Sách văn học thiếu nhi Việt Nam

31. Nói về cái đầu tôi / Tô Hoài – NXB Kim đồng.

“Nói về cái đầu tôi” / Tô Hoài

TÔ HOÀI là người có một lối văn thật là đặc biệt. Truyện ngắn của TÔ HOÀI không những đặc biệt về lời văn, về cách quan sát, về lối kết cấu, mà còn đặc biệt cả về những đầu đề do ông lựa chọn nữa. Tập truyện ngắn này là một trong những tác phẩm đầu tiên của TÔ HOÀI và cũng là một tập tiêu biểu cho lối văn đặc biệt của ông, một lối văn dí dỏm, tinh quái, đầy những phong vị màu sắc của thôn quê.

“Nói về cái đầu tôi” là tuyển tập truyện ngắn các tác phẩm viết cho thiếu nhi được in trước Cách mạng tháng Tám 1945 của nhà văn Tô Hoài. Các truyện ngắn trong tuyển tập này đều là những truyện ngắn về sinh hoạt. Với bút pháp hóm hỉnh, cái nhìn sắc sảo, nhà văn Tô Hoài đã dựng lên bức tranh ngoại ô Hà Nội với những phong tục tập quán, lề lối sinh hoạt hết sức đa dạng và phong phú. Tô Hoài là nhà văn viết cho thiếu nhi nổi tiếng nhất Việt Nam. Qua tuyển tập này, các độc giả sẽ được biết thêm nhiều truyện ngắn ông viết cho thiếu nhi hơn nữa.

Truyện ngắn Tô Hoài cực chất, cảm giác là cùng đấy sự vật sự việc mà nhà văn có thể biến nó thành một thứ hình thái mới mẻ. Đây là tuyển tập những truyện ngắn sáng tác trước năm 1945, một cái thời mà ở độ mình thật khó mà tưởng tượng. Nhưng Nói về cái đầu tôi có thể nói là đem đến một cái hình dung cũng khả đủ về đời sống thôn quê, về cuộc sống, lề thói ngày xưa. Những con người như "cu Lặc", "vợ cu Lặc", "vợ chồng nghèo", "lái Khế", "vợ chồng trẻ con"... là những hình hài phản chiếu cho biết ba.

32. Bảy bước tới mùa hè / Nguyễn Nhật Ánh – NXB Trẻ.

“Bảy bước tới mùa hè” / Nguyễn Nhật Ánh

“Bảy bước tới mùa hè” là tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh, được nhà văn đề tặng "Những năm ấu thơ", như một món quà dành tặng các bạn đọc thân thiết của mình nhân dịp đầu năm mới.

Câu chuyện về một mùa hè ngọt ngào, những trò chơi nghịch ngợm và bâng khuâng tình cảm tuổi mới lớn. Chỉ vậy thôi nhưng chứng tỏ tác giả đúng là nhà kể chuyện hóm hỉnh, khiến độc giả cuốn hút từ trang đầu đến trang cuối cùng. Chúng ta sẽ bắt gặp giọng văn giản dị, trong trẻo của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và một kết thúc có hậu đầy thuyết phục ở cuối truyện. Câu chuyện về tuổi học trò đầy ắp những kỷ niệm thơ bé ngọt ngào với tình thầy trò, bè bạn, tình xóm giềng, họ hàng qua cách nhìn đời nhẹ nhàng, rộng lượng.

Nhà văn chia sẻ: "Tôi thích sự vui tươi của câu chuyện và sự hồn nhiên của nhân vật. Có thể nói đây là tác phẩm đầy ắp tiếng cười. Tạm thời xa rời những trang văn chứa nhiều chiêm nghiệm của người lớn, qua tác phẩm này tôi muốn quay trở lại lối viết mà tác giả không cố ý để lại quá nhiều dấu tay trên bản thảo. Tác giả trong tác phẩm này cũng đang ở… tuổi mười lăm!".

33. Bông sen vàng / Sơn Tùng – NXB Thông tấn.

“Bông sen vàng” / Sơn Tùng

Bông sen vàng ra đời nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh[ 15/05/1889 – 19/05/0989], là cuốn tiểu thuyết ra đời tiếp theo cuốn Búp Sen Xanh. Tác giả đã phác hoạ đại thể cả quá trình thành nhân của Nguyễn Tất Thành, tức là cả giai đoạn Lập Thân ấy của nhà yêu nước trẻ tuổi, từ Nghệ An vào Huế và Phan Thiết, cho đến khi rời cảng Sài Gòn ra đi với quyết tâm lập nghiệp.

