Thông tư 17 hướng dẫn về ma túy

Bộ luật hình sự [BLHS] năm 2015, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Ở BLHS năm 2015 nhóm tội phạm về ma túy được quy định tại Chương XX bao gồm 13 Điều luật, từ Điều 247 đến Điều 259 và đã tách riêng cấu thành của từng tội phạm cụ thể so với BLHS năm 1999. Từ khi BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành đến nay, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định hướng dẫn về nhóm tội phạm ma túy đó là: Nghị định số 19/2018/NĐ- CP ngày 02/2/2018 của Chính Phủ quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của BLHS năm 2015 [Nghị định số 19]; Nghị định số 73/2018/NĐ- CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, Quy định danh mục các chất ma túy và tiền chất [Nghị định số 73], tuy nhiên hiện chưa có một văn bản dưới luật nào của đơn ngành, hoặc liên ngành tố tụng Trung ương hướng dẫn áp dụng một số quy định của nhóm tội phạm về ma túy được quy định trong BLHS năm 2015.

Trên thực tiễn hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng [CQTHTT] vẫn đang vận dụng tinh thần của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an- Viện kiểm sát ND Tối cao- Tòa án ND Tối cao- Bộ Tư pháp “Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII- Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 [Thông tư 17]. Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015, về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của TTLT số 17- hiện chưa có văn bản nào thay thế, để khởi tố điều tra, truy tố và xét xử đối với một số tội trong nhóm các tội phạm về ma túy quy định tại BLHS năm 2015, tuy nhiên, về nguyên tắc thì kể từ ngày 01/01/2018- ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành thì không được viện dẫn các Thông tư nêu trên, chính vì vậy qua hai năm thi hành BLHS năm 2015 đã nảy sinh những vướng mắc, cần thiết phải được thống nhất nhận thức trong việc áp dụng luật, cụ thể là trường hợp bị can phạm tội có từ hai chất ma túy trở lên, tình tiết “Có hai chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm…đến điểm…khoản này” được quy định tại 05 Điều luật của BLHS năm 2015 đó là: điểm k khoản 2, điểm e khoản 3, điểm đ khoản 4 Điều 248 [Tội Sản xuất trái phép chất ma túy], điểm i khoản 1, điểm n khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 249 [Tội tàng trữ trái phép chất ma túy], điểm i khoản 1, điểm o khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 250 [Tội vận chuyển trái phép chất ma túy], điểm p khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 251 [Tội mua bán trái phép chất ma túy], điểm i khoản 2, điểm n khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 252 [Tội chiếm đoạt chất ma túy], hiện có nhiều quan điểm và nhận thức khác nhau trong việc trích dẫn các điểm truy tố trong phần Kết luận và phần Quyết định của bản Cáo trạng. Ở một số đơn vị tại phần Kết luận trích dẫn đầy đủ các điểm, khoản, quy định khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy của Điều luật tương ứng, nhưng tại phần Quyết định chỉ áp dụng 01 điểm là “Có hai chất ma túy trở lên…”, nhưng có đơn vị tại phần Kết luận và Quyết định của Cáo trạng chỉ trích dẫn và áp dụng 01 điểm, khoản của Điều luật là “Có hai chất ma túy trở lên…” mà không trích dẫn chi tiết các điểm có quy định khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy, ví dụ như các vụ án sau đây:

Vụ thứ nhất: Ngày 21/6/2019 CQĐT Công an TP SC tỉnh TN bắt quả tang Ng. V. D có hành vi tàng trữ trái phép 0,148 gam ma túy loại Heroine và 0,42 gam ma túy loại Methamphetamine mục đích để sử dụng. CQĐT đã khởi tố vụ án, bị can, kết thúc điều tra vụ án, đề nghị truy tố đối với D về tội tàng trữ trái phép chất ma túy quy định tại điểm i khoản 1 Điều 249 BLHS [có hai chất ma túy trở lên….].

