Tại sao hơn 1000 năm Bắc thuộc nhân dân ta vẫn giữ được nền văn hóa bản Địa

Xuất bản: Thứ ba, 14 Tháng 12 2021 14:22 Lượt xem: 2559

Nước Việt trong hành trình dựng nước và giữ nước, trải qua quá trình giao lưu văn hóa cộng với nguồn lực nội sinh đã xây dựng, hun đúc nên một nền văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc. Trước thời kỳ độc lập chủ quyền [thế kỷ thứ X đến thế kỷ XV], nước ta đặt dưới quyền đô hộ các đế chế phương Bắc, sử cũ gọi là thời kỳ Bắc thuộc [từ năm 179 trước công nguyên khi nhà nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương nhập vào nước Nam Việt của Triệu Đà đến năm 938 khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng]. Trong khoảng 1000 năm ấy, văn hóa nước ta tiếp xúc, tiếp biến mạnh với văn hóa phương Bắc.

Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc thực hiện chủ trương bành trướng để mở rộng lãnh thổ, vận dụng chiến lược "viễn giao, cận công" [nước xa thì làm bạn, nước gần thì đánh chiếm], với chiến thuật lấy đông đánh ít, kết hợp dùng uy binh gây áp lực với mua chuộc bằng hối lộ của cải và dùng chính sách "dĩ Di công Di" [dùng người Di đánh người Di], chinh phục đến đâu thì tiến hành đồng hóa về văn hóa đến đó. Các quốc gia cổ ở vùng đất này bị Trung Quốc xâm chiếm như: Ba Thục [Tứ Xuyên], Kinh Sở [Hồ Nam, Hồ Bắc], Đông Việt [Triết Giang], Mân Việt [Phúc Kiến], Dạ Lang [Quý Châu], Nam Việt [Quảng Đông, Quảng Tây], Điền [Vân Nam],... và Văn Lang- Âu Lạc của chúng ta. Theo sử cũ ghi chép, đến thời nhà Đường, dân số nước Trung Quốc khoảng 50 triệu người, lãnh thổ bao gồm từ Triều Tiên đến Iran, từ vùng Trung Á đến miền trung Việt Nam- đây là đế quốc rộng nhất trong lịch sử bành trướng của Trung Hoa.

Sau khi thực hiện việc bành trướng, việc làm đầu tiên của các đế chế phương Bắc là triển khai thực hiện chính sách đồng hóa nhằm hoán cải phong tục cũ, áp đặt lối sống mới, tổ chức truyền bá văn hóa của kẻ chiến thắng để thu phục nhân tâm, thực hiện giáo hóa dân chúng quy thuận về tân triều. Trước tiên là các đế chế phương Bắc tiến hành phân chia lại khu vực hành chính, bãi bỏ chế độ bộ lạc, áp đặt chế độ quận huyện nhằm vô hiệu hóa, tiến tới xóa bỏ các dấu vết tổ chức quyền lực của chế độ lạc hầu, lạc tướng cũ. Ngoài ra, chính quyền thống trị còn chủ trương bắt các "cừ súy" người Việt đem về Trung Quốc để loại trừ mầm mống chống đối. Thứ hai, chúng thực hiện chủ trương di dân khẩn thực nhằm thay đổi cơ cấu dân cư theo hướng tăng tỷ lệ dân nhập cư, xây dựng cơ sở xã hội mới, làm chỗ dựa cho chính quyền thống trị. Cùng với việc di dân, nước ta còn là nơi tiếp nhận không ít những dòng họ quan lại ở phương Bắc di tản xuống phương Nam, hoặc được chính quyền Trung Nguyên phái xuống làm việc rồi ở lại. Thứ ba, chúng áp đặt văn hóa Trung Hoa và xóa bỏ văn hóa Việt, tiến hành xóa bỏ các phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Việt, ép buộc người Việt phải theo phong tục, tập quán của người Hán như: cắt tóc, ăn mặc, lễ, tết, chôn trụ đồng đe dọa sự phản kháng của người Việt "Trụ đồng chiết Giao Chỉ diệt", lập đàng tràng, yểm bùa để phá bỏ long mạch, linh khí, làm cho người Việt không thể xưng vương. Mặc khác, họ không ngừng truyền bá tư tưởng Hoa Hạ [dân tộc đông nhất của Trung Quốc, sau này là dân tộc Hán], kỳ thị Man, Di, Nhung, Địch của người Hán, tư tưởng "Đại nhất thống", tôn sùng thiên tử của người Trung Hoa; đồng thời áp đặt quan điểm chính trị, đạo đức Nho giáo [tam cương, ngũ thường] và tư tưởng Đạo giáo, Phật giáo,...

