Những mầm cây vươn lên tua tủa như thế nào

Triển lãm tranh “Hội tụ mùa thu”

[HNM] - Lúc tôi ngồi viết những dòng này thì trăng đã lên ngang trời. Lâu lắm rồi mới thấy một đêm Trung thu mà trăng lại sáng như đêm nay. Ánh trăng chảy tràn trên những vòm lá cây lấp lánh. Về khuya, tiếng trống “tùng rinh rinh, tùng rinh rinh…” của lũ trẻ đã dịu bớt. Hà Nội như dịu xuống, mơ màng trong ánh trăng thu. Tết Trung thu trước hết là cho trẻ nhỏ, giáo dục các bé tình yêu thiên nhiên, yêu lao động, yêu quý những gì gắn bó với quê hương, nguồn cội. Thế nhưng những năm gần đây, các chợ Tết Trung thu tràn ngập đồ chơi điện tử, các đồ chơi mang tính bạo lực. Cái cách người lớn dung nạp vào Tết của trẻ nhỏ những gam màu vật chất đang dần dần làm mai một đi nét đẹp truyền thống nguyên khôi và hồn nhiên trong trẻo của Trung thu. Tết Trung thu là của con trẻ nhưng không ít người lớn lại được dịp “chăm sóc” nhau quá chu đáo, quà cáp đủ dạng, trong đó có những hộp bánh Trung thu có giá đến hơn 16 triệu đồng. Đó là điều đáng suy ngẫm. Trước chiều hướng không vui đó, năm nay, các cấp ở Hà Nội, từ thành phố đến quận huyện, xã phường, thôn xóm, tổ dân phố đều chú ý tổ chức Tết Trung thu mang đậm chất dân gian. Nơi nơi rộn ràng tiếng trống, các đoàn rước đèn ông sao náo nức, nhiều nơi có các đội múa rồng, múa lân trình diễn sống động. Các sân khấu được dựng lên khắp nơi, kích cỡ khác nhau, nhưng nơi nào cũng có chú Cuội - chị Hằng trao tặng cho các bé những tiết mục dân gian vui nhộn, những tiếng cười sảng khoái và những tràng pháo tay vang dội. Một số nơi ở nội thành Hà Nội còn tổ chức các lớp dạy cho trẻ em cách làm diều, nặn tò he và các con vật quen thuộc. Sắc màu văn hóa dân gian đang dần trở lại trong Tết Trung thu. Một tín hiệu đáng mừng. Có thể thấy, Trung thu năm nay, nhìn chung trẻ em được quan tâm nhiều hơn, nhất là những em bị tật nguyền, nạn nhân chất độc da cam, trẻ có HIV, những em lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Nơi nơi, từ thành thị đến nông thôn, tùy theo điều kiện của từng nơi, ít nhiều các em đều có Tết. Các túi quà thiết thực đầy tình người được trao vào tay các bé có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều cháu quá bé, khệ nệ ôm túi quà to hơn người, mắt thơ ngây ngước nhìn người trao quà tỏ lòng biết ơn. Xoa đầu, ôm lấy các bé mà lòng tôi rưng rưng. Nhiều bé không có bố mẹ, gia đình. Không phải ở đâu, tất cả các cháu có hoàn cảnh đáng thương cũng đều được chăm sóc như vậy, nhưng có thể nói ngọn lửa nhân ái đang lan tỏa trong xã hội, và ngày càng có nhiều nghĩa cử cao đẹp. Cho dù vậy, vẫn