Sa Huỳnh là gì

Những phát hiện đầu tiên về Văn hóa Sa Huỳnh      Trong năm 1909, về phía Đông của đầm nước mặn Tân Diêm có dải cồn cát ngăn cách đầm với biển, trên dải cồn cát Sa Huỳnh, M. Vinet là quan thuế người Pháp làm việc ở Sở thương chính tại cửa biển Sa Huỳnh đã phát hiện một kho chum khoảng 200 chiếc trong chứa nhiều đồ tùy táng, những chum gốm này do người dân đào lên để lấy trong đó các hạt trang sức mã não, thủy tinh. Ông đã công bố phát hiện kho chum Sa Huỳnh này trong Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ [B.E.F.E.O][Vinet, 1909], điểm thời gian năm 1909 được lấy làm mốc khởi đầu cho sự phát hiện và nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh.        Năm 1923, La Barre khai quật tại Sa Huỳnh tìm thấy hơn 200 mộ chum, tài liệu được H. Parmentier chỉnh lý và công bố trong tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ [B.E.F.E.O][H.Parmentier, 1924]. Năm 1934, M.Colani khai quật tại điểm phát hiện văn hóa Sa Huỳnh thuộc làng Thạnh Đức và công bố tại hội nghị Tiền sử học Thái Bình Dương tổ chức tại Manila [Philippines] năm 1935 [M.Colani, 1935]. Đến năm 1936, M.Colani xác lập thuật ngữ Văn hóa Sa Huỳnh [Sahuynh Culture] khi nghiên cứu các di tích tiền sử ở Quảng Bình được công bố trong bài viết "Ghi chú về tiền sơ sử Quảng Bình", đăng trên tạp chí "Những người bạn Huế xưa". Tên gọi Văn hóa Sa Huỳnh"Sahuynh Culture” của M.Colani dùng để chỉ nền văn hóa của cư dân tiền sử có táng tục mộ chum và lấy địa điểm Sa Huỳnh [Quảng Ngãi] đặt tên cho nền văn hóa này [M.Colani, 1936]. Như vậy thuật ngữ văn hóa Sa Huỳnh hay còn gọi là Sa Huỳnh cổ điển do các học giả người Pháp định danh, nội hàm thuật ngữ chứa đựng các di tích thuộc thời đại đồ sắt có đặc trưng chung về văn hóa khảo cổ.      Thời gian tồn tại văn hóa Sa Huỳnh trước công nguyên khoảng 500 năm và kết thúc ở thế kỷ 2 sau công nguyên. Văn hóa Sa Huỳnh có chung một không gian liền khoảnh khu vực miền Trung từ Hà  Tĩnh vào đến Bình Thuận mà ở hai đầu của nó có sự giao thoa với văn hóa Đông Sơn [phía Bắc] và văn hóa Đông Nam Bộ [phía Nam]. Những di tích thuộc thời đại đồng thau cách nay trên dưới 3000 năm đến 2600 năm phát triển trực tiếp hay gián tiếp lên văn hóa Sa huỳnh được gọi bằng thuật ngữ “Tiền Sa Huỳnh” hoặc giai đoạn sớm của văn hóa Sa Huỳnh, trong đó các dòng chảy văn hóa Tiền Sa Huỳnh phát triển trực tiếp lên Sa Huỳnh như Long Thạnh, Bình Châu I, Bình Châu II, Bàu Trám [lớp sớm], Bãi Ông. Gián tiếp góp phần vào sự hình thành Sa Huỳnh ví như văn hóa Xóm Cồn. Không gian phân bố của các di tích Tiền Sa Huỳnh tồn tại trong khu vực Nam Trung Bộ, giữa chúng đều có mối quan hệ, tuy thời gian có sớm muộn khác nhau nhưng cùng góp phần vào sự hình thành đỉnh cao Sa Huỳnh sắt [Đoàn Ngọc Khôi, 2004].      Không gian phân bố văn hóa Sa Huỳnh trải dài ở miền Trung Việt Nam; phía Bắc giao thoa với văn hóa Đông Sơn ở Bãi Cọi [Hà Tĩnh]; phía Nam giao lưu với văn hóa Đông Nam Bộ ở Bình Thuận; phía Tây trải dọc theo thung lũng Đông Trường Sơn giao lưu với văn hóa Tây Nguyên; phía Đông văn hóa Sa Huỳnh vươn ra hệ thống các đảo trong vùng biển của Việt Nam như: Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Phú Quý, Thổ Chu, Côn Đảo, Phú Quốc... ở đây văn hóa Sa Huỳnh giao lưu với văn hóa của vùng đảo Tây Thái Bình Dương theo dòng chảy văn hóa hải lưu.      Vùng trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh nằm ở tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bắc Bình Định. Đặc biệt tại tỉnh Quảng Ngãi, văn hóa Sa huỳnh phân bố theo ba vùng sinh thái văn hóa rất đặc trưng và được xác thực qua các cuộc khai quật khảo cổ quy mô, đó là: Vùng núi – thung lũng sông Tang Hồ nước Trong; Vùng đồng bằng duyên hải – Long Thạnh, Bình Châu, Sa Huỳnh; Vùng đảo Cù lao Ré – Xóm Ốc, Suối Chình. Tại các điểm trung tâm này đã tìm thấy hàng trăm mộ chum, mộ vò, mộ đất của văn hóa Sa Huỳnh và hàng ngàn di vật đá, đồng, sắt, gốm, thủy tinh, đồ trang sức đá ngọc nephrit, agat.

