Hoạn Thư đã lập luận như thế nào để tự bào chữa cho mình

I. Tìm hiểu yếu tố nghị luận trong văn bản tự sự

Câu 1: Đọc các đoạn văn trong sgk Ngữ Văn 9

Câu 2: Những câu có tính chất lập luận:

- Đoạn 1: Đoạn trích Lão Hạc

+ Nếu ta không cố tình hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện... + Vợ mình không ác nhưng thị khổ quá rồi. + Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình. + Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ đến ai được nữa. + Mình biết vậy nên mình chỉ buồn nhưng không nỡ giận.

- Đoạn 2: Lập luận trong đoạn trích Thuý Kiều báo ân báo oán.

Lập luận của Kiều thể hiện ở mấy câu đầu. Đó là những lời mỉa mai đay nghiến: + Xưa nay, đàn bà có mấy người ghê ghớm, cay nghiệt như mụ + Càng cay nghiệt càng chuốc nhiều oan trái [Đây là kiểu câu khẳng định]. Lập luận của Hoạn Thư thể hiện ở tám dòng sau: + Thứ nhất: mình là đàn bà, ghen tuông là chuyện bình thường. + Thứ hai: mình đã đối xử rất tôt với cô khi cô chép kinh ở “Quan Âm Các”. + Thứ ba: mình và cô đều là cánh chồng chung nên chẳng nhường cho nhau được... + Thứ tư: dù sao mình đã gây ra nhiều đau khổ cho cô, giờ đây mình chỉ còn trông vào lòng khoan dung rộng lớn của cô. Tóm lại: Với lập luận trên của Hoạn Thư, Kiều phải công nhận Hoạn Thư là một người “khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời”. Kiều phải băn khoăn và sau cùng đã tha bổng cho Hoạn Thư.

Câu 3:

- Ở đoạn trích [1], để khắc hoạ cuộc đối thoại ngầm diễn ra trong ý thức của nhân vật ông giáo về cách nhìn đời, nhìn người, tác giả đã để cho nhân vật này tự đánh giá về vợ mình rằng “vợ tôi không ác” để lí giải cho tâm trạng “chỉ buồn chứ không nỡ giận”. Thuyết phục luận điểm này, các luận điểm được đưa ra theo trình tự lập luận như sau: + Nếu ta không cố tìm mà hiểu những người xung quanh mình thì ta chỉ thấy toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thương... Đây là luận điểm có tính chất đặt vấn đề. + Vợ tôi không ác, nhưng vì thị khổ quá rồi nên sinh ra ích kỉ, tàn nhẫn với người khác. Đây là luận điểm có tính chất phát triển lập luận, triển khai vấn đề nghị luận. Các luận chứng và lí lẽ được đưa ra: một người đau chân....; khi người ta khổ quá thì... + Tôi biết vậy, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận. Đây là luận điểm kết luận, kết thúc lập luận. Với việc lập luận như trên, tác giả đã “kể được” câu chuyện về nỗi giằng xé, trăn trở, bi kịch bên trong con người; khẳng định về quan điểm nhìn nhận, đánh giá con người và cuộc đời. Đồng thời, phác ra được thực trạng nhân sinh cùng khổ trong bối cảnh xã hội đầu thế kỉ XX. - Theo cách làm như trên, hãy tự phân tích tác dụng của nghệ thuật trong kể chuyện ở đoạn trích [2]. Tập trung phân tích lập luận của Hoạn Thư - bị cáo, tự bào chữa và Thuý Kiều - quan toà, phán xét; qua đó thấy được tác dụng của nghị luận trong việc khắc hoạ tình huống truyện, tô đậm tính cách nhân vật.

II. Rèn luyện kĩ năng

Câu 1:

Lời văn trong đoạn trích [a] là lời của nhân vật ông giáo - người kể chuyện xưng “tôi”, một trí thức,... Ông giáo thuyết phục bạn đọc, thuyết phục về điều cố tìm hiểu những người xung quanh để cảm thông và yêu thương họ. Nếu có ai vì quá khổ mà mất khả năng cảm thông, không có khả năng đồng cảm với người khác – như là vợ ông giáo – thì ta cũng không vì thế mà giận họ.

Câu 2:

Lúc đầu, Hoạn Thư cũng hồn lạc phách xiêu, nhưng với bản chất khôn ngoan, lọc lõi, ngay trong hoàn cảnh ấy, Hoạn Thư vẫn đủ bình tĩnh để liệu điều kêu ca. Những điều Hoạn Thư kêu ca thực chất là lí lẽ để Hoạn Thư tự gỡ tội cho mình. Trước hết, Hoạn Thư đưa ra giải thích sự ghen tuông là tâm lý chung của đàn bà. Sau đó, Hoạn Thư kín đáo kể công đã chạnh lòng thương xót mà cho Kiều ra chép kinh ở Quan Âm Các: Nghĩ cho khi gác viết kinh và dẫu biết mà không bắt giữ khi nàng bỏ trốn khỏi nhà họ Hoạn: Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo. Cao tay hơn, cuối cùng Hoạn Thư nhận hết tội lỗi về mình và xin Kiều khoan dung. Trước những lời lẽ của Hoạn Thư, Kiều phải thừa nhận rằng ả “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”. Hoạn Thư đẩy Kiều tới chỗ khó xử: Tha ra thì cũng may đời, Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen. Cho nên dù đã nghiêm khắc răn đe Hoạn Thư nhưng rồi Kiều lại tha bổng.

