So sánh giá thuê gian hội chợ cuối tuần năm 2024

Giới trẻ tại TPHCM đang kháo nhau về độ cực chất của “Quận Mới” (The New District, số 7 Tôn Đức Thắng quận 4). Ở đó, không chỉ là địa điểm chợ phiên cuối tuần mới mở gần đây với quy mô lớn nhất mà ngoài các shop bán hàng cho giới trẻ, khu ăn quà vặt, vẽ hana, còn có một không gian được thiết kế khá sành điệu cho các bạn trẻ chụp hình, tạo dáng trong tiếng nhạc sôi động của các DJ. Có thể nói, The New District đang là một chợ phiên được giới trẻ đánh giá là hội đủ yếu tố “3 in 1” (ba trong một) - mua sắm, ăn uống và vui chơi.

Ra đời theo phong trào

Từ năm 2011, người dân TP và nhất là giới trẻ đã biết đến mô hình chợ phiên cuối tuần hay chợ trời (the flea market) được tổ chức vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần hoặc cách tuần, thường hoạt động từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Tại các phiên chợ này, mọi người tha hồ mua sắm từ các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, đồ trang sức, túi xách, giày dép đến các gian hàng body art, vẽ hình xăm… với giá giảm từ 30% đến 70% so với thị trường. Ngoài ra, họ còn có thể thỏa sức ăn vặt với đủ các món ăn đường phố như bánh tráng trộn, bò bía, cá viên chiên, há cảo… Đến năm 2015, mô hình chợ phiên cuối tuần đã phát triển đến chóng mặt với hơn 10 địa điểm có mặt ở các quận nội đô đến các huyện ngoại thành.

So sánh giá thuê gian hội chợ cuối tuần năm 2024

Các bạn trẻ thích thú với gian hàng sản phẩm làm bằng tay tại chợ phiên Saigon weekend market

Cẩm Thanh (quận Bình Thạnh), thường xuyên dạo chợ phiên cho biết, ban đầu chị tìm đến chợ phiên vì cuối tuần chẳng biết đi đâu. Vào chợ phiên có thể dạo các gian hàng để ngắm đồ, còn có thể ngồi ăn vặt cùng bạn bè vào cuối tuần với giá bình dân. Từ từ thành thói quen, cứ cuối tuần là nhóm của Thanh tụ họp ở các chợ phiên. Đặc biệt chợ phiên được tổ chức tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng có các gian hàng đa phần là của giới nghệ sĩ nên thu hút rất đông giới trẻ đến mua sắm và nhìn các diễn viên ngoài đời thật.

Ngoài việc ăn uống và vui chơi với bạn bè tại chợ phiên thì đối với giới trẻ TPHCM, đến chợ phiên còn để “săn” hàng độc, lạ với giá cực rẻ. Đình Giang, sinh viên Đại học Kinh tế, cho biết mục đích của cô và nhóm bạn đến chợ phiên là để săn hàng làm bằng tay do các sinh viên làm như vòng đeo tay, móc chìa khóa, búp bê và các hình thú đan bằng len… Hàng mua được tại chợ phiên giá lúc nào cũng rẻ hơn mua ngoài chợ từ 10.000 đến 50.000 đồng. Nhiều lúc những mặt hàng được bày bán tại chợ phiên, không thể tìm mua được ngoài thị trường vì đa phần các gian hàng này chỉ xuất hiện trong chợ phiên và trên chợ online.

Bùng nổ theo nhu cầu

Bích Hiền (quận Gò Vấp), một trong những chủ gian hàng tại các chợ phiên ở khu vực quận 1, 3 từ nhiều năm nay, cho biết, ban đầu cô kinh doanh online qua facebook và Instagram. Hiện số lượt like (thích) trên hai trang mạng này của cô chiếm đến trên 20.000 nhưng do nhu cầu của các khách hàng muốn mặt hàng của cô có mặt tại chợ phiên để họ có thể đến tận nơi xem sản phẩm, do đó cô đã liên hệ với các quản lý của chợ phiên để thuê gian hàng. Cô kể, ban đầu để có một chỗ đứng tại các chợ phiên nổi tiếng như Hello weekend (ở sân vận động Hoa Lư quận 1), Sale4share (Nguyễn Du, quận 1) hoặc như ở sân Phan Đình Phùng rất khó khăn. Giá thuê một ngày từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng nhưng không phải lúc nào cũng có gian hàng trống để thuê. Như ba địa điểm trên, thường các gian hàng đều kín chỗ đến cuối năm, nếu muốn thuê phải thương lượng với các shop đã thuê rồi chia chỗ (nghĩa là bán chung một shop), thường giá chia chỗ đều cao hơn giá thuê. Như chia nửa shop giá 800.000 đồng, trong khi giá thuê nguyên shop là 1 triệu đồng. Sau vài tháng xuất hiện tại chợ phiên thì ban quản lý chợ phiên mới chấp nhận cho cô gia nhập vào chợ phiên và có một gian hàng riêng.

Tuy nhiên, cũng theo Hiền, doanh thu một ngày tại chợ phiên rất cao, có nhiều shop một ngày bán được gần 20 triệu đồng. Do đó, chỉ cần xuất hiện một tháng tám ngày cuối tuần ở các chợ phiên là đủ sở hụi. Với lý do này, càng ngày càng nhiều bạn trẻ không có vốn thuê mặt bằng mở shop, họ chỉ cần tìm đến các ban quản lý chợ phiên để thuê gian hàng kinh doanh. Một mặt thỏa chí kinh doanh, mặt khác kiếm được thu nhập cao.

Chợ phiên cuối tuần là một mô hình cần thiết, đáp ứng theo nhu cầu tất yếu cho giới trẻ, bắt kịp trào lưu toàn cầu, nhưng cách tổ chức và hình thức kinh doanh cần phải có sự đồng bộ và được quản lý chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, hình thức mẫu mã đến sự đồng bộ về giá cả so với thị trường chung. Hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi, việc giám sát của chính quyền địa phương và các cấp liên quan đối với hoạt động của chợ phiên gần như là bỏ ngỏ. Ban giám đốc các nhà thi đấu, trung tâm thể thao cho một nhà thầu tư nhân thuê mặt bằng để kinh doanh cuối tuần, còn việc cho thuê các gian hàng, kiểm tra mẫu mã, chất lượng đầu vào của các gian hàng thì giao phó hết cho các nhà thầu tư nhân.

Trong những tháng cuối năm, khi sức mua bắt đầu tăng thì việc vào cuộc của các cơ quan chức năng là cần thiết để mô hình này tiếp tục được phát triển theo hướng an toàn cho người tiêu dùng.