Nghề ca sĩ phòng trà là ai?

Quang Đại: Catse tăng hơn 100 lần

Khán giả nào từng theo dõi cuộc thi Nhân tố bí ẩn mùa 1 cũng không thể quên được giọng hát ngọt ngào, giàu cảm xúc của chàng trai nghèo Quang Đại ngay từ tập đầu tiên phát sóng. Tuy không giành được giải quán quân nhưng từ sau cuộc thi, cuộc sống của Quang Đại đã đỡ chật vật hơn. Hiện, anh đã tự sắm được cho mình phương tiện đi hát và thuê được một căn nhà rộng hơn. Tất cả là nhờ mức cát-sê đi hát nói chung và hát tại phòng trà nói riêng đã tăng lên rất nhiều.

Còn nhớ, trước khi đến với cuộc thi, Quang Đại đã một mình bươn chải ở Sài Gòn hoa lệ với nghề chính là thợ xẻ đá hoa cương. Đam mê ca hát và mong muốn có thể sống được bằng nghề, Quang Đại đã nhiều lần xin đi hát tại các phòng trà nhưng không được đồng ý.

May mắn thay, một ngày, khi đang làm việc, Quang Đại nhận được điện thoại của một chủ phòng trà mời đến thử giọng. Tuy được nhận nhưng mức cát-sê của Quang Đại chỉ dao động từ 150.000 - 200.000 đồng một đêm. Về sau này, khi đã quen được một số ca sĩ nổi tiếng và được họ cảm mến, Quang Đại đã có thể hát thêm tại một số phòng trà khác, nhờ đó, thu nhập cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để có thể chạm tay tới ước mơ ca sĩ chuyên nghiệp, với Quang Đại lúc này dường như vẫn là điều không thể.

Nói về cơ duyên đến với Nhân tố bí ẩn, Quang Đại bông đùa: “Tất cả là nhờ Hà Vân đấy, cô ấy đã rủ Đại đi thi chứ Đại có biết gì đâu và thật không ngờ là Đại có thể được các giám khảo và khán giả ưu ái như thế”. Sau cuộc thi, giờ đây Quang Đại đã có thể có được mức cát-sê cao hơn, dao động từ 20 đến 25 triệu một đêm và hiện tại, anh chàng đang ấp ủ dự định thực hiện một album, sau khi đã tích cóp đủ tiền.

Hà Vân: Được hoạt động ca hát chuyên nghiệp nhiều hơn

Trở về sau cuộc thi Nhân tố bí ẩn, Hà Vân vẫn tiếp tục gắn bó với công việc hát tại các phòng trà. Gần đây, cô cũng đã cùng với Phương Mỹ Chi, Trọng Bắc ký độc quyền với phòng trà WE.

“Ít nhiều thu nhập của tôi cũng đã cải thiện hơn so với thời gian đi hát trước kia. Đặc biệt, tôi cũng nhận được nhiều lời mời tham gia vào những sân khấu chuyên nghiệp. Trước đây, tôi không thể tin được cuộc sống của tôi có thể được như thế này” ­ - Hà Vân chia sẻ.

Nói về công việc hát ở phòng trà, Hà Vân không ngần ngại bày tỏ: mỗi người ca sĩ đều có những bước khởi đầu riêng. Bản thân cô không cảm thấy mình thiệt thòi khi phải hát lót cho ca sĩ chính của đêm. Bởi “được hát cùng sân khấu với những ca sĩ thành công trước mình chính là một cơ hội quý giá để tôi tiếp xúc và học hỏi thêm, cũng như tăng quyết tâm chinh phục khán giả để có thể có cơ hội được tổ chức một đêm nhạc riêng của mình”.

Giang Hồng Ngọc: Sự nghiệp ca hát khởi sắc

Với những ai đã từng quen Hồng Ngọc từ trước khi cô tham gia và trở thành quán quân Nhân tố bí ẩn 2014 thì đều biết, Hồng Ngọc có cuộc sống khá vất vả khi ôm giấc mơ trở thành ca sĩ. Như bao người khác, Hồng Ngọc cũng lăn lộn chạy “sô” tại khắp các phòng trà nhưng vì không có chút tiếng tăm nào lại cũng không có người nâng đỡ nên cát-sê của Hồng Ngọc cũng chỉ vài trăm nghìn.

Sau cuộc thi, ngoài danh tiếng, Hồng Ngọc đã có cuộc sống thoải mái hơn rất nhiều và đã vượt ra ngoài ngưỡng là một ca sĩ hát lót, một ca sĩ phòng trà. Cô phát hành sản phẩm âm nhạc và xuất hiện thường xuyên trong các sự kiện lớn. Tuy cuộc sống chưa thực sự được như các ngôi sao hạng A song cũng đủ để Hồng Ngọc có điều kiện chinh phục ước mơ ca hát và dám sống bằng nghề ca hát.

