Em hiểu thế nào về câu Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống

Tôi tài giỏi, bạn cũng thế ! tổng hợp những kỹ năng và phương pháp đã mang tới thành công vượt bậc cho cậu bé Adam kém cõi và dĩ nhiên bạn cũng có thể thành công như vậy! Quyển sách này dành cho các học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh, các nhà giáo và bất kỳ ai luôn mong muốn tăng cường khả năng tận dụng não bộ hoặc phát huy tối đa tiềm năng của mình. Hãy luyện các đề đọc hiểu tôi tài giỏi, bạn cũng thế để hiểu sâu hơn.

Tôi tài giỏi bạn cũng thế đọc hiểu - Đề số 1

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Người thành công luôn chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ tin rằng dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, họ là một phần nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ: nếu họ thi trượt, đó là lỗi của họ. Nếu không được cha mẹ tin tưởng, đó là lỗi của họ. Nếu phải vào lớp tệ hại nhất, đó là lỗi của họ. Nếu trở thành một học sinh xuất sắc, đó cũng là nhờ nỗ lực của họ. Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn. Nếu bạn tin rằng bạn là nguyên do của mọi chuyện, bạn sẽ có khả năng thay đổi và cải thiện mọi chuyện. Nói một cách đơn giản, bạn làm chủ cuộc sống của chính bạn. [...]Những kẻ thất bại bao giờ cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người ngoại trừ bản thân họ. Họ đổ thừa thầy cô giảng bài nhàm chán, đổ thừa kì thi quá khó, đổ thừa bạn bè làm họ xao nhãng việc học, đổ thừa cha mẹ suốt ngày cằn nhằn họ. Tệ hại hơn cả, một số học sinh còn tự lừa dối bản thân rằng mọi việc cũng không đến nỗi quá tệ, rằng môn Toán của họ cũng không tệ đến thế, rằng thực chất họ học hành rất chăm chỉ...trong khi tự đáy lòng, họ biết rõ những điều đó không phải là sự thật. “Những người và những việc xung quanh mình khiến mình thất bại “. Suy nghĩ đó khiến bạn trở thành nạn nhân bất lực, không thể thay đổi được cuộc sống.

[Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, Adam Khoo, Trang 43, NXB Phụ nữ, 2013]

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: Theo tác giả, điểm khác nhau cơ bản giữa người thành công và những kẻ thất bại là gì?

Câu 3: Vì sao tác giả lại cho rằng: suy nghĩ “những người và những việc xung quanh mình khiến mình thất bại ” lại làm cho con người trở thành nạn nhân bất lực, không thể thay đổi được cuộc sống?

Câu 4: Bài học ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra từ văn bản trên là gì?

Đáp án tôi tài giỏi bạn cũng thế đọc hiểu - Đề số 1

Câu 1. PTBĐ nghị luận

Câu 2. 

 -  Người thành công sẽ luôn nhận lãnh trách nhiệm về bản thân còn kẻ thất bại lại đổ lỗi cho người khác.

Câu 3. 

-  Khi luôn nghĩ rằng “những người và những việc xung quanh mình khiến mình thất bại” có nghĩa là con người luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh mà không chịu thừa nhận những khiếm khuyết, sai lầm, điểm yếu của bản thân... Nói cách khác là lối sống hèn nhát, giả dối. Họ không dám đối diện với chính mình để thay đổi bản thân.

- Sống quá phụ thuộc vào những người xung quanh còn làm con người trở nên thụ động, ỉ lại, dần đánh mất những năng lực tiềm ẩn vốn có của mình dẫn đến không tự mình thay đổi được cuộc sống theo hướng tích cực.

Câu 4. 

 - Bài học về nguyên nhân dẫn đến thành công và thất bại.

