Tiêm ngừa uốn ván cho bà bầu ở đâu

Khi mang thai, các mẹ bầu cần biết rằng việc tiêm phòng uốn ván cho bà bầu trong thai kỳ theo khuyến cáo là rất cần thiết để đảm bảo cho sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên nhiều người không khỏi lo lắng vì lịch tiêm phòng uốn ván thoạt đầu có vẻ phức tạp. Làm sao để bà mẹ nắm bắt lịch tiêm? Lợi ích của tiêm vắc-xin uốn ván là gì và cần lưu ý gì sau khi tiêm? Docosan mời bạn tìm hiểu các chủ đề này trong bài viết.

Tại sao các mẹ bầu cần tiêm phòng uốn ván?

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc sau những sang chấn, vết thương kèm theo nhiễm bẩn đất bùn có trực khuẩn uốn ván, tên khoa học là Clostridium tetanus. Ngoài ra, trong ngoại khoa hay sản khoa, các dụng cụ y tế hay bông băng không được khử trùng tốt cũng là tình huống mắc bệnh uốn ván có thể xảy ra.

Nha bào của uốn ván tồn tại khắp mọi nơi, đặc biệt là trong đất, phân động vật. Khi gặp môi trường thuận lợi hoặc khi sống trong cơ thể người, vi khuẩn này có khả năng sinh độc tố rất mạnh. Một trong số đó là Tetanospasmin, một độc tố thần kinh và là nguyên nhân chính gây ra những triệu chứng của bệnh.

Người mắc bệnh điển hình có triệu chứng cứng hàm, cứng cơ mặt, dần dần co cứng toàn thân, hay những cơn co giật. Nhất là khi bị một kích thích nào đó, toàn thân co cứng như một tấm ván uốn cong, khi đó có thể gây ngạt thở, liệt cơ hô hấp và tử vong.

Bệnh uốn ván trở nên nguy hiểm cũng vì lý do này. Nếu không được chữa trị kịp thời, tỷ lệ tử vong hoặc mắc phải di chứng của uốn ván là rất cao. Tuy nhiên, phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, đặc biệt khi chúng ta có thể tiêm phòng uốn ván theo đúng khuyến cáo.

Với các mẹ bầu, tiêm phòng uốn ván trong giai đoạn mang thai còn giúp hạn chế tối đa nguy cơ uốn ván cho con con khi vừa sinh ra. Thể bệnh này được gọi là uốn ván sơ sinh, biểu hiện bệnh cũng tương tự trên, nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn người lớn rất nhiều.

Nguyên nhân thường gặp là dụng cụ cắt dây rốn không được khử trùng tốt. Khi mẹ bầu tiêm vắc-xin uốn ván trong thai kỳ, cơ thể mẹ tự tạo kháng thể chống lại vi khuẩn này và đồng thời cũng truyền các kháng thể này sang thai nhi, giúp hạn chế nguy cơ uốn ván sau sinh.

Vậy nên các mẹ bầu cần nắm bắt thông tin cần thiết về tiêm phòng uốn ván trong thai kỳ. Ngoài ra, nếu khám thai định kỳ, các mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn về thời điểm tiêm phòng uốn ván và lợi ích của nó.

Mẹ bầu cần được tiêm phòng uốn ván trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu khi nào?

Tầm quan trọng của tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là vậy. Nhưng không ít người cảm thấy lịch tiêm phòng uốn ván khá phức tạp và khó nắm bắt vì số lượng mũi tiêm và sự khác nhau giữa những lần mang thai khác nhau.

Tuy nhiên, các mẹ bầu không cần quá lo lắng. Việc các mẹ bầu cần làm là khám sức khỏe thai định kỳ và nắm bắt lịch sử tiêm ngừa của mình trong quá khứ và trong các lần mang thai trước, bao gồm cả vắc-xin uốn ván và các vắc-xin khác.

Vậy lịch tiêm phòng uốn ván cho bà bầu cụ thể như thế nào? Theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT của Bộ Y Tế, lịch tiêm vắc-xin uốn ván cho phụ nữ được quy định dựa vào tiền sử tiêm phòng vắc-xin này của phụ nữ trong quá khứ.

