SKKN khởi nhà trẻ nhận biết tập nói

GIẢI PHÁP HỮU ÍCH ĐỀ TÀI : MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ 24 – 36 THÁNG NHẬN BIẾT TẬP NÓI

“Học ăn, học nói, học gói, học mở’

Đúng vậy phát triển ngôn ngữ cho trẻ là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục mầm non. Ngôn ngữ chính là công cụ để trẻ nhận thức và giao tiếp góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách cho trẻ. Vì vậy việc hướng dẫn và dạy cho trẻ ở lứa tuổi 24 – 36 tháng nhận biết tập nói nói chung và tuổi lứa tuổi nhà trẻ nói riêng là việc vô cùng quan trọng và vô cùng cần thiết.

Vì ở lứa tuổi nhà trẻ, trẻ còn non nớt, vụng về cần được chăm sóc kỹ lưỡng về mọi mặt, cả tinh thần lẫn vật chất, nhất là trẻ đang trong giai đoạn bi bô tập nói. Trẻ được bố, mẹ và mọi người tập nói, trong đó cô giáo là người chịu trách nhiệm hướng dẫn bảo ban chỉ bảo cho trẻ mọi điều, và việc quan trọng hơn cả là người giáo viên phải chú ý và quan tâm đến trẻ hơn về mặt xem trẻ có nói đúng ngữ pháp không, có nói ngọng hay không… Qua đó trẻ được làm quen thêm về một số môn học của lứa tuổi nhà trẻ, trong đó có môn nhận biết tập nói là điển hình.

  1. Trẻ đựơc làm quen với các sự vật hiện tượng ở xung quanh trẻ.
  2. Trẻ phát âm chuẩn các vốn từ về các sự vật hiện tượng ở xung quanh trẻ.
  3. Trẻ đựơc làm quen và hình thành những khả năng tư duy, tưởng tượng mà hàng ngày cô giáo và cha mẹ vẫn thường cho trẻ thấy qua các góc chơi của lớp, qua các giờ học. Và qua cả tranh ảnh mà trẻ được tiếp xúc với những sự vật hiện tượng đó.

Để việc cảm thụ và nói chính xác vốn từ khi trẻ phát âm sao cho một cách tốt nhất thì cô giáo phải là người củng cố lại cách phát âm cũng như cung cấp thêm vốn từ cũng như hiểu biết để trẻ có đủ kiến thức học và phát âm cho chuẩn, cho đúng.

Sáng kiến kinh nghiệm nhận biết tập nói nhà trẻ 24 – 36 tháng

Ngôn ngữ đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống của con người mà như lời của Bác Hồ đã từng nói “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải biết giữ gìn nó, tôn trọng nó”. Đặc biệt trong công tác giáo dục trẻ ở lứa tuổi mầm non, chúng ta lại càng thấy rõ vai trò của ngôn ngữ đối với việc giáo dục trẻ thơ. Ngôn ngữ đã góp phần đào tạo các cháu trở thành những con người phát triển một cách toàn diện.

Thế giới của trẻ thơ là thế giới của hàng ngàn câu hỏi về sự vật, hiện tượng xung quanh trẻ mà trẻ muốn khám phá. Để giúp trẻ nói lên cảm xúc, hiểu được sự vật hiện tượng xung quanh, thì người lớn, mà đặc biệt là giáo viên Mầm non cần quan tâm hướng dẫn cho trẻ sử dụng ngôn ngữ một cách tích cực.

Đối với trẻ 24 – 36 tháng tuổi việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ càng trở nên đặc biệt quan trọng, vì lúc này cơ quan phát âm và tai nghe ngôn ngữ đã phát triển và hoàn thiện, trẻ đã có khả năng phát âm đúng hầu hết các âm đơn và thanh điệu, số lượng từ tăng nhanh, hệ thống âm vị dần dần xuất hiện trong các từ của trẻ, tuy nhiên trong nhiều trường hợp trẻ phát âm sai hoặc chưa chính xác.

Sự phát triển chậm về mặt ngôn ngữ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trẻ nhà trẻ. Do đó chúng ta cần phải đề ra được những giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ ngay từ khi trẻ còn ở lứa tuổi nhà trẻ này sao cho phù hợp với lứa tuổi trẻ.

Với độ tuổi nhà trẻ đặc biệt là lứa tuổi 24 – 36 tháng khả năng chú ý còn rất ít vốn từ còn nghèo nàn, nhận thức còn bị hạn chế. Vì vậy ngay từ những ngày đầu vào nhà trẻ, cô giáo cần gần gũi vỗ về trẻ tạo cho trẻ được tiếp xúc với các loại đồ chơi, đồ vật, con vật hiền lành dễ thương thông qua các giờ học “Nhận biết – Tập nói”. Khi trẻ đã tiếp xúc với mọi vật xung quanh thông qua giờ học “Nhận biết – Tập nói” giúp trẻ lĩnh hội được các kiến thức, vì thông qua đồ vật, đồ chơi trẻ hiểu và gọi tên một cách chính xác.