Tôi tài giỏi bạn cũng thế đọc hiểu - Đề số 2

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Tôi luôn ngưỡng mộ những học sinh không chỉ học xuất sắc mà còn dành được nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Họ thường nắm giữ những vị trí quan trọng ở các câu lạc bộ trong trường và ngoài xã hội. Họ đạt điểm cao trong học tập, đi thi đấu thể thao cho trường, giữ chức chủ nhiệm trong các câu lạc bộ khoa học, và trên hết, họ là những thành viên tích cực trong Đoàn, Đội. Tôi luôn tự hỏi “Làm thế nào mà họ có nhiều thời gian đến thế?”. Mặt khác, những học sinh kém đưa ra lí do họ nhận kết quả thi không tốt là do họ không có thời gian để ôn bài. Tuy nhiên, thực tế, những học sinh này thường không tích cực trong các hoạt động tập thể và ngoại khóa như những học sinh giỏi. Tại sao lại như vậy? Tất cả mọi người đều có 24 giờ một ngày. Thời gian là thứ tài sản mà ai cũng được chia đều. Cho dù bạn là một học sinh giỏi, một học sinh kém, tổng thống hay một người gác cổng, bạn cũng chỉ có cùng một lượng thời gian như nhau. Thời gian là thứ duy nhất mà chúng ta không thể mua được. Tuy nhiên, tại sao một người như Tổng thống Mỹ lại có thời gian quản lý cả một quốc gia trong khi đó người gác cổng lại than phiền rằng ông ta không có thời gian để học? Sự khác biệt là do những người thành công trong cuộc sống biết cách quản lý thời gian. Chúng ta không thể thay đổi được thời gian nhưng có thể kiểm soát được cách sử dụng thời gian của chúng ta. Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống.

[Adam Khoo, Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, Nxb Phụ nữ, 2014]

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên. [0.5 điểm]

Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản. [1.0 điểm]

Câu 3. Vì sao tác giả lại cho rằng: “Thời gian là thứ duy nhất mà chúng ta không thể mua được”? [1.0 điểm]

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống”? Tại sao? [1.5 điểm]

Đáp án tôi tài giỏi bạn cũng thế đọc hiểu - Đề số 2

Câu 1: [ 0.5 điểm ]

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

- Điểm 0.5: Xác định đúng.

- Điểm 0.0: Xác định sai, xác định hai phương thức trở lên hoặc không trả lời.

Câu 2: [ 1.0 điểm ] Nội dung chính của đoạn trích:

- Bày tỏ quan điểm của tác giả với những người biết sử dụng thời gian hợp lí và những người đang lãng phí thời gian. [0.25 điểm]

- Bàn về việc sử dụng thời gian: Người làm chủ được thời gian, sẽ làm chủ được cuộc sống của mình, sẽ thành công//người không làm chủ được thời gian thường bi quan, thất bại trong cuộc sống. [0.75 điểm]

Câu 3: [ 1.0 điểm ]

Tác giả cho rằng “Thời gian là thứ duy nhất mà chúng ta không thể mua được” vì:

- Thời gian là quy luật của tự nhiên, là sản phẩm mà tạo hóa ban tặng đồng đều cho tất cả mọi người.

- Chúng ta có thể mua được rất nhiều thứ nhưng không ai có thể dùng quyền lực, tiền bạc hay bất cứ thứ gì can thiệp để mua hay thay đổi được thời gian.

Câu 4: [ 1.5 điểm ] HS cần thể hiện rõ quan điểm của mình: đồng tình hoặc không đồng tình [0.25 điểm]. Học sinh lí giải cho quan điểm của mình [1.25 điểm]. Tuy nhiên, nội dung câu trả lời cần phải chặt chẽ, hợp lí, thể hiện tính thẩm mỹ phù hợp với yêu cầu của đề.

