Giuong don hay giuong doi review

Lần đầu biết đến truyện này, không phải qua blog chị Cẩm Ninh, là tình cờ bắt gặp đâu đó trên mạng. Không chú ý vì thấy tên truyện… có ‘cái giường’!

Lần thứ hai bắt gặp (lại) cuốn truyện, chính là từ blog chị Cẩm Ninh, khi ấy thầm nghĩ, ‘A, hóa ra CN là chị Jini!’ Đọc lời giới thiệu của chị Ninh, dựa vào sự tin tưởng qua mấy bộ truyện đã đọc bên blog chị, mình quyết định mua một cuốn GĐHGĐ về.

Trên thực tế, mình (có lẽ) còn xơi mới bước vào cánh cửa hôn nhân, lại chắc chắn không có anh bạn thanh mai trúc mã nào yêu và đợi mình mười mấy năm trời như Vĩnh Đạo yêu và đợi Phổ Hoa. Vậy nên, những triết lý hôn nhân trong đó, cái gọi là hạnh phúc vợ chồng đó, mình quả thực không thể thấu hiểu triệt để, chỉ có thể cảm nhận dựa trên góc độ tình yêu trai gái.

Truyện hay. Tình tiết cũng khá hợp lý (nói ‘khá’ thôi vì mình mới đọc một lần, chưa nghiên cứu kỹ để nói chắc chắn). Tác giả miêu tả nội tâm hai nhân vật chính khá nhiều. Đoạn duy nhất trong truyện làm mình bật khóc ròng ròng, không phải khi Phổ Hoa đau đớn vì Vĩnh Đạo tái hôn, không phải khi Phổ Hoa chôn giấu Vĩnh An vào ký ức, cũng không phải những cảnh Phổ Hoa và Vĩnh Đạo cãi nhau và làm tổn thương nhau, mà chính là đoạn bố Phổ Hoa mất. Cũng có chi tiết này, chi tiết kia trùng hợp với câu chuyện nào đó của bản thân khiến mình bồi hồi, cũng có đoạn này đoạn kia đầy cảm xúc khiến mình nghèn nghẹn, cay cay. Nhưng chỉ tới đoạn nói về tai nạn và cái chết của người bố hiền lành này, nước mắt mới chảy ra xót xa. Tuy nhiên, đó lại không phải đoạn mình thích nhất truyện.

Đoạn mình ấn tượng và nhớ nhất truyện là khi Phổ Hoa về Bắc Kinh, gặp Vĩnh Đạo ở ‘nhà’, rồi Vĩnh Đạo nổi điên lên ‘hành hạ’ cô. Hai người họ đều rất đau, đau bởi đối phương, lại càng đau bởi chính mình.

Mình rất, rất, rất không thích Phổ Hoa. Cô ấy quá nội tâm, quá khép kín, quá tự ti, quá hèn nhát, lại cũng quá cứng đầu. Có chuyện gì cũng không nói, tâm sự luôn cất trong lòng. Người ta quan tâm hỏi han cũng chỉ biết im lặng. Vĩnh Đạo nói rất đúng, cô không cho anh biết cô muốn gì, cần gì, thì làm sao anh biết mình nên làm thế nào để cô vui?

Nhưng, sau cảm giác không thích ấy, lại bất chợt nhận ra phần nào của bản thân trong con người Phổ Hoa.

GĐHGĐ có cái kết đẹp, cảnh XXOO trong truyện rất ít, có thì cũng không tả quá kĩ lưỡng như nhiều ngôn tình bây giờ, dành nhiều đất cho nội tâm nhân vật bộc lộ, các nhân vật hầu như ai cũng không hoàn hảo, nhất là bạn nam chính cũng có điểm không yêu nổi (quá độc đoán, tương đối áp đặt, và ‘dám’ đi lại với cô gái khác khi vẫn yêu Phổ Hoa :-w), nữ chính lại càng không cần nói, khuyết điểm đầy mình!!! Thế nên, mình rất thích truyện này, đặc biệt recommend cho các bạn thích ngược vừa vừa mà vẫn HE, ngưỡng mộ tình cảm thanh mai trúc mã thời niên thiếu (như mình __) và đang thấy bế tắc trong tình cảm 😀

Từ bạn học đến tình nhân, từ vợ chồng đến ly dị, Diệp Phổ Hoa và Thi Vĩnh Đạo trải qua mười lăm năm sóng gió để trưởng thành.

