Tỷ lệ albumin/creatinine urine là gì

Chỉ số protein trong nước tiểu giúp xác định lượng đạm có trong cơ thể. Khi protein xuất hiện với số lượng nhiều trong nước tiểu thường, điều này có thể là một trong những chỉ điểm quan trọng của bệnh lý thận tiết niệu.

Xét nghiệm này là để phát hiện và/hoặc định lượng protein trong nước tiểu thoát ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Bình thường thì lượng protein toàn phần trong nước tiểu < 150 mg/ngày [24 giờ], Albumin nước tiểu < 30 mg/ngày. Khi xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu thường cho kết quả protein niệu âm tính.

Khi thấy có protein trong nước tiểu, có 2 khả năng sau:

  • Có thể protein tăng tạm thời ở những trường hợp người đang bị nhiễm trùng, stress, có thai, ăn kiêng, bị cảm lạnh hoặc hoạt động thể lực gắng sức. Ở những trường hợp này, lượng protein trong nước tiểu ít [thường dạng vết].
  • Có protein dai dẳng trong nước tiểu, gợi ý có thể có tổn thương tại thận hoặc một số bệnh lý khác đòi hỏi cần thăm khám thêm để tìm nguyên nhân.

Xét nghiệm protein nước tiểu hỗ trợ bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh

Có vài loại xét nghiệm xác định định lượng protein trong nước tiểu và sử dụng như sau:

  • Xét nghiệm bán định lượng protein bằng thanh thử “dipstick”, thử nước tiểu vào buổi sáng hoặc thử nước tiểu lúc bất kỳ. Đây là xét nghiệm thường đã được bao gồm trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu. Có thể được bác sĩ chỉ định mỗi khi bạn khám sức khỏe, đi khám bệnh hoặc lần xét nghiệm kiểm tra khi trước đã có protein trong nước tiểu. Kết quả xét nghiệm được trả lời dưới dạng “Vết”, “1+”, “2+”, “3+”, “4+”
  • Định lượng protein nước tiểu 24 giờ: Làm bằng mẫu nước tiểu thu thập trong suốt 24 giờ, kết quả xét nghiệm là lượng protein được thoát ra nước tiểu trong 24 giờ.

Xét nghiệm này được chỉ định trong trường hợp xét nghiệm nước tiểu bằng thanh thử phát hiện có nhiều protein [≥ 1+] hoặc có protein dai dẳng trong nước tiểu, theo dõi tiến triển hoặc kết quả điều trị bệnh lý tổn thương thận, bệnh lý khác có thoát protein ra nước tiểu.

Cần lưu ý khi xét nghiệm này kết quả chỉ thực sự đúng nếu như toàn bộ lượng nước tiểu trong 24 giờ được thu thập đầy đủ và đúng.

Bác sĩ chỉ định xét nghiệm protein nước tiểu

  • Định lượng Albumin nước tiểu 24 giờ: Làm bằng mẫu nước tiểu 24 giờ như trên, kết quả xét nghiệm là lượng Albumin được thoát ra nước tiểu trong 24 giờ. Được chỉ định trong trường hợp xét nghiệm nước tiểu bằng thanh thử phát hiện có protein, hoặc để phát hiện sớm tổn thương thận ở những trường hợp bệnh mạn tính có tổn thương cơ quan đích là thận [Ví dụ: Đái tháo đường, Cao huyết áp, Lupus, goute,...]. Cũng như xét nghiệm định lượng protein niệu, với xét nghiệm này kết quả chỉ thực sự đúng nếu như toàn bộ lượng nước tiểu trong 24 giờ được thu thập đầy đủ và đúng.
  • Tỉ lệ Protein/Creatinin nước tiểu [Viết tắt là UPCR-Urine Protein Creatinin Ratio], tỷ lệ Albumin/Creatinin nước tiểu [Viết tắt là UACR- Urine Albumin Creatinin Ratio]: Sử dụng được mẫu nước tiểu lấy ngẫu nhiên [lấy bất cứ lúc nào trong ngày]. Xét nghiệm này thay thế được cho xét nghiệm định lượng Protein, Albumin nước tiểu 24 giờ, thuận tiện cho việc lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm và không bị ảnh hưởng bởi lượng nước đưa vào cơ thể hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu.