Gợi ý:

Đồng tình. Vì:

- Nếu có thời gian, con người có thể làm được rất nhiều điều cho cuộc sống của mình. Biết sử dụng hợp lí, làm chủ được thời gian sẽ là thứ tài sản vô giá, giúp ích cho cuộc sống con người, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho chúng ta. [0.75 điểm]

- Ngược lại, nếu sử dụng thời gian lãng phí hoặc dùng cho những công việc vô bổ, con người sẽ cảm thấy cuộc sống tuyệt vọng, bế tắc, mất phương hướng, mất niềm tin. [0.5 điểm]

Tôi tài giỏi bạn cũng thế đọc hiểu - Đề số 3

Đọc hiểu [3,0 điểm]

Đọc văn bản sau:

 [1]Người thành công luôn chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ tin rằng dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, họ là một phần nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ: nếu học thi trượt, đó là lỗi của họ. Nếu không được cha mẹ tin tưởng, đó là lỗi của họ. Nếu phải vào lớp tệ hại nhất, đó là lỗi của họ. Nếu trở thành một học sinh xuất sắc, đó cũng là nhờ nỗ lực của họ. Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn. Nếu bạn tin rằng bạn là nguyên do của mọi chuyện, bạn sẽ có khả năng thay đổi và cải thiện mọi chuyên. Nói một cách đơn giản, bạn làm chủ cuộc sống của chính bạn.

[2][…] Những kẻ thất bại bao giờ cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người ngoại trừ bản thân họ. Họ đổ thừa thầy cô giảng bài nhàm chán, đổ thừa kỳ thi quá khó, đổ thừa bạn bè làm họ xao nhãng việc học, đổ thừa cha mẹ suốt ngày cằn nhằn họ. Tệ hại hơn cả, một số học sinh còn tự lừa dối bản thân rằng mọi việc cũng không đến nỗi quá tệ, rằng môn Toán của họ cũng không tệ đến thế, rằng thực chất họ học hành rất chăm chỉ… trong khi tự đáy lòng, họ biết rõ những điều đó không phải là sự thật. “Những người và những việc xung quanh mình khiến mình thất bại”. Suy nghĩ đó khiến bạn trở thành nạn nhân bất lực, không thể thay đổi được cuộc sổng.

[ Trích Tôi tài giỏi, bạn cũng thế – Adam Khoo, NXB Phụ nữ, 2013]

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Việc đưa ra các Ví dụ trong đoạn [1] có tác dụng gì?

Câu 2. Theo tác giả, để làm chủ được cuộc sống của mình, bạn cần làm gì?

Câu 3. Theo anh/ chị, cần làm gì để không rơi vào khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người được nói đến trong đoạn trích?

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn không? Vì sao? 

Đáp án tôi tài giỏi bạn cũng thế đọc hiểu - Đề số 3

Câu 1:

Việc đưa ra các Ví dụ trong đoạn [1] có tác dụng:

– Chứng minh cho vấn đề cần nghị luận: Người thành công luôn tự chịu trách nhiệm về mình.

– Làm tăng sức thuyết phục người đọc, người nghe.

Câu 2:

Theo tác giả, để làm chủ được cuộc sống của mình, bạn cần làm:

– Nhận lãnh trách nhiệm về những việc xảy ra với mình.

– Không tự lừa dối bản thân, cần dũng cảm đối mặt với những khiếm khuyết của mình

Câu 3:

Theo anh/ chị, cần làm gì để không rơi vào khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người được nói đến trong đoạn trích?Cần làm gì để không rơi vào khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người:

– Biết nhận lỗi về mình khi bản thân làm sai.

– Ý thức được trách nhiệm của bản thân khi đưa ra quyết định.

– Đối diện với thất bại và tìm mọi cách để khắc phục.

– Đề cao lòng tự trọng của con người.

Câu 4:

Anh/chị có đồng ý với quan điểm Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn không? Vì sao?   

Học sinh có thể trả lời: Đồng tình quan điểm, không đồng tình hoặc đồng tình một phần nhưng phải lí giải hợp lí, thuyết phục.

– Đồng tình:

+ Nhận lãnh trách nhiệm về mình sẽ tạo ra động lực để ta cố gắng, cải tạo những khuyết điểm, khích lệ để phát huy những điều tốt đẹp đã đạt được.

+ Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân thể hiện sự dũng cảm, bản lĩnh và ý thức trách nhiệm… Đây là những điều tạo nên sức mạnh để mình làm nên thành công trong cuộc sống.

– Không đồng tình hoặc đồng tình một phần:… [cần lí giải rõ ràng, thuyết phục]

Video liên quan

Chủ Đề