Ngày 08/8/2019 Viện kiểm sát ND TP SC tỉnh TN đã ban hành bản Cáo trạng số 49/CT- VKS, truy tố đối với bị can Ng. V. D về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 249 BLHS, tại phần Kết luận của Cáo trạng ghi: “Hành vi nêu trên của Ng.V.D đã phạm vào tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, tội phạm và hình phạt quy định tại điểm c, i khoản 1 Điều 249 BLHS. Nội dung điều luật như sau:

“1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  1. c] Heroin, Methamphetamine…có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam
  2. i] Có hai chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này” tuy nhiên, tại phần Quyết định của bản Cáo trạng ghi truy tố đối với Ng. V. D chỉ áp dụng điểm i khoản 1 Điều 249 BLHS.

Bản án số 49/2019/HSST ngày 30/8/2019 của Tòa án ND TP SC tỉnh TN xét xử đối với bị cáo Ng. V. D về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, áp dụng điểm điểm i khoản 1 Điều 249 BLHS, điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS xử phạt bị cáo 24 tháng tù.

Vụ thứ hai: Ngày 06/9/2019, tổ công tác Công an TPTN, tỉnh TN bắt quả tang Phạm Văn Đ có hành vi tàng trữ trái phép 0,941 gam ma túy loại Methamphetamine, 8,381 gam MDMA, 7,76 gam Ketamine mục đích để bán kiếm lời, ngày 14/9/2019 CQĐT đã khởi tố vụ án, bị can đối với Đ về tội mua bán trái phép chất ma túy, ngày 02/12/2019 đã KTĐT vụ án chuyển hồ sơ đến VKSND TP TN đề nghị truy tố đối với bị can Phạm Văn Đ về tội mua bán trái phép chất ma túy theo điểm b, p khoản 2 Điều 251 BLHS.

Bản Cáo trạng số 06/CT- VKSTPTN ngày 19/12/2019 của VKSND TP TN tại phần Kết luận khi trích dẫn điều luật ghi: Hành vi của Phạm văn Đ đã phạm vào tội Mua bán trái phép chất ma túy, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, p khoản 2 Điều 251 BLHS. Nội dung Điều luật quy định:

“1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
  2. b] Phạm tội 02 lần trở lên.
  3. p] Có hai chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm h đến điểm o khoản này”. Tại phần Quyết định của bản Cáo trạng truy tố đối với Phạm Văn Đ về tội Mua bán trái phép chất ma túy, áp dụng điểm b, p khoản 2 Điều 251 BLHS.[không trích dẫn điểm i khoản 2 Điều 251]

Như vậy, qua hai bản Cáo trạng của hai đơn vị trên thấy rằng, cùng với một tình tiết như nhau là người phạm tội có hành vi tàng trữ hoặc mua bán hai chất ma túy trở lên nhưng ở hai đơn vị lại trích dẫn khác nhau, ở vụ án thứ nhất đơn vị VKSTP SC tại phần Kết luận của bản Cáo trạng đã trích dẫn cả điểm c khoản 1 Điều 249 quy định về khối lượng của từng chất ma túy, ở vụ thứ 2 đơn vị VKSTP TN tại phần Kết luận không trích dẫn điểm i, khoản 2 Điều 251 [quy định về khối lượng ma túy loại MDMA và Methamphetamine] như đơn vị VKSTP SC. Tuy nhiên đến nay cả hai vụ án trên đã được Tòa án xét xử sơ thẩm xong, không có kháng cáo hay kháng nghị gì.

