt chấy trên đầu khó hơn nhiều so với việc vệ sinh tóc giả.

 

Có thể nói Vua Louis XIV của Pháp là người đã bắt đầu xu hướng đội tóc giả ở Anh. Trong thời gian trị vì của mình từ năm 1643 đến năm 1715, vị Vua Mặt Trời đã che giấu da đầu bị hói sớm của mình [các nhà sử học tin rằng đó là do bệnh giang mai] bằng cách đội tóc giả. Khi làm như vậy, ông đã bắt đầu một xu hướng trong tầng lớp thượng lưu và trung lưu châu Âu, bao gồm cả anh họ của ông, Charles II, Vua của Anh [cũng được đồn đại là mắc bệnh giang mai], trị vì từ năm 1660 đến năm 1685.

Mặc dù giới quý tộc và những người muốn duy trì vị thế xã hội đã nhanh chóng áp dụng thói quen đội tóc giả, nhưng các phòng xử án ở Anh lại hành động chậm hơn. Vào đầu những năm 1680, chân dung tư pháp vẫn thể hiện vẻ tự nhiên, không cần tóc giả. Tuy nhiên, đến năm 1685, những bộ tóc giả dài đến vai đã trở thành một phần của trang phục tòa án thích hợp.

Di sản lâu dài

Theo thời gian, tóc giả không còn hợp thời với toàn xã hội. Dưới thời trị vì của Vua George III của Anh, từ năm 1760 đến năm 1820, chỉ còn một số ít đội tóc giả, cụ thể là giám mục, người đánh xe và những người làm nghề luật. Và các giám mục đã được phép ngừng mặc chúng vào những năm 1830. Nhưng các tòa án đã giữ tóc giả trong hàng trăm năm nữa.

Tuy nhiên, vào năm 2007, các quy tắc mới về trang phục đã loại bỏ những bộ tóc giả của luật sư. Tóc giả không còn bắt buộc khi xuất hiện tại các tòa án dân sự, hoặc khi xuất hiện trước Tòa án tối cao của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, nó vẫn được sử dụng trong các vụ án hình sự.

Và ở Ireland, các thẩm phán vẫn tiếp tục đội tóc giả cho đến năm 2011. Ở Anh và các thuộc địa trước đây của Anh, chẳng hạn như Canada đã bỏ tóc giả trong suốt thế kỷ 19 và 20. Hay Jamaica cũng đã loại bỏ tóc giả vào năm 2013. Bây giờ, các luật sư và thẩm phán chỉ đội tóc giả trong các buổi lễ.

Tuy nhiên, việc đội tóc giả vẫn được các luật sư Anh ưa chuộng. "Nếu bạn không giống với khuôn mẫu về hình ảnh một luật sư [nam, da trắng, lớn tuổi] thì việc mặc đồng phục sẽ rất hữu ích vì nó không gây khó xử trong các cuộc trò chuyện”, luật sư Zoe Chapman chia sẻ.

Nguồn: HowStuffWorks

//people.howstuffworks.com/culture-traditions/national-traditions/why-british-lawyers-barristers-wear-wigs.htm

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao trong những bộ phim TVB nổi tiếng về pháp luật như Hồ sơ công lý hay Đại luật sư tranh tài, ở các cảnh xử án tại tòa, luật sư, thẩm phán thường đội một bộ tóc xoăn giả màu vàng nhìn hơi "giả trân" và khá là kỳ lạ không? Thật ra những bộ tóc này có nguồn gốc khá lâu đời. Cùng tìm hiểu qua bài viết bên dưới nhé. 

Từ thứ che khuyết điểm trở thành mốt thời trang 

Trang Hubpages đăng tải, những bộ tóc giả đã xuất hiện từ thời xa xưa ở Ai Cập, họ đội chúng để chống lại cái nóng khắc nghiệt nơi vùng sa mạc. Tóc giả bắt đầu thịnh hành ở Châu Âu có lẽ là vào thế kỷ 17, khi đầu hói là một trong những biểu hiện của bệnh giang mai thì giới quý tộc hay hoàng gia lúc đó dùng tóc giả làm biện pháp che giấu đi mái tóc thật của mình.