Qua tác phẩm Bông Sen Vàng, Sơn Tùng lại tập trung đặc tả sự hình thành nhân cách của Bác Hồ thời trẻ, trong những năm đèn sách tại gia ở kinh đô Huế [bên sông Hương, núi Ngự] với hai quãng đời quan trọng nhất của Bác Hồ thời niên thiếu.  Và hơn thế nữa Tác phẩm còn có những nhân chứng của thế kỷ không khi nào vắng bóng trong Bông Sen Vàng: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Tất Đạt, Lê thị Hạnh, Công Tôn nữ Minh Huệ, những con người lịch sử vẫn sống động với Nguyễn Tất Thành và cố đô Huế.

34. Hoa lá trong vườn / Vũ Tú Nam – NXB Giáo dục.

“Hoa lá trong vườn” / Vũ Tú Nam

Nhà văn Vũ Tú Nam vốn là một cây bút viết truyện cho thiếu nhi có nhiều thành công.

Truyện của ông thường chọn bối cảnh rất gần gũi với các em. Bằng giọng văn giản dị, sáng trong, ông thường để cho câu chuyện diễn biến tự nhiên và khi kết thúc thì nó toát ra một ý tưởng, một ấn tượng nào đó…Bằng sự quan sát tinh tế, lối viết văn ngắn gọn, giản dị, nhà văn Vũ Tú Nam đã đưa trẻ bước vào thế giới tự nhiên với cỏ cây, hoa lá, phát triển trí tưởng tượng phong phú và nuôi dưỡng những ước mơ của trẻ bay xa…. 

35. Ra vườn nhặt nắng / Nguyễn Thế Hoàng Linh – NXB Thế giới.

“Ra vườn nhặt nắng” / Nguyễn Thế Hoàng Linh

Những vần thơ tuyệt đẹp này gợi nhắc một câu hỏi [có lẽ] vẫn thi thoảng lửng lơ rồi nhẹ nhàng biến mất trong tâm trí một số người, đặc biệt là các bậc cha mẹ: Bao lâu rồi ở Việt Nam chưa có một tập thơ chất lượng đúng nghĩa cho trẻ con?.

“Ra vườn nhặt nắng” là món quà dành cho trẻ con; nhưng nó cũng là món quà dành cho người lớn - cho mình, cho bạn và cho tất cả những ai đã từng đi qua thơ dại. Mỗi bài thơ là một câu chuyện vu vơ, một người thân thiết, một trò chơi cũ kỹ... được kể lại bằng giọng thơ trong veo, qua lăng kính của một đứa trẻ, ngô nghê và thú vị. Mà không phải chỉ có thế đâu. Cái chất trẻ thơ đã thấm đẫm vào từng trang sách thơm tho rồi. Cuốn sách chắc sẽ bớt dễ thương đi nhiều lắm nếu thiếu nét chữ viết tay nguệch ngoạc, hay những bức hình minh hoạ đáng yêu, ngộ nghĩnh. Nếu đã lâu bạn chưa ngồi lại để hồi tưởng về tuổi thơ của mình thì đọc “Ra vườn nhặt nắng” đi; biết đâu bạn lại “nhặt” được chính mình đâu đó trong từng dòng thơ - một cô cậu nhóc đang ngồi trên mái nhà vào một ngày mùa hè năm 6 tuổi, nhìn thênh thang về cánh đồng phía xa và mơ tưởng về một tương lai lấp lánh đầy mơ mộng.

