Hiv xét nghiệm bao lâu

Cách đây 1 tháng em có quan hệ với gái mại dâm không dùng bao cao su. Sau đó 3 ngày, bộ phận sinh dục của em nổi mẫn đỏ và ngứa. Em đã đi khám uống thuốc và đã khỏi. Sau ngày 5 ngày quan hệ, em test nhanh 2 lần, kết quả là âm tính. Nhưng em vẫn sợ mình nhiễm HIV nên em đã thực hiện test nhanh bằng que test fastep rapid diagnotics test 4 lần trong vào các ngày thứ 8, ngày thứ 21, ngày thứ 26 và ngày thứ 29 cho kết quả là âm tính. Đồng thời, em cũng có kiểm tra lại tại trung tâm xét nghiệm HIV vào ngày thứ 27. Em rất hoang mang và lo sợ. Cho em hỏi, kết quả như vậy hầu như chính xác không ạ?

Em xin cảm ơn.

Trả lời:

Hiện tại, không có xét nghiệm HIV nào có thể phát hiện được HIV ngay sau phơi nhiễm. Khoảng thời gian kể từ khi một người có thể có nguy cơ phơi nhiễm với HIV cho đến khi xét nghiệm có thể phát hiện chắc chắn có bị nhiễm HIV hay không gọi là  giai đoạn “cửa sổ” thời gian của giai đoạn này thay đổi tùy theo từng người và tùy thuộc vào loại xét nghiệm được sử dụng để phát hiện HIV. Một người trong giai đoạn cửa sổ vẫn có khả năng lây truyền bệnh cho người khác, tuy nhiên khả năng lây nhiễm là tương đối thấp.

Xét nghiệm sàng lọc HIV có 3 loại: Xét nghiệm kháng thể thường là test nhanh [sau hành vi nguy cơ 3 tháng], xét nghiệm kháng nguyên PCR [sau hành vi nguy cơ 2 tuần], và xét nghiệm kháng nguyên - kháng thể [combo ag/ab HIV]. Sau xét nghiệm sàng lọc nếu có nghi ngờ sẽ được làm xét nghiệm khẳng định.

Vì vậy, các kết quả xét nghiệm nhanh trong vòng 1 tháng nay thì về độ chính xác chưa được cao. Thời điểm xét nghiệm HIV cho kết quả chính xác nhất là sau khi phơi nhiễm với virus HIV từ 3 tháng, nên em lên đến bệnh viện để làm xét nghiệm sau để biết chắc chắn là em có bị lây nhiễm HIV hay không.

Trong trường hợp em muốn biết sớm mình có bị lây nhiễm HIV hay không thì em có thể tham khảo phương pháp xét nghiệm HIV ag/ab combo. Đây là phương pháp xét nghiệm kháng nguyên - kháng thể, cho phép phát hiện ra virus gây bệnh trong thời gian sớm nhất, chính xác nhất khi virus HIV vừa xâm nhập vào cơ thể chỉ sau vài tuần [sau 2 tuần]. Phương pháp xét nghiệm HIV ag/ab combo này có thể xét nghiệm sau 15 ngày và khoảng thời gian lý tưởng nhất là sau 28 ngày.

Bao cao su là một phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa lây truyền HIV khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nhiều người lại không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng không đúng cách. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền HIV và các bệnh lây qua đường tình dục [STD] khác.

Nếu bạn nghi ngờ mình đã bị phơi nhiễm với HIV do quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su hoặc do bao cao su bị rách thì cần đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Bạn sẽ được cấp thuốc điều trị dự phòng để giảm nguy cơ nhiễm HIV nhưng thuốc này chỉ có tác dụng khi dùng trong vòng 72 tiếng kể từ thời điểm phơi nhiễm. Bạn cũng nên đến bệnh viện để được tư vấn làm xét nghiệm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục khác.

Không có phương pháp xét nghiệm HIV nào có thể phát hiện chính xác virus này trong cơ thể ngay sau khi phơi nhiễm. Trong xét nghiệm HIV có một giai đoạn được gọi là “thời kỳ cửa sổ”. Đây là khoảng thời gian kể từ thời điểm bị nhiễm HIV cho đến khi xét nghiệm phát hiện được virus trong cơ thể và cho kết quả dương tính.