Mặt khác thông qua giờ “Nhận biết – Tập nói” còn giúp cho trẻ phát triển một cách toàn diện: Đức, trí, thể, mỹ và lao động. Không những thế nó còn là phương tiện cần thiết trong giao tiếp, giúp trẻ mở rộng hiểu biết về thế giới xung quanh, hình thành cho trẻ những tư tưởng tình cảm tốt đẹp, góp phần tích cực vào việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ.

Là giáo viên dạy những tri thức đầu tiên của tiếng mẹ đẻ, đồng thời là người gần.
gũi đối với các cháu, hàng ngày tôi luôn chú ý đến từng lời ăn, tiếng nói của trẻ, uốn nắn tật nói ngọng, nói lắp dẫn đến việc phát âm sai: “Ph – P; Ch – Tr;…”, hay nói ngược nói sai trật tự câu, nói trống không, tạo môi trường ngôn ngữ cho trẻ hoạt động. Việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ không phải là việc làm trong một sớm một chiều mà tôi xác định đây là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài đòi hỏi người giáo viên phải kiên trì, tìm tòi sáng tạo mới đem lại kết quả cao.

Để làm tốt công việc giúp trẻ nắm được kiến thức cũng như trả lời chính xác các câu hỏi của cô một cách mạch lạc to, rõ ràng là cả quá trình cô phải trao đổi kiến thức cũng như tạo tình huống hứng thú cho trẻ tới các hình thức, cũng như giúp trẻ hiểu, nắm vững nội dung của bộ môn nhận biết tập nói. Vì vậy tôi đã đầu tư suy nghĩ để chọn “Một số biện pháp giúp trẻ 24 – 36 tháng nhận biết tập nói”.

Trong chương trình giáo dục trẻ nhà trẻ, môn nhận biết tập nói là một môn học.
Trước tiên tôi xin nêu một số thuận lợi và khó khăn của lớp tôi khi thực hiện giáo dục trẻ nhận biết và tập nói về tên gọi và một số đặc điểm nổi bật của các đối tượng gần gũi xung quanh để tăng thêm vốn từ và mở rộng hiểu biết về thế giới xung quanh.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề trên tôi đã suy nghĩ trình bày thực tế, tìm biện pháp thực hiện.

Môn nhận biết tập nói của trẻ nhà trẻ là việc dạy trẻ phát triển ngôn ngữ thông qua đối thoại việc kết hợp trực quan minh họa bằng hình ảnh.

Trong thực tiễn việc dạy trẻ nhà trẻ 24 – 36 tháng nhận biết tập nói như sau:

* Về nhận biết tên gọi:

Dạy trẻ nhận biết và nói đúng đối tượng, cho trẻ tập nói nhiều lần theo các hình thức: Cả lớp, tổ, nhóm, cá nhân.

Dạy trẻ nói đúng chính tả: Rõ lời, rõ ý

* Nhận biết các đặc điểm công dụng của đối tượng.

Dạy trẻ nhận biết các đặc điểm nổi của đối tượng sau đó kết hợp cho trẻ tập nói và nói về công dụng của đối tượng đó.

* Về mở rộng kiến thức:

Dạy trẻ phát triển ngôn ngữ qua việc mở rộng vốn từ, tư duy tưởng tượng cho trẻ liên hệ với thực tế kể về những đối tượng mà trẻ đã thấy.

5. Giới hạn [Phạm vi nghiên cứu].

Nghiên cứu khả năng tiếp thu kiến thức của hoạt động nhận biết tập nói.

Nghiên cứu chương trình của bộ môn nhận biết tập nói của trẻ 24-36 tháng.

Nghiên cứu mức độ hứng thú, khả năng cảm nhận, độ tập chung chú ý của trẻ thông qua các tiết dạy nhận biết tập nói.

Trong giới hạn, khả năng và trách nhiệm của mình tôi vận dụng vấn đề bài viết “Một số biện pháp giúp trẻ 24 – 36 tháng nhận biết tập nói” vào nhóm trẻ, nhà trẻ tại trường Mầm Non

6. Thời gian nghiên cứu:

Từ gian nghiên cứu của giải pháp từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2021.

Thời gian áp dụng giải pháp là tháng 12/ 2021.

Phần II: Nội dung.

1. Thực trạng, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan [Thuận lợi khó khăn]

Năm nay tôi được phân công đứng lớp nhà trẻ đóng trên địa bàn thôn 2 gồm có 23 cháu trong đó dân tộc 17 cháu, nữ 10 cháu, nữ dân tộc 7 cháu, hầu hết các cháu chưa làm quen với môi trường sư phạm, hầu hết các cháu lần đầu tiên đến trường, lớp và rời xa vòng tay cha mẹ. Vì vậy tôi gặp nhiều thận lợi và khó khăn sau.

1.1.Thuận lợi:

Bản thân tôi đã được qua trường lớp, đã được công tác cùng với đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chẩn, trên chuẩn, nhiệt tình yêu nghề mến trẻ. Đó là một môi trường thuận lợi để tôi thực hiện đề tài này.

Bên cạnh đó tôi được tham gia các chuyên đề của phòng, trường tổ chức bồi dưỡng chuyên môn và tổ chức các cuộc thi trong trường cho chị em học hỏi rút kinh nghiệm.

Được sự quan tâm giúp đỡ của nhà trường đã trang bị cơ sở vật chất khá đầy đủ để phục vụ cho việc dạy và học.

