Em có thích đi chơi tết không vì sao

Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ thích Tết. Hồi bé tí xíu thì không còn nhớ Tết thế nào nhưng cái Tết đầu tiên đọng lại trong ký ức của tôi là năm lớp 1 khi cô giáo “lì xì” cả lớp bằng một tập bài dày cộp mang về làm trong những ngày nghỉ Tết. Sau đó biết thêm một chút thì cũng lờ mờ nhận ra Tết có nghĩa là phải làm nhiều công việc “không tên” lắm. Người lớn chạy ngược chạy xuôi ở bên ngoài, về nhà lại lăn lưng ra dọn dẹp để chuẩn bị đón Tết. Cả năm dồn việc bận vô cùng. Mà đã bận thì người lớn hay cáu với trẻ con lắm. Tôi còn nhớ mình từng viết trong cuốn nhật ký có khoá bé xíu hồi học lớp 3 những dòng tâm sự kiểu như thế này: “Tết là dịp mọi người ở nhà nhiều hơn bình thường nên có nhiều lần va chạm hơn, dễ giận nhau hơn; những ngày gần Tết luôn là những ngày mình hay bị mắng nhất” [Hic].

Lớn hơn chút nữa tầm tuổi “teen” thì được giao cho nhiệm vụ ở nhà tiếp khách trong khi người lớn đi chúc Tết. Không biết các bạn quảng giao từ bé thì có thích “trọng trách” này không chứ một đứa vốn nhút nhát và chậm mồm chậm miệng như tôi thì ngại lắm, lắm, lắm ấy. Buồn cười nhất là hồi xưa chưa có ấm đun điện siêu tốc. Bác nào đến nhà chơi là cháu phải mời bác bánh mứt kẹo trước rồi lục đục đi đun nước pha trà. Trong lúc đợi nước thì các bác chỉ loanh quanh mấy câu: “Bố mẹ cháu đi đâu rồi?”, “Cháu học lớp mấy?”, “Cây đào này bố mẹ mua bao nhiêu tiền?” là chấm hết vì cháu chả biết tiếp được thêm câu chuyện gì nữa. Sau một vài phút im ắng kỳ cục, bốn mắt nhìn nhau, chỉ nghe thấy tiếng nước reo trên bếp thì bác cũng phải đầu hàng, chào tạm biệt cháu ra về. [Khổ thân bác nào đến nhà chúc Tết những năm này nhưng thật tình, tiếp bác cháu cũng thấy khổ thân mình lắm ấy].

Ừ thì Tết đối với trẻ con cũng có cái vui là được nhận lì xì. Nhận được nhiều phong bao thì cũng hí hửng lắm, mang ra đếm đi đếm lại, rồi hít hà cái mùi tiền mới. Thế nhưng với một đứa bé sớm nhạy cảm như tôi, càng về sau này, mỗi lần cầm phong bao lì xì lại càng bớt vui khi nhận ra rằng một đồng người ta tặng cho mình là hai đồng ba mẹ tặng lại cho con nhà người ta. Đó là chưa kể cảm giác “tội lỗi” khi nghe phong thanh đâu đó bạn này, bạn kia bằng tuổi mình đã biết nghĩ, gửi hết tiền mừng tuổi cho bố mẹ tiêu Tết, làm nhà, tậu xe… Có lẽ một đứa bé hồn nhiên, vô lo, vô nghĩ thì sẽ thích Tết hơn chăng? Tôi thì chưa bao giờ thực sự thích Tết. 

Nhưng sau này khi ra nước ngoài sống xa gia đình, tôi lại thấy tủi thân mỗi dịp Tết về. Năm đầu tiên thì còn tụ tập bạn bè người Việt Nam đến ăn uống cho có không khí. Đến năm thứ hai trở đi thì bận quá, ngày Tết vẫn đi học, đi làm như ngày bình thường, thậm chí còn nhiều hơn vì nhằm dịp đầu học kỳ mới, riết rồi quên luôn cả Tết. Chỉ đến khi ba mẹ gửi ảnh chụp bàn thời gia tiên và mâm cúng tất niên, rồi gọi Facetime chúc con năm mới vạn sự như ý, tôi mới nhớ nhà đến nghẹn ngào. Có một năm tôi đi học đúng ngày mồng một Tết, giữa một rừng các bạn Tây mắt xanh, tóc vàng, một cô bạn người Châu Á nhỏ bé xen vào giữa dòng người, chỉ để níu tay tôi lại thì thầm: “Chi, chúc mừng năm mới cậu nhé!”. Chỉ vậy thôi mà tôi cảm động tới rơi nước mắt. Có lẽ cái gì phải khi mất đi rồi ta mới hiểu được hết giá trị của nó. 