Đọc tiếp để tìm hiểu thêm về thời điểm nên làm xét nghiệm HIV sau khi phơi nhiễm, điều trị dự phòng, các phương pháp xét nghiệm chính và nguy cơ lây truyền HIV của các hình thức quan hệ tình dục khác nhau.

Thời kỳ cửa sổ là khoảng thời gian từ lúc bị nhiễm HIV lần đầu tiên cho đến khi xét nghiệm phát hiện được virus.

Nếu làm xét nghiệm HIV ngay trong giai đoạn này thì kết quả thường sẽ là âm tính dù người đó đã thực sự bị nhiễm HIV [âm tính giả]. Thời kỳ cửa sổ có thể kéo dài từ 10 ngày đến 3 tháng, tùy thuộc vào cơ thể của mỗi người và loại xét nghiệm được sử dụng.

Dù xét nghiệm không phát hiện được nhưng HIV vẫn có thể lây truyền sang người khác trong thời kỳ cửa sổ. Trên thực tế, nguy cơ lây truyền thậm chí còn cao hơn bình thường vì lúc này cơ thể đang có rất nhiều virus.

Dưới đây là các phương pháp xét nghiệm HIV khác nhau và thời kỳ cửa sổ của từng phương pháp.

Xét nghiệm kháng thể

Phương pháp xét nghiệm này đo nồng độ các kháng thể kháng HIV. Có thể phải sau đến 3 tháng kể từ khi bị nhiễm HIV thì cơ thể mới sản sinh ra đủ lượng kháng thể để xét nghiệm phát hiện được. Trong hầu hết các trường hợp, lượng kháng thể sẽ đủ để xét nghiệm cho kết quả dương tính trong vòng 3 đến 12 tuần sau khi nhiễm HIV. Sau 12 tuần đến 3 tháng, 97% trường hợp sẽ có kết quả xét nghiệm kháng thể chính xác.

Nếu làm xét nghiệm sau 4 tuần thì kết quả có thể cũng chính xác nhưng tốt nhất là nên xét nghiệm lại sau 3 tháng để xác nhận.

Xét nghiệm kháng thể/kháng nguyên

Phương pháp xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể còn được gọi là xét nghiệm HIV combo Ag/Ab hay xét nghiệm thế hệ thứ tư. Phương pháp xét nghiệm này đo cả nồng độ kháng thể và kháng nguyên p24. Kháng nguyên này có thể được phát hiện ngay sau 2 tuần kể từ thời điểm phơi nhiễm.

Nói chung, cơ thể thường sẽ sản xuất đủ lượng kháng nguyên và kháng thể để xét nghiệm có thể phát hiện sau khi phơi nhiễm từ 2 đến 6 tuần. Nếu làm xét nghiệm sau 2 tuần và có kết quả âm tính nhưng vẫn nghi ngờ đã phơi nhiễm với HIV thì sẽ cần làm một xét nghiệm khác sau 1 đến 2 tuần vì xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể có thể cho kết quả âm tính giả trong giai đoạn đầu mới nhiễm bệnh.

Xét nghiệm axit nucleic

Xét nghiệm axit nucleic [NAT] đo lượng virus trong mẫu máu và sẽ cho kết quả dương tính/âm tính hoặc số lượng virus.

Phương pháp xét nghiệm này có chi phí cao hơn các phương pháp xét nghiệm HIV khác nên bác sĩ thường chỉ yêu cầu tiến hành trong những trường hợp có khả năng cao đã phơi nhiễm với HIV hoặc nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc không xác định được.

Thông thường, xét nghiệm axit nucleic cho kết quả dương tính chính xác sau từ 1 đến 2 tuần kể từ thời điểm có khả năng phơi nhiễm với HIV.

Bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà

Các bộ dụng cụ xét nghiệm HIV tại nhà như OraQuick phát hiện kháng thể kháng HIV bên trong mẫu dịch miệng [nước bọt]. Theo nhà sản xuất, thời gian để OraQuick cho kết quả chính xác là sau 3 tháng kể từ khi phơi nhiễm.