Người ta xem tóc giả như một phần thể hiện quyền lực của giới quý tộc lúc bấy giờ. [Ảnh: Quora]

Tuy vậy, những bộ tóc giả nhanh chóng trở thành mốt thời trang ở Anh và Pháp. Từ năm 1655, sau khi dùng tóc giả để che đi sự xấu hổ vì bị hói đầu, Vua Louis XIV đã cho rằng nó rất đẹp đồng thời thể hiện sức mạnh của giới quý tộc thượng lưu. Đến những năm 60 của thế kỷ 17, xu hướng trên ảnh hưởng tới vua Charles II ở Anh, người cũng đang tìm cách giấu đi mái đầu đang thưa dần tóc của mình, và các quan, quý tộc xung quanh ông cũng theo trào lưu.

Vua Charles II. [Ảnh: DK Find Out]

Tóc giả ban đầu có màu tự nhiên như tóc thật, nhưng sau đó, người ta đã tạo ra những bộ tóc “sành điệu” hơn với việc rắc bột mì hoặc thạch cao lên tóc giả, màu tóc cũng dần có thêm màu hồng, xanh hay xám.

Các bộ tóc giả thời trước thường được làm rất công phu và tốn kém. [Ảnh: The Judge's Lodging]

>>> Có thể bạn quan tâm: "Tóc vàng hoe" đã được khoa học chứng minh là thông minh nhất

Truyền thống trong giới luật sư, thẩm phán ở Anh Quốc và các thuộc địa

Một bài viết trên trang Owlcation cho biết, việc sử dụng tóc giả ban đầu không được các quan tòa hưởng ứng nhưng đến năm 1705 họ đội chúng để thể hiện sự uy quyền trong quá trình xét xử. Các bộ tóc giả dùng trong các phiên tòa còn có tên gọi là peruke hoặc periwig, thời gian này các kiểu tóc thường rất dày và dài đến tận lưng. Đến năm 1720, mốt đội tóc giả bắt đầu giảm dần và hầu như trở thành sản phẩm độc quyền cho những quan tòa cấp cao.

Khác với tóc dài truyền thống [bên phải], tóc ngắn tân thời có kiểu dáng nhỏ gọn hơn [bên trái]. [Ảnh:The Judge's Lodging]

Cũng trong bài viết của Owlcation, vào những năm 1789-1799, sự suy tàn của giới quý tộc kéo theo những bộ tóc giả bị xem là quá xa xỉ với kinh tế nước nhà, vì thế chúng bị tẩy chay ra khỏi nếp sống của người dân. Năm 1820, tóc giả chỉ tồn tại duy nhất trong tòa án cấp cao và dần được xem là truyền thống thú vị của giới luật sư, thẩm phán Anh Quốc. Truyền thống này sau đó đã lan ra các lãnh thổ thuộc địa.

Từ năm 1841, Hồng Kông nằm dưới quyền kiểm soát của Đế Quốc Anh và chịu nhiều ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa, xã hội trong đó có luật pháp. Do đó các thẩm phán, luật sư tại Hồng Kông cũng đội tóc giả theo truyền thống Anh Quốc và vì thế mà ta thấy điều này trên những bộ phim truyền hình TVB.

Hình ảnh luật sư, thẩm phán đội tóc giả thường thấy trong các bộ phim truyền hình TVB. [Ảnh: SCTV]

Dù đã lỗi mốt nhưng vẫn được ưa chuộng

Trang HowStuffWorks đăng tải, vào năm 2007, các quy tắc mới về trang phục đã loại bỏ những bộ tóc giả của phần lớn các luật sư. Nó không còn là yêu cầu bắt buộc tại tòa án dân sự hay Tòa án tối cao của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, tóc giả vẫn được sử dụng trong các vụ án hình sự.