Được sự quan tâm của lãnh đạo phòng.

Bản thân là một giáo viên có trình độ chuyên môn, nhiệt tình yêu nghề, luôn gương mẫu trong cách giao tiếp, ứng xử hàng ngày đối với trẻ và được phụ huynh tin tưởng.

Lớp luôn được quan tâm giúp đỡ của phụ huynh trong việc phối kết hợp với nhà trường để giáo dục trẻ đạt kết quả cao.

* Khó khăn.

+ Môi trường hoạt động chưa được phong phú.

+ Đồ dùng phục vụ cho từng tiết dạy còn thiếu chưa đủ để đáp ứng được sự
đổi mới của môn học. Vì vậy ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ

+ Hầu hết trẻ ra lớp lần đầu tiên nên chưa mạnh dạn và rụt rè, chưa có thói quen tập thể hay nói tự do, phát âm chưa chính xác trẻ còn nói ngọng.

+ Kinh tế địa phương còn nghèo nàn cha mẹ trẻ chưa có điều kiện quan tâm đến vấn đề trường lớp cũng như việc học tập của trẻ.

+ Phần lớn bố mẹ của các cháu là người dân tộc thiểu số, làm nông nên việc quan tâm đến trẻ.

+ Phụ huynh coi nhẹ tầm quan trọng của việc cung cấp các kiến thức cho trẻ nhất là trẻ lứa tuổi nhà trẻ. Vì các bậc phụ huynh chỉ coi trọng việc chăm sóc trẻ là chính còn việc học nhiều phụ huynh còn phó mặc hoặc không quan trọng nhiều tới trẻ khi trẻ còn đang ở lứa tuổi nhà trẻ .

2. Những giải pháp để khắc phục những hạn chế và tồn tại.

Là một giáo viên mầm non người trực tiếp giảng dạy cho trẻ 24 – 36 tháng, bản thân tôi thấy việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ là rất cần thiết và quan trọng, xong kết quả phát triển ngôn ngữ của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố và nhiều các môn học như thơ truyện, nhận biết tập nói. Vì vậy tôi đã nghiên cứu và đưa ra một số biện pháp nâng cao chất lựơng và hiệu quả của giờ dạy nhận biết tập nói cụ thể như sau.

2.1. Giải pháp 1: Rèn luyện nề nếp thói quen sử dụng ngôn ngữ tích cực cho trẻ ngay từ đầu năm học.

– Nề nếp thói quen là tính tất yếu chi phối đến việc sử dụng ngôn ngữ của trẻ. Xã hội càng văn minh thì vấn đề giáo dục hành vi văn hóa trong giao tiếp càng trở nên quan trọng.

Ngay từ lứa tuổi Mầm non người lớn đặc biệt là giáo viên Mầm non tôi luôn chú trọng rèn luyện các nề nếp thói quen, hành vi lễ giáo cho trẻ, uốn nắn trẻ mạnh dạn, tự nhiên khi giao tiếp với người khác, không rụt rè, e sợ, âm lượng phát ra đủ nghe, không la hét, nói tục, chửi bậy, biết dùng ngôn ngữ êm dịu, nhẹ nhàng tình cảm để thể hiện tình cảm yêu thương đối với bạn bè, cô giáo và người thân.

Vì vậy trong công tác giáo dục, cô giáo và người lớn phải thực sự gương mẫu về lời ăn tiếng nói, nghiêm khắc và uốn nắn kịp thời khi trẻ nói sai, nói trống không, nói thiếu chủ ngữ, vị ngữ, nói ngược vị trí câu.

VD: Khi trẻ muốn lấy quả bóng của bạn trẻ sẽ nói: “Đưa đây”, cần sửa cho cháu nói lại “Bạn cho tôi mượn quả bóng”.

– Giáo dục các cháu biết cảm ơn, xin lỗi, không nói dối, lễ phép với người lớn khi giao tiếp, biết chào hỏi cô khi đến lớp, chào hỏi ông bà, bố mẹ và người lớn.

– Trong sinh hoạt hằng ngày tôi chú ý rèn luyện cho các cháu có thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh công cộng tập cho trẻ có thói quen tự phục vụ như: Tự đi dép, đội mũ, cất đồ dùng, đồ chơi đúng nơi quy định…

– Trong tiết học tôi chú ý rèn cho các cháu ngồi học ngay ngắn, không nằm ra chiếu, không được chạy lung tung trong khi học, biết lắng nghe và trả lời các câu hỏi của cô.

2.2 Giải pháp 2: Luyện phát âm cho trẻ.

a. Rèn luyện thính giác ngôn ngữ cho trẻ

– Trẻ học nói được là nhờ vào sự vận động của thính giác [Trẻ bị điếc sẽ không thể học nói được]. Vì vậy việc rèn luyện thính giác ngôn ngữ cho trẻ là nội dung hàng đầu trong quá trình dạy trẻ nói.

– Rèn luyện thính giác ngôn ngữ là rèn luyện khả năng tri giác âm thanh ngôn ngữ, giúp trẻ phân biệt được âm thanh nói chung.

