Anh hùng dân tộc là người như thế nào

Sự nghiệp cách mạng và những đóng góp của Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam, cho hòa bình, độc lập, tự do và công lý “là kết tinh của truyền thống hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự hiểu biết lẫn nhau” đã “để lại dấu ấn” và “góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của nhân loại”. Với ý nghĩa đó, Nghị quyết 24C/18.56 của Đại hội đồng UNESCO khóa 24-1987 đã vinh danh: “Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất”. Non sông gấm vóc Việt Nam đã sinh ra Hồ Chí Minh và chính Người đã làm rạng danh dân tộc ta, đất nước ta. Dù đã đi xa, nhưng Hồ Chí Minh – “một người thầy mác-xít lê-nin-nít xuất sắc mà tấm lòng ưu ái đầy thi vị mong muốn một thế giới tốt đẹp có hương hoa tươi thắm và những tiếng vui cười náo nức của các trẻ em đã thấm nhuần vào chủ nghĩa nhân đạo toàn diện của cuộc đời mà Người đã sống, thấm nhuần vào những việc kỳ diệu mà Người đã làm và sự nghiệp trọn đời Người đã phục vụ”[1] luôn sống mãi trong ký ức nhân loại.

1. Thực tiễn lịch sử cho thấy, Hồ Chí Minh với tấm lòng yêu nước thương dân, khát khao cháy bỏng “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi” đã không chỉ tìm đường đi cho dân tộc đi theo, mà còn dành cả cuộc đời mình để đấu tranh, kiên định thực hiện con đường mình đã chọn. Xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng của Người, độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân và một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất được thể hiện rõ trong mọi thời điểm, trên mọi diễn đàn. Không chỉ bôn ba tìm đường cứu nước, đến với Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản, con đường gắn liền độc lập dân tộc với CNXH; không chỉ dừng lại ở việc gửi bản Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam đến Hội nghị Véc-xây năm 1919, Hồ Chí Minh đã tìm đường về gần Tổ quốc. Tâm huyết, nỗ lực của Người với việc truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào trong nước, huấn luyện chính trị, đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán, ra báo Thanh niên, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa quần chúng ra đấu tranh cách mạng … – những điều kiện về “vật chất và tinh thần” cho công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi “kiếp bị đọa đày đau khổ” đã chín muồi.
 


Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch
 

Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng, chân chính đứng đầu là Hồ Chí Minh, với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trưởng thành qua 3 cuộc tổng diễn tập [1930-1931; 1936-1939; 1939-1945] và chớp đúng thời cơ, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám của nhân dân Việt Nam đã thành công. Đó là một cuộc cách mạng hoà bình, ít đổ máu trong lịch sử mà dấu ấn của nó gắn liền với lời tuyên bố nước Việt Nam độc lập, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quyết tâm bảo vệ nền tự do, độc lập ấy của nhân dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình qua bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử do Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân và thế giới ngày 2-9-1945.

Song khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam, nền hoà bình chân chính của dân tộc Việt Nam đã không được phía Pháp ủng hộ. Mặc dù Hồ Chí Minh đã kiên trì, lựa chọn giải pháp hoà bình, đã nhân nhượng và ký với đại diện của Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp 6-3-1946, Tạm ước Việt – Pháp 14-9-1946 để ngăn chặn chiến tranh, nhưng phái thực dân Pháp hiếu chiến cố tình phá hoại. Hồ Chí Minh không muốn dùng giải pháp bạo lực, dù đã muốn tránh cuộc chiến tranh bằng mọi cách, nhưng trước dã tâm xâm lược và sự khiêu khích của kẻ thù, không cam tâm làm nô lệ, nhân dân Việt Nam đã đứng lên kháng chiến theo lời hiệu triệu của Người ngày 19-12-1946: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!… Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”[2].