Tết này tôi may mắn có mẹ từ Việt Nam sang. Mẹ vừa giúp vợ chồng tôi chăm con nhỏ vừa chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết đơn giản mà vẫn tươm tất giữa trời Tây. Nhìn thấy những gì mẹ làm, nhận ra mình cũng đã làm mẹ, tôi bắt đầu có suy nghĩ những năm sau mình cũng nên làm như thế nào để con mình cũng biết Tết, mặc dù ở xa quê hương. Rồi tôi nghĩ nếu con hỏi tôi: “Mẹ có thích Tết không?”, tôi sẽ trả lời thế nào? Có lẽ câu trả lời vẫn là không, nhưng kèm theo đó, tôi sẽ nói cho con những điều tuyệt nhất của Tết mà kể cả người không thích Tết như mẹ vẫn không muốn bỏ lỡ một năm nào.

Những điều tuyệt nhất của Tết [Từ một người không thích Tết]

1. Tết là dịp định nghĩa lại hai chữ “gia đình”. Gia đình không phải lúc nào cũng là chốn bình yên [đặc biệt trong những ngày tất bật, có phần căng thẳng cận Tết] nhưng luôn là chốn đi về — là nơi con cái dù ở xa đến đâu cũng có thể nghĩ rằng: “À, ở nơi đó, mình còn một mái nhà”. Tôi từng nghe ai đó nói rằng: “Còn bố, còn mẹ, con còn tuổi thơ” — câu nói ấy thật đúng khi nghĩ về ngày Tết. Tết có bố, có mẹ là cái Tết trọn vẹn nhất. Kể cả khi đã lớn, đã có gia đình riêng, Tết vẫn còn cảm giác là Tết của gia đình khi mình còn bé bỏng. Khi bố mẹ không còn thì Tết có thể cũng vẫn vui vầy với anh chị em, họ hàng, con cháu nhưng đó đã là một cái Tết khác rồi. Tết vì thế là dịp định nghĩa lại hai chữ “gia đình” trong mỗi con người, là khi ta nhận ra dù không ai hoàn hảo và ta không tự chọn lựa được nơi mình sinh ra, nhưng gia đình vẫn là gia đình—nơi yêu thương xuất phát từ máu mủ, tình thân, và sự cảm thông vô điều kiện. 

2. Tết là cơ hội để khám phá và yêu thêm những giá trị truyền thống. Dù có không thích Tết đến thế nào, tôi tin không ai chê được những món ăn ngon ngày Tết: bánh chưng, củ kiệu, canh bóng, canh măng, nem rán/chả giò, bánh mứt kẹo… Mâm cơm cúng ngày Tết thể hiện bao nhiêu tinh hoa ẩm thực truyền thống Việt Nam. Nhưng cái tôi thích nhất là mùi hương trầm đốt ngày Tết. Có thể trong ngày rằm/mùng một, nhà nào cũng thắp hương nhưng mùi hương ngày Tết có một cái gì đó khác hẳn bình thường. Đối với tôi, đó là sự cộng hưởng của không khí trang nghiêm, thành tâm, kính cẩn. Là những đêm 30 leo lên tầng thượng căn nhà cũ của ba mẹ ở Hà Nội để hít hà mùi trầm hương quyện trên bàn thờ gỗ, nhìn ánh nến đỏ rực rỡ phản chiếu lên cái mâm đồng đỡ biết bao nhiêu món bày biện cúng Tất niên, nghe tiếng ba nhẩm cầu khấn cho một năm mới gia chung bình an, phát đạt, an khang thịnh vượng. Rồi những cái Tết 30 lên chùa cầu may với mẹ dưới cái tiết trời se se lạnh. Những cái Tết mang cành lộc, cây mía về nhà xông đất. Những cái Tết đợi hết hương thụ lộc để sắp hộp mứt kẹo đón khách… Lại cả những cái Tết xa nhà cố mua một cái bánh chưng bé tí xíu, đắt vô cùng ở chợ Châu Á, mở ra bên trong toàn lá chuối với ny-lông. Ấy thế mà trong lòng cũng thấy vui vui vì dù giản đơn vậy thôi, mình vẫn có Tết. 

