Vì sao phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

CẦN TIẾP TỤC HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THEO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Kinh tế thị trường là sản phẩm của nền văn minh nhân loại. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình đổi mới và sáng tạo không ngừng trong tư duy lý luận và thực tiễn của Đảng ta, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Ngày đăng : 20/05/2021 Xem với cỡ chữ

Bản in

Từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới 1986 đến nay, nhận thức của Đảng về mô hình và thể chế của nền kinh tế ngày càng được xác định rõ hơn. Với Việt Nam, sự lựa chọn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội nhằm tạo lập cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH. Đó là nhận thức hoàn toàn đúng đắn của Đảng ta, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Do vậy, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình hoàn thiện, đổi mới và sáng tạo không ngừng trong nhận thức, tư duy lý luận và thực tiễn, mà điểm mấu chốt là phải tạo ra được một thể chế kinh tế vừa đáp ứng yêu cầu khách quan của nền kinh tế thị trường, vừa đảm bảo tính định hướng để thực hiện các mục tiêu của CNXH. Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.Tư tưởng về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN bắt đầu thể hiện chính thức tại Đại hội VI của Đảng, thừa nhận có sản xuất hàng hóa trong chủ nghĩa xã hội. Tiếp đến các kỳ Đại hội VII, VIII, IX, vai trò khách quan nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được nhận thức rõ hơn. Trên cơ sở tổng kết 20 năm đổi mới [1986-2006], Đại hội X khẳng định: “Để đi lên CNXH, chúng ta phải phát triển nền KTTT định hướng XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”. Tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu giữ vững định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường và nêu lên những quan điểm mới, Đại hội XI khẳng định: “Nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; vừa tuân theo những quy luật của KTTT, vừa dựa trên nguyên tắc và bản chất của CNXH”. Tại Đại hội XII, Đảng ta xác định phát triển nền KTTT định hướng XHCN là “mô hình kinh tế tổng quát” của nước ta và làm rõ hơn những vấn đề cốt lõi về bản chất nền kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, là giai đoạn phát triển cao của nền kinh tế hàng hóa, có thể tồn tại và thích ứng với nhiều hình thái khác nhau. Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng đề ra ba đột phá chiến lược phù hợp với giai đoạn mới, trong đó đột phá chiến lược thứ nhất là: "Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật". Đồng thời, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định một số hạn chế còn tồn tại của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đó là: Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ. Luật pháp, cơ chế, chính sách còn những quy định không thống nhất, môi trường đầu tư kinh doanh chưa được thông thoáng, minh bạch. Chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Thể chế phát triển, điều phối kinh tế vùng chưa được quan tâm và cụ thể hoá bằng pháp luật nên liên kết vùng còn lỏng lẻo.

Vì vậy, để khắc phục những hạn chế đó, nhằm tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong những năm tới cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, cần thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khái niệm KTTT định hướng XHCN cũng đã được bổ sung, phát triển mới. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII nêu rõ: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã có bước phát triển mới trong nhận thức về KTTT định hướng XHCN. Trong đó xác định mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để hoàn thiện đồng bộ thể chế. Đại hội đã xác định một trong những cản trở chính là hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, chồng chéo, ảnh hưởng đến phát triển nói chung. Bên cạnh đó, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều ngành nghề mới ra đời cần phải có môi trường pháp lý đảm bảo cho sự phát triển. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Văn kiện Đại hội XIII rất chú ý đến thể chế, từ việc hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các điểm nghẽn, các rào cản của kinh tế thị trường như thể chế xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thể chế hình thành thị trường các yếu tố thị trường, các loại thị trường, thể chế thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Thứ ba, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Nội dung Văn kiện thể hiện rõ: Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối chiến lược phát triển kinh tế của đất nước; phát triển kinh tế Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường bồi dưỡng đào tạo cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế. Phương Thảo

Lê Thùy Trang

Lần xem: 3130

Go top

Bài viết khác

Video liên quan

Chủ Đề