Cần lưu ý, nếu bạn cho rằng mình đã bị phơi nhiễm với HIV thì nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Bất kể là thực hiện phương pháp xét nghiệm nào trong thời gian này thì cũng nên đi xét nghiệm lại sau khi kết thúc thời kỳ cửa sổ để xác nhận chắc chắn. Những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nên làm xét nghiệm định kỳ 3 tháng một lần.

Nếu bạn nghi ngờ mình đã tiếp xúc với HIV thì hãy đến ngay cơ sở y tế trong vòng 72 giờ. Bạn sẽ được cấp thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm [PEP] để làm giảm nguy cơ bị nhiễm HIV. PEP là thuốc kháng virus được uống 1 hoặc 2 lần mỗi ngày trong khoảng thời gian 28 ngày liên tục.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh [CDC], hiệu quả của PEP sẽ ở mức rất thấp hoặc hoàn toàn không có tác dụng nếu bắt đầu ngoài 72 tiếng sau phơi nhiễm.

Khi quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su, HIV trong chất dịch cơ thể của người bệnh sẽ xâm nhập vào cơ thể của người kia qua lớp niêm mạc ở dương vật, âm đạo và hậu môn. Trong một số trường hợp, HIV còn có thể lây truyền qua vết xước hoặc vết loét bên trong miệng khi quan hệ tình dục bằng miệng.

Trong tất cả các hình thức quan hệ tình dục, quan hệ đường hậu môn là hình thức dễ lấy truyền HIV nhất. Nguyên nhân là do lớp niêm mạc của hậu môn rất mỏng manh và dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho HIV xâm nhập. Người được thâm nhập hay “người nhận” [receptive] khi quan hệ tình dục đường hậu môn sẽ có nguy cơ bị nhiễm HIV cao hơn so với người thâm nhập hay “người cho” [insertive].

HIV cũng có thể lây truyền khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, mặc dù niêm mạc âm đạo không dễ bị rách như niêm mạc hậu môn.

Nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục bằng miệng mà không sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng là khá thấp nhưng không phải không thể xảy ra. Nguy cơ sẽ cao hơn khi bị xước, loét trong miệng hoặc chảy máu lợi [nướu].

Ngoài HIV, quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su còn là con đường lây lan các bệnh xã hội khác như lậu, giang mai, chlamydia,...

Cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ lây truyền HIV khi quan hệ tình dục là sử dụng bao cao su. Hãy đeo bao cao su từ trước khi bắt đầu quan hệ vì HIV có thể lây truyền qua dịch tiền xuất tinh, dịch âm đạo và dịch hậu môn.

Ngoài ra, nên dùng gel bôi trơn để ngăn ngừa rách hậu môn hoặc âm đạo và giảm nguy cơ lây truyền HIV. Gel bôi trơn còn giúp bảo vệ bao cao su không bị rách nhưng chỉ nên sử dụng gel bôi trơn gốc nước vì gel bôi trơn gốc dầu sẽ làm hỏng bao cao su.

Khi quan hệ tình dục bằng miệng thì nên dùng màng chắn miệng [dental dam] để ngăn sự tiếp xúc trực tiếp giữa miệng và âm đạo hoặc miệng và hậu môn.

Đối với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao thì nên dùng thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm [PrEP]. Đây là phương pháp uống thuốc kháng virus hàng ngày để tránh bị nhiễm HIV khi phơi nhiễm.

Tất cả những người có nguy cơ cao bị nhiễm HIV đều nên thực hiện PrEP, ví dụ như những người quan hệ tình dục với nhiều hơn một bạn tình, người đang sống chung với người nhiễm HIV hay người làm việc trong môi trường dễ lây nhiễm…

Mặc dù PrEP giúp tạo sự bảo vệ hiệu quả chống lại HIV nhưng vẫn phải sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ. PrEP không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác ngoài HIV.

Tóm tắt bài viết

Nếu nghi ngờ mình đã bị phơi nhiễm với HIV do quan hệ tình dục không dùng bao cao su thì cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được kê thuốc thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm [PEP] nhằm làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài ra, bạn sẽ được hướng dẫn thời điểm làm xét nghiệm HIV và xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Chủ Đề