Giọng hát Việt 2012 chứng kiến màn lên ngôi của hàng loạt ca sĩ phòng trà

Năm 2012, tại vòng Giấu mặt của Giọng hát Việt, khán giả đã phải trầm trồ, đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, thậm chí cả Ban giám khảo cũng phải xuýt xoa: “Bấy lâu nay em ở đâu mà bây giờ mới xuất hiện”… khi chứng kiến phần thi của Thủy Đặng, Thái Trinh, Trọng Khương, Đinh Hương, Lê Phạm Xuân Nghi, Huỳnh Anh Tuấn, Trúc Nhân… Điều đặc biệt là các giọng hát này đều nhẵn mặt tại các phòng trà và các quán cà phê nhạc sống như Big 1 café, The Journey café, Gió Bắc, Khu vườn tình yêu… Dù không phải thí sinh nào cũng đi sâu vào vòng trong nhưng tất cả đều có một điểm chung là họ đã có một bước tiến ngoạn mục, bước ra khỏi thế giới “hát lót” để tiến đến gần hơn với danh xưng ca sĩ. Đi kèm với đó, tất nhiên là đắt “sô” và cát-sê cũng tăng cao hơn rất nhiều lần.

Thành công sẽ đến với những ai luôn cố gắng và biết học hỏi để hoàn thiện mình mỗi ngày. Người viết xin mượn lời của “Nữ hoàng phòng trà” Lệ Quyên để kết thúc loạt bài này: “Theo tôi, mọi người không nên có thái độ coi thường những ca sĩ hát ở phòng trà, quán bar hay sàn nhảy vì nếu ca sĩ không có một sức hút nhất định nào đó, thì chủ quán sẽ không mời tham dự. Nói cách khác, đó cũng là một trong những môi trường rèn luyện cho ca sĩ. Nhiều ca sĩ đã đi đến thành công từ xuất phát điểm rất thấp. Họ phải đi lên bằng chính đôi chân của mình, phải cố gắng từng bước trong một thời gian dài, nhưng sự nghiệp mà họ đạt được là chắc chắn, thực chất”.

PL

Từ Khóa:

“Kẻ ăn không hết…”

Trong giới ca sĩ nổi tiếng, ngoài việc sản xuất các sản phẩm âm nhạc; tham gia các các chương trình truyền hình, sự kiện… thì hát tại phòng trà cũng là một cách thức quảng bá tên tuổi và mang lại một khoản thu nhập khá lớn. Từ trước đến nay, không có ai và cũng không có ca sĩ nổi tiếng nào lên tiếng thừa nhận hay công khai mức cát-sê cho một đêm hát tại phòng trà nhưng người hâm mộ và giới chuyên môn luôn hiểu, họ có thể nhận từ vài chục triệu đến trăm triệu tiền cát-sê, điển hình như “Nữ hoàng phòng trà” Lệ Quyên, “Ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng, “Nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà, “Họa mi tóc nâu” Mỹ Tâm…

Không xuất hiện nhiều trên các sân khấu âm nhạc hay ra mắt album, single nhưng Lệ Quyên lại là ca sĩ khá quen mặt tại các phòng trà nổi tiếng khắp từ trong Nam ra Bắc. Theo tiết lộ mới đây của một bầu sô, thì Lệ Quyên là gương mặt nằm trong top những ca sĩ Việt nhận được cát-sê phòng trà cao nhất hiện nay, vào khoảng 126 triệu. Cũng theo người này thì yếu tố quan trọng nhất giúp nữ ca sĩ nhận được mức cát-sê trên trời này là nhờ vào độ “hot” của cô cũng như giọng hát nội lực, cực kì phù hợp với không gian đặc trưng của phòng trà. Được biết, mỗi lần Lệ Quyên xuất hiện thì đều rất đông khách và mang lại lợi nhuận lớn cho phòng trà.

Trong khi đó, Đàm Vĩnh Hưng cũng là một tên tuổi được nhiều bầu sô săn đón để mời tham gia hát phòng trà. Cát-sê của “Ông hoàng nhạc Việt” cũng dao động trên dưới 100 triệu. Điều đặc biệt khiến Đàm Vĩnh Hưng được các chủ phòng trà và khán giả yêu mến là nam ca sĩ rất nhiệt tình, có thể hát một loạt các ca khúc theo yêu cầu. Thậm chí, nếu đêm đó, phòng trà không đông khách như mong muốn, Đàm Vĩnh Hưng còn sẵn sàng chỉ nhận một nửa cát-sê để chia sẻ với phòng trà.