VD: Âm thanh của từ “Hoa” khác âm thanh của từ “Lá”

– Muốn trẻ rèn luyện khả năng tri giác âm thanh ngôn ngữ được tốt cần đặt trẻ vào trong môi trường âm thanh [Bao gồm âm thanh nói chung và âm thanh ngôn ngữ nói riêng]. Trẻ càng thu nhận được tín hiệu ngôn ngữ bao nhiêu thì sự phát triển lời nói càng nhanh chóng bấy nhiêu vì vậy chúng ta cần phải lặp đi lặp lại nhiều lần giúp trẻ phát âm đúng.

VD: Khi dạy bài thơ “Con tàu” khi trẻ đọc đến từ “Xanh xanh” một số trẻ sẽ phát âm sai vì vậy cô giáo cần chú ý, kiên trì sửa sai cho trẻ bằng cách [không lặp lại lỗi mắc sai của trẻ], không cáu gắt làm trẻ mất hứng thú mà cô sẽ phát âm lại chậm, rõ và cho trẻ phát âm theo cô nhiều lần.

b. Luyện cơ quan phát âm cho trẻ.

– Cơ quan phát âm đóng vai trò quan trọng trong quá trình trẻ nói, nó điều khiển bộ máy phát âm của trẻ. Quá trình giáo dục sẽ tác động đến bộ máy phát âm của trẻ.

– Chúng ta cần luyện cơ quan phát âm cho trẻ theo 2 nội dung sau:

– Luyện vận động tự do nhằm giúp các bộ phận môi, răng, lưỡi chuyển động nhịp nhàng, linh hoạt. Đối với trẻ Mầm non “Trẻ học mà chơi, chơi mà học” vì vậy giáo viên cần vận dụng khéo léo và kinh hoạt các phương pháp, biện pháp phù hợp để lôi cuốn trẻ. Tôi đã suy nghĩ và lựa chon phương pháp sử dụng đồ chơi vận động để luyện bộ máy phát âm cho trẻ.

VD: Cô nói: Trời tối rồi các con hãy “Gọi gà” để cho gà ăn nào! cô hướng dẫn cho trẻ bặm hai môi vào nhau thật chặt và phát âm[ Bập..Bập…Bập]. Như thế tôi đã luyện tập cho trẻ biết điều khiển hoạt động của môi và hàm. Hoặc cho trẻ làm đông tác “Nhai kẹo cao su”, hay cho trẻ “Chậc lưỡi”…tôi đã luyện tập cho trẻ biết điều khiển hàm theo hai hướng.

c. Luyện thở ngôn ngữ.

– Qua quá trình quan sát và tiếp xúc với trẻ tôi nhận thấy đặc điểm của trẻ là chưa biết điều khiển nhịp thở của mình khi nói cho phù hợp, có nhiều trẻ nói rất nhanh vừa nói vừa thở. Hoặc ngược lại có những trẻ nói rất chậm ê..a..vừa nói vừa thở. Vì vậy điều khiển sự thở là không thể thiếu được trong quá trình rèn luyện phát âm cho trẻ.

Trò chơi được sử dụng rất nhiều, đa dạng phong phú trong quá trình giáo dục ngôn ngữ cho trẻ.

VD: Để luyện thở ngôn ngữ cho trẻ, trong khi cho trẻ tập thể dục tôi có thể cho trẻ khởi động bằng các trò chơi như: Thổi nơ bay cao, xa, thổi chong chóng, gà gáy. Thông qua các trò chơi này giúp cho trẻ hít thở được đều đặn dần dần trẻ sẽ biết cách lấy hơi khi nói.

d. Luyện giọng.

– Giọng nói giúp trẻ thể hiện thái độ, tình cảm của mình trong từng lời nói như: âu yếm, thủ thỉ, to, nhỏ.

VD: Khi cho trẻ đọc bài thơ: “Yêu mẹ”

– Giáo viên cần đọc mẫu bài thơ cho trẻ nghe 2 – 3 lần, cô đọc chậm và rõ thể hiện sắc thái tình cảm của mình trong bài thơ sau đó cho trẻ đọc theo cô. Trong khi trẻ đọc cô sẽ giúp trẻ điều chỉnh giọng đọc để thể hiện tình cảm của mình đối với mẹ.

2.3. Giải pháp 3: Dạy trẻ nói thông qua đồ chơi, vật thật, tranh minh họa.

– Trong khi dạy cháu không nhất thiết cư phải sử dụng tranh hoặc vật thật hoặc cho trẻ dạo chơi thăm quan mà tùy vào từng nội dung của đề tài để tôi chọn giáo cụ trực quan cho phù hợp.

VD1: Khi dạy bài “Quả cam” tôi đã suy nghĩ nêu câu hỏi và chọn giáo dục trực quan nào để cháu học có kết quả tốt hơn.

– Nếu tôi sử dụng tranh minh họa thì trẻ sẽ không có cơ hội để sử dụng các giác quan của mình, giờ học sẽ không sinh động, trẻ dẽ chán chóng quên. Vì vậy tôi đã quyết định phải dạy bằng vật thật “Quả cam thật” sau đó mới cho trẻ quan sát tranh. Bởi vì khi trẻ được học bằng quả cam thật trẻ sẽ được sử dụng các giác quan của mình như: Xúc giác, vị giác, thính giác… giờ học sinh động gây hứng thú đối với trẻ, trẻ tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng và vững chắc hơn.

