Thông tư hướng dẫn nghị định 123 về hộ tịch

Hướng dẫn nghiệp vụ về Hộ tịch theo quy định tại Thông tư số 04/2020/TT-BTP và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP

Hướng dẫn nghiệp vụ về Hộ tịch theo quy định tại Thông tư số 04/2020/TT-BTP và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP

Vừa qua, Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 1684/STP-NV2 ngày 26/10/2020 gửi Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn về việc hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực. Theo đó, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch. Đồng thời, trên cơ sở Công văn số 1047/HTQTCH-CT ngày 14/10/2020 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Sở Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ về hộ tịch như sau:

Về việc đăng ký khai sinh:

Liên quan đến việc đặt tên cho trẻ, khoản 1 Điều 6 Thông tư số 04/2020/TT-BTP đã quy định việc đặt tên cho trẻ phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; tập quán, truyền thống có tính linh hoạt theo dân tộc, vùng miền nên không định lượng được. Đề nghị các cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em lựa chọn tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có) cho trẻ có độ dài vừa phải, đủ để ghi trên các loại giấy tờ tùy thân, giấy tờ khác (ví dụ: Trương Nguyễn Văn Trường Giang hoặc Trương Nguyễn Văn Trường Giang Sơn có thể chấp nhận được), tránh việc đặt tên quá dài dẫn đến sau này phải thực hiện việc thay đổi tên như báo chí đã phản ánh.

- Trường hợp hai bên nam nữ đăng ký kết hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 04/2020/TT-BTP, sau khi họ sinh con thì thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật hộ tịch.

- Đối với cách ghi mục “Nơi cư trú” của cha, mẹ của người đăng ký lại khai sinh trong Sổ đăng ký khai sinh, Giấy khai sinh nhưng cha, mẹ đã chết, đề nghị các cơ quan đăng ký hộ tịch vận dụng quy định tại khoản 4 Điều 9 về việc xác minh thông tin quan hệ cha, mẹ, con, trường hợp không có thông tin thì cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư số 04/2020/TT-BTP.

Về việc đăng ký khai tử cho người chết đã lâu:

Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 04/2020/TT-BTP đã quy định cụ thể việc đăng ký khai tử cho người chết đã lâu không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử. Đối với trường hợp này, người yêu cầu phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết (ví dụ: hồ sơ, lý lịch cá nhân đi học, đi làm do cơ quan, đơn vị nơi học tập, công tác quản lý, xác nhận.... các giấy tờ, tài liệu này cần được cơ quan đăng ký hộ tịch phối hợp với các cơ quan quản lý liên quan kiểm tra, xác minh chặt chẽ, bảo đảm thông tin đúng sự thật).

Trường hợp người yêu cầu cung cấp được các giấy tờ như: gia phả dòng họ, giấy tờ tùy thân của người chết (nếu có); ảnh bia, mộ người chết; văn bản xác nhận của người làm chứng về các thông tin liên quan đến người chết, sự kiện chết; các thông tin này được cơ quan đăng ký hộ tịch kiểm tra, xác minh, lập Biên bản xác minh thì cũng được là một trong những căn cứ để thực hiện việc đăng ký khai tử.

Về bổ sung thông tin hộ tịch:

Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật hộ tịch thì bổ sung hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cập nhật thông tin hộ tịch còn thiếu cho cá nhân đã được đăng ký. Do vậy, đối với trường hợp giấy tờ hộ tịch cấp trước ngày 01/01/2016, trong biểu mẫu hộ tịch (giấy tờ hộ tịch bản chính, Sổ đăng ký hộ tịch) có phần ghi về thông tin hộ tịch nhưng còn để trống thì cơ quan đăng ký hộ tịch giải quyết yêu cầu bổ sung thông tin hộ tịch cho người dân nếu có giấy tờ, tài liệu hợp lệ chứng minh (trừ trường hợp yêu cầu bổ sung thông tin quốc tịch Việt Nam).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 thì giấy tờ hộ tịch quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật hộ tịch có giá trị sử dụng mà không phải bổ sung thông tin hộ tịch còn thiếu so với biểu mẫu hộ tịch hiện hành. Do đó, đối với giấy tờ hộ tịch cấp trước ngày 01/01/2016 mà không có phần ghi về một số thông tin hộ tịch so với biểu mẫu hộ tịch hiện hành thì không có cơ sở để giải quyết yêu cầu bổ sung thông tin hộ tịch.

Về việc thay đổi họ, chữ đệm, tên mà không liên hệ được với người mẹ:

Trường hợp thay đổi họ cho trẻ em mà không liên hệ được với người mẹ tại mục 4 của Công văn số 1450/STP-HCTP, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nhất trí với đề xuất của Sở Tư pháp. Tuy nhiên, cần lưu ý cơ quan đăng ký hộ tịch kiểm tra, xác minh, khẳng định việc không liên hệ được với người mẹ.

Về cấp Giấy khai sinh (bản sao):

Việc cấp Giấy khai sinh (bản sao) nói riêng, cấp bản sao trích lục hộ tịch nói chung đều phải căn cứ vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch, là hoạt động khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch nên phải thực hiện việc thu phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch theo quy định tại Thông tư số 281/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch, phí xác nhận có quốc tịch Việt Nam, phí xác nhận là người gốc Việt Nam, lệ phí quốc tịch. Mức thu thống nhất là 8.000 đồng/bản sao trích lục/sự kiện hộ tịch đã đăng ký, các chi phí khác không có quy định thì không được thu.