Chơi chó là gì

Trong quan hệ xã hội, bè bạn chơi với nhau chân thực thường dựa trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nhau, không phân biệt giàu nghèo, hết lòng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Nếu có bất kỳ sự lấn lướt hoặc cao ngạo, trịch thượng với nhau thì đấy không còn là tình bạn nữa mà chỉ là mối quan hệ vụ lợi, cơ hội.

Trong cộng đồng các quốc gia dân chủ, các nước, dù nằm trong cùng một liên minh [ví dụ như Liên minh châu Âu hay Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương [NATO]...] hay không, thì quyền dân tộc tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ đều được tôn trọng triệt để, bởi vì đây là cộng đồng các giá trị dân chủ và nhân quyền. Các quốc gia dân chủ giữ sự độc lập của mình, chính quyền do dân chọn bằng bầu cử tự do, có sự chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau nhưng không lệ thuộc. Ví dụ, từ cuộc khủng hoảng Ukraina, quân đội của NATO tăng cường sự hiện diện trên biên giới phiá Đông, Mỹ đóng quân tại Ba Lan, nhưng CH Czech và Slovakia thì không muốn sự có mặt của quân đội NATO trên lãnh thổ của mình, dù cả hai đều là thành viên. Tương tự như vậy, gia nhập NATO nhưng Ba Lan vẫn sử dụng đồng tiền zloty của mình, không bắt buộc phải sử dụng đồng euro, hay Anh quốc vẫn sử dụng đồng Bảng.

"Nhờn chó, chó liếm mặt" là thành ngữ trong tiếng Việt chỉ cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng. Về nghĩa đen, có nghĩa là nuôi chó, chơi với chó, nhờn với nó quá, sẽ bị nó liếm mặt, trong một số trường hợp gặp chó dữ sẽ bị nó cắn, gây tai hoạ bi thảm. Tuy nhiên, ở nghĩa bóng nó còn chỉ ra mối quan hệ giữa các đối tượng, đãi ngộ nhau, tin nhau quá đáng sẽ bị lợi dụng, thậm chí phản thùng.

Hội nghị Thành Đô năm 1990 và hơn 20 năm chính sách phò Trung Quốc đã tạo ra tình cảnh còn tệ hại hơn nhiều mối quan hệ "nhờn chó,chó liếm mặt" giữa tập đoàn cộng sản Hà Nội và Trung Nam Hải.

Trước hết về chính trị, tập đoàn Hà Nội copy nguyên mô hình của hệ thống chính trị độc đảng cầm quyền, độc tài toàn trị. Về kinh tế, "mở cửa" theo theo thị trường tự do nhưng "định hướng xã hội chủ nghĩa", tức là nhà nước vẫn kiểm soát những lĩnh vực quan trọng nhất của thị trường và kinh tế quốc doanh nắm vai trò chỉ đạo. Trên cơ sở này, nhà cầm quyền Hà Nội đã mở rộng vòng tay cho Trung Quốc xâm thực, khống chế lãnh thổ Việt Nam bằng các thủ đoạn kinh tế như thuê gần 300 ngàn héc ta rừng đầu nguồn, kiểm soát hơn 90% tổng thầu các dự án quốc gia quan trọng, đưa hàng chục ngàn lao động qua Việt Nam, đưa hàng hoá rẻ tiền và độc hại tràn lan.

Sự dễ dãi và an toàn trong việc chi dưới gầm bàn để trúng thầu của các ông chủ Trung Quốc là liều thuốc kích hoạt guồng máy tham nhũng vô độ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Toàn bộ nền kinh tế Việt Nam bị đưa vào sự phụ thuộc Trung Quốc nghiêm trọng. Đã lỡ chén tạc chén thù nên há miệng mắc quai, giờ đây bị hiếp đáp, bị "chó liếm mặt", muốn dứt ra cũng không dễ.

Không những "chó liếm mặt" mà nó còn cắn luôn cả chủ nhà. Những lúc uống rượu Mao đài, tung hô "tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản quý báu", trân trọng "16 chữ vàng, 4 tốt", Đảng Cộng sản Việt Nam đã "trái tim nhầm chỗ để lên đầu", trao tặng cho Trung Quốc những món quá vô giá, mà giờ đây họ sử dụng tung ra phản công.