Đặc điểm di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh:

     Cư trú và Mộ táng Về di chỉ cư trú: Dấu tích cư trú của cư dân văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện ở vùng đồng bằng duyên hải, vùng thung lũng núi và vùng đảo gần bờ. Giai đoạn sơ kỳ đồng thau tiền Sa Huỳnh tại địa điểm Long Thạnh [Quảng Ngãi] có tầng văn hóa di chỉ cư trú dày trên 2m, Bình Châu dày trên 2m. Giai đoạn sơ kỳ sắt văn hóa Sa Huỳnh, trong đất liền có lớp cư trú mỏng, phát hiện khá ít, cụ thể tìm thấy ở Gò Ma Vương, Trà Veo 3 [Quảng Ngãi]... ở đảo có lớp cư trú dày hơn cụ thể ở Cù Lao Ré, Cù Lao Chàm... hầu hết các di chỉ cư trú đều xen lẫn với mộ táng, điều đó có nghĩa là mộ táng chôn ngay vào nơi cư trú.      Về mộ táng: Mộ chum là truyền thống táng thức cơ bản của văn hóa Sa Huỳnh, với các kiểu dạng chum hình trứng, hình cầu, hình trụ, có nắp đậy là bát bồng lớn hình nón cụt thân được trang trí hoa văn tỉ mỉ. Các mộ chum có kích thước lớn chôn theo cụm bãi, đặc biệt còn tìm thấy các dạng chum lồng ở Hậu Xá II, ở Gò Dừa, có những khu mộ chum lớn như Phú Khương, Thạnh Đức [Quảng Ngãi] số chum khai quật được ở các thập niên đầu thế kỷ 20 của người Pháp khoảng 500 chum.  Ngoài ra trong văn hóa Sa Huỳnh có đa dạng trong loại hình mộ táng, có những địa điểm di tích văn hóa Sa Huỳnh bên cạnh mộ chum là mộ đất, mộ vò, mộ nồi được phát hiện khai quật ở Tiên Lãnh, Thạch Bích, Gò Mả Vôi [Quảng Nam], Xóm Ốc, Gò Quê, Trà Veo 3 [Quảng Ngãi].  