VD2: Khi dạy bài: “Con gà trống” tôi lại lựa chọn phương pháp cho trẻ đi dạo chơi thăm quan trước [Cho cháu đi thăm chuồng gà thật] rồi mới dạy cháu bằng tranh. Bởi vì nếu dạy bằng vật thật “Con gà trống” thì tôi sẽ không giới thiệu được tỉ mỉ những chi tiết của con vật.

– Thực tế qua quá trình tiếp xúc dạy các cháu tôi nhận thấy trong một lớp không phải cháu nào cũng nhận thức được như nhau, nếu tôi đặt những câu hỏi dễ thì với những cháu nhận thức nhanh cháu đó sẽ không phát triển được trí thông minh, còn nếu đặt câu hỏi khó thì với những cháu nhận thức chậm hơn sẽ không tiếp thu được. Chính vì vậy mà ngay từ những buổi đầu tiên đến lớp, tôi đã đi sâu vào tìm hiểu tâm lý trẻ và đã phân cháu theo từng loại có sự tiếp thu bài khác nhau cụ thể như sau:

  • Tổng số trẻ lớp tôi dạy là : 23 cháu
  • Cháu có khả năng nhận thức nhanh: 7 cháu
  • Cháu nhận thức được yêu cầu của cô: 09 cháu
  • Cháu nói ngọng nhận thức chậm: 7 cháu

VD: Khi dạy bài “Quả táo, đu đủ, chuối” tôi sử dụng các câu hỏi sau:

Với những cháu có khả năng nhận thức bài dễ dàng tôi dùng câu hỏi: Quả gì đây? Cái gì đây? [Đồng thời chỉ vào vỏ, hạt]

Với những cháu có khả năng nhận thức nhanh, ngoài những câu hỏi đã dùng cho các cháu trên, tôi đã sử dụng thêm các câu hỏi nhằm cho trẻ phân biệt được mùi vị, hình dáng bên ngoài của các loại quả đó.

VD: Khi tôi hỏi: “Quả táo và quả đu đủ” quả nào ăn ngọt, quả nào ăn vừa chua vừa ngọt?
Khi nghe tôi hỏi như vậy, một số cháu sẽ trả lời ngay là “Quả đu đủ ăn ngọt, còn quả táo ăn vừa chua vừa ngọt ạ!” Nhưng cũng có cháu chậm tiếp thu và nói ngọng vì vậy trong quá trình dạy tôi thường đặt câu hỏi để trẻ trả lời nhiều hơn.

Đặc biệt với những cháu nói ngọng hoặc phát âm chưa rõ, chưa đúng tôi luôn kiên trì tập nói cho các cháu, không cáu gắt làm trẻ mất hứng thú mà cô sẽ nói mẫu chậm, rõ chính xác và cho trẻ phát âm theo cô nhiều lần. Trong khi trẻ chơi tôi luôn quan tâm và chơi cùng trẻ, chú ý tới các cháu và tập nói cho các cháu nhiều hơn.

Trong quá trình dạy trẻ tập nói tôi còn nhận thấy sự hiểu biết của trẻ còn rất hạn chế vì thế khi giáo viên đặt câu hỏi mang tính tổng quát, nhiều khi trẻ sẽ không trả lời được ý của câu cô hỏi. Vì vậy ngay sau khi đặt câu hỏi tổng quát cho trẻ suy nghĩ tôi lại gợi ý cho trẻ tiếp bằng những câu hỏi phụ để trẻ có thể trả lời được dễ dàng câu hỏi của cô.

VD: Khi dạy bài “Hoa hồng, hoa cúc” khi cho trẻ so sánh 2 loại hoa này nếu tôi hỏi: Hai loại hoa này giống nhau và khác nhau như thế nào? thì trẻ sẽ khó trả lời nên tôi sẽ dùng những câu hỏi phụ để hỏi cháu: Hoa hồng và hoa cúc đều có mùi gì? Hoa hồng màu gì? Hoa cúc màu gì? khi dùng các câu hỏi như thế này trẻ sẽ so sánh và trả lời dễ dàng hơn.

– Mặt khác khi đã có giáo cụ trực quan cho bài dạy, đã phân loại câu hỏi cho từng đối tượng trẻ và sử dụng các câu hỏi gợi ý nhưng không có cách vào bài sinh động, hợp lý gây hứng thú cho trẻ thì kết quả giờ học cũng không cao. Vì vậy trong mỗi một đề tài ta nên suy nghĩ và tìm ra cách vào bài hấp dẫn sinh động gây hứng thú cho trẻ.

VD: Khi dạy bài “Con gà trống” nếu tôi đưa đồ chơi con gà trống và tranh con gà trống cho trẻ quan sát và hỏi trẻ: Con gì đây? thì cháu sẽ trả lời được ngay nhưng sẽ không gây được hứng thú cho trẻ. Vì vậy tôi sẽ vào bài bằng cách đọc câu đố:

“ Con gì mào đỏ

Gáy ò ó o

Mỗi sáng tinh mơ

Gọi người thức dậy ”

Khi nghe câu đố trẻ sẽ tập trung chú ý và trả lời: Đó là “Con gà trống ạ!”