mong ước ai đó hãy bớt đi những trận “đập phá” thâu đêm, ném tiền qua cửa sổ, mà hãy giang rộng vòng tay nhân ái, không chỉ là để có thêm túi quà Trung thu mà còn có thể tạo điều kiện để các cháu từng bước vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống. Trung thu 2014 - trăng đẹp, tình người đẹp! Một Trung thu nhân ái! Ở Hà Nội, mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm - một vẻ đẹp vừa gần gũi, dung dị vừa thanh tao, huyền ảo. Đó là mùa của nhớ thương, hoài niệm sâu lắng và những tiếc nuối ngọt ngào. Lạ thế, đó là mùa mà người ta cảm nhận rõ nhất dấu ấn của thời gian. Năm nay, đúng tiết thu, nên so với những năm trước, có vẻ như mùa thu đến sớm hơn. Nhuận hai tháng Chín nên mùa thu cũng sẽ lưu lại với ta lâu hơn. Sáng ra, gió heo may, trời se lạnh, có hôm màn sương mỏng giăng hững hờ trên phố. Về chiều, trời trong vắt, nắng như dát vàng xuyên qua những tán lá thành những cột sáng lung linh. Rồi những chiếc xe đạp chở hoa như chở mùa thu vào phố. Hoa gì đấy em? Hoa cúc vàng rực, hoa hồng thơm ngát, hoa đồng nội dịu dàng, khiêm nhường, e ấp... Trong cơn lốc đô thị hóa, công nghiệp hóa, những gánh hoa bé nhỏ và nhiều khi như cô đơn này làm cho lòng ta lắng lại và nhắc mình nên biết sống chậm hơn. Hồ Tây là báu vật đặc biệt của Hà Nội. Đến Tây Hồ sẽ cảm nhận mùa thu rõ nhất. Đó thực sự là chốn bình yên cho tâm hồn. Mùa này, sen đã bắt đầu tàn, chỉ còn lác đác những bông sen muộn, đủ để cho người ta ướp những ấm trà thơm hương sen tuyệt hảo. Nhâm nhi chén trà nóng, ngắm nhìn đầm sen cuối mùa, lòng bâng khuâng liên tưởng đến những cảnh đời, những phận người trong dòng chảy của thời gian và lịch sử. Dưới lòng Tây Hồ mênh mông này có mộ bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, người làng Quỳnh Đôi quê tôi. Một người bạn làm công tác văn hóa, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gia đình nhiều đời đã sống ở đất này, được coi là “người Hà Nội gốc” nói với tôi rằng, so với sen nơi khác, sen Tây Hồ cánh to, nhiều lớp hơn, mập hơn và rất đượm hương. Một khi lá sen trên mặt hồ bắt đầu tàn là lúc ở dưới bùn, những mầm sen bắt đầu “ngủ”, đến mùa xuân, dường như chỉ sau một đêm, chúng cựa mình vươn lên tua tủa trên mặt nước, đến tháng sáu, tháng bảy nở rộ thành đầm sen mê hoặc lòng người. Thời kinh tế thị trường, chủ những đầm sen đó đã biết kinh doanh bằng cách làm những chiếc cầu tre dài ra giữa đầm, hoặc sắm thuyền nhỏ, mua thêm váy yếm dân gian cho các cô, các bà thuê mỗi giờ 20.000 - 30.000 đồng để chụp ảnh. Bên đầm sen, lòng người cảm thấy thanh bạch và thư thái hơn.

Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương Mịt mờ khói tỏa ngàn sương Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ

Qua bao biến cố của lịch sử, hồ Dâm Đàm [hồ Sương mù] vẫn còn đó, nhưng có những điều quý giá, nuôi dưỡng tâm hồn thì chỉ còn trong hoài niệm. Hãy mơ ước đi, một ngày nào đó, có thể làm sống lại cành trúc la đà, tiếng chuông Trấn Vũ, nhịp chày Yên Thái chăng? Quá khó lắm không? Nếu được thế, có thể tin Tây Hồ sẽ thêm sức hút du khách vì người ta được nghe vọng lại tiếng thời gian và lịch sử.

Mùa thu Hà Nội. Ảnh: Đức Toàn

Hiếm nơi nào, mùa thu lại đặc biệt đến vậy như đối với Thăng Long - Hà Nội. Đó không chỉ vì mảnh đất “rồng cuộn hổ ngồi, nhìn sông tựa núi” này được ân hưởng của thiên nhiên nên khí trời, cảnh vật hòa quyện thành một vùng sinh quyển tốt lành như vậy. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội, nhiều sự kiện trọng đại đã diễn ra vào mùa thu: Mùa thu năm Canh Tuất 1010, Lý Công Uẩn ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La đặt tên là Thăng Long; cách đây 69 năm, Cách mạng Tháng Tám nổ ra trước hết ở Hà Nội [19-8-1945] trở thành hồi kèn xung trận cho toàn quốc nhất tề đứng lên làm cuộc cách mạng long trời lở đất đưa nước ta từ nước thuộc địa thành nước độc lập, dân ta từ kiếp nô lệ thành người chủ đất nước; Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [2-9-1945]; cách đây đúng 60 năm, bộ đội ta tiến vào giải phóng Thủ đô [10-10-1954], để từ ngày đó Hà Nội sạch bóng quân thù, bước vào một kỷ nguyên mới… Và ngay cả quyết định lịch sử mở rộng địa giới hành chính Thủ đô cách đây 6 năm - cuộc mở rộng quy mô lớn nhất trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội cũng diễn ra vào mùa thu. Tôi được biết vào thời điểm đó, Quốc hội thảo luận vấn đề mở rộng Thủ đô rất sôi nổi và lúc đầu dự định thực hiện việc mở rộng từ 1-7-2008, nhưng vì thời gian còn lại quá ngắn, không đủ để giải quyết một khối lượng lớn công việc chuẩn bị nên cuối cùng Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 15 thực hiện mở rộng và hợp nhất vào ngày đầu thu 1-8-2008… Điểm lại những sự kiện trọng đại đó để càng thấy rõ trên mảnh đất đặc biệt này luôn có sự hội tụ, hòa kết giữa thiên nhiên và con người, giữa thời gian và lịch sử. Thật đúng là thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Thật đúng là “địa linh nhân kiệt”. Chính điều này đã phần nào cắt nghĩa được vì sao Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ - kết tinh - lan tỏa những giá trị cao quý và thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam. Mùa thu 2014 này tiếp tục là một mùa thu lịch sử không thể nào quên của Thăng Long - Hà Nội. Sau Đại lễ 1000 năm, đây tiếp tục là một mùa vui lớn với hơn 20 hoạt động chính, nổi bật trong dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, trong đó có: Mít tinh lớn sáng 10-10-2014 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô cùng với việc đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; tuyên dương Người tốt, việc tốt và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014”, hội thảo khoa học “Thành tựu, cơ hội, thách thức và phát triển” ngày 3-10-2014 tại Bảo tàng Hà Nội; Triển lãm thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô; tổ chức “Phố sách” - trưng bày, giới thiệu các văn hóa phẩm kết hợp biểu diễn nghệ thuật đường phố từ ngày 5 đến 12-10-2014 tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long; cầu truyền hình trực tiếp Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề: “Hà Nội niềm tin và hy vọng” tối 8-10-2014 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và sân khấu Tượng đài Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm huyền thoại; Bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã tối 10-10-2014; trình diễn thời trang Hà Nội 2014 “Hương Sắc Hà Nội” vào tối 10-10-2014 tại Văn Miếu - Quốc Tử giám; “Ngày hội văn hóa hòa bình” kỷ niệm 15 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” trong tháng 10-2014, tại Công viên Hòa Bình… Có thể nói, chặng đường 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, tầm vóc và quy mô lớn nhất của Thăng Long - Hà Nội. Hơn 1000 năm trước, từ thành Đại La chu vi khoảng 6km, với hơn 5.000 nếp nhà, đến nay Hà Nội có diện tích 3.328km2, dân số 7,3 triệu người với 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ Hà Nội là đảng bộ lớn nhất cả nước, với hơn 38 vạn đảng viên, gần bằng 1/10 tổng số đảng viên toàn Đảng, 59 đảng bộ trực thuộc và 2.927 đảng bộ cơ sở. Tổng sản phẩm trên địa bàn [GRDP] chiếm trên 10% cả nước; tốc độ phát triển bình quân đạt hơn 9,5%, cao hơn 1,5 lần mức bình quân chung cả nước. Thu ngân sách chiếm trên 20% tổng thu ngân sách cả nước với hơn 163 nghìn tỷ đồng năm 2013. Sau 6 năm mở rộng và hợp nhất, Thủ đô ta đang trên tầm cao phát triển mới. Nhưng để tạo bước phát triển mạnh hơn nữa, Hà Nội cần tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trên một số mặt, trong đó kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững, chưa phát huy hết nguồn lực và tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; kinh tế và văn hóa chưa thực sự gắn kết trong tiến trình phát triển. Thiên thời - địa lợi - nhân hòa là sự đúc kết từ ngàn xưa cho sự trường tồn và phát triển. Nhân hòa thời nay nên được hiểu rộng hơn, chính là nhân tố con người - nhân tố quyết định nhất. Chúng ta đã khẳng định văn hóa là nguồn lực nội sinh, là mục tiêu và động lực của phát triển. Chúng ta đã đặt con người ở vị trí trung tâm của tiến trình phát triển, tất cả vì con người, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Nghị quyết TƯ9 của Đảng “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã soi sáng vấn đề trọng yếu này. Lúc này, trăng thu đã về bên kia trời. Như nghe được tiếng rì rầm của đất. Thành phố đang sắp thức dậy trong một ngày thu mới. Còn đúng 30 ngày nữa là Hà Nội tròn một hoa giáp lịch sử. Một mùa thu đẹp - đẹp đất trời, đẹp lòng người. Một mùa thu chan chứa niềm tin và khát vọng vươn tới!

Ôi mùa thu Hà Nội! Mùa thu xao xuyến. Hà Nội của ta.
10-9-2014

Một mùa thu đẹp Đóng Tự trình chiếu Dừng trình chiếu

Video liên quan

Chủ Đề