Trong ngày 9/6, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Vương Minh đã gửi "thư bày tỏ lập trường" của họ về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông đến Tổng thư ký Ban Ki-moon và yêu cầu ông cho lưu hành đến tất cả 193 quốc gia thành viên của Đại hội đồng.

Trung Quốc đã đưa ra các "tài liệu liên quan mà Việt Nam lâu nay công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa", trong đó có Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 đã “ghi nhận và tán thành” bản tuyên bố của Trung Quốc ngày 4 tháng 9 năm 1958, trong đó bao hàm cả chủ quyền của Tam Sa [Hoàng Sa] và Tây Sa [Trường Sa]. Họ cũng dẫn sách Địa Lý lớp 9 do Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam phát hành năm 1974 nói Tây Sa và Nam Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là một phần của Trung Quốc.

Họ còn tố cáo tàu của Việt Nam đã "xâm phạm chủ quyền" của Trung Quốc, đâm tàu Trung Quốc hơn 1.400 lần, "cản trở một cách phi pháp" các hoạt động thăm dò của công ty dầu khí Trung Quốc.

Đúng là vừa ăn cướp vừa la làng. Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam là một sự thật không thể chối cãi. Bản đồ Trung Quốc cổ, in từ đời nhà Thanh, cho thấy lãnh thổ Trung Quốc ở cực Nam là đảo Hải Nam, hoàn toàn không có địa danh Hoàng Sa, Trường sa. Thư viện lịch sử Việt Nam cũng đang lưu giữ tập bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh xuất bản năm 1904, không hề có Hoàng Sa, Trường Sa. Cho đến năm 1974, Hoàng Sa, Trường Sa thuộc quản lý của Việt Nam Cộng hoà theo tinh thần của Hiệp định Geneve năm 1954 mà Trung Quốc là một bên thừa nhận và ký kết.

Sự im lặng của Hà Nội vào năm 1974 khi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa chính là sự đồng loã. Gần 40 năm nay Trung Quốc cai quản nó và xây dựng thành một cơ sở quân sự. Công hàm của Phạm Văn Đồng mặc nhiên là chiếc "nỏ thần vô ý trao tay giặc"! Chính thể hiện nay không thể nói ngược lại những gì đã "thừa nhận và tôn trọng". Muốn phủ quyết nói chỉ có thể là một chính thể khác, dân chủ, do dân bầu ra.

Chó liếm mặt, cắn luôn chủ nhà và đang điên rồ gây hoảng loạn tâm lý về một cuộc chiến tranh Việt-Trung trong xã hội Việt Nam là hình ảnh của nước Trung Hoa đang dồn tập đoàn Hà Nội vào thế bí và quẫn. Bức bí về pháp lý. Bức bí từ vong kim cô của lợi ích kinh tế.

Trong cấu trúc chính trị hiện nay, khó có nhân vật nào có thể tạo ra thế cờ lật ngược vì mọi thứ đã dính chùm. Quyền lực trong Bộ Chính Trị cũng bị phân hoá và nhóm lợi ích chủ trương phò Trung Quốc còn rất mạnh, nếu không nói là bao trùm. Sự giằng co bất phân thắng bại giữa một bên là chủ quyền và an ninh của đất nước, một bên khác là hệ thống chinh trị độc quyền cai trị cùng với lợi ích kinh tế kèm theo.

Tóm lại một tương lai ảm đạm với phận nô lệ dường như là sự thật khó tránh! "Nếu không muốn bị đánh thì ngoan ngoãn nằm im" như lời Ngưu Bạch Vũ trên tờ Đông Phương Nhật báo xuất bản tại Hồng Kông ngày 9/6.

© Lê Diễn Đức

*Nội dung bài viết không nhất thiết thể hiện quan điểm của RFA.

Dân tộc nào cũng có những kiểu nói vòng vo, bóng gió để diễn tả những ý tứ  nhạy cảm tinh tế không thể nói thẳng, nói toạc. Thành ngữ Việt không là ngoại lệ, và loài chó cũng bị mượn danh trong trò chơi hàm ý ấy.