Hai năm ly hôn, hai người giấu không nói cho bạn bè, người thân biết, cho đến khi Thi Vĩnh Đạo bất ngờ tái hôn với cô bạn cùng lớp cấp ba, cuộc sống yên bình của Diệp Phổ Hoa bị khuấy đảo. Trong cơn sốc, Diệp Phổ Hoa không ngừng quay về hồi ức thử tìm ra nguyên nhân thất bại của cuộc hôn nhân này, hy vọng sớm thoát khỏi gông xiềng, bước chân ra khỏi vực thẳm.

Đối diện với người đã từng thầm yêu Kỷ An Vĩnh, với người bạn học cũ cùng lập nghiệp nơi đất khách Ngu Thế Nam, thậm chí là anh trai của chồng cũ Thi Vĩnh Bác, Diệp Phổ Hoa mới nhận thấy không dễ gì tìm lại được hạnh phúc đã mất. Tuy nhiên cuộc sống còn nhiều điều bất ngờ đang chờ đón cô phía trước. Trái tim vẫn hướng về nhau, nhưng tấm gương đã vỡ liệu có thể lành?

Rất nhiều cô gái được khuyên lấy người yêu mình sẽ hạnh phúc hơn lấy người mình yêu. Nhưng thực ra chẳng phải, hạnh phúc không nằm ở người mình yêu hay người yêu mình. Hạnh phúc là ở trong lòng bàn tay, biết nắm lấy hay không lại là chuyện khác.

“Giường đơn hay giường đôi” là câu chuyện lật lại những ký ức của mười lăm năm quá khứ, tìm lại xem hạnh phúc mình đã đánh rơi đâu mất của Diệp Phổ Hoa.

Diệp Phổ Hoa là một cô gái không biết cách hạnh phúc. Vì bản thân cô ấy chỉ mong chờ vào những thứ ngoài tầm tay. Con cá chưa bắt được là con cá to, còn con người thì luôn tham lam quá mức, không bao giờ biết điểm dừng. Muốn lấy một người đàn ông đủ sức lo lắng cho mình về vật chất, rồi lại muốn có một người đàn ông yêu thương mình, rồi lại tham lam muốn có một người tri âm tri kỷ thấu hiểu bản thân. Chắc trong số chúng ta ai cũng đều sẽ như thế. Chúng ta thường coi những thứ đã có như là chuyện đương nhiên và chỉ mơ mộng hoài về những thứ không bao giờ có được.

Diệp Phổ Hoa của tuổi mười lăm, mười tám, hai mốt, hai lăm chưa bao giờ coi trọng Thi Vĩnh Đạo. Cô sợ hãi tình cảm anh ấy dành cho mình. Cô chạy trốn. Cô thừa nhận. Rồi cuối cùng cô coi nó như một chuyện đương nhiên. Diệp Phổ Hoa của tuổi hai lăm cố chấp với tình cảm trong lòng mình, ra sức đóng cửa trái tim và không muốn cho Thi Vĩnh Đạo bước chân vào trong đó.

Ai yêu trước người ấy thua. Vì vậy Diệp Phổ Hoa là người thắng. Cô ấy tự cho mình cái quyền không cần đáp trả lại tình cảm của Vĩnh Đạo. Hàng ngày chỉ cần ở bên anh ấy, hôn anh ấy, cưới anh ấy. Vậy là đủ báo đáp rồi, còn Vĩnh Đạo thì không có quyền can thiệp vào tâm tư của cô ấy.

Nhưng tiền bạc thì còn có thể sòng phẳng, chứ tình cảm thì báo đáp làm sao cho đủ đây?