Tập thơ - tranh Ra vườn nhặt nắng của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh và Lá Studio chính là sự kết hợp này, sự kết hợp giữa hay và đẹp. Hay – không chỉ ở ngôn ngữ thơ tinh tế, mà còn ở những trong trẻo hồn nhiên. Đẹp – không chỉ ở những ý tưởng lấp lánh, mà còn thể hiện qua hình thức rực rỡ. Có thể nói đây là ấn phẩm mà từng từ ngữ được đọc ra màu sắc và từng nét vẽ được ngắm thành vần điệu. Đơn giản, trẻ con có thể xem thơ mê mải như xem một tranh truyện hấp dẫn. Nhưng vì đó là thơ, nên giá trị từ ngôn ngữ, đặc biệt là thơ tiếng mẹ đẻ, sẽ đem đến tâm hồn trẻ nhỏ những rực rỡ không ngờ. Cũng như vậy đối với tâm hồn trẻ thơ sẵn có bên trong bất kỳ người lớn nào.

36. Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi / Nhiều tác giả - NXB Trẻ.

“Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi” / Nhiều tác giả

Nhằm đem lại những giờ phút giải trí thoải mái và bổ ích cho bạn đọc nhỏ tuổi, NXB Trẻ sẽ tuyển chọn những truyện ngắn đặc sắc của các nhà văn thiếu nhi nổi tiếng trên cả nước để in thành bộ “Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi”gồm 5 tập.

Đây là một quyển sách được các nhà văn có tâm huyết với tuổi thơ trân trọng và tự giới thiệu rõ nét về bản thân mình. Thiết nghĩ, đây cũng là dịp để bạn đọc nhỏ tuổi hiểu rõ hơn về các tác giả mà mình từng đọc và yêu thích. Quyển sách tập trung nhiều thế hệ nhà văn, có người đã nghỉ hưu, có người đang công tác, nhưng tựu trung, đó là những nhà văn đã cống hiến cả đời mình cho thế hệ mai sau. Và qua việc giới thiệu các tác giả, chúng tôi muốn cung cấp cho các em một bộ sưu tập tương đối hoàn chỉnh về các nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Từ các tác giả đó, hy vọng tạo được sự kích thích ở thế hệ trẻ để rồi sẽ xuất hiện những cây bút tương lai tiếp tục sự nghiệp sáng tác và tạo ra được những tác phẩm có giá trị cho nền văn học của nước nhà.

37. Mùi của cố hương / Nguyễn Quốc Vương – NXB Phụ nữ.

“Mùi của cố hương” / Nguyễn Quốc Vương

Cuốn sách tập hợp các bài viết của tác giả Nguyễn Quốc Vương về những kỉ niệm thời thơ ấu ở làng, những niềm vui, nỗi buồn, những trải nghiệm khác nhau ở cố hương. Có thể đó là trải nghiệm của riêng tác giả mà đó cũng có thể là trải nghiệm chung của rất nhiều người, những người có tuổi thơ ở làng quê nhưng sau đó lại phiêu dạt nơi thành phố.

“Mùi Của Cố Hương” tập hợp các bài viết về những kỉ niệm thời thơ ấu ở làng những niềm vui, nỗi buồn, những trải nghiệm khác nhau ở cố hương như: trò nghịch dại, tết của ngày xưa, đom đóm ngậm ngùi .

"Khi bắt đầu nếm trải cuộc sống tha hương, có hai thứ mùi khiến tôi nhớ nhà da diết: Mùi khói bếp và mùi hành." là những lời tâm sự mộc mạc và chân thành của Nguyễn Quốc Vương khi phải học tập ở nơi xứ người. Tác phẩm này dành cho những ai đang tạm xa đất nước thân thương nơi họ ở, hay cả cho những người vốn đã yêu quý những nét đẹp đơn sơ của quê nhà mình.

38. Những truyện hay viết cho thiếu nhi / Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng…- NXB Kim đồng.

“Những truyện hay viết cho thiếu nhi” / Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng

“Những Truyện Hay Viết Cho Thiếu Nhi” là bộ sách gồm 14 cuốn, do NXB Kim Đồng phát hành. Bộ sách tập hợp những tác phẩm hay viết cho thiếu nhi của các nhà văn gạo cội Việt Nam như: Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Phạm Hổ, Nguyên Hồng, Nguyễn Kiên, Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Ma Văn Kháng, Xuân Quỳnh, Nguyên Hương… 

39. Chiếc lược ngà / Nguyễn Quang sáng – NXB Văn hóa văn nghệ.

“Chiếc lược ngà” / Nguyễn Quang sáng

Trong sự nghiệp văn chương, Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn xuất sắc của Việt Nam. Các truyện ngắn của ông giản dị và dễ đi vào lòng người. Nó chứa đựng tất cả các yếu tố để làm nên vẻ đẹp cho một câu chuyện: ngôn ngữ đối thoại, cách dựng truyện, lựa chọn nhân vật… Trong các tác phẩm ấy, ông kể câu chuyện xúc động, thật đến mức giống như không phải ông đang viết văn mà là kể cho chúng ta nghe những câu chuyện của chính cuộc đời của ông vậy".