Giải câu 1, 2 trang 85 Sách bài tập [SBT] Ngữ Văn 12 tập 2

1. Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới.

Kíp truyền chư tướng hiến phù,

Lại đem các tích phạm đồ hậu tra.

Dưới cờ, gươm tuốt nắp ra,

Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư.

Thoắt trông, nàng đã chào thưa :

 “Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!

Đàn bà dễ có mấy tay,

Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan!

Dễ dàng là thói hồng nhan,

Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều."

Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,

Khấu đầu dưới trướng, giở điều kêu ca.

Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

Nghĩ cho khi gác viết kinh,

Với khi khỏi cửa, dứt tình chẳng theo.

Lòng riêng, riêng cũng kính yêu,

Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai.

Trót lòng gây việc chông gai,

Còn nhờ lượng bể, thương bài nào chăng ?”

Khen cho : “Thật đã nên rằng,

Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời.

Tha ra, thì cũng may đời,

Làm ra, thì cũng ra người nhỏ nhen.

Đã lòng tri quá thì nên",

Truyền quân lệnh xuống, trướng tiền tha ngay.

[Nguyễn Du, Truyện Kiều, theo Trần Nho Thìn chủ biên, [khảo dị, chú thích, bình luận], Sđd]

Câu hỏi :

a] Trong đoạn trích có hai hoạt động giao tiếp ngôn ngữ : giao tiếp giữa Thuý Kiều với Hoạn Thư trong truyện và giao tiếp giữa tác giả Nguyễn Du với độc giả. Hai hoạt động giao tiếp đó khác nhau như thế nào về dạng ngôn ngữ [nói, viết], về ngữ cảnh [cùng thời gian, địa điểm hay khác nhau về thời gian, địa điểm, cùng bối cảnh xã hội hay khác nhau về bối cảnh xã hội] ?

b] Hoạt động giao tiếp giữa Thuý Kiều và Hoạn Thư trong đoạn trích trên hướng về đề tài gì ? Có mấy lượt lời nói và các nhân vật luân phiên lượt lời như thế nào ?

c] Bằng lượt lời hồi đáp của mình, Hoạn Thư đã lập luận như thế nào để bào chữa cho tội lỗi mà mình đã gây ra cho Thuý Kiều ? [Hoạn Thư đã nêu những luận cứ nào ? Để định đi đến kết luận gì ?]. Vì sao Thuý Kiều phải khen ngợi Hoạn Thư là “Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời” ?

d] Sự thay đổi thái độ của Thuý Kiều đối với Hoạn Thư được thể hiện như thế nào giữa lượt lời nói đầu và lượt lời nói kết thúc cuộc đối đáp ?

Trả lời:

a] Hai hoạt động giao tiếp khác nhau ở những điểm như sau :

- Về dạng ngôn ngữ: Giao tiếp giữa Thuý Kiều và Hoạn Thư [gọi tắt là HĐGT1] dùng ngôn ngữ nói, còn giao tiếp giữa tác giả Nguyễn Du và độc giả [gọi tắt là HĐGT2] dùng ngôn ngữ viết [trước đây là chữ Nôm, hiện nay là chữ Quốc ngữ].

- Về ngữ cảnh: Ở HĐGT1, hai nhân vật giao tiếp [Thuý Kiều và Hoạn Thư] tiến hành hoạt động giao tiếp trong cùng thời gian và địa điểm, cùng bối cảnh xã hội. Trong HĐGT2, hai nhân vật giao tiếp [Nguyễn Du và độc giả] tiến hành hoạt động giao tiếp với nhau trong khoảng thời gian và không gian cách biệt, bối cảnh xã hội cũng khác nhau.

b] Hoạt động giao tiếp giữa Thuý Kiều và Hoạn Thư trong đoạn trích xoay quanh mối quan hệ và cách cư xử giữa hai người trong thời gian trước đây [Thúc Sinh, chồng Hoạn Thư, ngấm ngầm lấy Thuý Kiều làm vợ lẽ, Hoạn Thư biết tin đã bắt Thuý Kiều về làm con ở, hầu tiệc rượu vợ chồng Hoạn Thư ; sau đó Hoạn Thư cho nàng ra ở Quan Âm các viết kinh, niệm Phật; cuối cùng vì kinh hãi gia đình Hoạn Thư nên Thuý Kiều đã bỏ trốn]. Trong buổi báo ân báo oán này, Thuý Kiều định xét tội và báo thù Hoạn Thư, còn Hoạn Thư thì muốn tự bào chữa.