Mộ chum được trưng bày tại Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh

​​      Đặc điểm chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh Tài liệu nhân học chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh khá phong phú, trên địa bàn văn hóa Sa Huỳnh đến nay tìm thấy khá nhiều di cốt người. Khởi đầu tìm thấy ở Mỹ Tường [1979], Bàu Hoè [1990] Ninh Thuận có di cốt người cổ, Lê Trung Khá và Hoàng Tử Hùng xác định thuộc thành phần nhân chủng Indonésien. - Năm 1990, 1 hộp sọ vỡ vụn còn ít răng phát hiện ở Bình Ba [Khánh Hòa]. - Năm 1997, tìm thấy ở Xóm Ốc [Quảng Ngãi] di cốt người lớn chôn song táng trong mộ huyệt đất và  di cốt trẻ em cải táng trong mộ nồi. Năm 1998, di cốt người cổ tìm thấy trong chum ở Bình Yên [Quảng Nam]. - Năm 1999, tìm thấy ở Hòa Diêm di cốt người chôn trong vò. - Năm 2000, ở Suối Chình [Quảng Ngãi] tìm thấy di cốt trẻ em táng trong mộ nồi, nhưng chưa có sự giám định nhân chủng. - Năm 2000 ở Gò Mả Vôi [Quảng Nam] cũng phát hiện một ít dấu vết xương răng trong chum. - Cuối năm 2002 tại địa điểm Bình Châu II [Quảng Ngãi] cũng phát hiện một số di cốt người trong mộ đất. - Năm 2005 tại Gò Quê [Quảng Ngãi] phát hiện xương răng hỏa táng trong mộ chum văn hóa Sa Huỳnh. - Năm 2008 tại Dương Quang [Quảng Ngãi] phát hiện di cốt hỏa táng trong mộ chum văn hóa Sa Huỳnh.      Sau khi nghiên cứu nhân cốt ở một vài địa điểm, Nguyễn Lân Cường cho rằng các di cốt người ở các địa điểm Xóm Ốc, Bình Yên, Bầu Hòe và Bình Ba đều là cư dân Mongoloid có xen đôi nét của đại chủng Australoid. Riêng người cổ Hòa Diêm, Nguyễn Lân Cường cho rằng là bộ phận của người Indonésien từ Tây Nguyên tràn xuống vùng đất miền Trung từ hậu kỳ đá mới; hoặc đi lên từ  phía Nam. Theo G.S Hà Văn Tấn, vẫn còn quá sớm để nêu lên đặc điểm chủng tộc của người Sa Huỳnh, theo ông có khả năng trong quần thể Sa Huỳnh có những loại hình nhân chủng khác nhau. 

Ngôn ngữ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh

     Tình hình nghiên cứu cũng chưa thật khả quan nhưng với quan điểm hiện nay đa số ý kiến cho rằng cư dân Sa Huỳnh nói tiếng Nam Đảo [Malayo - Polynesiens]. Tuy nhiên đồng bằng duyên hải miền Trung vốn là nơi tụ hội các dòng văn hóa, nhân chủng và ngôn ngữ. Do vậy ngữ hệ Nam Đảo không thể phát triển biệt lập như một ốc đảo được mà phát triển trong khung cảnh giao tiếp văn hóa và tộc người, tiếp nhận các yếu tố ngôn ngữ của các nhóm cư dân khác. Hiện tượng tiếp nhận và tiếp biến văn hóa đồng thời với tiếp nhận và tiếp biến các yếu tố ngôn ngữ luôn xảy ra gần như là một quy luật. Chỉ có điều mức độ xảy ra như thế nào và tốc độ nhanh chậm ra sao. Tài liệu khảo cổ học cho thấy trong nội dung văn hóa Sa Huỳnh có các yếu tố văn hóa thời đại kim khí vùng Đông Nam Bộ và Thái Lan. Và ngược lại, các yếu tố văn hóa Sa Huỳnh cũng có mặt ở các nơi trên và trên các vùng khác của cư dân nói ngữ hệ Nam Á [Austro - Asiatic]. Rõ ràng địa bàn phân bố của người Sa Huỳnh đã có  pha trộn ngữ hệ Nam Đảo và Nam Á cổ.      Văn hóa Sa Huỳnh có mối quan hệ cũng rất mật thiết với cư dân hải đảo, đặc biệt là Philippines. Táng tục mộ vò, khuyên tai bốn mấu, khuyên tai hai đầu thú, đồ thủy tinh, mã não .v..v... có mặt trong các văn hóa sắt sơm ở Philippines chúng ta có thể thấy mối quan giao tiếp văn hóa xảy ra ở mức độ cao. Hải đảo Đông Nam Á trong đó có cư dân Philippines, Indonesia, Malaysia .v..v... là nơi tụ cư chủ yếu của tộc người Nam Đảo và họ đã nói ngữ hệ Nam Đảo. Sự lan tỏa của cư dân Nam Đảo mang theo văn hóa và ngữ hệ của mình đến nhiều khu vực ở Đông Nam Á, trong đó có khu vực Nam Trung Bộ Việt Nam, là địa bàn của cư dân  Sa Huỳnh. Tuy nhiên cư dân Sa Huỳnh không hẳn nói thứ tiếng không hẳn thuần Nam Đảo mà là ngôn ngữ giao thoa giữa Nam Đảo và Nam Á đó là ngữ hệ Nam Phương [Austric] [Ngô Thế Phong, 1995].