Qua cách dạy như vậy tôi thấy rằng: Việc gây hứng thú cho trẻ trong mỗi đầu giờ học là rất quan trọng, bởi vì khi trẻ đã có hứng thú ngay từ đầu thì giờ học sẽ rất sôi nổi thu hút lôi cuốn trẻ, cháu tập trung học tập tốt hơn trong những phần sau.

2.4. Giải pháp 4 : Dạy trẻ nói thông qua phương pháp dạo chơi thăm quan.

– Dạo chơi thăm quan cũng là một hình thức bổ sung và cung cấp cho trẻ mở rộng thêm vốn từ mới, một số khái niệm mới cho trẻ.

– Đối với trẻ 24 – 36 tháng, vốn từ của trẻ còn rất ít, nhiều khi trẻ muốn nói ra một sự việc nào đấy nhưng trẻ lại không biết dùng từ ngữ gì để diễn đạt nên cháu thường e..a hay đang nói giữa chừng lại không nói nữa vì không có từ để diễn đạt. Vì vậy giáo viên cần bổ sung và làm giàu thêm vốn từ cho trẻ.

VD: Khi cho trẻ quan sát cây nhãn, tôi sử dụng các câu hỏi đàm thoại với trẻ về tên gọi, đặc điểm, tác dụng của cây… để trẻ trả lời, cô lắng nghe bổ sung và tập nói cho trẻ.

– Ngoài ra tôi còn khéo kéo linh hoạt lồng nghép tích hợp các chuyên đề vào trong các hoạt động.

VD: Khi cho trẻ quan sát các loại cây ăn quả tôi hỏi trẻ: Con có biết vì sao “Lá xanh lại ở trên cây, lá vàng lại rơi xống đất” không? tôi sẽ giải thích cho trẻ hiểu vì lá vàng đã già rồi nên rụng xuống cho lá non mọc ra. Đồng thời tôi còn giải thích cho trẻ hiểu khi lá rụng xuống đất nếu không được con người quét dọn, nhiều lá rơi xuống sẽ gây ô nhiễm môi trường, bẩn, sân trường sẽ không đẹp, cô sẽ hướng dẫn tổ chức cho các cháu nhặt lá rụng bỏ vào thùng rác.

Hoặc khi đang chơi khi nghe tiếng sấm trẻ sẽ nói đó là tiếng pháo nổ, tôi sẽ tranh thủ giải thích cho cháu hiểu đó là tiếng sấm báo hiệu trời chuẩn bị có mưa to đấy các con ạ! Như vậy các cháu đã có thêm từ mới, khái niệm mới về sự vật, hiện tượng trong tự nhiên.

Hoặc trong khi cháu chơi tôi đến gần quan sát trẻ chơi, gần gũi cháu để tập trung nói cho cháu nghe khi cháu chơi với các đồ chơi ô tô, máy bay. Tôi lại gần gợi ý để cháu ôn lại một số bộ phận của ô tô, máy bay mà các cháu đã học, thông qua đó để giúp cháu nắm vững hơn các vấn đề đã được học và đồng thời phát triển ngôn ngữ cho trẻ được tốt hơn.

Xem thêm: Các phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính

2.5. Giải pháp 5: Dạy trẻ nói ở mọi lúc mọi nơi.

– Hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trong lớp, tôi luôn xây dựng mối quan hệ giữa trẻ với cô giáo từ đó tạo được niềm tin ở trẻ, trẻ yêu quý cô, thích nghe cô nói, mong muốn được đến lớp để từ đó cô giáo thực hiện công tác giảng dạy được tốt hơn.

– Để giúp cháu nói được tốt hơn tôi còn dùng các hình thức trò chuyện với trẻ trong tất cả các hoạt động từ khi đón trẻ cho đến lúc trả trẻ. Cô có thể trò chuyện với trẻ như: Hôm nay ai đưa con đi học? Nhà con có những ai?… Qua đó cháu sẽ biểu lộ được những suy nghĩ của mình bằng ngôn ngữ đơn giản nói được câu nhiều từ hơn.

– Xây dựng mối quan hệ giữa trẻ với trẻ, trẻ biết quan tâm đến nhau như khi một trẻ vắng không đi học thì trẻ khác sẽ hỏi ví dụ như:

Bạn Tuấn đâu? Cô sẽ trả lời: Hôm nay bạn Tuấn ốm không đi học được. Hay khi trẻ chơi, cô quan sát trẻ chơi và dạy trẻ biết nhường nhịn đồ dùng, đồ chơi chơi học tập, không tranh đồ chơi của bạn.v.v. Hay khi trẻ có những hành vi sai như đánh bạn, cô sẽ giải thích cho trẻ hiểu đánh bạn là sai, là không tốt con hãy xin lỗi bạn đi v.v.

– Như vậy trẻ sẽ có những hành vi, những thái độ đúng để từ đó trẻ sẽ nói được những từ ngữ biểu lộ những tình cảm tốt đẹp trẻ biết nói lời hay làm việc tốt.

2.6. Giải pháp 6: Phối hợp với phụ huynh.

– Gia đình là môi trường rất quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Vì thế tôi cũng thường xuyên phối hợp với phụ huynh trực tiếp. Và qua góc tuyên truyền để cùng với cô giáo dục trẻ cho phù hợp.