Trong ca dao, tục ngữ Việt, ít có loài nào chiếm giấy mực chữ nghĩa bằng loài chó. Những câu nói dân gian có từ “chó” chứa cả lời khen lẫn tiếng chê. Loài gia súc này còn được lấy làm đối trọng với nhiều con vật khác trong lục súc, nhưng ngữ nghĩa lại ám chỉ đến tính cách của con người. Hãy cùng Phunu8 điểm qua một số câu bóng gió vòng vo thú vị.

> Chó ngáp phải ruồi: Tương tự như chú chó ngồi há miệng ra ngáp bỗng có con ruồi bay tới lọt vô họng. Câu này chỉ sự may mắn ngẫu nhiên chứ không phải do tài mà có được. Thực sự ở đây chính ra không phải nói về sự may mắn mà nhằm chế giễu sự may mắn. Đây cũng là câu nói nhắm chỉ kẻ nào đó khi không "trúng quả" bất ngờ, chứ không phải làm được nhờ tài năng.

> Chó chui gầm chạn: Gầm chạn là nơi thấp tè, gò bó chật chội đối với dáng vóc của loài chó. Câu này muốn ví thân phận kẻ nghèo hèn phải nương nhờ, phụ thuộc vào người khác, dẫn đến sống sợ sệt, nhẫn nhục, mất quyền tự chủ. Nó thường được ám chỉ hoàn cảnh cụ thể của mẫu đàn ở rể, về nỗi cay đắng của những người chồng sống trong gia đình vợ mà địa vị của họ bị thua sút rõ rệt.

> Chó cắn áo rách: Kẻ phải mặc áo rách tất cũng chẳng giàu sang gì. Nay lại bị chó cắn cho nát nữa thì lấy gì mà mặc, chưa kể lấy đâu tiền để lo thuốc thang. Câu này ám chỉ tình cảnh ai đó đã nghèo khó, cùng cực còn bị kẻ xấu làm hại, bóc lột thêm, đã cùng khổ còn gặp thêm hoạn nạn. Nó tương đương câu “nghèo còn gặp eo” hay câu chữ Hán “Họa vô đơn chí”.

> Chó ăn đá, gà ăn sỏi: Ý chỉ những vùng đất đai khô cằn, trơ trọi, thời tiết khắc nghiệt, khó có thể làm ăn sinh sống, nơi cây cối không phát triển được vì đất chỉ có đá với sỏi. Tuy nhiên, câu này cũng được một số người cắt nghĩa hoàn toàn ngược lại dựa vào sinh học, nhưng ít được ai dùng. Theo họ, chó và gà thường nuốt các vật cứng như đá và sỏi vào dạ dày để giúp tiêu hóa khi bị bội thực. Vậy đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” là nơi giàu có khiến chó ăn cơm thừa phải bội thực, còn gà ăn thóc no đến nỗi chướng cả bụng phải kiếm cách nuốt đá, sỏi để tự tiêu hóa.

> Chó ỷ thế nhà, gà ỷ thế vườn: Muốn nói ai đó ỷ vào thế có lợi của mình mà hung hăng bắt nạt người. Còn được dùng với ngữ nghĩa là giao chiến không quân tử, kẻ tiểu nhân, hèn hạ, dựa vào địa lợi của mình mới thắng được mà thôi.

> Giỡn chó, chó liếm mặt: Chỉ sự khinh nhờn do quen biết, thân thế. Dùng để ám chỉ những hành vi không tôn trọng ai đó, sỗ sàng quá trớn ở mức hỗn láo của người vai dưới đối với người lớn hơn mình. Theo văn hóa phương Tây, chó liếm mặt chủ thể hiện sự âu yếm quý mến, còn người Việt xưa lại không cho phép chó liếm mặt, xem đó như là một hành động mất vệ sinh, vô phép tắc.