Bia ký Chăm

Đặc điểm cuộc sống sinh hoạt của cư dân văn hóa Sa Huỳnh

     Cư dân văn hóa Sa Huỳnh vừa khai thác canh tác ở vùng đồng bằng hẹp trước núi, vừa dựa vào cửa sông đi ra ra biển khơi đánh bắt thủy sản, buôn bán trao đổi trên biển. Cư dân Sa Huỳnh đã thành công khi vươn ra chiếm lĩnh các đảo gần bờ, ở đó họ hòa mình trong không gian biển đảo để tồn tại, tạo dựng nên diện mạo văn hóa Sa Huỳnh mang sắc thái biển đậm đà.      Nông nghiệp trồng lúa của cư dân văn hóa Sa Huỳnh rất phát triển. Bằng chứng qua dấu vỏ thóc trấu trong gốm Sa Huỳnh ở Điện Bàn. Dấu ấn hoa văn hình bông lúa trên nồi gốm Bình Châu. Đương nhiên đối với cư dân Sa Huỳnh, lúa là thành phần cây lương thực chính, nhưng ngoài lúa thì trong nền nông nghiệp Sa Huỳnh còn có một số cây lương thực khác như khoai, sắn, đậu, bắp... thích hợp trồng ở đất phù sa cát bồi ven sông. Buổi đầu các phương tiện phục vụ cho canh tác nông nghiệp có các công cụ cuốc đá thô sơ nhưng ở giai đoạn đỉnh cao của Sa Huỳnh với sự ra đời các công cụ cuốc sắt cùng các loại thuổng, liềm, dao, rìu sắt đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển, dẫn đến hình thành nên những làng mạc tập trung đông đúc dân cư trù phú.       Trong hoạt động sống của cư dân Sa Huỳnh, biển chiếm vị trí quan trọng, biển cung cấp cá và các nguồn lợi thủy sản, cũng như biển giúp cho con người Sa Huỳnh điều kiện mở rộng vươn xa hơn bằng phương tiện thuyền bè đến các nơi xa xôi và ngược lại. Biển chiếm vai trò quan trọng trong đời sống cư dân Sa Huỳnh. Bằng sự ưu đãi của thiên nhiên về đường bờ biển kéo dài và có những cửa sông để đi ra biển thuận tiện, cho nên người Sa Huỳnh đã vươn ra biển buôn bán trao đổi với bên ngoài. Đồng thời ngược lại những luồng thương mại trên biển cũng dễ dàng xâm nhập vào xã hội Sa Huỳnh qua hệ thống các cửa biển.      Buôn bán là con đường dẫn đến giao tiếp văn hóa, hòa đồng nhân chủng, ngôn ngữ . Trong khu vực Đông Nam Á, sự trao đổi buôn bán giữ vị trí quan trọng, phân tích vai trò của nó, Hutterer, nhà khảo cổ học người Mỹ, đã cho rằng “...Hoạt động buôn bán đóng vai trò lớn trong sự tiến triển văn hóa ở Đông Nam Á và làm động lực gián tiếp để biến đổi văn hóa” [Hutterer, 1974]. Trung tâm Sa Huỳnh có sự giao lưu rộng với các nơi trong khu vực thể hiện qua những khuyên tai ba mấu nhọn, khuyên tai hai đầu thú ... là những hiện vật đặc trưng của Sa Huỳnh tìm thấy ở vùng phân bố của văn hóa Đông Sơn, ở Thái Lan, ở vùng hải đảo Đông Nam Á...      Trong các mộ chum Sa Huỳnh có các hiện vật trang sức bằng đá mã não và các loại đá quý khác đều có nguồn gốc từ vùng Trung Á. Các loại gương đồng tìm thấy ở vùng trung du Nghĩa Hành [Quảng Ngãi], Bình Yên [Quảng Nam]... cùng với tiền đồng Ngũ Thù tìm thấy ở Xóm Ốc [Quảng Ngãi] và các di tích Sa Huỳnh ở Hội An... chúng đều có nguồn gốc giao lưu trao đổi với văn hóa Hán theo giao thương hàng hải trên biển. 