Trong hành trình bị đồng hóa, văn hóa Việt không những bị mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn tiếp thu, tiếp biến, bổ sung vào kho tàng văn hóa những thành tựu đặc sắc. Trước hết, đó là tiếp thu văn hóa sản xuất và tiêu dùng sản phẩm vật chất như: canh tác nông nghiệp, nghề làm vườn, nghề thủ công: rèn sắt, làm gốm, làm giấy, làm gạch ngói, đào giếng,...Quá trình giao lưu văn hóa không chỉ thực hiện từ Bắc xuống Nam, mà còn theo chiều ngược lại. Một số thành quả mà người Việt đạt được đã truyền sang Giang Nam và phát triển tới cả vùng Trung Nguyên như: kỹ thuật trồng khoai lang, bông, làm đường bằng mía; một số thảo dược như ý dĩ, đậu khấu và nhiều sản phẩm thủ công như vải Cát Bá [Bối], đồ khảm xà cừ dùng làm đồ cúng được người phương Bắc rất ưa thích.

Thứ hai, tiếp thu văn hóa sinh hoạt tinh thần. Trước hết, phải kể đến việc phổ biến văn tự Hán, cùng với văn tự là các hệ tư tưởng Nho, Phật, Lão cùng một lúc truyền vào xứ ta. Người có công đầu truyền bá văn hóa Trung Hoa ở Việt Nam là Sỹ Nhiếp [thái thú quận Giao Chỉ] thời Đông Hán. Nước ta sau này ghi nhận công lao của Sỹ Nhiếp nên đã xây lăng và lập đền thờ ở Luy Lâu [Thuận Thành, Bắc Ninh], trong đền có bức hoành phi đề "Nam giao học tổ" [ông tổ việc học ở nước Nam]. Trên cơ sở tiếp thu văn tự Hán, các sĩ phu người Việt đã phóng tác ra chữ "Nôm", tức văn tự của phương Nam.

Từ những cứ liệu nêu trên cho thấy trải qua 1.000 năm đô hộ với nhiều chính sách đồng hóa của các đế chế phong kiến phương Bắc, song văn hóa Việt vẫn luôn đứng vững, đồng thời trong hành trình giao lưu đó, văn hóa Việt tiếp thu các yếu tố văn hóa ngoại sinh để làm giàu cho vốn văn hóa bản địa. Có được những thành quả to lớn đó là một cuộc đấu tranh bền bỉ, giằng co để bảo tồn nền văn hóa, thể hiện được bản lĩnh người Việt trong quá trình dựng nước và giữ nước, điều đó được chứng minh qua một số yếu tố sau:

Thứ nhất, tính cố kết cộng đồng góp phần đáng kể trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa người Việt. Sự thống trị hà khắc của quan lại đô hộ phương Bắc là điều kiện để duy trì và phát triển ý thức tự chủ của người Việt, chúng chỉ nắm được các châu, quận, còn người Việt vẫn làm chủ các chiềng, chạ, "hùng cứ hương thôn" của mình. Người Việt vẫn kiên trì bám đất, bám làng, củng cố cơ cấu xóm làng để nổi lên chống lại sự thống trị của người phương Bắc và bảo tồn văn hóa mình. Người Việt lưu giữ và trao truyền cho các thế hệ ý thức tự hào về truyền thống cộng đồng của mình.

Tính cố kết cộng đồng thể hiện cơ cấu xã hội của người Việt [nhà-làng-nước]- một sức mạnh có khả năng chống lại sự đồng hóa của ngoại bang. Nhà là cộng đồng văn hóa vi mô của những người thân thuộc, có vai trò giáo dưỡng nhân cách và trao truyền văn hóa cho các thế hệ tương lai. Làng, chiềng, chạ là một cộng đồng của những người láng giềng, sống chung với nhau theo luật- tục [hương ước] do nó định ra. "Làng" hội đủ các yếu tố của một đơn vị tự trị về đủ các mặt kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa. Người dân sống chủ yếu ở "làng", không gian riêng của người Việt, chẳng hạn như: "Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng nấy thờ" "Phép vua thua lệ làng", lũy tre làng, giếng làng, đình làng... Phạm vi ảnh hưởng của chính quyền đô hộ chủ yếu là đối với nước, văn hóa mà các tầng lớp ngoại bang mang tới trước hết là ảnh hưởng tới giới quan lại, còn người dân sống trong "làng" thì vẫn sinh hoạt theo văn hóa truyền thống. Theo nghĩa ấy, trong thời kỳ Bắc thuộc, người Việt mất nước mà vẫn giữ được "làng". "Làng" Việt giống như pháo đài thép đã bảo vệ vững chắc bản sắc văn hóa của dân tộc, nhờ đó mà vượt qua những thử thách khắc nghiệt của lịch sử.