> Chó treo, mèo đậy: Nếu nhà có chó phải treo đồ ăn thật cao để nó không nhảy với tới được, chứ nếu đậy mà để dưới đất thì cũng như không đối với loài này. Còn loài mèo vốn sức yếu vuốt trơn nên ta có thể đậy vung nồi để dưới đất, chứ treo cao càng làm mồi cho giống vật giỏi leo trèo. Câu ý nói có của phải biết cách giữ gìn, cảnh giác cửa nẻo rương hòm để phòng trộm cuỗm mất. Ý xa hơn là con người muốn sống, muốn tồn tại phải biết cách ứng phó thích hợp, hợp lý nhất, phù hợp nhất với mọi việc xảy ra chung quanh.

> Như chó với mèo: Chỉ sự xung khắc từ trong bản tính. Câu nói này bắt nguồn từ truyện ngụ ngôn của Triều Tiên kể chuyện chó phải vắt hết sức làm nhưng mèo lại may mắn nên hớt tay trên công cán, do đó hai loài như hai kẻ thù không đội trời chung. Có người cắt nghĩa dựa vào tập tính sống của chúng. Mèo thường hưởng đặc quyền sống trong ngôi nhà tiện nghi và ấm áp, còn loài chó hay phải nằm gác nhà gác ngoài sân nên chó bất mãn gây sự. Thực ra, theo thống kê của các nhà tâm lý động vật, 80% chó và mèo ghét nhau, cứ giáp mặt là sủa ầm ĩ, 10% thờ ơ với nhau nhưng 10% còn lại lại rất thích nhau.

> Chó càn cắn dậu: Câu này thường được dùng khi nói đến kẻ hung hăng, ưa gây gổ bừa bãi. Nó cũng ám chỉ loại người có bản chất xấu là khi bị dồn vào ngõ bí không còn lối thoát, sẽ quay ra chửi bậy, phang bậy hoặc nguỵ biện, bất chấp lẽ phải.

> Chó giống cha, gà giống mẹ: Đúc kết từ nhận xét về quy luật di truyền ở súc vật, nghĩa là chó thường mang đặc tính di truyền của cha, còn gà hay mang đặc tính di truyền của mẹ. Thực tế cho thấy, nếu con chó cha bẩm sinh cụt đuôi thì các bầy con của nó đa số có đuôi đều cụt. Nếu chó cha là chó mực, thì bầy con hầu hết màu đen. Riêng ở gà nòi, bầy con luôn mang tính di truyền của gà mẹ. Bởi thế, những người nuôi gà nòi xưa nay thường chọn những gà mẹ mang đặc tính tốt để nuôi lớn gầy độ cá cạp.

> Mèo đàng, chó điếm: “Đàng” là đường, như trong đường cái, đường hẻm, đường sá, đường đi, còn “điếm” là quán, tiệm, nhất là tiệm ăn, những nơi thường có thể tìm thấy thức ăn dư thừa hoặc rơi vãi. Theo nghĩa đen câu này chỉ mèo hoang, chó đi lang thang. Nghĩa bóng là chỉ kẻ bất lương, lang thang vô dụng, quen sống nơi đầu đường xó chợ, ăn chơi đàng điếm, đáng khinh, lưu manh cầu bất cầu bơ.

> Chó chê cứt nát: Chê những kẻ tỏ ra khó tính hay đòi hỏi, hoặc hạng người kênh kiệu, đài các không phải kiểu, không biết thân phận mình. Nó còn có những câu đồng nghĩa tương tự như "Kẻ cắp chê vải hẹp khổ”, “Vịt chê thóc lép không ăn".

> Chỉ chó mắng mèo: Ngầm ý nhắc nhở, nhắm đối tượng này nhưng thực chất là ám chỉ, cạnh khóe đối tượng kia. Nói khác đi là mượn một sự kiện khác làm trung gian để tỏ thái độ vì không tiện mắng thẳng mặt. Đây là biến thể của câu “chỉ tang mạ hòe” [chỉ vào cây dâu mà mắng cây hòe], vốn là tên kế thứ 26 trong Tam Thập Lục Kế của Tôn Tử binh pháp đã từng được Tào Tháo áp dụng.

Khăn Choàng Xanh

[Tổng hợp]

Video liên quan

Chủ Đề