Mộ chum được trưn bày tại Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh

     Cư dân Sa Huỳnh có nhiều nghề thủ công như nghề trồng đay kéo sợi, nghề chế tác đá, nghề luyện kim đồng sắt, nghề nấu thủy tinh, nghề gốm... Nghề trồng đay, gai để kéo sợi dệt vải mặc, đan lưới đánh cá trong cộng đồng cư dân Sa Huỳnh phát triển, các dọi xe sợi tìm thấy trong di chỉ cư trú và trong mộ táng đã phản ánh sự phát triển của nghề thủ công này.       Người Sa Huỳnh có nghề gốm rất phát triển, các sản phẩm gốm được chú ý tạo tác công phu, càng về sớm thì đồ gốm càng đẹp, nó như tác phẩm nghệ thuật. Trong cộng đồng cư dân Sa Huỳnh, nghề luyện sắt phát triển với các mỏ lộ thiên nằm ở vùng đồng bằng khiến cho việc khai thác nguyên liệu cho nghề  rèn luyện sắt của người tiền sử diễn ra dễ dàng. Đồ sắt Sa Huỳnh không những được dùng ở Sa Huỳnh mà dựa vào thế mạnh này cư dân Sa Huỳnh đã trao đổi buôn bán với các cư dân khác.      Nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ Philippines đã cho đồ sắt có mặt trong văn hóa sơ kỳ sắt ở khu vực này có nguồn gốc từ Sa Huỳnh và có mối quan hệ mật thiết với Sa Huỳnh. Giai đoạn Tiền Sa Huỳnh đã xuất hiện nghề luyện kim đồng rất phát triển đã tìm thấy mảnh khuôn đúc, xỉ đồng, nồi nấu đồng, muôi rót đồng...      Đồ trang sức của người Sa Huỳnh bao gồm khuyên tai ba mấu và bốn mấu nhọn, khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai hai đầu thú, hạt chuỗi hình đốt trúc... bằng đá nephrit, là những hiện vật đặc trưng của người Sa Huỳnh. Tại Bình Châu có tìm thấy khuyên tai hình đỉa bằng đất nung là hiện vật giao lưu với văn hóa Tiền Đông Sơn phía Bắc. Các di tích Sa Huỳnh muộn tìm thấy loại hạt chuỗi mã não đó là hiện vật giao lưu nhập ngoại từ nơi khác vào trong xã hội Sa Huỳnh. Đặc biệt đối với cộng đồng cư dân Sa Huỳnh sinh sống trên đảo Lý Sơn đã biết thích ứng với điều kiện môi trường tự nhiên để tạo nên các sản phẩm trang sức từ vỏ nhuyễn thể như vòng, hạt chuỗi, khuyên tai, nhẫn...Đây chính là bằng chứng thuyết phục nhất về sự hòa nhập với môi trường và sức sáng tạo mạnh mẽ của người Sa Huỳnh      Đặc biệt người Sa Huỳnh đã  biết nấu thủy tinh, nguồn nguyên liệu cát để nấu thủy tinh ở Sa Huỳnh rất phong phú. Sản phẩm thủy tinh bao gồm các đồ trang sức như khuyên tai, hạt chuỗi... với nhiều kiểu loại, trong đó đặc sắc nhất là khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu nhọn. Những loại khuyên tai này được các cư dân Đông Nam Á rất ưa chuộng, sự có mặt của chúng ở nhiều khu vực khác nhau ở Đông Nam Á đã nói lên điều đó. 

Phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh: các cột mốc quan trọng

     Trong suốt  thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện nghiên cứu liên tục, tổng quan nghiên cứu có thể đánh dấu các mốc sự kiện quan trọng sau: - Khởi đầu năm 1909 mốc quan trọng, đó là phát hiện đầu tiên về văn hóa Sa Huỳnh của M. Vinet về khu mộ chum vùi trong đồi cát ven biển của vùng Sa Huỳnh. - Năm 1934 bà M.Colani đã đến khảo sát và khai quật 55 chum ở Thạnh Đức, 187 chum ở Phú Khương, Phú Lu [ Sa Huỳnh - Quảng Ngãi]. - Năm 1936 trong bài viết "Ghi chú về tiền sơ sử Quảng Bình", nhân phát hiện mộ chum ở Cổ Giang và Cương Hà đăng trên tạp chí "Những người bạn Huế xưa", bà M.Colani lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ "Văn hóa Sa Huỳnh", bà viết như sau "Bằng vào các tóm tắt và các mô tả trên, người ta thấy rằng nền văn hóa cạnh Đồng Hới này có những điểm gần gũi với văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn". - Bắt đầu từ các năm 1959 đến năm 1961 W. G. SolheimII,  sau khi nghiên cứu loại hình gốm Kalanay ở Philippin; ông đã đề xuất khái niệm "phức hệ gốm Sa Huỳnh Kalanay". Để có nhanh chóng những tư liệu khẳng định giả thuyết trên, W.G SohiemII đã thúc đẩy O.Janse, L.Malleret có những bài viết về văn hóa Sa Huỳnh. - Vào năm 1939, O. Janse đã khảo sát và khai quật 30 mộ chum tại Sa Huỳnh, sau đó năm 1960, ông quay trở lại Sa Huỳnh một tuần để nghiên cứu thêm. Tư liệu được tập hợp và công bố trong tạp  chí Asian Perspective năm 1961. Trên cơ sở phân tích về loại hình chum táng và đồ gốm Sa Huỳnh, O. Janse đưa ra khái niệm "Phức hợp Sa Huỳnh" [Sa Huynh Complex]. - Cũng trên cồn cát Sa Huỳnh, L. Malleret khai quật năm 1957, thu nhặt những mảnh gốm nằm trên bề mặt di tích và dựa trên cơ sở nghiên cứu đồ gốm ở bảo tàng Finot, đã đặt ra mối quan hệ rộng hơn trong khu vực Đông Nam Á của văn hóa Sa Huỳnh trong bài viết vào năm 1961. - Những bài viết của L. Malleret và O. Jansé về Sa Huỳnh đăng trên tạp chí Asian Perspectives, cùng với tư liệu khai quật Sa Huỳnh công bố của M.Colani, và của H.Parmentier đem lại nhiều tư liệu giúp cho W.G SolheimII củng cố giả thuyết "Phức hợp Sa Huỳnh - Kalanay" [Sahuynh-Kalanay complex]. W.G. Solheim II là người có nhiều đóng góp khi đặt vấn đề nghiên cứu Sa Huỳnh trong bối cảnh Đông Nam Á. Đến giai đoạn sau này, W.G. SolheimII còn mở rộng và đẩy lùi về quá khứ  không gian tồn tại của gốm SaHuỳnh-Kalanay, nâng lên thành "Truyền thống Sa Huỳnh-Kalanay" [Sahuynh- Kalanay Tradition].  

Một góc đầm An Khê

     Chiến tranh ác liệt ở Việt Nam đã làm dừng lại một thời gian nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh. Bắt đầu từ sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam bắt đầu các cuộc khai quật nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và các tỉnh miền Trung đã phát hiện và khai quật hàng loạt các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh đem lại những tư liệu và nhận thức mới về văn hóa Sa Huỳnh, nhờ đó tri thức về văn hóa Sa Huỳnh được mở rộng nhanh chóng [Hà Văn Tấn, 1999].      Trong suốt thế kỷ 20 từ khi tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đăng dòng tin ngắn về kho chum tại Sa Huỳnh [Quảng Ngãi] đến nay số lượng các di tích văn hóa Sa Huỳnh tăng lên trên 100 di tích.  Đồng thời nhận thức về văn hóa Sa Huỳnh của các nhà khoa học cũng có những bước tiến nhất định, thể hiện ở nhiều bản báo cáo khoa học về điều tra, thám sát, khai quật công phu qua từng năm.      Nhiều bài tạp chí, nhiều sách chuyên khảo của các học giả trong và ngoài nước luận bàn về văn hoá Sa Huỳnh trên các khía cạnh: tính chất văn hoá, niên đại, nguồn gốc, chủ nhân, đời sống vật chất và tinh thần, sự giao lưu của văn hoá Sa Huỳnh ở trong khu vực, ở khắp Đông Nam Á.

Đến nay có những mốc đáng ghi nhớ đánh dấu việc nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh.

- Đó là cuộc hội thảo khoa học chuyên đề về văn hoá Sa Huỳnh đầu tiên được tổ chức năm 1981 tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, đây là cuộc hội thảo quan trọng lần đầu tiên về văn hoá Sa Huỳnh. - Tiếp đến năm 1995, cuộc hội thảo khoa học về văn hoá Sa Huỳnh ở Hội An. - Năm 1999 là cuộc hội thảo khoa học lớn kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh  do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng lịch sử Việt Nam tổ chức. - Năm 2009, hội thảo kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh do Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tại Quảng Ngãi. - Năm 2019, hội thảo kỷ niệm 110 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh trong khuôn khổ hội thảo Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Sa Huỳnh  do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức tại Quảng Ngãi.