Mẫu nước tiểu để làm xét nghiệm bán định lượng protein [Trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu] và tỉ số Protein/Creatinin [UPCR], tỉ số Albumin/Creatinin [UACR] niệu: Lấy mẫu nước tiểu ngẫu nhiên, hoặc nước tiểu thứ 2 của buổi sáng. Khi lấy mẫu nước tiểu nên lưu ý: Xét nghiệm protein trong nước tiểu có thể bị dương tính giả nếu trong nước tiểu có máu không phải từ đường tiết niệu [Ví dụ: Kinh nguyệt], tinh dịch hay dịch tiết từ đường sinh dục; kết quả bị thay đổi nếu như nước tiểu bị loãng [Ví dụ: Uống nhiều nước, truyền dịch]. Nên rửa sạch bộ phận sinh dục trước khi lấy nước tiểu, bỏ đi một ít nước tiểu đầu bãi rồi hãy hứng lấy nước tiểu để xét nghiệm.

Nước tiểu 24 giờ để định lượng protein, albumin: Điều quan trọng nhất là phải thu thập hết được lượng nước tiểu trong vòng 24 giờ, bảo quản mát, không sử dụng chất bảo quản. Cách thu thập như sau:

Mẫu xét nghiệm nước tiểu

  • Chuẩn bị:
    • Dụng cụ chứa nước tiểu: Khô sạch, có nắp đậy kín, dung tích chứa được khoảng 3 lít [nên dùng can nhựa].
    • Dụng cụ bảo quản: Ngăn mát tủ lạnh, hoặc thùng bảo quản, nhiệt độ bảo quản tốt nhất là 2-8 độ C.
    • Dụng cụ hứng nước tiểu: Khô, sạch, miệng rộng đủ để hứng nước tiểu.
    • Dụng cụ để đong nước tiểu [càng chính xác càng tốt].
  • Thu thập nước tiểu:
    • Đi tiểu hết, sau đó ghi giờ để bắt đầu thu thập nước tiểu
    • Từ lúc này bất kỳ lần đi tiểu nào [kể cả tiểu trong lúc đi đại tiện hoặc tắm] cũng phải hứng lấy nước tiểu và đổ vào can chứa
    • Giữ can chứa nước tiểu ở nhiệt độ mát [tốt nhất là 2-8 độ C]
    • Ngày hôm sau, vào thời điểm đủ 24 giờ, hứng lấy nước tiểu lần cuối cùng đổ vào can chứa
    • Trộn đều nước tiểu trong can [bằng lắc đảo ngược, nhẹ nhàng tránh tạo bọt]
    • Đo và ghi chép lại thể tích nước [tính bằng ml] để báo cho phòng xét nghiệm
    • Lấy 10 ml nước tiểu đã trộn đều để gửi xét nghiệm.

Có thể lấy mẫu nước tiểu tại nhà, dụng cụ chứa cần khô sạch, nhất là không được còn chất tẩy rửa. Mẫu nước tiểu sau khi lấy nên gửi đến cơ sở xét nghiệm trong khoảng 1-2 giờ, tốt nhất là ít hơn 1 giờ [60 phút].

MICROALBUMIN NIỆU

[Microalbuminurie / Microalbumin [MA], Microalbumin / Creatinin Ratio]

NHẮC LẠI SINH LÝ

Thường không thấy các phân tử protein trong nước tiểu, do kích thước phân tử lớn ngăn không cho các protein được lọc qua màng đáy cầu thận. Các phân tử albumin tương đối nhỏ vì vậy nếu màng đáy cầu thận bị tổn thương khiến nó bị “rò rỉ”, các phân tử albumin sẽ là các protein đầu tiên có thể đi qua màng đáy để có mặt trong nước tiểu.

Ở người bình thường, chỉ có một lượng rất nhỏ albumin được lọc qua cầu thận và được các ống thận gần tái hấp thu lại gần như toàn bộ. Vì vậy, bình thường chỉ có một lượng rất nhỏ albumin được bài tiết qua nước tiểu [< 10µg/phút hay < 15 mg/24 giờ].