Như vậy, vấn đề không thống nhất ở đây là, trong trường hợp bị can phạm tội có hai chất ma túy trở lên, được quy định ở cùng một điểm, hoặc ở các điểm khác nhau trong cùng một khoản của điều luật, thì ở phần Kết luận của bản Cáo trạng có cần phải trích đầy đủ các điểm quy định về khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy đó hay không ? hay chỉ cần trích 01 điểm quy định “có hai chất ma túy trở lên…” ? Về vấn đề này quan điểm chúng tôi như sau:

Thứ nhất: Việc xác định điểm, khoản truy tố trong trường hợp có từ hai chất ma túy trở lên đã được hướng dẫn chi tiết tại Điều 4, Điều 5, mục I, II phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 19 ngày 02/2/2018, theo đó trong trường hợp có nhiều chất ma túy [hai chất trở lên] được quy định tại cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của BLHS được thực hiện theo các bước sau:

Bước thứ nhất: Cộng tổng khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy lại với nhau để xác định tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy;

Bước hai: Đối chiếu tổng khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy với các điểm, khoản của Điều luật tương ứng để xác định điểm, khoản truy tố;

Bước ba: Xác định điểm, khoản, điều luật áp dụng: Trong trường hợp này xác định truy tố bị can theo điểm quy định “Có hai chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm…đến điểm…khoản này” của Điều luật tương ứng.

Đối với trường hợp các chất ma túy không được quy định ở cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của BLHS [Điều 5 Nghị định 19] thì cách tính phức tạp hơn, tuy nhiên vẫn xác định cộng tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy để xác định khoản truy tố đối với bị can và áp dụng điểm quy định “Có hai chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm…đến điểm…khoản này” của Điều luật tương ứng, như vậy trong mọi trường hợp, nếu bị can có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển…từ hai chất ma túy trở lên thì điểm truy tố đối với bị can chỉ là một tình tiết “Có hai chất ma túy trở lên ….” của Điều luật tương ứng.

Thứ hai: Đối với các chất ma túy được quy định tại cùng một điểm, hoặc khác điểm cùng một khoản của Điều luật, thì tất cả các nội dung về khối lượng, loại chất ma túy…đã được xác định rõ qua biên bản cân xác định khối lượng, lấy mẫu gửi giám định đã được nêu trong phần nội dung, do đó trong phần Kết luận của bản Cáo trạng không cần phải trích dẫn đầy đủ các điểm đó [ví dụ: Heroin; Cocaine; MDMA; các chất ma túy khác ở thể rắn…] mà chỉ cần trích một điểm là “Có hai chất ma túy trở lên….” của Điều luật tương ứng, như vậy sẽ phù hợp với phần Quyết định của bản Cáo trạng đó là chỉ áp dụng 01 điểm “Có hai chất ma túy trở lên….” để truy tố đối với bị can.

Mặt khác theo mẫu bản Cáo trạng số 144 [ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ- VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao] phần Kết luận đã quy định: “Khẳng định bị can phạm tội gì, theo quy định tại điểm, khoản, điều nào của Bộ luật hình sự- lưu ý trích dẫn điều luật…. Tại phần Quyết định của bản Cáo trạng phải nêu rõ…tội danh, đến điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự…” vì vậy nếu khi đã trích dẫn các điểm ở phần Kết luận của Cáo trạng thì bắt buộc phải trích dẫn đầy đủ ở phần Quyết định, chứ không thể có trường hợp đã trích điểm, khoản của Điều luật ở phần Kết luận mà phần Quyết định lại không trích dẫn như ở vụ án thứ nhất nêu trên, và ngược lại.

Đối với trường hợp bị can chỉ mua bán, vận chuyển, tàng trữ 01 loại ma túy được quy định ở một điểm cùng với các loại ma túy khác [Heroin, hoặc Methamphetamine, hoặc MDMA…] thì ở phần Kết luận cũng như phần Quyết định của bản Cáo trạng chỉ cần trích riêng chất ma túy đó mà không cần trích đủ tất cả các chất ma túy quy định trong cùng điểm đó theo đúng mẫu Cáo trạng của Viện kiểm sát Tối cao đã ban hành.

Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết nên dẫn đến còn có những vướng mắc và không thống nhất như trên. Rất mong các Cơ quan liên ngành tố tụng cấp trên cần kịp thời hướng dẫn để địa phương thống nhất thực hiện, tránh tình trạng các địa phương không thống nhất như hiện nay./.

Chủ Đề