Cuộc chiến tranh Pháp – Việt đã nổ ra, phải sau 9 năm [1946-1954] đầu rơi, máu chảy, phải sau chiến thắng Điện Biên phủ lịch sử của nhân dân Việt Nam, hoà bình mới được lập lại ở Đông Dương bằng Hiệp định đình chiến được ký tại Giơ-ne-vơ, ngày 21-7-1954. Sau này, chính Giăng Xanh-tơ-ny, người đối diện với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng thừa nhận, người Pháp đã cố tình không hiểu thiện chí hoà bình của Hồ Chí Minh, đã cố tình phá vỡ hoà đàm Phông-ten-nơ-blô và đó thực sự là một “nền hoà bình bị bỏ lỡ”. Tuy vậy, miền Bắc được giải phóng, nhưng ở miền Nam, lửa vẫn cháy và máu vẫn chảy, nhân dân Việt Nam vẫn phải tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược; hoà bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Tâm nguyện của Hồ Chí Minh về “một nền hoà bình chân chính, xây trên công bình và lý tưởng dân chủ, phải thay cho chiến tranh; tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước, không phân biệt chủng tộc và màu da”[3] đã không chỉ thể hiện khát vọng của nhân dân Việt Nam, mà còn trở thành ước nguyện của tất cả các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới. Sự nghiệp và cuộc đời cách mạng  của Người là tấm gương cao đẹp trong sáng về một quan niệm nhân sinh về thế giới, toả sáng chủ nghĩa nhân văn mới, kết tinh những tư tưởng, tình cảm, những ước mơ lớn của nhân loại. Người không chỉ gắn bó sâu sắc với dân tộc mình, Người còn dành tình cảm thắm thiết cho nhân dân lao động và cho mọi dân tộc trên thế giới, vì vậy, tư tưởng độc lập, tự do và khát vọng hòa bình của Người đến với các dân tộc như một lẽ tự nhiên, có sức cổ vũ sâu sắc mỗi con người, mỗi dân tộc. 

Cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Phát huy nguồn sức mạnh nội lực của dân tộc được hun đúc qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vượt mọi khó khăn, gian khổ, nhân nguồn sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; quyết tâm đấu tranh cách mạng với tinh thần và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với niềm tin tất thắng “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”… cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam sau 21 năm [1954-1975] đã giành được thắng lợi trọn vẹn bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Cả nước Việt Nam đã hòa bình, độc lập, thống nhất và cùng đi lên CNXH, làm thỏa lòng mong ước của Người.

2. Sinh ra và lớn lên trong một đất nước giàu truyền thống  văn hiến, lại từng được sống, học tập và hoạt động tại nhiều quốc gia, châu lục, Hồ Chí Minh có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền văn hoá lớn trên thế giới. Khác với nhiều vị lãnh tụ cách mạng, ngay trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã dành thời gian nghiên cứu nền văn hoá phương Đông và phương Tây, tìm hiểu các tôn giáo khác nhau, để tiếp thu và làm giàu vốn tri thức của bản thân mình.

Nhận thức sâu sắc rằng, ngôn ngữ là chìa khoá để có thể tiếp cận với văn minh, Hồ Chí Minh đã không ngừng học ngoại ngữ và khi sống và hoạt động ở nước Pháp, một trung tâm văn hoá của Châu Âu, Hồ Chí Minh đã học và sử dụng tiếng Pháp rất thành thạo. Dòng chảy của tư tưởng dân chủ, tinh hoa của nền triết học ánh sáng với những tên tuổi như: Von-te, Rút-xô, Mông-tét-xki-ơ…đã tiếp sức, làm giàu hơn cho trí tuệ văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt vốn cởi mở để tiếp biến của Hồ Chí Minh. Được sống và học tập tại nước Nga Xô-viết. Hồ Chí Minh đã học tiếng Nga, thâm nhập, nghiên cứu, tìm hiểu nền văn hoá Nga và thực tế đất nước Nga, những di huấn, trước tác của V.I.Lê-nin để lại đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho Hồ Chí Minh, giúp Người vượt qua được nhiều cam go, thử thách với những thăng trầm của cuộc đời người chiến sĩ cách mạng để thực hiện hoài bão của mình. Sau này, Hồ Chí Minh đã hơn một lần nói rằng, học thuộc Chủ nghĩa Mác – Lê-nin thôi thì chưa đủ, còn phải sống với nhau có tình, có nghĩa, phải có tình thương yêu đồng chí lẫn nhau thì mới hiểu được Chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Cũng từng sống, hoạt động và từng bị tù đày ở Trung Quốc, Hồng Kông và rất giỏi chữ Hán, trong lúc chờ đợi tự do, “những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù do Người viết bằng chữ Hán trong thời kỳ này và cũng là một trong các hoạt động cách mạng hàng ngày”[4]. Trong tác phẩm đó, “một trăm bài thơ hầu hết bài nào cũng đều toát ra hết sức sinh động hình ảnh một nhà cách mạng lão thành, thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường – ấy là đồng chí Hồ Chí Minh. Thật là, “thi ư kỳ nhân” – thơ như người vậy… Có một số bài rất hay, nếu như đặt lẫn vào một tập thơ của các thi nhân Đường – Tống thì cũng khó phân biệt”[5]…

Vì là một nhà văn hoá chân chính mà Người làm cách mạng và làm cách mạng không chỉ để giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, mà cao quý nhất theo lời Người là để giải phóng con người thoát khỏi nền văn hoá nô dịch và xây dựng nền văn hoá mới của dân tộc. Là một người cùng lúc được tiếp thu nhiều nền văn hoá lớn, song Hồ Chí Minh không thực hiện nguyên tắc loại trừ mà “nắm chắc bản lĩnh, cởi mở tiếp thu” và đặc biệt là Người thực hiện nguyên tắc “vượt gộp” để làm giàu tri thức của mình. Hồ Chí Minh với tấm lòng rộng mở, nhân hoà và khoan dung đã chắt lọc, đã tìm thấy điểm gặp gỡ và giao thoa giữa hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây, giữa các tôn giáo, các học thuyết chính trị, các vị lãnh tụ, các chính khách lớn để vượt trước thời đại, để tìm ra một phong cách ứng xử rất Hồ Chí Minh, rất Việt Nam. 