Tại Anh, tóc giả không còn được yêu cầu trong các vụ án dân sự nhưng vẫn được sử dụng trong các vụ án hình sự. [Ảnh: Financial Times]

Cũng trong bài đăng trên HowStuffWorks, ở Vương Quốc Anh và Ireland, các thẩm phán tiếp tục đội tóc giả trước khi hoạt động này bị ngừng vào năm 2011. Một số thuộc địa của Anh trước đây đã từ bỏ tóc giả, chẳng hạn như Canada trong suốt thế kỷ 19 và 20, hay như Jamaica vào năm 2013 - các luật sư và thẩm phán giờ chỉ đội tóc giả cho các buổi lễ. Mặc dù được cho là lỗi mốt và đôi khi gây ra bất tiện, đội tóc giả dường như vẫn được các luật sư Anh ưa chuộng. 

Tóc giả có vẻ vẫn được ưa chuộng tại tòa án Anh Quốc ngay cả với những luật sư trẻ tuổi. [Ảnh: The Guardian]

James Mulholland - luật sư kỳ cựu với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề và hiện tại đang là Chủ tịch của Đoàn Luật Sư Hình Sự Criminal Bar Association - cho biết: “Bộ tóc giả là một phần rất quan trọng của hệ thống tư pháp hình sự, bởi vì luật sư là những người độc lập đấu tranh cho một cá nhân và đưa vụ việc của họ ra ánh sáng. Bộ tóc giả thể hiện sự ẩn danh, tách biệt về lợi ích của người luật sư”. 

Ngoài ra, lúc đội bộ tóc giả, các luật sư trở nên bình đẳng khi cùng ở phiên tòa, không phân biệt sự khác nhau giữa các luật sư cũng như kinh nghiệm của mỗi người. "Nếu bạn là một luật sư trẻ tuổi, việc đội tóc giả giúp bạn có thể đối mặt với một người già dặn hơn về kinh nghiệm mà không còn lo ngại về ngoại hình của cả hai, vì bạn biết mình đã được thẩm phán và bồi thẩm đoàn công nhận bản thân có đủ điều kiện để xử lý tình hình" - John McNamara, người chuyên xử lý các vụ án hình sự, trả lời tờ The Guardian.

Những bộ tóc giả đôi khi cũng gây một số khó chịu cho các luật sư, thẩm phán. [Ảnh: Quora]

Tờ Daily Mail từng phỏng vấn một thư ký tư pháp, ông Robert Buckland, vị này quả quyết rằng những bộ tóc giả trên phiên tòa sẽ không bao giờ bị loại bỏ mặc dù từng bị chỉ trích là lạc hậu và khó hiểu, vì đây là một phần trong truyền thống cũng như văn hóa của các luật sư, thẩm phán.

>>> Xem thêm: Nhan sắc hiện tại của nữ sinh từng gây sốt khi mặc áo thẩm phán

Trang phục tóc giả và áo choàng được cho là khiến các luật sư trở nên tự tin, mạnh mẽ và quyền lực hơn khi ở trên tòa án. [Ảnh: Daily Mail]

Qua những thông tin trên, chúng ta có thể phần nào hiểu được bí mật của những bộ tóc giả mà các luật sư, thẩm phán sử dụng khi xuất hiện tại tòa và lý do vì sao nó vẫn được sử dụng đến ngày nay ở Anh hay Hồng Kông. 

Mặc dù còn một số tranh cãi xoay quanh truyền thống này, việc đội tóc giả trong giới luật sư, thẩm phán có lẽ vẫn sẽ được duy trì vì chúng đã trở thành một thứ mang nhiều giá trị hơn là việc chỉ giữ vai trò như một phụ kiện thời trang.

Xem thêm những tin tức, sự thật thú vị về Đời sống xã hội luôn cập nhật liên tục tại YAN nhé!

Video liên quan

Chủ Đề