Hồ Ngọc Hà và Mỹ Tâm lại khá kén chọn phòng trà biểu diễn và chỉ biểu diễn tối đa 2 đến 3 bài. Tuy nhiên, với tên tuổi của mình, 2 nữ nghệ sĩ cũng có thể nhận mức cát-sê từ vài chục triệu đến 100 triệu. Đặc biệt, với Mỹ Tâm, nếu trong đêm diễn có ghi hình, bán đĩa thì mức cát-sê của cô tối thiểu là 120 triệu.

Với những ca sĩ mới nổi như Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn… thì mức cát-sê thấp hơn một chút nhưng cũng không dưới 50 triệu một đêm diễn. Tuy nhiên, theo dự đoán của một số bầu sô thì mức cát-sê này sẽ sớm tăng bởi hiện nay, giới trẻ cực kì yêu thích những anh chàng này. Kể cả Hoài Lâm, dù không thường xuyên xuất hiện trên báo nhưng anh chàng vẫn rất đắt show cũng với mức cát-sê “trên trời”.

Ngoài ra, một số giọng hát đặc biệt được mời ký độc quyền với phòng trà thì được trả lương với thu nhập ổn định hơn như Phương Mỹ Chi, Trọng Bắc, Hà Vân [ký độc quyền với phòng trà WE [TP.HCM]].

“Người lần chẳng ra…”

Cũng giống như kinh doanh, công ty này hái ra tiền nhưng công ty kia lại lận đận, nghề ca sĩ hát phòng trà cũng vậy. Trái ngược với mức cát-sê “không thể tin được” của các ca sĩ nổi tiếng, những ca sĩ không chuyên hay những ca sĩ mới có một chút tiếng tăm thì lại có mức cát-sê thấp đến giật mình, chỉ dao động trên dưới 500.000 – 1.000.000 đồng, thậm chí có người chỉ nhận được 150.000 -200.000 đồng cho một đêm diễn.

Nhớ lại những ngày đầu mới chập chững bước vào nghề sau khi đạt giải 4 Tiếng hát truyền hình 2003, Hà My chia sẻ, cát-sê của cô thậm chí có khi chỉ được vài chục ngàn. Sau dần, nhờ có thêm nhiều mối quan hệ, cô mới được mời đi hát tại một số phòng trà có tiếng ở TP.HCM. Lúc này, cát-sê có tăng nhưng chỉ là hát lót nên con số vẫn chỉ dừng lại ở mức vài trăm ngàn, đủ để cô trang trải cuộc sống và mua ít bộ trang phục để thay đổi khi đi diễn.

“Nhưng những hôm phòng trà vắng khách, dù mình đã thuê trang điểm và làm tóc xong xuôi nhưng chủ họ vẫn phải hủy đêm nhạc. Hay có khi chuẩn bị ra khỏi nhà thì trời mưa, khách vắng thế là nhận được điện thoại hủy “sô”. Những lúc ấy chỉ biết thở dài, trách ai được…” – Hà My ngậm ngùi.

Hay như Ngọc Hà, sinh năm 1993, dù đã tốt nghiệp loại giỏi Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội và là diễn viên Đoàn ca múa nhạc Việt Nam, cô cũng từng vào đến vòng Nhà hát cuộc thi Vietnam Idol 2015, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để Ngọc Hà có thể bật lên trong làng nhạc Việt. Đó cũng là lý do tại sao mà cát-sê hát phòng trà của Ngọc Hà vẫn ở mức tầm tầm. Cô nàng cũng cho biết, với mức cát-sê như thế, cô chỉ có thể duy trì một số sở thích cơ bản của bản thân, còn lại để có thu nhập chính, cô dự định sắp tới sẽ trở thành cô giáo dạy nhạc và mở thêm một shop quần áo.

“Nếu chịu khó đi hát nhiều phòng trà trong một đêm thì thu nhập sẽ cao hơn nhưng như thế thì ngày hôm sau không làm được việc gì nữa. Không những thế, nếu hát cùng cả ban nhạc thì phải chia cát-sê, tối đa mỗi người chỉ có thể được 500.000 đồng, chưa kể mình phải tự chuẩn bị trang phục, trang điểm và làm tóc. Rồi còn phải dành thời gian ban ngày để tập cùng ban nhạc nữa vì khách ở phòng trà rất thích nghe các ca khúc mới. Như vậy tính ra, cát-sê chẳng còn lại bao nhiêu” – Ngọc Hà chia sẻ.

Ca hát là một nghề có tuổi thọ rất ngắn, do đó, trước khi quá tuổi, mỗi ca sĩ có ước mơ sống bằng nghề đều nỗ lực để bứt phá ra “biển lớn”. Nhưng con đường đó cũng lắm gian nan, có người thành công và có người mãi chỉ “dậm chân tại chỗ”…

 PL

Từ Khóa:

Video liên quan

Chủ Đề