Cầm cố chứng khoán là gì

Nghiệp vụ cho vay vốn cầm cố cổ phiếu mới xuất hiện đối với các ngân hàng thương mại cổ phần ở nước ta cuối năm 2005 và đầu năm 2006, gia tăng mạnh vào các tháng 4, 5 và 6/2006 vừa qua.

Một câu hỏi được nhiều nhà chính sách và một bộ phận dư luận đặt ra là cho vay cầm cố cổ phiếu có rủi ro hay không!

Có thể khẳng định rằng, bất cứ nghiệp vụ kinh doanh nào nói chung, hoạt động cho vay vốn của ngân hàng thương mại nói riêng đều có rủi ro. Song hoạt động tín dụng ngân hàng có độ rủi ro lớn hơn, vì vậy có thông lệ quốc tế và đang được áp dụng ở nước ta đó là phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo từng nhóm nợ.

Vậy thì nghiệp vụ cho vay cầm cố cổ phiếu có rủi ro ở mức độ nào?

Thứ nhất, hiện nay các ngân hàng thương mại Nhà nước chưa cho vay cầm cố cổ phiếu, chỉ có các ngân hàng thương mại cổ phần mới triển khai nghiệp vụ này. Cho đến nay các hợp đồng tín dụng cho vay cổ phiếu của các ngân hàng thương mại chưa phát sinh nợ quá hạn và như đã nói, mới phát sinh trong thời gian gần đây chưa đầy 1 năm.

Các hợp đồng cho vay chưa đến hạn phải trả nợ gốc, bởi vì thường cho vay không quá 12 tháng, nên chưa phải điều chỉnh kỳ hạn nợ, nên chưa phát sinh nợ quá hạn, cũng như chưa phải trích lập dự phòng rủi ro.

Thứ hai, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần cho vay cầm cố cổ phiếu của ngân hàng thương mại cổ phần khác, không nhận cầm cố cổ phiếu của các doanh nghiệp. Đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp đã niêm yết trên trung tâm giao dịch chứng khoán do các công ty kinh doanh chứng khoán trực thuộc ngân hàng thương mại thực hiện nghiệp vụ Repo đối với các khách hàng mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty.

Do đó, chính các ngân hàng thương mại cổ phần nắm bắt được thực chất hiệu quả kinh doanh, tình hình tài chính, nội bộ hội đồng quản trị và ban điều hành,... của các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Bởi đó cũng chính là các đối tác kinh doanh của nhau, trực tiếp là cho vay trên thị trường liên ngân hàng, trong quan hệ tiền gửi, cho vay hợp vốn hay đồng tài trợ, trong quan hệ ngân hàng đại lý, liên kết thẻ,...

Đó là chưa kể một hệ thống các quy định pháp lý, các chế tài khác về quản lý, điều hành của nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng, như: bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi bảo đảm thanh toán, thanh tra, kiểm soát, kiểm toán bắt buộc, công khai báo cáo tài chính...

Thứ ba, không phải tất cả các loại cổ phiếu ngân hàng thương mại cổ phần đều được cầm cố để vay vốn. Các ngân hàng cho vay chỉ lựa chọn cổ phiếu của những ngân hàng thương mại cổ phần được đánh giá ở vị trí hàng đầu hay trung bình khá, như cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần: Á Châu, Sacombank, Đông Á, Quân Đội, VP Bank, Kỹ Thương...

Thứ tư, các ngân hàng đang cho vay cầm cố cổ phiếu thực hiện mức cho vay dựa trên uy tín của loại cổ phiếu ngân hàng và thị giá cổ phiếu trên thị trường. Trong hợp đồng cho vay cầm cố cổ phiếu, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần còn bổ sung các điều khoản bắt buộc, đó là nếu thị giá cổ phiếu xuống dưới mức cho vay thì khách hàng phải bổ sung thêm tài sản thế chấp hay cầm cố. Trong hợp đồng cho vay cầm cố cổ phiếu cũng có các điều khoản kê khai các nguồn thu nhập chính, thu nhập bổ sung, tài sản có giá trị khác của khách hàng.

Thứ năm, trước khi cho vay, ngân hàng thực hiện nghiệp vụ phong tỏa cổ phiếu hết sức chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật. Có những lo ngại rằng, khi cổ phiếu xuống quá thấp trong thời gian dài, khách hàng không có khả năng trả nợ, ngân hàng phải phát mại và bán tháo cổ phiếu. Khi đó giá cổ phiếu đồng loạt sẽ tiếp tục xuống thấp, gây ra rủi ro lớn cho ngân hàng.

Đây đúng là một tình huống xấu nhất có thể xẩy ra. Song trong thực tế trong tình huống đó ngân hàng cho vay cầm cố cổ phiếu không dại gì ồ ạt bán tống, bán tháo cổ phiếu ra. Bởi vì là các nhà kinh doanh tiền tệ, các ngân hàng đều nhận thức được rằng, cổ phiếu có lúc lên giá và có lúc xuống giá là chuyện bình thường, nên việc bán cổ phiếu ra lúc nào là tùy thuộc và nghệ thuật kinh doanh của ngân hàng.

Cho vay cầm cố chứng khoán là một nghiệp vụ cho vay bình thường có tính thông lệ quốc tế về hoạt động ngân hàng. Mở ra cho vay cầm cố cổ phiếu là một nghiệp vụ mới đối với các ngân hàng thương mại ở nước ta, nhằm đa dạng các sản phẩm tín dụng theo xu hướng hội nhập, phân tán rủi ro, tăng thu nhập ổn định cho ngân hàng.

Về giác độ thị trường và nền kinh tế, việc nhiều ngân hàng thương mại mở ra nghiệp vụ cho vay cầm cố chứng khoán tạo điều kiện thúc đẩy thị trường OTC phát triển, làm tiền đề chuyển hóa các cổ phiếu đó sang thị trường chính thức, tăng tốc độ chu chuyển vốn trong xã hội và nâng cao trình độ dân trí về thị trường chứng khoán. [Nguyễn Đức]

Theo VNECONOMY

Video liên quan

Chủ Đề