+ Hình thức phối hợp được thực hiện như sau:

– Mỗi giai đoạn tôi có thể mời phụ huynh đến lớp để trao đổi với phụ huynh về tình hình phát triển ngôn ngữ của trẻ thông qua bảng theo dõi.

– Mời phụ huynh đến dự giờ để phụ huynh biết được đến nhà trẻ là phải học các môn học chứ không phải đi chơi như nhiều phụ huynh thường nghĩ.

– Trao đổi với phụ huynh về một số kiến thức giúp trẻ học nói ở nhà để từ đó phụ huynh cùng với cô giáo rèn luyện cho trẻ ở nhà cũng như ở trường.

– Thông báo cho phụ huynh biết về một số lỗi phát âm của trẻ như trẻ nói ngọng, trẻ ít nói, phát âm sai để phụ huynh có biện pháp giáo dục thêm cho trẻ khi ở nhà.

2.7. Giải pháp 7: Lập bảng điều tra tình hình phát triển ngôn ngữ cho trẻ theo các giai đoạn.

  • Giai đoạn 1: Từ tháng 9 đến tháng 11
  • Giai đoạn 2: Từ tháng 12 đến tháng 2
  • Giai đọan 3: Từ tháng 3 đến tháng 5

Ngay từ đầu năm học giáo viên cần trực tiếp nói chuyện với trẻ theo hệ thống câu hỏi, yêu cầu trẻ trả lời. Hoặc sử dụng tranh, ảnh, đồ chơi mầm non…yêu cầu trẻ nói về những hình ảnh trong tranh theo sự gợi ý của cô.

VD: Khi cho trẻ quan sát “Ô tô” cô hỏi trẻ: Cái gì đây các con? Trẻ sẽ trả lời là ô tô nhưng có thể trẻ sẽ trả lời sai, phát âm sai là “Ô chô” Cô sẽ lắng nghe và ghi vào bảng theo dõi để xác định chất lượng ngôn ngữ của từng trẻ trong lớp. Cuối năm cô giáo tổng hợp lại để đánh giá sự tiến bộ của trẻ và kết quả giảng dạy của cô trong năm học vừa qua.

3. Kết quả thực hiện:

– Qua thực tế mà tôi thực hiện các biện pháp trên, tôi nhận thấy kết quả thể hiện trẻ có tiến bộ rõ rệt, trẻ nắm được các kiến thức cơ bản mà tôi truyền thụ cho đến khả năng chú ý, nhận xét và diễn đạt của trẻ tiến bộ rõ rệt so với đầu năm.

– Trẻ mạnh dạn tự tin hơn rất nhiều khi tham gia học tập và hoạt động như: nói đủ câu, to rõ ràng, giảm số trẻ nói ngọng.

– Từ cách suy nghĩ nghiên cứu tài liệu và tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp, tôi đã tận dụng các nguyên liệu sẵn có từ lịch cũ bìa hộp, giấy mầu giấy vẽ… Không chỉ bản thân tôi thu nhặt tận dụng các nguyên vật liệu mà tôi còn tuyên truyền phụ huynh cùng đóng góp các nguyên vật liệu để sử dụng làm đồ dùng dạy trẻ.

– Bằng các nguyên liệu đã thu thập được tôi cùng đồng nghiệp tại lớp tiến hành vào các buổi trưa để làm đồ dùng đồ chơi, với mỗi đồ dùng tôi thường tính đến tính khoa học và hiệu quả sử dụng của đồ dùng đó. Để dự liệu và dự tính và cách làm cho phù hợp

– Sao cho đồ dùng dạy học kích thích được sự tò mò, hứng thú hoạt động của trẻ. Đồng thời nhen nhóm khả năng khám phá của việc học tập của trẻ lứa tuổi nhà trẻ .

– Đồng thời với việc tiến hành làm đồ dùng, đồ chơi sáng tạo cho trẻ làm quen với môn nhận biết tập nói, tôi còn kết hợp với phụ huynh, tự sưu tầm về các mô hình, tranh ảnh về các con vật, các đồ dùng cũ bỏ đi không sắc nhọn để trang trí và bầy thêm ở các góc lớp .

Qua thực tế mà tôi thực hiện các hình thức trên, tôi nhận thấy kết quả thể hiện trên học sinh tiến bộ rõ rệt, trẻ nắm được các kiến thức cơ bản mà tôi truyền thụ cho trẻ.

– Phần lớn khả năng tập chung chú ý, nhận xét và diễn đạt ý của trẻ tiến bộ rõ rệt so với đầu năm.

– Trẻ mạnh dạn tự tin hơn rất nhiều khi tham gia học tập và họat động như: Nói đủ câu, to rõ ràng, giảm số trẻ nói ngọng.

– Trẻ yêu thích các trò chơi trong các tiết học, các trò chơi ở các góc của lớp, trẻ chơi với bạn đoàn kết không còn tranh dành nhau đồ chơi và đánh bạn như trước nữa .

– Bằng những tấm mi ca trong cô đã tạo ra những con rối dẹt bằng các nhân vật có trong truyện, thơ và trong cả bộ môn nhận biết tập nói, NBPB tranh lô tô và hình ảnh ngộ nghĩnh dễ sử dụng trong tiết học đã đạt hiệu quả cao cho cô khi sử dụng những dối dẹt này .

