Tôi bị chồng bạo hành tinh thần và the xác

Mức độ tổn thương mà bạo lực tinh thần gây ra còn khủng khiếp, đáng sợ hơn cả nỗi đau thể xác

 
Luật Phòng chống bạo lực gia đình nêu ra định nghĩa: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Như vậy, Luật cũng đã thừa nhận hành vi gây tổn hại về tinh thần là một trong những hành vi bạo lực gia đình. 

  Để nhận diện cho rõ thì bạo lực tinh thần là một dạng hành vi không sử dụng vũ lực thông thường như đánh đập, hành hạ, hay bất cứ hành vi nào gây tổn thương vật lý đến cơ thể nạn nhân. Loại bạo lực này chủ yếu sử dụng lời nói chì chiết, nhục mạ, hạ thấp phẩm giá nạn nhân; hoặc kiểm soát hoạt động của nạn nhân; hoặc lợi dụng vị thế trong gia đình của mình để gây áp lực, buộc người kia phải tuân theo mình… Từ đó, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khác của nạn nhân.

  Một thực trạng đáng buồn vẫn diễn ra trong xã hội hiện đại ngày nay đó là ngày càng có nhiều phụ nữ đang phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng về tâm lý. Theo con số thống kê của ngành chức năng, có tới hơn 53% phụ nữ Việt Nam cho biết họ đã từng bị bạo hành. Đặc biệt, đối với những vùng nông thôn, ước tính bình quân cứ 4/10 phụ nữ khi được hỏi đều có chung câu trả lời họ không cảm thấy gia đình là nơi an toàn, hạnh phúc cho bản thân.

  Đối với một số khu vực thuộc vùng Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc, tỷ lệ này còn cao hơn hẳn so với khu vực thành thị, đồng bằng. Nguyên nhân chủ yếu do cuộc sống còn nhiều khó khăn, tình trạng dân trí thấp, người dân ít được đến trường hoặc được trang bị kiến thức; mặt khác, họ lại thường bị ràng buộc bởi khá nhiều hủ tục lạc hậu của địa phương.

  Do tính chất âm thầm, lặng lẽ của các sự việc vẫn hàng ngày diễn ra đằng sau những cánh cửa nên vấn nạn bạo hành tinh thần hiện đang được xem là loại bạo lực gia đình phổ biến nhất. Đáng lo ngại hơn, nếu không kịp thời phát hiện và ngăn chặn, rất có thể nó sẽ tiếp tục phát triển rồi trở thành nạn bạo hành thể xác không xa. Xét về góc độ tâm lý thông thường cho thấy, đa phần các chị em phụ nữ sẽ vẫn lựa chọn hình thức cố gắng nín nhịn, chịu đựng là chủ yếu, với mong muốn để giữ yên ấm gia đình.

  Thế nhưng, lâu dần, bạo lực câm cũng sẽ có những ảnh hưởng hết sức nặng nề, làm tổn hại đến tính bền vững trong đời sống hôn nhân của các cặp vợ chồng. Vì cứ diễn ra âm ỉ hàng ngày, hàng giờ, vấn nạn này gặm nhấm dần tinh thần của những người trong cuộc, làm cho cuộc sống chung trở nên khó chịu, dẫn tới những xung đột cứ thế bùng phát và diễn ra triền miên… Nạn bạo hành tinh thần đã và đang diễn ra ở cả hai phía, cho dù là phụ nữ hay đàn ông thì đều có thể trở thành người trực tiếp gây ra nỗi đau cho người kia.

  Đối với những người vợ, họ thường gây ra chiến tranh lạnh, cấm vận chồng trong quan hệ tình dục; hoặc dùng lời lẽ thóa mạ, xúc phạm chồng mỗi khi cãi nhau; hoặc có thể sẽ kiểm soát ngặt nghèo các mối quan hệ xã hội của chồng, quản lý hết nguồn tài chính trong gia đình khiến người chồng thường xuyên không có tiền trong túi để chủ động trong các mối quan hệ xã hội, bạn bè và đương nhiên, cũng còn nhằm mục đích hạn chế cơ hội chồng đi lăng nhăng bồ bịch…

  Bên cạnh đó, các đức ông chồng cũng thường xuyên có những chiêu “độc” không kém để hành hạ, trấn áp tinh thần người vợ. Có thể không phải là việc gây sự, đánh đập vợ, nhưng họ sẽ đi về nhà lặng lẽ giống như cái bóng, không nói không rằng; thậm chí, chỉ về nhà khi vợ con đã ngủ hết và thức dậy khi vợ con không còn ở nhà… Ngoài ra, họ còn tỏ thái độ khinh miệt, cả tháng cả năm có khi nằm kề bên vợ mà không thèm hỏi han, quan tâm hay động vào người vợ… Hiếm hoi lắm những lần khiến người chồng mở miệng lại có thể chỉ là những câu mệnh lệnh khi cần thiết...

