Phương pháp thảo luận nhóm ở tiểu học

Lựa chọn vấn đề thảo luận

Trong một môn học có nhiều nội dung, mỗi nội dung có nhiều vấn đề. Giáo viên trước hết phải biết chia nhỏ các nội dung cơ bản thành nhiều vấn đề thảo luận và phân bổ một cách hợp lý qua mỗi buổi học, thậm chí từng tiết học.

Có chủ đề có thể thảo luận ngay ở lớp, có chủ đề GV phải yêu cầu HS chuẩn bị trước ở nhà để vấn đề thảo luận sẽ được mở rộng và đi vào chiều sâu hơn.

Chủ đề thảo luận nên tập trung vào vấn đề chính của bài học. Chủ đề thảo luận cũng có thể bắt đầu từ các luận điểm, các tình huống, câu chuyện nhưng thường được cụ thể hóa qua các câu hỏi chủ chốt. Việc lựa chọn và diễn đạt vấn đề còn phù hợp, không quá đơn giản nhưng cũng không nên quá khó đối với HS.

Tốt nhất nên lựa chọn được vấn đề thảo luận hấp dẫn, dễ chia sẻ, dễ huy động được nhiều ý kiến khác nhau, có tính chất kích thích tính tích cực chủ động làm việc của HS. Lưu ý, câu hỏi thảo luận nên là câu hỏi mở, không bao giờ là một câu hỏi đóng.

Chia nhóm, bố trí chỗ ngồi

Có hàng chục cách chia nhóm khác nhau, như: Chia nhóm ngẫu nhiên, chia theo vị trí ngồi, chia theo danh sách, chia theo đặc điểm chung, chia theo năng lực, chia theo kinh nghiệm, chia theo giới tính, chia theo cùng sở thích, chia qua tình huống, qua trò chơi...

Việc chia nhóm nếu không có kinh nghiệm sẽ tốn khá nhiều thời gian vì một số sinh viên "cố thủ" với nhóm cũ hoặc lại có quá nhiều lựa chọn khác nhau. Khi chia nhóm cần chú ý đến số lượng và trình độ, năng lực của HS. Không chia nhóm này quá đông, nhóm kia quá ít hoặc nhóm này tập trung nhiều sinh viên giỏi, nhóm kia phần đông kém hơn, rụt rè, im lặng...

Nếu lớp không quá nhiều HS, vấn đề thảo luận có những ý kiến trái ngược nhau, tạo sự tranh luận, nên chia thành 2 nhóm.

Mỗi nhóm cần phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ để phân công trách nhiệm cho từng thành viên. Ngoài các thành viên, cơ cấu của nhóm gồm 2 vị trí quan trọng nhất là nhóm trưởng và thư ký. Nếu nhóm trưởng có năng lực, nhiệt tình, có uy tín, kỹ năng điều hành nhóm, được các thành viên tin tưởng, yêu mến, chắc chắn nhóm đó sẽ hoạt động hiệu quả...

Việc bố trí chỗ ngồi cũng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc thảo luận. Nên bố trí các thành viên trong nhóm ngồi quay mặt vào nhau, vị trí ngồi đủ gần để có thể trao đổi, chia sẻ với nhau một cách thuận lợi. Nên có khoảng cách giữa các nhóm để sự trao đổi của các nhóm không bị ảnh hưởng tới nhau.

Giao nhiệm vụ và giới hạn thời gian thảo luận

Trước khi tiến hành thảo luận, GV phải giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng nhóm, phải có hướng dẫn cụ thể và định hướng cách thức thảo luận và trình bày.

Thời gian thảo luận cần được giới hạn và phải tương ứng với nội dung, yêu cầu của vấn đề đặt ra. Thời gian giới hạn phải đủ để sinh viên suy nghĩ, trao đổi. Nếu thời gian quá ít, thảo luận nhóm sẽ sơ sài, không đi vào cốt lõi vấn đề, có thể mang tính đối phó. Nếu thời gian quá dài sẽ tạo sự lơ đãng, phân tán và làm loãng không khí thảo luận.

Giám sát hoạt động thảo luận của từng nhóm

Thời gian các nhóm thảo luận không phải là thời gian nghỉ ngơi hoặc làm việc riêng của giảng viên. Khi HS tiến hành thảo luận, GV chuyển từ vị trí người hướng dẫn sang người giám sát.

Giám sát của GV sẽ tránh được tình trạng một số HS mất tập trung, đứng ngoài cuộc thảo luận.

Trong quá trình thảo luận, có nhóm lúng túng không hiểu rõ yêu cầu của vấn đề cần thảo luận, dẫn đến lạc đề, có nhóm trao đổi sôi nổi nhưng tranh cãi căng thẳng và không đưa ra được quyết định cuối cùng... GV cần quan tâm và kịp thời điều chỉnh.

Trình bày kết quả thảo luận

Khi kết thúc thời gian thảo luận, GV cần yêu cầu các nhóm trình bày kết quả thảo luận với nhiều hình thức phong phú. Nhóm có thể tự cử đại diện hoặc GV yêu cầu ngẫu nhiên bất cứ một HS nào trong nhóm lên thuyết trình.

Tùy từng vấn đề, GV có thể cho các nhóm tham gia phản biện, tương tác lẫn nhau. giữ vai trò là trọng tài làm nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng cuộc phản biện. Giảng viên cần điều khiển khéo léo, tránh sự tranh luận của HS dẫn đến phản bác nhau một cách "thù địch".

Đặc biệt, GV cần sắp xếp thời gian để tất cả các nhóm được trình bày kết quả thảo luận một cách công bằng.

Tổng kết đánh giá

Đây là khâu cuối cùng nhưng khá quan trọng của hoạt động thảo luận. GV phải là người nắm vững tri thức lý luận và thực tế, công tâm, linh hoạt... thì việc đánh giá mới đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác...

GV là người chịu trách nhiệm đánh giá, nhưng trước khi kết luận, có thể yêu cầu các HS tự đánh giá kết quả làm việc của nhóm và các nhóm đánh giá kết quả làm việc của nhau.

GV tổng kết lại các vấn đề đã thảo luận, đánh giá những ý kiến giải quyết mọi câu hỏi của HS xung quanh vấn đề đó. Qua việc kết luận, chốt lại vấn đề sẽ giúp HS nắm bắt, ghi nhớ được nội dung cơ bản, cần thiết.

Việc đánh giá chủ yếu là nội dung đạt được nhưng bên cạnh đó cần đánh giá ý thức, thái độ, năng lực làm việc của HS. GV nên nhận xét cụ thể và khích lệ tinh thần học tập của HS. Khi đánh giá cần có căn cứ, tiêu chí rõ ràng.

Tác giả: Tổ chuyên môn khối 2

Video liên quan

Chủ Đề