– Số trẻ nói ngọng đã giảm nhiều so với đầu năm

– Ngôn ngữ diễn đạt rõ dàng mạnh lạc hơn cụ thể trong các tiết học nhận biết tập nói, NBPB.

Kết quả khảo sát trên tổng số 23 cháu:

                      ĐẦU NĂM                  CUỐI NĂM
Xếp loại Thể chất Nhận thức Ngôn ngữ TC QH Thể chất Nhận thức Ngôn ngữ TC QH
Tốt 4 4 3 3 9 7 10 12
Khá 3 3 3 4 6 7 6 6
Đạt 8 8 7 7 6 6 4 3
Chưa đạt 8 8 10 9 2 3 3 2

4. Bài học kinh nghiệm rút ra khi áp dụng đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích vào thực tế.

– Việc giáo dục trẻ nhà trẻ là vô cùng quan trọng song công việc thật không đơn giản. Trình độ nhận thức tiếp thu của mỗi cháu khác nhau, điều kiện hoàn cảnh sống từng gia đình mỗi cháu không đồng đều, vì vậy qua quá trình thực hiện tôi nhận thấy muốn thực hiện tốt điều này, bản thân mỗi giáo viên cần phải;

– Trau dồi thêm kiến thức về phương pháp dạy trẻ nhận biết tập nói.

– Cô giáo là người mẫu mực, chịu khó kiên chì tìm tòi học hỏi, luôn có biệp pháp sáng tạo mới trong việc dạy trẻ nhận biết tập nói.

– Cô giáo phải hết lòng yêu thương trẻ giống như mẹ thứ hai của trẻ, cô giáo phải nhạy bén trước những diễn biến của trẻ, hiểu được tâm sinh lí của trẻ, hiểu được hoàn cảnh sống của từng gia đình.

5. Kết luận.

Qua các biện pháp trên giờ học nhận biết tập nói trở nên sinh động, thoải mái, trẻ học hứng thú và tích cực hơn. Cô và trẻ gần gũi nhau hơn, trẻ mạnh dạn, linh hoạt và nhanh nhẹn hơn. Việc giúp trẻ học tốt và hứng thú môn nhận biết tập nói là điều mà giáo viên nào cũng mong đạt được. Vì vậy cần tận dụng các phương pháp, biện pháp, lồng ghép các bộ môn khác sao cho phù hợp và gây được hứng thú với trẻ.

Cần cố gắng trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm của đồng nghiệp cũng như của người đi trước và không ngừng luyện tập các bộ môn.

Giáo viên cần gần gũi để phát hiện sự sáng tạo của trẻ, khen ngợi , động viên sửa sai kịp thời và tạo môi trường học tốt cho trẻ.

Ngôn ngữ có ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện cơ thể trẻ. Trước hết nhận biết tập nói được coi là khả năng tốt nhất để phát triển ngôn .

Nội dung nhận biết tập nói cho trẻ mầm non nói trên được thực hiện thông qua giờ hoạt động chính ở lớp và được tích hợp vào một số hoạt động khác trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ.

Từ những vốn kinh nghiệm tích luỹ ấy, tôi đã áp dụng và có hiệu quả ở lớp mình nhằm hình thành ở trẻ những yếu tố của một nhân cách phát triển toàn diện, hài hoà, đó là sự phát triển về ngôn ngữ, thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ và thể lực trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Góp phần đào tạo thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện, vì trẻ em hôm nay là thế giới của ngày mai.

* Kiến nghị:

Đối với cấp trên: Để thực hiện tốt đề tài này chúng tôi là những người làm công tác giáo dục trực tiếp giảng dạy ở những nơi có hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh chưa quan tâm đến tình hình học tập của các cháu.

Để trẻ nhận biết tập nói ngày càng tốt hơn, hứng thú hơn. Rất mong muốn lãnh đạo cấp trên quan tâm nhiều hơn nữa trong việc bổ sung thêm thiết bị, đồ dùng cho môn NBTN nói riêng để trẻ có thêm nhiều đồ dùng để phục vụ cho tiết dạy.

Đối với trường: Tham mưu mua sắm thêm các loại đồ chơi để trẻ hoạt động tích cực sáng tạo và có hiệu quả.

Đối với phụ huynh: Mong muốn được kết hợp với cô giáo trong việc sưu tầm các tranh ảnh, nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy và học một cách tốt nhất.

Trên đây là “Một số biện pháp giúp trẻ 24 – 36 tháng nhận biết tập nói” của tôi rất mong được sự đóng góp ý kiến của ban giám hiệu nhà trường và bạn bè đồng nghiệp để sáng kiến ngày càng tốt hơn.

Tôi xin chân thành cảm ơn!.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– Tài liệu bồi dưỡng giáo viên hè năm qua các năm.

– Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên hàng năm.

– Tạp chí giáo dục Mầm non số 5- 2006, số 3 năm 2008.

– Tổ chức hoạt động ngôn ngữ cho trẻ mầm non theo hướng tích hợp, NXB Giáo dục, thành phố Hồ Chí Minh 2007.

– Chương trình giáo dục mầm non, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam 2009

Video liên quan

Chủ Đề