Bằng tư tưởng và tấm gương sáng, Hồ Chí Minh đã khơi dậy tiềm năng truyền thống văn hóa Việt Nam, định hướng cho sự ra đời một nền văn hóa mới. Người nhận ra được vai trò soi đường và sức mạnh động lực của văn hoá chính là nguồn sức mạnh nội sinh của một dân tộc; sớm đưa văn hóa vào chiến lược giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ chế độ mới với những quyết sách về xóa mù chữ, nâng cao dân trí, thực hiện chiến lược “trồng cây, trồng người”, bảo vệ môi trường sinh thái… Lãnh đạo nhân dân tiến hành hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Người cũng đồng thời lãnh đạo sự nghiệp kiến quốc, sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh trên tinh thần quán triệt “4 vấn đề phải chú ý đến, cũng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”[6].

Vượt tầm thời đại, tư tưởng của Người về văn hóa, sự nghiệp văn hóa Người để lại [với tư cách nhà thơ, nhà văn, nhà báo cách mạng vĩ đại] là hiện thân tinh thần, tài năng và tâm hồn nghệ thuật của nhân dân Việt Nam, đã không chỉ làm khởi sắc và tăng cường truyền thống văn hoá Việt Nam, đưa văn hóa Việt Nam vào dòng chảy của văn hóa của thời đại và nhân loại, mà còn phản ánh một sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn minh nhân loại, một niềm tin chung thuỷ đối với bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc và quốc gia trên thế giới. Đọc những trước tác của Người để lại; nghiên cứu vai trò, nhiệm vụ những tờ báo cách mạng mà Người sáng lập, viết bài cho báo, cùng những bài phê bình, những tác phẩm kịch, truyện ký, v.v. của Người, mỗi người đều nhận thấy trong đó khát vọng về tự do, công lý, hòa bình, khát vọng về mối quan hệ nhân văn giữa người và người, giữa con người với thiên nhiên, môi trường, giữa các dân tộc với nhau. Dù được sáng tác vào những thời điểm rất khác nhau, và dù thế giới có đổi thay, thời gian có biến đổi, song vẫn có một số điều quan trọng trong các trước tác của Hồ Chí Minh không hề thay đổi – Đó là lý tưởng xã hội chủ nghĩa, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tự do, dân chủ và công bằng xã hội, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời mình cho những lý tưởng cao cả đó.

3. Không chỉ tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, thực hiện khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, dân chủ và giàu mạnh, Hồ Chí Minh còn gắn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới. Khởi xướng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa khác, Hồ Chí Minh mong muốn và đấu tranh để mọi người dân đều được hưởng những quyền làm người cao cả nhất, đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Trở thành lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, Hồ Chí Minh vẫn luôn bình dị, hoà đồng, không ham hư danh, coi quyền lực chỉ là sự ủy thác của nhân dân. Là một tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn tận tâm với nước, tận hiếu với dân, luôn tất cả vì đại cục, Người thực hành nguyên tắc “bỏ qua những dị biệt nhỏ, giữ lấy cái tương đồng lớn”, từng bước giải quyết thành công các vấn đề lớn thuộc về chính trị, tôn giáo, dân tộc; không ngừng vun đắp cho khối toàn dân đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại… để kiên định mục tiêu: độc lập dân tộc và CNXH.

Không chỉ nói: Chính phủ là công bộc của dân, “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi”, Người cùng Đảng và Chính phủ đã làm để mang lại cho nhân dân Việt Nam  một đời sống vật chất, và tinh thần ngày càng phong phú. Tư tưởng ấy thấm đẫm trong bản Di chúc lịch sử, với những lời dặn lại để “ích quốc, lợi dân”, để chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa – giáo dục, bảo vệ môi trường, v.v. nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân lao động sau những năm dài chiến tranh. Trái tim Người, cho đến hơi thở cuối cùng, vẫn dành để cống hiến cho mọi người, cho dân tộc và cho nhân loại. Nêu cao đức hy sinh, sự liêm khiết, tinh thần bất khuất, dũng cảm, Hồ Chí Minh “tượng trưng cho cuộc đấu tranh cách mạng, cho sức mạnh cách mạng của nhân dân”[7]. Nói về Hồ Chí Minh, những người đã từng một lần được gặp gỡ Người, đều có chung một nhận xét: Điểm đặc biệt làm nên một Hồ Chí Minh chính là sự nhất quán giữa cuộc đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với cuộc đời thường vô cùng bình dị, nhân ái và hoà đồng với thiên nhiên của Người.