3. Tết là cơ hội để mọi người trao cho nhau những thông điệp tích cực. Vốn là một đứa trẻ nhút nhát, nhạy cảm, khi còn nhỏ, tôi rất ngại nói những lời chúc Tết. Tôi từng thấy những lời chúc “sức khoẻ, an khang, thịnh vượng…” cứ công thức như thế nào, và việc nói chúng liên tục trong những ngày Tết có cảm giác gì đó rất xã giao. Nhưng càng lớn lên, nhất là khi có gia đình riêng và khi ba mẹ, ông bà ngày một lớn tuổi hơn, tôi trân trọng hơn những lời chúc ngày Tết vì chúng hướng đến điều tích cực cho người tôi yêu thường. Tôi cũng dần học cách chúc người ta đúng những gì mình mong cho họ từ cái tâm của mình, thay vì chỉ mồm mép công thức, xã giao bình thường. Nhờ đó, tôi cảm thấy vui hơn, tự nhiên hơn khi chúc tụng dịp Tết. Có mấy khi trong năm mà mọi người tươi cười, trao cho nhau những lời hay ý đẹp nhiều như dịp Tết? Bởi vậy, Tết cũng là cơ hội để rèn luyện tư duy tích cực và mở lòng đón nhận những thông điệp tích cực từ người khác.

4. Tết là cột mốc để kết lại cái cũ và mở ra cái mới. Một trong những tục lệ có vẻ hơi buồn cười nhưng là một trong những điều tôi thích nhất ở ngày cuối năm, đó là: “tắm Tất niên”. Sau những ngày cận Tết lu bu, nhất là chiều cuối năm lau dọn nhà cửa, chuẩn bị cỗ bàn đón Tết thì buổi tắm Tất niên là dịp để mọi người trút đi những bụi bẩn, mệt mỏi, phiền ưu của năm cũ để xuất hiện sạch sẽ, tinh tươm, tươi tỉnh đón năm mới. Rất nhiều tục lệ nho nhỏ khác trước đêm 30 cũng có cùng mục đích này, ví dụ như bao sái bàn thờ, đổ rác, cắt tóc… Tết là một dấu mốc rất lớn trong năm, cũng như trong tâm tưởng của mỗi người để kết lại cái cũ và mở ra cái mới. Tết vì thế cũng đem lại cho mọi người niềm hy vọng mới, tinh thần lạc quan, sự tin tưởng vào thay đổi tích cực. Ai trong chúng ta cũng cần cơ hội để làm chậm lại guồng quay cuộc sống xuống một nhịp nhẹ nhàng như thế. 

5. Tết là của người Việt. Sống lâu ở nước ngoài mới biết Tết có ý nghĩa dân tộc thiêng liêng như thế nào. Tết là một ngày lễ rất đặc biệt, rất riêng của người Việt—là niềm tự hào của mọi người con xa xứ. Tôi xúc động mỗi khi được nói: “Happy Tết!” [chứ không phải “Happy Chinese New Year” hay “Happy Lunar New Year”]. Không người Việt nào là không biết đến Tết. Và có lẽ, những ai không biết đến Tết cũng không thể cho mình là người Việt. Chỉ lý do này thôi cũng đã đủ để tôi muốn duy trì tổ chức Tết trong gia đình cho chồng và con mình những năm sau này. 

===

Với tất cả những ai đang ăn Tết ở quê nhà, ở nơi xa, và ở trong tâm tưởng, tôi chúc mọi người một cái Tết vui vẻ, an lành và một năm mới tràn ngập hạnh phúc, tiếng cười. Hãy cứ ghét những gì không hay của ngày Tết, nhưng hãy cứ yêu những gì tuyệt vời của ngày Tết. Bởi Tết cũng như gia đình—”giận thì giận, mà thương thì thương”—dù có thế nào ta cũng không thể dứt bỏ được, vì sâu thẳm bên trong tâm hồn, ta biết ta yêu, ta tự hào, và ta trân trọng những gì mình đang có.

Be Present,

Chi Nguyễn

*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog 

Video liên quan

Chủ Đề