Đối với người chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:

  • Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu
  • Lần 2: Ít nhất 1 tháng sau lần 1
  • Lần 3: Ít nhất 6 tháng sau lần 2 hoặc kỳ có thai lần sau
  • Lần 4: Ít nhất 1 năm sau lần 3 hoặc kỳ co thai lần sau
  • Lần 5: Ít nhất 1 năm sau lần 4 hoặc kỳ có thai lần sau

Đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:

  • Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu
  • Lần 2: Ít nhất 1 tháng sau lần 1
  • Lần 3: Ít nhất 1 năm sau lần 2

Đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 1 liều nhắc lại:

  • Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu
  • Lần 2: Ít nhất 1 năm sau lần 1

Theo khuyến cáo, mũi vắc-xin uốn ván đầu tiên nên được tiêm ở 3 tháng giữa của thai kỳ, thường là từ tuần 20-22 trở đi, và không được trễ hơn 26 tuần. Nếu tiêm phòng uốn ván mũi 2 cho bà bầu, mũi này phải sau mũi đầu 4 tuần, và trước ngày dự sanh ít nhất 4 tuần.

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu ở đâu?

Vì tầm quan trọng của tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai, nhìn chung người dân có thể dễ dàng tiếp cận nhiều địa điểm hỗ trợ tư vấn và tiêm phòng uốn ván cho bà bầu. Người dân có thể tìm đến các bệnh viện đa khoa, bệnh viện sản phụ khoa, trung tâm tiêm chủng.

Ở các thành phố lớn, nhiều cơ sở tư nhân cũng được cấp phép tiêm chủng cho người dân, trong đó có tiêm vắc-xin uốn ván cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai. Do đó, các chị em có nhiều lựa chọn hơn.

Điều quan trọng là các mẹ bầu nên tìm hiểu về các địa điểm uy tín, chất lượng, được cấp phép bởi nhà nước và đảm bảo được cung ứng nguồn vắc-xin chất lượng tốt.

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu giá bao nhiêu?

Nếu xét về giá thành của vắc-xin uốn ván, chúng ta cần biết rằng vắc-xin này có thể ở dạng đơn giá [chỉ phòng 1 bệnh duy nhất] và dạng kết hợp [phòng nhiều bệnh khác nhau, trong đó có uốn ván]. Do đó giá vắc-xin uốn ván thay đổi tùy theo dạng được tiêm và hãng vắc-xin.

Thông thường, các bà bầu được tiêm vắc-xin uốn ván đơn giá vì số lượng mũi tiêm nhiều. Vì vậy nhìn chung mũi vắc-xin uốn ván cho bà bầu rẻ hơn các dạng kết hợp. Giá thành của vắc-xin uốn ván đơn giá [VAT] dao động từ 100.000 – 150.000 đồng.

Nếu bà bầu được tiêm dạng kết hợp, giá thành của mũi tiêm cao hơn. Quyết định tiêm dạng nào sẽ được bác sĩ tiêm phòng tư vấn kỹ càng cho các mẹ bầu, tùy vào tiền sử tiêm phòng của mỗi người.

Vắc-xin uốn ván có thể ở một số dạng kết hợp như:

  • Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván
  • Bạch hầu – Uốn ván

Người dân có thể tham khảo giá thành chính xác của chương trình tiêm phòng uốn ván tại các cơ sở tiêm chủng uy tín.

Những lưu ý khi tiêm phòng uốn ván cho bà bầu

Các mẹ bầu đi tiêm vắc-xin uốn ván nhiều lần nên thường có nhiều băn khoăn trước và sau khi hoàn thành mũi tiêm. Trước khi tiêm, mẹ bầu và gia đình cần dành thời gian tìm hiểu các bệnh viện, cơ sở tiêm chủng uy tín trên địa bàn, có khả năng cung cấp chương trình tiêm phòng an toàn và chất lượng.

Tại cơ sở tiêm phòng, các mẹ bầu sẽ được tư vấn về lợi ích của các loại vắc-xin và mẹ bầu nên được tiêm mũi nào, với lịch tiêm ra sao. Bác sĩ cũng sẽ cung cấp thông tin về các phản ứng phụ khi tiêm phòng uốn ván và một số nguy cơ.

Tuy nhiên, các biến chứng của tiêm vắc-xin là rất hiếm gặp và những nguy cơ này là rất nhỏ so với lợi ích to lớn mà vắc-xin mang lại cho mẹ và bé. Đây là đặc tính chung của tất cả loại vắc-xin, không riêng gì trong tiêm phòng uốn ván. Hơn nữa, các mẹ bầu luôn được hướng dẫn ở lại cơ sở tiêm phòng 20-30 phút sau tiêm để theo dõi những phản ứng.