Thứ hai, ý thức tự giác, tự tôn dân tộc góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Người Việt tiếp xúc với văn hóa phương Bắc không phải từ "số không" về văn hóa, mà vốn liếng văn hóa đã được hình thành và bồi đắp từ giai đoạn Đông Sơn thời đại các vua Hùng. "Cái căn cước" văn hóa ấy luôn luôn nhắc nhở ý thức văn hóa, ý thức chính chị của người Việt. Ý thức tự giác dân tộc đó được củng cố bởi tinh thần đấu tranh chống đồng hóa một cách kiên cường, hun đúc nên phẩm chất anh hùng, biểu hiện ra ở các cuộc khởi nghĩa chống ngoại bang như: khởi nghĩa Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Lý Bôn, Ngô Quyền... Các cuộc khởi nghĩa đó kế tiếp nhau xuất hiện để thức tỉnh tinh thần bất khuất, kết tụ thành hồn thiêng dân tộc, nuôi dưỡng ý chí độc lập, tự chủ, đẩy lùi mọi âm mưu và thủ đoạn đồng hóa của ngoại bang.

Thứ ba, chính quyền đô hộ phương Bắc tuy tàn bạo, nhưng không đủ mạnh. Thời Bắc thuộc kéo dài hơn một thiên niên kỷ, nhưng bị gián cách bởi những cuộc khởi nghĩa của người Việt. Tuy các cuộc khởi nghĩa đều thất bại, thậm chí bị dìm trong biển máu, nhưng mỗi cuộc như vậy là một dịp để người Việt nhìn lại mình, lấy thêm sức, dấn lên ở mức cao hơn trong sự giải phóng dân tộc. Mặt khác, các quan lại do triều đình Trung Quốc cử sang nước ta có một bộ phận coi như bị đày ải. Trong họ, một số người mang tâm trạng bất mãn với Trung Nguyên, muốn tách khỏi triều đình trung ương, xây dựng ý đồ các cứ. Một số người khác, sống quen với người Việt, muốn bản địa hóa để hòa nhập với địa phương và họ trở thành những người Nam gốc Bắc [người Việt gốc Hán], lâu dần trở thành người địa phương.

Thứ tư, việc giữ gìn tiếng Việt trải qua hàng ngàn năm thống trị, bị đồng hóa là một bằng chứng của việc giữ gìn văn hóa Việt. Tiếng Việt được giữ gìn và phát triển nhờ tiếp thu các yếu tố Hán tạo ra tiếng Hán- Việt, bên cạnh những tiếng thuần Việt, việc xuất hiện những từ Hán- Việt không giống với tiếng Hán cổ và bất cứ phương ngữ nào của Trung Quốc, đó là một đặc trưng riêng của ngôn ngữ Việt. Một nhà Việt Nam học người Hoa Kỳ [W.Taylor] nhận xét, đại ý: Trải qua ngàn năm Bắc thuộc mà người Việt không chịu nói tiếng Trung, thì điều ấy có nghĩa là họ không muốn trở thành người Trung Hoa vậy.

Thứ năm, văn hóa Việt luôn bảo tồn các phong tục tập quán của người Việt như: thờ cúng tổ tiên, thần thánh, tập quán tôn vinh phụ nữ, các phong tục nhuộm răng ăn trầu, cắt tóc xăm mình, đóng khố mặc váy,.... Dưới ách thống trị ngoại bang, người Việt vẫn lập đền thờ ghi nhớ các vị anh hùng, nuôi dưỡng các huyền thoại, huyền tích về cội nguồn của mình: truyền thuyết Lạc Long Quân- Âu Cơ, Tản Viên, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phùng Hưng... Chính những yếu tố đó đã khẳng định được sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt.

Qua thực tiễn giao lưu văn hóa trong thời Bắc thuộc, nhận thấy văn hóa Việt là một nền văn hóa có sức sống bền bỉ đến kỳ diệu, các giá trị của nó đã hình thành và bám rễ vào đời sống nhân dân ngay từ thời vua Hùng dựng nước. Qua quá trình bảo tồn, giao lưu, tiếp biến, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được bảo tồn, mặt khác đã tiếp nhận những yếu tố văn hóa ngoại sinh thích hợp để xây dựng nên một nền văn hóa Việt riêng biệt, không lẫn vào đâu được, mang đậm đà bản sắc dân tộc cho đến ngày hôm nay.

Ngọc Lâm

Video liên quan

Chủ Đề