Với hơn 30 năm hoạt động cách mạng để thực hiện thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và gần 1/4 thế kỷ giữ cương vị là người đứng đầu của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất đã quy tụ xung quanh mình bè bạn, anh em, đồng chí, và cả những người đã từng đối diện với Người. Dù ở bất kỳ cương vị nào, người chiến sĩ cách mạng, người tù, người lãnh đạo, nhà văn hoá, nhà ngoại giao, vị tổng chỉ huy hay là một vị chính khách nổi tiếng, thì Hồ Chí Minh vẫn là một biểu tượng của văn hoá, cốt cách, nhân cách, trí tuệ và tâm hồn Việt “đậm chất nhân văn, giàu lòng vị tha và bác ái”. Với Người, trân trọng mọi giá trị của văn minh nhân loại, yêu thương con người, vì con người, hài hoà giữa lợi ích cá nhân, dân tộc và nhân loại cũng chính là để mưu cầu hạnh phúc cho con người, vì thế mà “Hồ Chí Minh là một người tạo ra thời thế… Ông đã kết hợp được trong bản thân mình hai trong số các lực lượng thông tin của lịch sử Việt Nam hiện đại: khát vọng độc lập dân tộc và hoài bão về công bằng xã hội… cho nên ông có khả năng truyền đạt thông điệp của mình đến khắp các dân tộc thuộc địa trên thế giới, đáp ứng yêu cầu của họ về một cuộc sống danh dự và tự do, thoát khỏi ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc… bất kể lời phán xét thế nào đối với di sản của ông để lại cho dân tộc mình. Hồ Chí Minh vẫn có vị trí trên tượng đài của các vị anh hùng cách mạng đã chiến đấu ngoan cường cho những người cùng khổ trên thế giới, giúp họ nói lên được tiếng nói đích thực của mình”[8]. Vì lẽ vậy, rất tự nhiên và rất đỗi lạ thường, sự hiểu biết rộng lớn, trí thông minh, những hoạt động phi thường và lòng vô tư tuyệt đối đã làm cho uy tín của Người và lòng tin của nhân dân, đồng chí, bè bạn đối với Người không có gì so sánh nổi. Tất cả đều thuyết phục, tượng trưng cho khí phách cách mạng ngoan cường, cho ý chí bất khuất, tính kiên trì, bền bỉ trong đấu tranh, ứng xử điêu luyện về chính trị, bình tĩnh nhưng đầy quyết đoán, nhanh nhạy trong những tình thế gay go, quyết liệt, đã trở thành niềm hy vọng của dân tộc Việt Nam và tất cả các dân tộc yêu chuộng tự do, công lý, hoà bình trên toàn thế giới. Người đi xa, nhưng tư tưởng, hành động, tầm trí tuệ, văn hóa của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng của Người đã khiến “cả bè bạn lẫn kẻ thù đều phải công nhận rằng Người là một nhân vật xuất chúng, đã quên mình hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp độc lập dân tộc và xây dựng CNXH”[9]. Sức sống mãnh liệt và “chính tấm gương của con người mới này – một con người xa lạ với mọi thứ chủ nghĩa cá nhân – con người không thể thiếu được, hiện thân của mọi cái gì là xã hội xã hội chủ nghĩa, đó là hình ảnh của con người của tương lai” sẽ trường tồn cùng lịch sử”[10]. 

——————————–
1.     Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự Thật, H, 1970, t.1, tr.75
2.     Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.8, tr.160
3.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.4, tr.66-67
4.     Nghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh, Nxb. KHXH, H, 1979, tr.539-542
5.     Quách Mạt Nhược: Cảm tưởng sau khi đọc tập thơ Nhật ký trong tù, báo Nhân Dân, ngày 13-11-1960
6.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.281
7.    Báo Người Dân tộc của Tan-da-ni-a, ngày 6-9-1969
8.    Hội thảo Quốc tế về Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học và xã hôi, H, 1990, tr.98.
9.    Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự Thật, H, 1971, t.2, tr. 53
10.    Xã luận Báo Chiến Đấu, An-giê-ri, ngày 6-9-1969

TS. Văn Thị Thanh MaiBan Tuyên giáo Trung ương

Video liên quan

Chủ Đề