Hãy tham vấn bác sĩ của bạn để biết rõ lợi ích và nguy cơ của tiêm phòng uốn ván

Bà bầu có thể gặp một số phản ứng phụ sau khi tiêm phòng uốn ván

Bà bầu có thể bị sưng, đau nhức, tê buốt tại vị trí tiêm ở bắp tay. Sốt nhẹ sau khi về nhà cũng là triệu chứng thường gặp. Đây là những phản ứng bình thường khi đưa vắc-xin vào trong cơ thể và sẽ giảm dần trong 2-3 ngày, các mẹ bầu không nên quá lo lắng.

Tất cả bà bầu trước khi tiêm vắc-xin uốn ván sẽ được bác sĩ có chuyên môn khám sàng lọc. Một số trường hợp các mẹ bầu cần đặc biệt hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm như: mang đa thai hoặc có nguy cơ sinh non, bản thân bị mắc bệnh khớp, thận, cúm,…

Khoảng thời gian sau khi tiêm, bà bầu nên nghỉ ngơi và theo dõi các biểu hiện của mình, đặc biệt là 24 giờ đầu sau tiêm. Bà bầu cũng nên ăn uống đủ chất, uống nhiều nước. Nếu có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi nhiều, khó thở, nặng ngực, bà bầu cần gọi đến hotline 115, các bệnh viện sản khoa, cơ sở tiêm chủng để được đánh giá chính xác tình trạng và hướng dẫn xử trí.

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu bị sưng ngứa thì cần làm gì?

Sưng ngứa là phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc-xin uốn ván

Vị trí tiêm vắc-xin uốn ván ở bắp vai có thể bị sưng nề, nổi mẩn đỏ, hình thành mảng cứng nề, đau khi sờ, đôi khi gây ngứa. Một số người còn than phiền mỏi nhức bắp vai. Đây là những phản ứng bình thường nên các mẹ không cần quá lo lắng.

Các triệu chứng này thường tự thoái lui trong 2-3 ngày nên nhìn chung các bà mẹ không cần xử trí gì đặc biệt. Nếu sưng đau nhiều, các mẹ bầu có thể chườm lạnh đó để giảm đau, giảm sưng. Cần lưu ý không chườm trực tiếp nước đá lên bề mặt da để tránh bỏng lạnh, nước đá cần được cho vào túi khăn và đặt lên vùng tiêm.

Các mẹ bầu không nên dùng thuốc để giảm đau hay giảm ngứa. Nếu vết tiêm bị sưng ngứa kéo dài, đau rát và không có xu hướng thuyên giảm thì các mẹ nên đến cơ sở y tế uy tín sớm nhất có thể để được khám và điều trị kịp thời.

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu cần kiêng gì?

Trong khoảng thời gian 2-4 tuần sau tiêm, mẹ bầu cần hạn chế một số thức ăn, thói quen hay hoạt động có thể ảnh hưởng tới khả năng tạo miễn dịch của vắc-xin uốn ván. Để vắc-xin đạt hiệu quả cao, bà bầu nên:

  • Không dùng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích
  • Hạn chế vận động mạnh, cần nghỉ ngơi điều độ
  • Tránh làm tổn thương vùng tiêm
  • Ăn uống lành mạnh, ăn chín uống sôi, đủ chất dinh dưỡng
Sau khi tiêm, bà mẹ cần có chế độ nghỉ ngơi thích hợp và ăn uống lành mạnh

Hy vọng bài viết này có thể mang đến nhiều thông tin hữu ích cho các mẹ bầu về chương trình tiêm phòng uốn ván. Thoạt đầu lịch tiêm có vẻ phức tạp nhưng các mẹ không nên lo lắng, chỉ cần khám thai định kỳ để được tư vấn và nắm bắt lịch sử tiêm ngừa của mình trong quá khứ.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về chủ đề tiêm phòng uốn ván cho bà bầu tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ bạn.

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng uốn ván ở trạm y tế phường, xã cần lưu ý những gì? Đa số mọi người ngày nay…

Nên tiêm phòng uốn ván ở đâu? Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tinh nguy hiểm hay gặp ở các…

Vắc xin uốn ván là một phần của nhóm chủng ngừa được khuyến cáo cho cả trẻ em và người lớn…

Video liên quan

Chủ Đề