XN tìm microalbumin niệu giúp định lượng một lượng nhỏ albumin được bài xuất trong nước tiểu, lượng albumin này ở dưới ngưỡng mà các giấy thử có tẩm chất phản ứng có thể phát hiện được [tức là < 300 mg/24 giờ].

Macroalbumin niệu được định nghĩa là khi xảy ra tình trạng tổn thương thận có ý nghĩa.

- Bệnh thận “tiềm tang” do ĐTĐ [néphropathie diabétique incipient] được định nghĩa là khi có microalbumin niệu trong giới hạn 20 - 200 µg/phút [tức là 30 - 300 mg/24 giờ].

Một điều quan trọng trong chăm sóc BN bị ĐTĐ là phát hiện sớm tổn thương thận của các BN này để có thể tiến hành can thiệp hữu hiệu. Có tình trạng microalbumin niệu giúp phát hiện sớm tổn thương thận. Xuất hiện microalbumin niệu có thể được thấy một vài năm trước khi tình trạng tổn thương thận trở nên rõ rệt.

Microalbumin niệu có thể được định lượng theo 3 cách:

1. Trên mẫu nước tiểu ngẫu nhiên [random urine sample].

2. Trên mẫu nước tiểu thu trong một khoảng thời gian nhất định [timed urine sample].

3. Trên mẫu nước tiểu 24 giờ.

Do nồng độ albumin thay đổi trong suốt 24 giờ, vì vậy thu bệnh phẩm nước tiểu 24 giờ sẽ cung cấp giá trị microalbumin chính xác nhất. Tuy nhiên phương pháp này tiêu tốn thời gian và độ chính xác hoàn toàn phụ thuộc vào việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thu mẫu bệnh phẩm 24 giờ. Định lượng microalbumin niệu trên mẫu bệnh phẩm thu gom trong một khoảng thời gian nhất định [Vd: trong vòng 4h hay qua đêm] có thể không chính xác bằng phương pháp thu gom nước tiểu 24 giờ, song có thể làm tăng độ chính xác của phương pháp này bằng cách điều chỉnh theo nồng độ creatinin huyết thanh.

Phương pháp định lượng microalbumin niệu thường được sử dụng nhất là đánh giá trên mẫu nước tiểu thu ngẫu nhiên do phương pháp này chỉ yêu cầu một mẫu nước tiểu và không cần chuẩn bị chuyên biệt nào. Cũng có thể làm tăng đồ chính xác của phương pháp bằng cách điều chỉnh theo nồng độ creatin máu, một chỉ số được biết dưới tên tỉ số microalbumin / creatinin [microalbumin/creatinin ratio] và được tính toán như sau: nồng độ albumin niệu [tính theo mg]/ nồng độ creatinin creatinin niệu [tính theo mg] x 1000.

MỤC ĐÍCH VÀ CHỈ ĐỊNH XÉT NGHIỆM

Để phát hiện sớm bệnh cầu thận do đái tháo đường.

CÁCH LẤY BỆNH PHẨM

- XN được tiến hành trên bệnh phẩm nước tiểu: lấy mẫu nước tiểu ngẫu nhiên hay thu gom bệnh phẩm nước tiểu trong một khoảng thời gian nhất định [4h, qua đêm] hay mẫu nước tiểu 24 giờ.

- Đối với bệnh phẩm nước tiểu 24 giờ, cần giải thích kĩ cho BN về tầm quan trọng của việc bảo quản tất cả các mẫu nước tiểu lấy trong vòng 24 giờ. Hướng dẫn để BN tránh làm nhiễm bẩn bệnh phẩm với giấy vệ sinh và phân.

- Nước tiểu được thu vào bình chứa thích hợp và không sử dụng chất bảo quản mà giữ nước tiểu trong tủ lạnh hay trong đá lạnh.

GIÁ TRỊ BÌNH THƯỜNG

0 - 23 mg/L

TĂNG MICROALBUMIN NIỆU

Các nguyên nhân chính thường gặp là:

- Bệnh xơ vữa động mạch.

