Hôn nhân có yếu tố nước ngoài là gì

Trong thời kì hội nhập, hợp tác quốc tế, các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ngày càng phát triển một cách đa dạng và phức tạp. Vấn đề đặt ra với các quốc gia là điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như thế nào để ổn định và phát triển mối quan hệ hợp tác, giao lưu giữa các quốc gia, đồng thời bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của công dân các nước.

Luật Hoàng Anh sẽ tìm hiểu về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cùng các vấn đề pháp lý liên quan.

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là gì?

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định khái niệm quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại khoản 25 Điều 3 như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

25. Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.”

Theo đó, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được hiểu là các quan hệ hôn nhân và gia đình sau:

- Giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.

Công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.

Ở Việt Nam, người nước ngoài được hiểu là người không có quốc tịch Việt Nam bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không có quốc tịch. Người có quốc tịch nước ngoài có thể là người có một hoặc nhiều quốc tịch nước ngoài.

- Giữa người Việt Nam với nhau mà có ít nhất một bên định cư ở nước ngoài.

- Giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam.

- Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

Ví dụ: Hai công dân Việt Nam kết hôn tại Mỹ, theo quy định pháp luật của Mỹ, chung sống tại Mỹ khoảng 10 năm sau đó chuyền về Việt Nam sinh sống. Như vậy, quan hệ giữa hai công dân này tại Việt Nam là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài vì điều kiện kết hôn và quan hệ tài sản vợ chồng của họ được xác định theo luật của Mỹ.

2. Các nguyên tắc áp dụng pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

- Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp có quy định khác.

- Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Các điều ước quốc tế có thể là điều ước quốc tế song phương hoặc điều ước quốc tế đa phương. Trong các điều ước quốc tế thường quy định những quy phạm xung đột thống nhất làm cơ sở cho việc lựa chọn luật áp dụng để giải quyết quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam và các văn bản pháp luật khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

Ví dụ: Trong các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước thì việc nhận và hủy bỏ nuôi con được giải quyết theo pháp luật của nước ký kết mà người nuôi là công dân khi nhận nuôi hoặc xin hủy bỏ việc nuôi con nuôi [Điều 30, 32 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Ba Lan].

- Trong trường hợp Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng, nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nhưu sau:

“Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình

1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.”

Đây là nguyên tắc nhằm đảm bảo việc áp dụng luật nước ngoài trong giải quyết quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam không gây ra những ảnh hưởng xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục, đến chế độ hôn nhân và gia đình… trong xã hội Việt Nam.

- Trong trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam.

- Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng.

Trên đây là khái niệm quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật cùng các nguyên tắc trong vấn đề áp dụng luật để điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Pháp luật xây dựng một hành lang pháp lý về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế.

Chủ Đề