Các cuộc hội thảo này đã làm rõ một số vấn đề khoa học về văn hóa Sa Huỳnh:

     Văn hoá Sa Huỳnh được hình thành từ nhiều nguồn hợp khác nhau, cùng thống nhất trong đa dạng và là một văn hoá bản địa. Văn hoá Sa Huỳnh ở điểm phát triển muộn của nó là cơ sở vật chất để chuyển biến sang một giai đoạn mới với việc hình thành nên các tiểu quốc cổ đại ở Miền Trung Việt Nam mà sau này được thống nhất dưới cái tên Lâm ấp [Linyi] năm 192 sau công nguyên. Những cuộc khai quật ở Phú Thọ Cổ Lũy, Suối Chình [Quảng Ngãi], Trà Kiệu, ở Khu vực I Cẩm Phô Hội An; di chỉ Gò Cấm [Quảng Nam]... đã có những tín hiệu khớp nối giữa văn hoá Sa Huỳnh muộn và Champa sớm.. Các đặc trưng của văn hoá Sa Huỳnh dần được làm rõ: từ các cách chôn cất trong mộ chum, nồi, vò, mộ đất... đa dạng đến các bộ sưu tập công cụ, vũ khí sắt, đồng,  đồ trang sức đã ngày càng thấy có sự đa dạng hơn.  Niên đại của Sa Huỳnh và Tiền Sa Huỳnh cũng được kéo dài hơn, ít ra là từ vài ngàn năm trước Công nguyên đến Công nguyên.  Văn hoá Sa Huỳnh không khép kín mà giao lưu rộng rãi. Với văn hoá Đông Sơn phía Bắc, văn hoá Sa Huỳnh có một vùng “giao thoa” ở Hà Tĩnh... Với các văn hoá thời đại kim khí ở Đông Nam Bộ, văn hoá Sa Huỳnh cũng có những sự giao lưu mạnh mẽ ở hình thức táng tục bằng các chum gốm... Văn hoá Sa Huỳnh còn có sự giao lưu mạnh với Tây nguyên và khu vực Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh

           