  Tất cả những hành vi ấy đều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tình cảm, việc làm, tài chính của gia đình. Đến một lúc nào đó, nó khiến cho các cặp vợ chồng không còn tìm thấy tiếng nói chung, hôn nhân rơi vào bế tắc, thậm chí có thể trở nên căm ghét nhau. Cuối cùng thì cách ngắn nhất dẫn họ đi đến quyết định chấm dứt đời sống chung nhiều áp lực chính là những lá đơn ly hôn.

  Bạo lực tinh thần thường diễn ra trong những gia đình trí thức. Đơn cử như chị Hồng Phương- một giảng viên tại một trường Đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh lâm vào tình thế vô cùng khó nói. Đã nhiều lần chị đơn phương nộp đơn xin ly hôn tới tòa án rồi sau đó lại ngậm ngùi xin rút đơn. Không phải do chị không muốn tự giải thoát cho mình khỏi cuộc hôn nhân đầy bế tắc, mà là chị không có đủ can đảm nói lên lý do xin ly hôn. Vì thế, đã nhiều lần khi tới tòa, cứ sau vài câu khuyên nhủ với mục đích hàn gắn tình vợ chồng của vị thẩm phán, chị lại lặng lẽ rút đơn về.

  Hoàn cảnh của chị, nếu người bên ngoài nhìn vào đều đánh giá có cuộc sống gia đình rất ấm cúng, đầy đủ. Thế nhưng, phải “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, hai vợ chồng chị đều là giảng viên, có học vấn cao, ngoài giờ dạy chính ở trường, chị dành hết thời gian cho việc chăm sóc con cái, nhà cửa. Chồng chị thì khác, anh đi dạy thêm ở một số trường để kiếm thêm thu nhập, tuy khoác bên ngoài lớp vỏ trí thức là vậy nhưng người chồng của chị lại thường xuyên dùng ngôn từ “chợ búa” với vợ.

  Bất kể chuyện gì trái ý, anh ta cũng đều mắng nhiếc, miệt thị vợ vô cùng thậm tệ; mỗi lần vợ chồng cãi nhau, còn sẵn sàng gọi vợ bằng con nọ, con kia ngay. Mắng vợ chưa thỏa, anh chồng còn lôi cả gia đình nhà vợ ra mà mắng nhiếc, lời lẽ ngày càng dung tục, khó chấp nhận…

  Bảy năm chung sống, chị luôn phải chịu đựng miệng lưỡi cay độc của người chồng đối xử với mình. Mặc dù anh ta không đánh đập chị nhưng những lời anh ta nói còn sắc hơn dao, cứa vào tim gan chị đau nhói. Dần dần, những tổn thương cứ thế âm thầm bào mòn tình yêu trong chị  lúc nào không hay, sự kiệt quệ cả trong tâm hồn lẫn thể xác khiến chị không còn tha thiết đến việc vun vén cuộc sống gia đình hay chăm chút cho bản thân nữa…

  Các chuyên gia tâm lý đánh giá rằng, vấn nạn bạo hành về tinh thần tuy không gây ra vết thương trên cơ thể nhưng nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thần kinh của nạn nhân. Người bị bạo hành tinh thần trong một thời gian dài rất có thể sẽ dễ dẫn đến tình trạng suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần. Thậm chí, có thể còn nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, muốn tìm đến cái chết chẳng hạn.

  Có thể thấy, bạo hành về tinh thần đã và đang gây ra những nỗi đau khổ còn hơn cả bạo lực về thể chất. Nhưng suy cho cùng, những nạn nhân của tình trạng này cũng không phải là hoàn toàn vô can, chính sự âm thầm, nhẫn nhịn chịu đựng của người trong cuộc vô hình chung đã tạo điều kiện để cho những người gây ra bạo lực lấn tới, lâu dần có những hành xử nhẫn tâm, vô cảm đối với người vợ hoặc chồng của mình.

  Do đó, muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh trớ trêu, trước hết, các nạn nhân cần phải trang bị kiến thức để từ đó thay đổi thái độ; có sự cương quyết trong phản kháng bằng việc phân tích lý lẽ giúp vợ hoặc chồng của mình sớm thoát khỏi cách hành xử theo lối bản năng vô thức. Có như vậy trong gia đình mối quan hệ mới được xây dựng bền vững dựa trên ý thức hành xử bình đẳng, tôn trọng người bạn đời. Từ đó, góp phần xây dựng mô hình gia đình khỏe mạnh, hòa thuận, yêu thương để vợ chồng cùng nhau vun đắp tình cảm, nuôi dưỡng những thế hệ mầm non tương lai trưởng thành và hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Chủ Đề