Nguyễn Quang Sáng viết truyện ngắn "Chiếc lược ngà" vào tháng 9 năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ trong những tháng ngày sôi sục đánh Mĩ.

Truyện kể về ông Sáu, một cán bộ "nằm vùng tại miền Đông'" da diết thương nhớ vợ con, dùng ngà voi làm thành chiếc lược ngà xinh xắn, trước lúc từ thương đã nhờ bạn chiến đấu trao lại chiếc lược ngà cho đứa con gái bé bỏng, yêu thương. Qua đó, tác giả thê hiện tình cha con sâu nặng, tình đồng đội thiết tha trong cảnh ngộ éo le thời chiến tranh, đồng thời ca ngợi truyền thống cách mạng yêu nước của người nông dân Nam Bộ.

40. Chú bé rắc rối / Nguyễn Nhật Ánh – NXB Trẻ.

“Chú bé rắc rối” / Nguyễn Nhật Ánh

1 anh chàng rắc rối + 1 anh chàng rắc rối không kém = 1 cặp đôi "hoàn cảnh" + 1 tình bạn tuyệt vời.

Nghi, một anh chàng tự nhận "lo cho chính bản thân mình còn chưa xong". Và An, một anh chàng bất cần đời "con nhà khá giả, lúc nào tiền bạc cũng rủng rỉnh. Cứ đến giờ ra chơi là thấy nó ngồi ngay ở căn-tin, mồm chóp chép hết món này đến món khác." nhưng lại rất sợ ma. Thế mà hoàn cảnh đẩy đưa khiến hai cậu con trai dường như chẳng có gì dính líu đến nhau phải trở thành đôi bạn "bất đắc dĩ" khi vào năm học mới, Nghi được giao cho một "nhiệm vụ bất khả thi": kèm An học. Những rắc rối cũng bắt đầu nảy sinh từ đây. Sự thông minh của Nghi và sự liều lĩnh của An đã khiến hai chàng trai tự đẩy mình vào những rắc rối của thế giới người lớn.

Với lối viết tự nhiên, cùng những câu thoại, những suy nghĩ trong trẻo nhưng cũng không kém phần tinh nghịch "thứ ba học trò", một lần nữa, nhà văn của tuổi thơ - Nguyễn Nhật Ánh - lại kể ta nghe một câu chuyện thú vị và có phần "rắc rối" về một tình cảm hồn nhiên của tuổi áo trắng: tình bạn.

Cặp đôi "hoàn cảnh" này sẽ ra sao? Những bí ẩn rắc rối mà cả hai vô tình khám phá được là gì? Hãy cùng theo chân đôi bạn "bất đắc dĩ" này bạn nhé.

41. Bi Bi và Mặt Đen thám hiểm vườn cổ tích / Phạm Việt Long – NXB Dân trí.

“Bi Bi và Mặt Đen thám hiểm vườn cổ tích” / Phạm Việt Long

Được coi là bộ truyện cổ tích thời hiện đại, Bi Bi và Mặt Đen gồm năm cuốn: Bỏ bỉm, Mặt Đen tia chớp, Chuồn chuồn cắn rốn, Khám phá rừng thiêng, Thám hiểm vườn cổ tích; với hơn 1000 trang sách của 200 câu chuyện khác nhau xoay quanh hai nhân vật chính là Bi Bi và Mặt Đen trên bốn vùng không gian nghệ thuật: Nông thôn, thành phố, miền núi và vườn cổ tích. Những câu chuyện hấp dẫn, sinh động, pha màu huyền ảo giúp các em thiếu nhi nhận thức tốt hơn về cuộc sống và các kỹ năng sống thông qua giọng văn dí dỏm, gần gũi với tuổi thơ của nhà văn Phạm Việt Long.

