Phong cách của người giáo viên

BỒI DƯỠNG VÀ RÈN LUYỆN PHONG CÁCH NHÀ GIÁO

Đọc bài Lưu

Từ xưa đến nay, nghề giáo luôn được xã hội tôn vinh và coi trọng. Bởi nghề giáo có vị trí hết sức quan trọng trong việc đào tạo ra những con người ...

Từ xưa đến nay, nghề giáo luôn được xã hội tôn vinh và coi trọng. Bởi nghề giáo có vị trí hết sức quan trọng trong việc đào tạo ra những con người mới đủ đức, đủ tài phục vụ xã hội. Đối với học sinh, nhất là học sinh Tiểu học, các em luôn xem thầy cô là thần tượng và thường xuyên bắt chước những lời nói, việc làm từ thầy cô. Vì thế, ngoài việc nắm vững chuyên môn thì chúng ta cần phải xây dựng và rèn luyện phong cách nhà giáo. Giáo viên phải có phong cách chuẩn mực thì mới góp phần trong việc định hướng và hình thành nhân cách cho học sinh.

Theo Từ điển Tiếng Việt thì phong cách là những lối, những cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên cái riêng của mỗi người hay một loại người nào đó. Phong cách của mỗi giáo viên đã ổn định. Chúng ta chỉ cần bồi dưỡng và rèn luyện mà thôi. Trong bối cảnh hiện nay, việc bồi dưỡng và rèn luyện phong cách nhà giáo đòi hỏi sự tự giác, sáng tạo. Nói đến phong cách là ta nghĩ đến nét riêng của từng người. Vì thế, ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến những vấn đề thiết yếu.

  1. Hình thức:

Ai trong chúng ta cũng muốn đẹp trong mắt mọi người. Làm đẹp cho mình chính là tôn trọng người đối diện. Học sinh Tiểu học cũng biết nhận xét trang phục thầy cô đẹp hay chưa đẹp. Các em sẽ thích học thầy cô giáo đẹp, gọn gàng hơn nhiều. Đẹp ở đây không có nghĩa là phải điệu đà, chải chuốt, quá chú trọng đến vẻ ngoài mà chỉ cần hình thức chỉnh chu, đầu tóc luôn gọn gàng, sạch sẽ, ăn mặc phù hợp. Điều đó không chỉ làm đẹp cho mình, đẹp trong mắt các em mà còn làm đẹp cho một tập thể và cho xã hội. Đồng thời, nó sẽ tạo cho giáo viên sự tự tin khi lên lớp. Muốn vậy, trước khi lên lớp, giáo viên cần xem xét, chỉnh đốn lại trang phục một lần nữa để tránh có những hạt sạn trong mắt học sinh. Thực tế đã có không ít những hình ảnh không đẹp như tóc rối, quần áo nhàu, dính bẩn, đi nhầm dép dùng ở nhà, Vì vậy chúng ta cần để ý đến những điều này hơn. Tuy nhỏ nhặt nhưng đối với các em là một điều rất quan trọng. Hình ảnh người thầy luôn khắc sâu vào tâm trí các em mỗi khi nhắc đến. Xét về trang phục, các trường có quy định giáo viên cần ăn mặc như thế nào cho phù hợp. Theo thiển ý của tôi, thầy giáo nên mặc âu phục, áo tay dài, mang giày hoặc dép quai hậu, bỏ áo trong quần, có thắt lưng; nữ nên mặc áo dài hoặc comple, đi giày hoặc dép quai hậu. Đó là trang phục đẹp và lịch sự nhất, phù hợp với môi trường sư phạm.

  1. Lề lối làm việc:

Trong thời đại mới, phong cách làm việc khoa học, chủ động, sáng tạo, tích cực là cái mà nhà giáo chúng ta cần trau dồi, rèn giũa. Làm việc phải có phương pháp và nguyên tắc. Không làm đại khái qua loa. Nói đi đôi với làm. Phải có trách nhiệm với công việc của mình, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, tâm huyết với nghề. Vì mục tiêu của chúng ta không chỉ dạy chữ mà còn dạy người. Học sinh tiểu học đang ở độ tuổi hay bắt chước. Vì thế, mỗi việc chúng ta làm đều phải là tấm gương sáng cho các em. Nói như thế không phải khẳng định thầy cô giáo là những người hoàn hảo. Chúng ta vẫn có lúc sai sót nhưng cần phải hạn chế tối đa những khiếm khuyết. Nếu đã mắc phải những sai sót, hãy nhận khuyết điểm và sửa sai. Một phần để hoàn thiện bản thân mình, làm gương trước học sinh, phần khác cũng là để góp phần xây dựng tập thể vững mạnh hơn.

  1. Lời nói, cử chỉ, cách ứng xử:

Hằng ngày, giáo viên đa số tiếp xúc với đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh nên cần phải có lối ứng xử phù hợp. Có như thế mới tạo được mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và gia đình. Đây là mối quan hệ thiết yếu nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện. Hiện nay, một bộ phận giáo viên có lối cư xử chưa chuẩn mực làm ảnh hưởng đến tác phong nhà giáo, dẫn đến phụ huynh và học sinh có những suy nghĩ lệch lạc, mất niểm tin về giáo viên. Mỗi giáo viên chúng ta hãy rèn luyện cho mình lối ứng xử văn hóa trong nhà trường và cả ngoài xã hội. Rèn luyện từ lời ăn tiếng nói đến cách cư xử với mọi người xung quanh. Không phải chỉ ở môi trường trường học mà ngay cả ở gia đình và xóm làng. Không phải chúng ta chỉ cần có lối cư xử phù hợp khi đứng trước đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh mà người giáo viên cần rèn luyện để lối cư xử đó là bền vững. Lời nói nhã nhặn, ôn tồn, thuyết phục; thái độ lịch sự; cử chỉ ân cần. Đặc biệt, giáo viên nên gần gũi với học sinh, đi sâu đi sát từng em nhằm thực hiện tốt công tác giảng dạy của mình, đưa chất lượng giáo dục ngày càng hiệu quả hơn.

Những điều tôi trình bày trên đây đòi hỏi người giáo viên cần bồi dưỡng, rèn luyện suốt đời. Chúng ta hãy luôn phấn đấu để trở thành đội ngũ nhà giáo vững chuyên môn, tâm huyết với nghề, đẹp nhân cách.

Trần Thị Xuân Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Video liên quan

Chủ Đề