Tính tình của Thi Vĩnh Đạo hết sức mạnh mẽ. Mạnh mẽ như một cơn sóng thần, sẵn sàng cuốn phăng tất cả mọi thứ. Mười lăm tuổi, sẵn sàng đánh nhau với bạn, thi học kỳ nộp giấy trắng, bỏ học uống rượu, ngang nhiên hút thuốc trước cổng trường, chẳng có việc gì là anh ấy không dám làm cả. Mười lăm tuổi, khắc hằn mấy chữ PH của D lên mặt bàn, coi như một sự đánh dấu chủ quyền. Mười lăm tuổi, bọc tất cả sách vở bằng tờ giấy có bút tích của cô như một sự công khai sở hữu.

Thi Vĩnh Đạo là như vậy. Anh ấy yêu Phổ Hoa nhiều đến mức có trao cả trái tim cho cô ấy cũng không đủ. Tình cảm dạt dào như đại dương.

Chỉ tiếc Phổ Hoa không phải là một con cá. Thế nên khi bị tình cảm của Vĩnh Đạo bao bọc, cô ấy chỉ thấy ngạt thở. Và càng cố sức vùng vẫy thì càng không thể thoát ra.

Khoảng cách xa nhất trên thế giới này là giữa con chim trên trời và con cá dưới đại dương. Vĩnh viễn không bao giờ có thể ở bên nhau được.

Nhưng mười năm, mười một năm, mười hai năm, Vĩnh Đạo dần mệt mỏi. Anh ấy không còn là cậu thiếu niên cao to dám đợi Phổ Hoa hàng giờ, bưng bát phô mai cho cô ấy. Thời gian khiến anh ấy trưởng thành, bình tĩnh và cũng mệt mỏi hơn. Trái tim không dám mang ra đánh cược nữa.

Trong lòng Vĩnh Đạo có một khe nứt mà qua thời gian khe nứt đó càng lớn hơn. Đó là Kỷ An Vĩnh, Kỷ An Vĩnh trong trái tim của Phổ Hoa.

Vậy nên, yêu hay không yêu vẫn mãi là chuyện của riêng anh ấy. Mười hai năm trôi đi, vẫn mãi chỉ là “Mình thích cậu là chuyện của mình, cậu không thích mình là chuyện của cậu”

Vì anh ấy yêu nhiều nên cũng muốn Phổ Hoa đáp trả bằng cả trái tim. Chỉ tiếc là tình cảm lớn quá, cô ấy không gánh nổi.

Vậy nên bọn họ rời xa nhau.

Hạnh phúc cứ phải mất đi mới biết là hạnh phúc. Tình yêu cứ đến lúc tan tành mới biết đã từng yêu.

Phổ Hoa cũng thế, đến lúc mất đi anh ấy mới biết tình yêu là như thế nào.

Phổ Hoa của tuổi hai chín một lần nữa chạy trốn. Lần này không phải bỏ trốn khỏi Vĩnh Đạo mà lại trốn chạy khỏi chính cảm tình của mình, chạy trốn khỏi sự hờn ghen vô cớ, chạy trốn khỏi sự tự ti của những năm mười lăm, mười sáu tuổi.

Chỉ có điều cô ấy không hề nhận ra, mười lăm năm, cô ấy đã dần học được cách yên bình trong biển cả. Tình yêu thật là kỳ diệu, nó khiến Diệp Phổ Hoa trở thành con cá, học được cách hít thở dưới đáy đại dương, học được cách yêu anh bằng cả tấm lòng.

Không phải ai cũng may mắn như Phổ Hoa, cũng biết hạnh phúc đánh rơi ở đâu để nhặt lại, cũng có một người đàn ông kiên nhẫn trong suốt mười lăm năm.

Vì “Cuộc đời có mấy lần mười lăm năm”? Vậy nên đừng để lúc hạnh phúc mất đi mới đi nhặt lại, để người thương đi mất rồi mới biết vị trí của trái tim