1. BỎ BỈM: Gồm 50 truyện, với 211 trang in. Nội dung kể về những hoạt động của nhân vật Bi Bi từ khi ra đời tới khi biết tự đòi bỏ bỉm. Qua tập này, hiện lên hình ảnh một bé gái dù bị sinh non, thiếu cân, nhưng đã có sức vươn lên mạnh mẽ và dần dần trưởng thành. Nhiều câu chuyện thú vị qua hoạt động của bé Bi Bi, từ đóng bỉm, bỏ bỉm, tới ăn uống, đi trường mầm non, xem phim... giúp các bé giải trí mà lại học được những bài học bổ ích về kỹ năng sống.

2. MẶT ĐEN TIA CHỚP: Gồm 52 truyện, với 200 trang in. Có thêm nhân vật Mặt Đen, một chú bé nhà quê mới ra thành thị, nhanh nhẹn, hóm hỉnh và có nhiều đức tính tốt. Bi Bi có chú em kết nghĩa cùng tham gia nhiều hoạt động bổ ích, như vui tết Trung thu, dạo chơi công viên, nuôi chó, xem phim, chơi trò chơi... Qua các hoạt động bình thường đó, bạn đọc được chứng kiến những hành động thể hiện đức tính tốt của hai cháu nhỏ, như biết nhường nhịn, dũng cảm, khéo léo, thương người, và cũng biết khi trẻ em xem Ti vi nhiều quá, lười ăn, sợ tắm... thì người lớn bảo ban thế nào để các cháu vui vẻ, tự giác sửa chữa.

3. CHUỒN CHUỒN CẮN RỐN: Gồm 46 truyện, với 201 trang in. Kể về những ngày sống đầy thú vị của Bi Bi và Mặt Đen ở một vùng quê thanh bình. Có thêm nhiều con vật tham gia câu chuyện, rất sinh động: Con Mực hiền lành, vụng về mà dũng cảm, con Meo Meo nghịch ngợm mà giầu tình thương, con chuột tinh ranh, con trâu điên hung dữ, con dế biết trả ơn người bằng Ngọc Dế... Các em học sinh thành thị sẽ được biết về cuộc sống ở nông thôn, với nhiều cảnh sống đầy thi vị, như bắt cá, chăn trâu, bắt cua, thả diều, tập bơi... và cũng hiểu thêm về những nỗi khổ cực của người nông dân.

4. KHÁM PHÁ RỪNG THIÊNG: Gồm 48 truyện, Với 211 trang in. Lên Hà Giang, Bi Bi và Mặt Đen được khám phá biết bao điều kỳ thú trong những khu rừng đầy bí ẩn. Các cháu được biết đến những điều mà ở thành phố không có, như các loại tiếng động của rừng, lấy tổ ong, săn bắn, những loài hoa ăn thịt, loài đại bàng hung dữ, loài rắn lanh lợi và ác độc, loài chim chiếm tổ đẻ nhờ trứng... Bi Bi và Mặt Đen cũng đã dũng cảm và nhân ái cứu được những con vật hiền lành bị con người hoặc đồng loại hãm hại.

5. THÁM HIỂM VƯỜN CỔ TÍCH: Gồm 43 truyện, với 199 trang in. Hai nhân vật chính lạc vào vườn cổ tích, ở đó các cháu tham gia diễn biến của các câu chuyện cổ tích, trở thành nhân vật mới trong truyện để lái câu chuyện theo hướng hiện đại và nhân văn. Nhờ sự tham gia của Bi Bi và Mặt Đen, nhiều nhân vật tiêu cực trong truyện cổ tích được cứu sống, hối cải, trở thành người tốt.

Bộ truyện được viết với tình yêu thương trẻ nhỏ đằm thắm, với những câu chuyện sinh động, hấp dẫn, vừa thực tế, lại pha mầu huyền ảo, giúp trẻ nhỏ mở rộng trí tưởng tượng, thêm hiểu biết về cuộc sống xung quanh, học được kỹ năng sống, sống theo cách sống tự lực, lành mạnh, thương người, biết nhường nhịn, giúp đỡ người khác. Nghệ thuật kể chuyện vừa hiện thực, vừa huyền ảo, hóm hỉnh, nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ tiếp thu.

Thư viện Trường THCS Hồ Văn Long

Video liên quan

Chủ Đề