- Bệnh cầu thận:

+ Do ĐTĐ.

+ Do tăng huyết áp.

+ Các thuốc độc với cầu thận.

+ Tiền sản giật.

+ Có thai.

+ Chế độ ăn có quá nhiều protein [protein loading].

+ Nhiễm trùng đường tiết niệu.

+ Gắng sức thể lực quá mức.

CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM THAY ĐỔI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM

Hoạt động thể lực mạnh, hút thuốc, đang trong thời kỳ hành kinh và tình trạng mất nước có thể gây ảnh hưởng đến kết quả XN microalbumin niệu.

Khi đang có tình trạng mất kiểm soát glucose máu nghiêm trọng có thể làm tăng microalbumin niệu.

LỢI ÍCH CỦA XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG MICROALBUMIN NIỆU

1. XN hữu ích để phát hiện sớm triệu chứng tổn thương thận ở BN đái tháo đường: có microalbumin trong nước tiểu là bằng chứng rất sớm của một tổn thương thận ở BN bị đái tháo đường. Tình trạng microalbumin niệu xuất hiện trước khi có giảm hệ số thanh thải creatinin.

2. XN giúp theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị kiểm soát chặt nồng độ đường huyết:

- Có tăng nồng độ microalbumin niệu ở một bệnh nhân ĐTĐ phụ thuộc insulin sẽ làm tăng gấp khoảng 20 lần nguy cơ bị bệnh thận rõ ràng [với xuất hiện protein niệu liên tục [macroproteinuria permanente]] trong vòng 15 năm tới.

- Tình trạng microalbumin niệu ở BN ĐTĐ phụ thuộc insulin có mối tương quan với bệnh võng mạc tiến triển. Ở BN ĐTĐ không phụ thuộc insulin, tăng microalbumin niệu kết hợp với tăng nguy cơ tử vong sớm do các bệnh lý tim mạch.

CÁC HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH LÂM SÀNG DỰA TRÊN Y HỌC BẰNG CHỨNG

Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ đưa ra các quan điểm sau liên quan tới sàng lọc bệnh cầu thận ở BN bị ĐTĐ:

1. Tiến hành test sàng lọc hàng năm để phát hiện tình trạng microalbumin niệu ở các BN ĐTĐ typ 1 với thời gian bị bệnh ĐTĐ ≥ 5 năm và ở tất cả các BN ĐTĐ typ 2, khi được chẩn đoán và trong khi có thai.

2. Nồng độ creatinin huyết thanh cần được đo ít nhất mỗi năm 1 lần để ước tính mức lọc cầu thận ở tất cả các BN người lớn bị ĐTĐ bất kể mức độ bài tiết albumin trong nước tiểu là bao nhiêu. Định lượng nồng độ creatinin huyết thanh đơn độc không nên được sử dụng như một biện pháp để đánh giá chức năng thận, thay vào đó nên sử dụng để tính toán mức lọc cầu thận và phân giai đoạn mức độ của bệnh thận mạn.

CÁC CẢNH BÁO LÂM SÀNG

- Có các thay đổi trong giá trị kết quả XN [có thể lên tới 30 - 50%] xảy ra trên cùng một BN giữa các lần thu nước tiểu XN, điều này đòi hỏi không những phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu khi lấy bệnh phẩm mà còn yêu cầu phải làm nhắc lại ít nhất 3 lần cho mỗi đợt kiểm tra định kỳ tìm kiếm microalbumin niệu.

- Tình trạng tăng HA vô căn làm tăng tần xuất gặp microalbumin niệu bệnh lý ở các BN bị ĐTĐ và không bị ĐTĐ.

- Phát hiện được các BN có nồng độ microalbumin niệu liên tục tăng cao đòi hỏi phải điều trị cho BN bằng thuốc ức chế men chuyển angiotensin [ACE] với đích cần đạt là làm bình thường hóa bài xuất microalbumin. Thuốc ức chế thụ thể angiotensin [ARB] cũng có thể được sử dụng. Mục tiêu điều trị là giúp làm chậm lại quá trình tiến triển từ microalbumin niệu sang macroalbumin niệu.

Video liên quan

Chủ Đề