Cả đoạn trích chỉ có ba lượt lời: lượt lời Thuý Kiều mở đầu - lượt lời Hoạn Thư hồi đáp - lượt lời Thuý Kiều kết thúc. Hai nhân vật đã luân phiên vai nói từ Thuý Kiều đến Hoạn Thư và kết thúc lại là Thuý Kiều.

c] Bằng ngôn ngữ, Hoạn Thư đã lập luận để tự bào chữa. Mụ đã nêu những luận cứ sau:

- Chuyện ghen tuông trước đây mà mụ đã gây ra cho Thuý Kiều là chuyện thường tình của đàn bà.

- Trước đây mụ cũng có những cư xử tốt vói Thuý Kiều :

+ Bố trí cho nàng ra ở “gác viết kinh”.

+ Khi nàng bỏ trốn, mụ không đuổi theo để bắt về.

+ Kính trọng tài riêng [viết chữ đẹp, làm thơ hay,...] của nàng.

- Ân hận vì đã trót gây ra việc chông gai cho Thuý Kiều nhưng vẫn trông mong ở tấm lòng thương người của nàng [nghĩa là vừa đề cao vừa khơi gợi tấm lòng thương người, đồng thời có cả sắc thái khích động tấm lòng trắc ẩn của nàng Kiều].

Những luận cứ này đã được Hoạn Thư nói ra một cách tường minh, còn kết luận có phần hàm ẩn : Mụ muốn nói rằng mình cũng chẳng có tội lỗi lớn, lại còn có sự đối xử và tình cảm tốt vói Thuý Kiều. Do đó, với người có lòng thương người như Thuý Kiều thì hoàn toàn có thể tha thứ cho mụ được.

Toàn bộ lời nói của Hoạn Thư là một lập luận ngôn ngữ chặt chẽ, theo một chiến lược giao tiếp khôn ngoan. Vì thế, Thuý Kiều, kẻ tình địch và từng là nạn nhân đau khổ của Hoạn Thư, cũng phải thừa nhận là Hoạn Thư “Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời”.

d] Trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ ở đoạn trích, Thuý Kiều đã thay đổi thái độ và cách cư xử với Hoạn Thư. Ban đầu, Thuý Kiều nói những lời mát mẻ nhưng cay độc, thể hiện một tâm trạng đau xót, chua chát về quá khứ đau khổ mà Hoạn Thư đã gây ra cho nàng :

“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây !

Đàn bà dễ có mấy tay,

Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan

Dễ dàng là thói hồng nhan,

Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều. ”

Nhưng rồi tài ăn nói của Hoạn Thư đã làm thay đổi tình cảm, thái độ, ý định của Thuý Kiều. Thuý Kiều phân vân giữa hai giải pháp : tha tội hay kết tội [báo thù]. Do lời nói vừa đề cao vừa khích động của Hoạn Thư [Còn nhờ lượng bể, thương bài nào chăng ?], và do bản tính nhân hậu, nàng đã tha cho Hoạn Thư.

2. Đọc đoạn hội thoại sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới.

Sau khi tự xưng danh tánh, ông bảo :

- Nghe đồn có ao sấu, tôi chẳng nệ đường xa để tới xứ Khánh Lâm này...

- Té ra ông là thợ câu sấu :

Ông Nám Hên lắc đầu .

- Thợ bắt sấu chớ không phải thợ câu. Hai nghề đó khác nhau. Câu thì dùng lưỡi sắt, móc mồi bằng con vịt sống. Đó là ở dưới nước. Đằng này tôi chuyên bắt sấu trên khô, không cần lưỡi.

- Vậy chớ ông bắt bằng gì ?

- Tôi bắt bằng ... hai tay không.

[Sơn Nam, Bắt sấu rừng u Minh Hạ]

Câu hỏi:

a] Giao tiếp trong đoạn trích diễn ra giữa các nhân vật nào ?

b] Họ đổi vai nghe và nói như thế nào ?

c] Họ nói về vấn đề gì ?

Trả lời:

a] Giao tiếp trong đoạn trích diễn ra giữa ông Năm Hên và người dân xứ Khánh Lâm. Họ là những người có vị thế ngang hàng, nhưng xa lạ, chưa quen biết nhau.

b] Các nhân vật đổi vai từ nói sang nghe và ngược lại, tạo nên những lượt lời kế tiếp nhau.

c] Các nhân vật giao tiếp nói về việc bắt cá sấu. Ông Năm Hên giải thích công việc của mình cho dân làng hiểu. Ông bắt sấu bằng tay, chứ không phải câu sấu bằng lưỡi câu và mồi là con vịt. Ông đã thực hiện được mục đích giao tiếp của mình.

Sachbaitap.com

Báo lỗi - Góp ý

Xem lời giải SGK - Soạn văn 12 - Xem ngay

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2022 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Video liên quan

Chủ Đề