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quàng Văn Cậy [1977], " Khai quật di chỉ khảo cổ học Gò Ma Vương [Nghĩa Bình]", NPH ... 1977, tr. 110 - 1131. 2. Nguyễn Lân Cường [1999], "Xung quanh những tài liệu cổ nhân học về chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh", Hội thảo 90 năm văn hóa Sa Huỳnh, tại viện BTLSVN, Hà Nội. 3. Nguyễn Trung Chiến,  Đào Quý Cảnh "[1999], Báo cáo khai quật địa điểm bãi Ngự và bãi Dong đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc tỉnh  Kiên Giang", HS 394 4. Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Thị Hoài Hương, Nguyễn Thị Hà, YAMAGATA. M, [1999]. "Khai quật địa điểm khảo cổ học Bình Yên [xã Quế Phước, huyện Quế Sơn, Quảng Nam]", NPH ... 1998, tr. 227-229. 5. Ngô Sĩ Hồng [1987], "Nguồn gốc và quá trình phát triển của văn hoá Sa Huỳnh", KCH [3] tr 37 - 53. 6. Hoàng Tử Hùng, Lê Trung Khá [1990], "Hình thái nhân chủng những răng người cổ ở Mỹ Tường và Bàu Hoè thuộc văn hoá Sa Huỳnh", KCH [3], tr. 49 - 54. 7. Đoàn Ngọc Khôi [2004], "Di tích Xóm Ốc và vấn đề văn hóa Sa Huỳnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ” Luận án Tiến Sĩ Sử học, Hà Nội 2004. 8. Đoàn Ngọc Khôi [2001], "Vai trò của các đảo ven bờ và vùng duyên hải trong nghiên cứu Văn Hóa Sa Hùynh ở miền Trung Việt Nam" Hội thảo khoa học, một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, Viện KCH, Viện BTLSVN. 9. Đoàn Ngọc Khôi [2001], "Di tích Xóm Ốc [Cù Lao Ré - Quảng Ngãi] và di tích Bãi Ông [Cù Lao Chàm - Quảng Nam]: Tư liệu và nhận thức", KCH [4], tr. 75 - 100. 10. Phạm Thị Ninh, Đoàn Ngọc Khôi [1999], " Xóm Ốc, di tích văn hoá Sa Huỳnh ở Đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi ", KCH [2], tr. 14 - 39. 11. Ngô Thế Phong[1995], "Văn hoá Sa Huỳnh trong bối cảnh Đông Nam á", KCH [4], tr. 45 - 47. 12. Trịnh Sinh [1979], "Mối quan hệ Đông Sơn - Sa Huỳnh qua những tài liệu mới", NPH... 1979, tr. 166 -168 13. Trịnh Sinh [1979],"Vài nét về giao lưu văn hoá ở thời đại kim khí trong bối cảnh lịch sử Đông Nam Á", KCH [3], tr. 49 - 63. 14. Nguyễn Khắc Sử, Võ Quý, Bùi Văn Liêm, Trần Quý Thịnh  [1999], "Dấu ấn tiền Sa hùynh và Sa Huỳnh ở Tây Nguyên", Bài đọc trong hội thảo khoa học 90 năm văn hoá Sa Huỳnh tại  BTLSVN, Hà Nội. 15. Chử Văn Tần [1978], "Về văn hoá Sa Huỳnh", KCH [1], tr. 52 - 60. 16. Chử Văn Tần [1997], "20 năm sau phát hiện Long Thạnh, một lần nữa nhìn lại Sa Huỳnh ", KCH [1], tr. 11 - 37. 17. Chử Văn Tần [1998],"30 năm khảo cổ học kim khí một chặng đường - ba nền cảnh - ba bước chuyển - một đích mới", KCH [3] tr. 36 - 46. 18. Hà Văn Tấn [1983], "Suy nghĩ về Sa Huỳnh và từ Sa Huỳnh ". TBKH của BTLSVN [1], tr. 45 - 50. 19. Trần Quốc Vượng [1995], "Về một nền văn hóa cảng thị ở miền Trung". Khoa học và phát triển, [35], tr 21 - 22 20. Reinecke A. , Nguyễn Chiều và Lâm Thị Mỹ Dung[2002], " Những phát hiện mới về văn hóa Sa Huỳnh - Khu mộ táng Gò Mả Vôi và vị thế của nó ở Miền Trung Việt Nam", Linden Soft. 21. Hutterer K.L[1974], “The revolution of Philippine Lowland socioties”. Mankid, N09, London. 22. Geldern. R. h. [1973], "Quê hương và cuộc di cư của người Nam Đảo", trong Nhân học [27]TL dịch lưu tại Trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội. 23. Ian  Glover  và Mariko Yamagata [1995], “Nguồn gốc về văn minh Chăm: Các yếu tố bản địa, các ảnh hưởng của Trung Quốc, ấn Độ ở Miền Trung Việt Nam qua kết quả khai quật Trà Kiệu [ Duy Xuyên, Quảng Nam-Đà nẵng] 1993”, KCH [3], tr. 46 - 61. 24. Izena sellmound excavation project[1993] "Izena shellmound". Izena village fureal museum. 25. Fox R.B [1970], "The Tabon caves", Monogaph of the National Museum , Manila. 26. Janse, O. [1961], "Some notes on the Sa Huynh Complex", AP, Vol. III, N0 2, pp. 109-111  27. Solheim II,, W. G. [1964], "Further relationships of the Sa Huynh-- Kalanay pottery tradition", AP, Vol. VIII, N0 1. pp. 196-211. 28. Solheim II, W. G. [1967], "The Sa Huynh- Kalanay pottery tradition: past and future research,"  Studies in Philippine Anthoropology, pp.  151 - 174. 29. Solheim II, W. G. [1994] "Material culture along the black current" International christian university archaeology research center, pp.2-32. 30. Colani, M. [1935], "Le ceramique de Sa Huynh", The 2nd Coongress of Far - Eastern  Prehistorians in Manila, 1935. 31. Colani, M. [1936], " Notes pré et protohistoriques province de Quang Binh", Bulletin des Amisdu Vieux Hue, N0 23. 32. Malleret, L. [1961], "Quelques  poteries de Sahuynh dans leurs rapports avec divers sites du Sud- Est de l,Asie", AP, Vol. I-II, pp. 113 - 119. 33. Mansuy. H [1925], "Nôte sur deux instruments en pièrre polie provenant de L' Ile de Tre [ An Nam], MSGI, Vol XII, fasc. II, Hanoi, 1925. 34. Pamentier, H. [1924], Notes d’ Archéologique Indochinoise, VII. Dépôts de jarres à Sa Huynh [Quang Ngai - Annam]", BEFEO, Vol. XXIV, pp. 325 - 343.

35. Vinet, M. [1909], " Chronique”, BEFEO, t. IX, Hanoi, pp. 423.


Liên hệ quảng cáo 02553.829.473

Video liên quan

Chủ Đề